Phân tích nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù

Đề bài: Phân tích nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Phân tích nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù


I. Dàn ý Phân tích nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về truyện ngắn Chí Phèo và nhân vật Chí Phèo

2. Thân bài

* Khái quát ngắn gọn nội dung truyện trước khi Chí Phèo ra tù:
- Vì ghen tuông Bá Kiến đã dùng quyền lực để đẩy Chí Phèo vào tù.
- Chí phải ở tù 7-8 năm

* Sự thay đổi và quá trình tha hóa của Chí sau khi ra tù:
- Ngoại hình gớm ghiếc, bặm trợn "Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen và rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm".
- Tính cách: Từ một anh canh điền hiền lành, lương thiện trở thành một kẻ lưu manh, tay sai đắc lực của Bá Kiến chỉ biết rạch mặt, ăn vạ.
--> Trượt dài trong tội ác và men say, Chí trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại => Bị tha hóa cả nhân hình lẫn nhân tính.

* Sự hồi sinh của Chí Phèo:
- Tỉnh dậy sau cơn say, Chí nhận thức được những âm thanh bình dị của cuộc sống, nhớ về ước mơ của một thời trai trẻ "chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải".
- Sợ hãi cuộc sống tuổi già, ốm đau, bệnh tật và sự cô độc.
- Hành động quan tâm và bát cháo hành của Thị Nở đã thức tỉnh con người lương thiện bên trong Chí, hắn muốn sống lương thiện, thèm được làm hòa với mọi người.

* Bi kịch bị từ chối quyền làm người:
- Bà cô Thị Nở phản đối mối quan hệ Chí-Thị
- Chí Phèo đau khổ, tuyệt vọng tìm đến rượu nhưng càng uống càng tỉnh
- Chí đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện, cuối cùng giết chết Bá Kiến và kết liễu sinh mạng của bản thân để giải thoát khỏi bi kịch.
-->  Đây cũng chính là hành động kiến quyết đoạn tuyệt với cuộc sống của một con quỷ dữ, bảo vệ sự lương thiện của bản thân.

3. Kết bài

Cảm nghĩ về nhân vật Chí Phèo.


II. Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù (Chuẩn)

Nam Cao là cây bút hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Ông viết rất nhiều, rất hay về chủ đề người nông dân và người trí thức nghèo trong xã hội phong kiến xưa. Một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của Nam Cao trên văn đàn có thể kể đến là truyện ngắn Chí Phèo. Chí Phèo viết về quá trình tha hóa, thức tỉnh để tìm lại chính mình của Chí Phèo- một "con quỷ dữ làng Vũ Đại". Bằng tấm lòng nhân đạo sâu sắc cùng biệt tài khắc họa tâm lí nhân vật điêu luyện, Nam Cao đã thể hiện rõ nét sự thay đổi của Chí Phèo từ khi ra tù đến khi gặp Thị Nở và cuối cùng là tự sát để bảo vệ sự lương thiện của bản thân.

Chí Phèo vốn là một anh canh điền hiền lành, lương thiện thế nhưng vì sự lẳng lơ của bà Ba và sự ghen tuông mù quáng của Bá Kiến mà Chí phải đi tù. Nhà tù thực dân cướp mất đi hình hài lương thiện, biến Chí trở thành một kẻ lưu manh với bộ dạng gớm ghiếc "Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen và rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm...". Không chỉ bị tha hóa về nhân hình mà tính cách của Chí cũng thay đổi. Không còn là anh canh điền hiền lành của ngày xưa, Chí đã trở thành một kẻ lưu manh đúng nghĩa từ khi Chí trở thành tay sai của Bá Kiến. Cũng kể từ đây cuộc đời Chí trượt dài trong tội lỗi và bi kịch. Chí thường xuyên chìm đắm trong những cơn say, làm công việc đòi thuê, chém mướn, không đòi được nợ hắn rạch mặt, ăn vạ. Những hành động lưu manh, liều lĩnh của Chí Phèo khiến cho người dân làng Vũ Đại khiếp sợ, không ai muốn tiếp xúc với Chí và cứ thế Chí trở thành "con quỷ dữ" bị cả làng khinh ghét.

Những tưởng Chí sẽ sống mãi những ngày tháng tội lỗi với những lần rạch mặt, ăn vạ, trong những cơn say triền miên không bao giờ tỉnh thì Chí đã gặp Thị Nở. Thị là người đàn bà dở hơi, xấu xí, nhà có mả hủi nhưng lại là người đàn bà duy nhất dành cho Chí tình thương, sự quan tâm chân thành mà cả đời này hắn không có được. Sau lần gặp gỡ tình cờ với Thị Nở, buổi sáng hôm sau Chí tỉnh dậy từ cơn say, đây cũng là lần đầu tiên hắn hoàn toàn tỉnh táo. Sự tỉnh táo hiếm hoi giúp Chí nhận thức được những âm thanh quen thuộc của cuộc sống "Tiếng chim hót ngoài khi vui vẻ quá, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng của mấy bà đi chợ về..". m thanh bình dị của cuộc sống đã làm thức dậy trong Chí ước mơ thời trai trẻ về một ngôi nhà nhỏ "chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng". Hóa ra hắn từng là một người lương thiện với ước mơ bình dị, giản đơn đến vậy. Trở về thực tại, Chí bàng hoàng nhận ra mình đã "tới cái dốc bên kia của cuộc đời", hắn sợ hãi về một tương lai già, đói rét, bệnh tật, hơn hết hắn sợ cô độc.

