1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Khái quát nội dung khổ 3, 4.
2. Thân bài:
a) Khổ 3: Cảm xúc của tác giả khi vào trong lăng:
- "Bác nằm trong giấc ngủ bình yên: Nói giảm nói tránh để vơi bớt đi nỗi đau rằng Bác đã ra đi. Nhấn mạnh việc Bác vẫn còn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam.
- Hình ảnh ẩn dụ "vầng trăng":
+ Thể hiện một không gian yên bình, ấm áp.
+ Gợi liên tưởng đến ánh trăng quen thuộc trong những sáng tác của Bác.
- Ẩn dụ "trời xanh là mãi mãi": Nhấn mạnh Bác đã hóa thân vào non sông, đất nước.
- "Nhói": Khắc họa nỗi đau quặn thắt khi phải chấp nhận sự thật rằng Bác đã ra đi.
b) Khổ 4: Những ước nguyện chân thành của tác giả:
- "Mai về miền Nam": Lời thông báo về sự việc tác giả sẽ phải rời xa lăng Bác, trở về miền Nam.
- "Thương trào nước mắt": Nỗi buồn thương khi phải rời xa Bác.
- Làm con chim: Để vang lên lời ca yêu Bác mỗi ngày.
- Làm cây tre: Để thể hiện tấm lòng trung hiếu của mình với Bác, với đất nước.
- Làm bông hoa: Tỏa hương thơm ngát cho nơi đây.
- Điệp ngữ "muốn làm": nhấn mạnh khát khao chân thành của nhà thơ.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật ở khổ 3, 4.
"Viếng lăng Bác" là bài thơ xúc động của nhà thơ Viễn Phương viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở câu thơ đầu của khổ ba, nhà thơ sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh "Bác nằm trong giấc ngủ bình yên" để giảm đi sự đau buồn trước việc Bác đã ra đi mãi mãi. Tuy vậy, Bác vẫn còn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. Cả cuộc đời Người đã vất vả lo cho dân, cho nước, mang lại nền hòa bình cho dân tộc và giờ đây có thể nằm trong giấc ngủ yên bình. Hình ảnh "vầng trăng sáng dịu hiền" giúp chúng ta liên tưởng đến thứ ánh sáng thanh khiết, cũng giống như trái tim cao cả của người cha đáng kính. Những câu thơ tiếp theo đã diễn tả nỗi đau đớn của tác giả khi phải đối diện với sự thật Bác đã ra đi. Điều đó được thể hiện qua động từ "nhói" thể hiện sự buồn thương đến cùng cực của nhà thơ. Cảm xúc thì tự an ủi rằng Bác còn sống mãi nhưng lí trí thì biết rằng Bác đã không còn nữa. Vậy ta thấy, khổ thơ thứ ba là tiếng lòng chan chứa những tình cảm dạt dào khôn tả của Viễn Phương dành cho Bác. Khổ thơ thứ tư thể hiện những nguyện ước chân thành của nhà thơ. Tác giả muốn được hóa thân thành con chim, đóa hoa, cây tre để ngày ngày ở bên bầu bạn với Người, tô điểm thêm cho không gian xung quanh lăng. Bằng việc sử dụng điệp ngữ "muốn làm" được lặp đi lặp lại ba lần đã nhấn mạnh những khao khát chân thành của nhà thơ. Qua hai khổ thơ cuối, tác giả đã diễn tả nỗi xúc động nghẹn ngào khi đứng trước lăng Bác.
----------------------------------
Đểhiểu hơn về bài thơ "Viếng lăng Bác" của tác giả Viễn Phương, các em có thể tham khảo thêm các văn mẫu lớp 9 khác như: Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác, Ý nghĩa nhan đề bài thơ Viếng lăng Bác.
Viễn Phương là nhà thơ gắn bó với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thơ của ông giản dị nhưng lại chứa chan cảm xúc sâu lắng, thiết tha. Tiêu biểu cho phong cách sáng tác đó phải kể đến "Viếng lăng Bác". Bài thơ là dòng cảm xúc của tác giả khi ra thăm lăng Bác. Ở khổ thơ thứ ba và bốn, tác giả đã làm nổi bật tâm trạng nghẹn ngào khi được nhìn thấy Bác và ước nguyện chân thành dành cho Người.
