1. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương".
- Dẫn dắt đến lời thoại của nhân vật Vũ Nương.
2. Thân bài:
a, Khi tiễn chồng đi lính:
- Không mong công danh vẻ vang, chỉ mong chồng bình yên trở về.
- Cảm thông, thấu hiểu cho những khó khăn nơi chiến trường.
- Nhớ thương, mong ngóng ngày chồng quay về.
=> Lời bộc bạch đầy dịu dàng, yêu thương của người vợ khi tiễn chồng ra trận.
b, Khi bị chồng nghi oan:
- Một mực phân trần, giải thích:
+ Ý thức hoàn cảnh của mình: "vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu".
+ Hết lòng giải thích: "Cách biệt ba năm ... chưa hề bén gót".
+ Mong muốn chồng tin tưởng mình: "Dám xin bày tỏ...nghi oan cho thiếp".
- Đau đớn khi chồng nhất quyết không tin mình:
+ "Nay đã bình rơi trâm gãy [...] lên núi Vọng Phu kia nữa".
+ Gieo mình xuống sông Hoàng Giang: "Kẻ bạc mệnh này...xin ngài chứng giám".
=> Thất vọng đến cùng cực, phải lấy cái chết để chứng minh sự trong sạch của bản thân.
c, Khi gặp Phan Lang:
- Kể lại nỗi oan uổng của bản thân:
+ "Tôi ngày trước không may bị người vu oan, phải gieo mình xuống sông tự tử".
+ "Tôi bị chồng ruồng rẫy, thà già ở chốn làng mây cung nước, chứ còn mặt mũi nào mà về nhìn thấy người ta nữa".
- Bày tỏ lòng biết ơn: "Các nàng tiên...còn đâu mà gặp ông".
- Sau khi nghe lời Phan Lang, nàng cũng đổi giọng mà quả quyết muốn rửa sạch nỗi oan cho mình: "Có lẽ không thể gửi hình ẩn bóng...tất có người tìm về".
=> Trọng ơn nghĩa, đồng thời cũng mong muốn được minh oan.
d, Ở bến Hoàng Giang:
- Nàng chọn ở lại dưới thủy cung -> Trọng ơn nghĩa.
- Bày tỏ tình nghĩa với người chồng.
e, Đánh giá:
- Vũ Nương là người phụ nữ hiền dịu, nết na, hết mực yêu thương chồng con.
- Nàng là người dũng cảm, trọng danh dự.
- Nàng luôn biết ơn ân nhân, là một người sống tình nghĩa.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại cảm nhận về hình tượng nhân vật Vũ Nương được thể hiện qua các câu thoại.
- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.
Lời thoại chính là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công cho tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương". Qua những câu nói của Vũ Nương, người đọc hiểu hơn về số phận và phẩm chất của chính nhân vật. Vốn sinh ra là "con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu", Vũ Nương ý thức rất rõ thân phận của mình. Nhưng hạnh phúc gia đình chẳng được bao lâu thì chồng nàng phải đi lính. Khi tiễn chồng ra trận, nàng nghẹn ngào mà bộc bạch nỗi lòng nhớ thương, thấu hiểu sự khó khăn nơi chiến trường, chỉ mong chồng bình yên trở về. Nhưng sau bao đợi chờ, nàng lại bị chồng nghi oan là thất tiết. Vũ Nương lúc ấy đã hết mực phân trần: "cách biệt ba năm giữ gìn một tiết". Đến khi không thể giải thích được nữa, nàng đành bất lực, tuyệt vọng mà gieo mình xuống sông Hoàng Giang. "Nay đã bình rơi trâm gãy [...] lên núi Vọng Phu kia nữa", "Kẻ bạc mệnh này...xin ngài chứng giám". Qua đó, có thể thấy Vũ Nương đã đau khổ, thất vọng đến cùng cực, phải lấy cái chết để chứng minh sự trong sạch. Dưới thủy cung, sau cuộc trò chuyện với Phan Lang, nàng đã một lần nữa quyết tâm minh oan cho bản thân. Nhưng ở bến Hoàng Giang, khi đã lấy lại sự trong sạch, nàng lại chọn ở lại với Linh Phi - ân nhân của mình. Vậy, qua những câu thoại, có thể thấy Vũ Nương là một người phụ nữ vô cùng dịu dàng, hết mực yêu thương gia đình. Nàng trọng tình nghĩa, trọng danh dự và rất giàu lòng vị tha. Vũ Nương chính là đại diện vô cùng tiêu biểu cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
----------------------------------
Mời em ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm nhiều bài văn mẫu lớp 9 khác nhé: Đoạn văn phân tích chi tiết cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương; Đoạn văn Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương, Đoạn văn phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương....
"Chuyện người con gái Nam Xương" là một tác phẩm mang đến nhiều bài học, thông điệp ý nghĩa. Ở đây, nhân vật chính của truyện - Vũ Nương đã được miêu tả rất rõ nét qua những lời thoại. Từ đó, tác giả đã đem đến cho độc giả câu chuyện về cuộc đời, số phận và vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
Có thể nói Vũ Nương là người phụ nữ vô cùng dịu dàng, nết na. Nàng ý thức rõ về thân phận "con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu" của mình. Vậy nên, người phụ nữ ấy luôn hết lòng với chồng, mẹ chồng, một mực vun đắp cho gia đình. Ấy vậy nhưng hạnh phúc chẳng được bao lâu, Trương Sinh phải đi lính, bỏ lại mẹ già và người vợ trẻ.