Sự xuất hiện của Thị Nở với bát cháo hành nóng hổi không chỉ mang đến sự xúc động mạnh mẽ khiến mắt Chí "như ươn ướt", bởi chưa có người đàn bà nào thật tâm đối xử tốt với hắn. Đối diện với lời nói và những hành động quan tâm của Thị Nở, Chí như trở về với chính con người thực của mình, hắn muốn làm nũng với Thị như với mẹ. Và lúc này đây Chí cũng thật hiền lành, lương thiện "Ôi sao mà hắn hiền, ai bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người?".

Tình thương nơi Thị đã làm sống dậy phần người, thức tỉnh phần lương tri đã ngủ sâu bên trong Chí. Sự trỗi dậy của lương tri làm Chí muốn trở về cuộc sống lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người, muốn xây dựng một mái ấm bình dị với Thị Nở.

Chí khát khao được trở lại con đường lương thiện, hắn tin rằng Thị Nở sẽ là cầu nối để hắn có thể làm hòa với mọi người. Thế nhưng ước mơ giản dị ấy mãi chẳng thể thành hiện thực khi bà cô Thị Nở phản đối mối quan hệ giữa Chí và Thị. Cánh cửa hi vọng vừa mới hé mở đã bị chặn đứng trước mắt. Quá đau khổ, tuyệt vọng Chí đã tìm đến rượu, hắn muốn uống rượu để quên đi hết những đau khổ trước mắt, thế nhưng càng uống hắn càng tỉnh, cuối cùng "hắn ôm mặt khóc rưng rức". Men rượu làm cho Chí tỉnh táo hơn cả, hắn nhìn nhận được tất cả nguồn cơn của bi kịch, hắn cũng hiểu rằng không thể quay trở lại cuộc đời lương thiện được nữa. Chí đã xách dao đến nhà Bá Kiến để đòi lương thiện, cuối cùng hắn giết chết Bá Kiến và tự kết liễu sự sống của bản thân như một cách để giải thoát mọi bi kịch.

Cái kết đầy đau đớn, xót xa nhưng đó cũng là lựa chọn duy nhất là Chí có thể làm để bảo vệ sự lương thiện của bản thân. Chỉ có giết chết Bá Kiến, giết chết chính bản thân mình thì Chí mới thoát khỏi cuộc sống của con quỷ dữ và bảo vệ được sự lương thiện bên trong mình.

Có thể nói hành trình bị tha hóa và thức tỉnh của Chí Phèo, cuối cùng là cái chết đầy đau đớn cũng chính là số phận nghiệt ngã, đau khổ không chỉ của riêng Chí Phèo mà còn là số phận chung của rất nhiều người nông dân lương thiện trong xã hội xưa. Qua nhân vật Chí Phèo, nhà văn Nam Cao cũng thể hiện niềm tin, sự trân trọng vào sự lương thiện bên trong con người.

--------------------HẾT----------------------

Qua bài phân tích, chúng ta đã thấy được sự thay đổi của Chí Phèo từ từ một anh canh điền hiền lành, lương thiện thành con quỷ dữ làng Vũ Đại và cuối cùng thức tỉnh nhân tính để trở về là một anh Chí khát khao sống lương thiện. Tìm hiểu thêm về số phận và bi kịch trong cuộc đời Chí Phèo, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở, bài văn Phân tích quá trình hồi sinh của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở, Phân tích con đường tha hoá của Chí Phèo, Phân tích tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật Chí Phèo, Ý nghĩa 3 lần Chí Phèo đến nhà Bá Kiến hay bài Phân tích Chí Phèo.....

Trong bài Chí Phèo, tác giả đã khắc họa tính cách nhân vật sau khi ra tù cũng như gặp Thị Nở rất rõ nét. Các em cùng đọc bài văn mẫu Phân tích nhân vật Chí Phèo sau khi ra tù để biết hơn về quá trình tha hóa và thức tỉnh của Chí Phèo từ khi ra tù. Từ đó có thể thấy được bi kịch đầy đau đớn của những người nông dân trong xã hội phong kiến xưa.
Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo từ buổi sáng sau khi gặp Thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời để thấy rõ bi kịch của nhân vật này
Chí Phèo giết Bá Kiến trong trạng thái nào? Tỉnh hay say rượu? Ý nghĩa cái chết của hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến
Phân tích nhân vật Thị Nở
Phân tích bi kịch bị cự tuyệt của Chí Phèo - Văn mẫu lớp 11 hay nhất
Phân tích nhân vật Chí Phèo để làm nổi bật bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.
Hai câu nói cuối cùng của Chí Phèo đã bộc lộ rõ chủ đề của tác phẩm. Hãy phân tích và chứng minh

ĐỌC NHIỀU