Lần đầu tiên gặp Bác, tác giả không khỏi nghẹn ngào:
"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền"
Hai câu thơ đầu gợi lên niềm xúc động của nhà thơ khi đứng trước di hài của Bác. Tác giả sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh: "nằm trong giấc ngủ bình yên". Trước mắt nhà thơ, Bác chỉ giống như đang nằm ngủ sau những giờ làm việc vất vả vì lo cho dân, cho nước. Cách nói như vậy không chỉ giảm bớt sự đau thương, mất mát về việc Bác đã ra đi mà còn như khẳng định rằng Bác sẽ sống mãi trong lòng nhân dân, đồng bào Việt Nam. Đến câu thơ thứ hai, tác giả đã tái hiện không gian trong lăng. Ánh đèn ở trong lăng tỏa ra ánh sáng dịu nhẹ giống như ánh trăng bàng bạc. Lúc này Bác không chỉ giống như mặt trời ấm áp mang lại ánh sáng của độc lập tự do mà còn như vầng trăng dịu hiền, lan tỏa tình yêu thương đến muôn dân. Ở đây, Viễn Phương nhắc đến hình ảnh ánh trăng bởi sinh thời, Bác luôn có trăng là người bạn tri âm, tri kỉ đồng hành trong suốt cuộc đời thơ:"Giữa dòng bàn bạc việc quân/Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền". Trăng vốn là người bạn gắn bó với Bác trong mọi hoàn cảnh. Vầng trăng cũng giống như tấm lòng cao thượng của Bác. Người đã hi sinh cả bản thân mình vì sự nghiệp lớn của đất nước, của dân tộc.
Hai câu thơ phía sau đã diễn tả nỗi xót xa của nhà thơ khi phải đối diện với sự thật:
"Dẫu biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim"
Hình ảnh "trời xanh là mãi mãi" gợi liên tưởng đến sự trường tồn bất diệt, sự lớn lao vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng nỗi đau thì vẫn còn ở đó "mà sao nghe nhói ở trong tim". Cảm xúc thì cho rằng Bác vẫn còn sống mãi nhưng sự thật thì Bác đã ra đi. "Nghe nhói" là nỗi đau quặn thắt, của tác giả khi nghĩ về việc Bác đã rời xa. Như vậy khổ thơ thứ ba đã làm nổi bật những xúc cảm chân thành của Viễn Phương khi đứng trước di hài của Bác.
Khổ thơ thứ tư là cảm xúc của nhà thơ khi phải ra về:
"Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này"
Lúc này, tác giả vẫn đang còn ở bên Bác nhưng đã cảm thấy buồn thương khi nghĩ đến ngày mai phải rời xa. Cụm từ "thương trào nước mắt" đã thể hiện tình cảm mãnh liệt, không muốn chia xa Người. Vào chính lúc đó, tác giả đã có ước nguyện muốn được hóa thân thành những sự vật xung quanh lăng để bầu bạn với Bác. Nhà thơ "muốn làm con chim hót" để mang đến tiếng hót trong trẻo mỗi ngày. Không chỉ vậy, Viễn Phương muốn được làm đóa hoa để tỏa hương thơm ngát điểm tô thêm vẻ đẹp cho lăng. Cuối cùng, nhà thơ ước ao được làm cây tre trung hiếu chốn này để canh gác cho giấc ngủ bình yên của Người. Bằng việc sử dụng điệp ngữ "muốn làm" được điệp lại nhiều lần đã nhấn mạnh khao khát cháy bỏng trong lòng thi nhân. Qua đây, ta cảm nhận được những mong ước của Viễn Phương vô cùng chân thành, xuất phát từ sự kính yêu dành cho Bác. Tình cảm của tác giả cũng chính là của tất cả người dân Việt Nam khi nghĩ về vị cha già kính yêu.
Hai khổ thơ cuối khép lại bài thơ với biết bao cảm xúc chân thành của tác giả. Bằng việc sử dụng những biện pháp tu từ đặc sắc, ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc, Viễn Phương đã bộc lộ tình yêu tha thiết dành cho vị cha già của dân tộc.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi phân tích khổ 3, 4 bài "Viếng lăng Bác", các em cần chú ý những hình ảnh, chi tiết tiêu biểu, để từ đó cảm nhận được ý nghĩa của từng câu thơ để bài văn đầy đủ ý, đạt điểm cao.