Khi tiễn chồng lên đường, Vũ Nương đã có dịp bộc bạch nỗi lòng của mình. Nàng "chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ" mà chỉ cần chồng "mang theo được hai chữ bình yên". Ước mong nhỏ bé đó cho chúng ta cảm nhận được đây là người phụ nữ yêu thương chồng tha thiết. Không chỉ vậy, Vũ Nương còn thể hiện sự thấu hiểu dành cho những khó khăn mà Trương Sinh sẽ phải đối diện trên chiến trường. Đồng thời, cũng bày tỏ lòng nhớ mong cùng sự quan tâm đến người "đầu ấp tay gối": "Nhìn trăng soi thành cũ...thương người đất thú". Qua đó, dễ thấy Vũ Nương không hề ham vinh hoa phú quý. Thứ duy nhất nàng mong cầu chính là một gia đình trọn vẹn, ấm êm. Nàng coi trọng hạnh phúc cũng như sự bình yên, nâng niu tình nghĩa vợ chồng.
Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến đầy những quy tắc, luật lệ hà khắc và bất công, người phụ nữ như Vũ Nương lại phải chịu số phận hẩm hiu. Chỉ vì sự ghen tuông mù quáng, Trương Sinh đã nghi cho vợ là thất tiết, mắng chửi nàng vô cùng thậm tệ. Lúc đó, Vũ Nương phải hết mực phân trần. Nàng nhắc lại hoàn cảnh, thân phận của mình như một cách bày tỏ lòng ơn nghĩa với gia đình nhà chồng. Sau đó là những lời giải thích vô cùng mùi mẫn: "Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguội lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót". Người phụ nữ bất hạnh đó hết lòng khẳng định sự trong sạch của bản thân, chỉ mong chồng lắng nghe và tin tưởng. Nhưng Trương Sinh vẫn không chịu nghe, thậm chí còn đánh đuổi vợ. Bất lực, nàng chỉ còn biết than khóc: "Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan ... đâu còn có thể lên lại núi Vọng Phu kia nữa". Vũ Nương đau đớn lựa chọn cái chết để chứng minh bản thân trong sạch. Không một lời trách móc người chồng đa nghi, nàng chỉ trách phận mình hẩm hiu rồi gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Qua đó, ta cũng thấy được Vũ Nương là một người phụ nữ đức hạnh, trọng danh dự. Nàng thà chết chứ không muốn để bản thân phải chịu tiếng oan thất tiết.
Đoạn thoại tiếp theo của Vũ Nương là với Phan Lang - một người cùng làng có cơ duyên được Linh Phi cứu giúp. Hai người hội ngộ dưới chốn thủy cung, cùng nhau tâm sự. Khi này, Vũ Nương mới có dịp thuật lại nỗi oan khuất của bản thân. Nàng cho rằng bản thân bị chồng ruồng rẫy nên "thà già ở chốn làng mây cung nước, chứ còn mặt mũi nào về nhìn thấy người ta nữa". Tuy vậy, sâu trong lòng nàng vẫn là nỗi nhớ day dứt, khôn nguôi với gia đình, quê hương. Khi nghe Phan Lang nhắc về quê nhà, Vũ Nương đã "ứa nước mắt". Đến cuối cùng, nàng đã quả quyết minh oan cho bản thân: "Có lẽ không thể gửi hình ẩn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Vả chăng ngựa Hồ gầm gió Bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất có người tìm về". Điều này càng chứng minh thêm cho sự thuỷ chung, sắt son của người phụ nữ khi xưa.
Lời thoại cuối cùng của Vũ Nương xuất hiện khi nàng trở về từ chốn thuỷ cung. Lúc này, oan khuất đã được hóa giải. Nàng có thể trở về quây quần bên chồng con, gây dựng lại cuộc sống gia đình hạnh phúc khi xưa. Nhưng không. Lúc này đây, Vũ Nương đã chọn về lại chốn thủy cung bởi: "Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết không bỏ". Và nàng cũng không quên gửi lời yêu thương đến người chồng đã từng "đầu ấp tay gối": "Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa". Vậy có thể thấy, ngoài những đức tính kể trên, ở Vũ Nương còn sáng lên sự ân tình, nghĩa khí.
Với việc miêu tả nhân vật chủ yếu qua hành động, lời nói, tác giả Nguyễn Dữ đã đem đến cho độc giả cảm nhận được hình tượng người phụ nữ thời phong kiến với những phẩm chất tốt đẹp. Vũ Nương là người trọng tình nghĩa, vô cùng thủy chung, son sắt, "một lòng một dạ" với Trương Sinh. Bên cạnh đó, nàng còn là người trọng ơn nghĩa, sống có trước sau. Dù gặp hoàn cảnh khó khăn hay bị đẩy đến đường cùng, nàng vẫn chấp nhận lựa chọn quyên sinh để bảo toàn danh dự. Qua đó, ta lại càng thêm trân trọng và xót thương cho những người phụ nữ tài hoa, đức hạnh trong xã hội phong kiến bị đối xử bất công. Tựu chung lại, qua những lời thoại của nhân vật Vũ Nương, người đọc đã cảm nhận được sâu sắc hơn vẻ đẹp nội tâm của người phụ nữ xưa. Điều này cũng chính là minh chứng cho tài năng kể chuyện và nghệ thuật xây dựng nhân vật đầy lôi cuốn của tác giả.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Việc phân tích lời thoại của nhân vật cũng chính là một cách để độc giả hiểu hơn về nhân vật cũng như những giá trị tốt đẹp mà tác phẩm mang lại. Hy vọng các em đọc bài văn mẫu phân tích lời thoại của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương đã hiểu thể loại văn này cũng như làm bài dễ dàng.