Phân tích khổ 2 bài Tràng Giang của Huy Cận

Đề bài: Phân tích khổ 2 bài Tràng Giang của Huy Cận

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Phân tích khổ 2 bài Tràng Giang của Huy Cận


I. Dàn ý Phân tích khổ 2 bài Tràng Giang của Huy Cận (Chuẩn)

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Huy Cận, bài thơ Tràng Giang.
- Dẫn dắt vào khổ thơ thứ hai: Nỗi buồn thấm sâu vào cảnh vật.

2. Thân bài

- Khung cảnh sông nước đìu hiu, quạnh vắng gợi lên sự buồn bã, cô đơn:
+ Cặp từ láy "lơ thơ", "đìu hiu" gợi không gian vắng lặng, cô quạnh.
+ Hình ảnh chợ chiều đã vãn gợi sự buồn tẻ, cô tịch.
=> Không có bóng dáng con người chỉ có cảnh vật với đất trời mênh mông, xa vắng.

- Tâm trạng cô đơn, lạc lõng của tác giả:
+ "trời lên sâu chót vót": thăm thẳm, hun hút khôn cùng, chiều cao trời đất như vô tận.
+ "Sông dài, trời rộng": càng dài rộng bao nhiêu thì càng vắng lặng, cô liêu, lẻ loi bấy nhiêu.
=> Thấm thía nỗi cô đơn, sự nhỏ bé của con người trước không gian rộng lớn của vũ trụ. Nỗi buồn thấm cả vào không gian ba chiều, con người trở nên bé nhỏ, rợn ngợp, lạc loài.

3. Kết bài

Đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật và nêu cảm nhận về khổ thơ.


II. Bài văn mẫu Phân tích khổ 2 bài Tràng Giang của Huy Cận (Chuẩn)

"Tràng Giang" là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận trước cách mạng tháng Tám. Mỗi câu thơ đều thấm đượm nỗi sầu "miên viễn" của tác giả, nỗi buồn nào cũng được gợi lên bằng sự đối lập giữa không gian mênh mông cao rộng và cái bé nhỏ mong manh. Tác giả không có ý định khắc họa một bức tranh đầy đủ vì thế ở mỗi khổ thơ người đọc đều có ấn tượng về nỗi buồn trải dài theo không gian và thời gian của nhà thơ. Đặc biệt trong khổ thơ thứ hai, ta cảm nhận rõ nỗi buồn của Huy Cận đang thấm sâu vào cảnh vật.

"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu."

Tràng Giang được Huy Cận sáng tác vào một buổi chiều tà, khi ngồi ở bến Chèm ngắm cảnh sông nước mênh mang, buồn vắng. Giữa không gian "tràng giang" dài, rộng nổi lên một gò đất cát nổi cao ở giữa sông. Cặp từ láy "lơ thơ" và đìu hiu" đã đặc tả khung cảnh vắng lặng, hiu quạnh, xa vắng, ẩn chứa trong đó là sự buồn bã, cô đơn, lẻ loi. Sự đơn độc, lạc lõng của con người giữa cuộc đời cũng giống như cồn nhỏ trơ trọi giữa dòng sông dài rộng mênh mông, xung quanh toàn là sóng nước. Câu thơ "Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều" có thể hiểu theo hai cách, một là ở đâu đó phía xa có tiếng chợ chiều đã vãn, hai là không có tiếng chợ chiều đã vãn. Chợ chiều ở quê xưa luôn mang một nét đặc trưng đó là sự buồn tẻ, nhạt nhẽo, vô vị, không hề có sự nhộn nhịp, náo nhiệt hay hào hứng như chợ vào buổi sáng. Thời điểm sắp kết thúc một ngày đã mang lại cảm giác gì đó tiếc nuối, hụt hẫng, mọi hoạt động sống ban ngày đang dần kết thúc. Ấy vậy mà ngay cả tiếng chợ chiều đã vãn cũng không còn, tất cả như quay lưng lại với không gian, ôm mình trong vắng lặng, cô tịch. Không chỉ trong khổ thơ thứ hai này mà hầu như trong cả bài thơ Tràng Giang của Huy Cận, dù cố gắng tìm kiếm nhưng ông lại bất lực trong việc tìm ra bóng dáng sự sống của con người. Ở khổ thơ này không có tiếng chợ chiều, khổ thơ thứ ba thì không một chuyến đò và không một cây cầu. Bức tranh cuộc sống khi ấy chỉ còn là cảnh vật với trời đất mênh mông, xa vắng và nỗi buồn thấm đẫm.

"Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu."

Bên trên là những câu thơ có giá trị tạo hình đặc sắc, nếu như hai câu thơ trên, không gian đã mênh mông rợn ngợp thì đến đây không gian lại càng được rộng mở hơn, đẩy cao hơn, sâu hơn. Chiều sâu chót vót của bầu trời khiến người đọc ấn tượng với độ sâu thăm thẳm hun hút khôn cùng dường như vô tận. Giữa sông dài, trời rộng chỉ có bến nhỏ cô liêu chứng tỏ rằng, dù sông nước, trời đất có dài rộng bao nhiêu thì càng khiến cho cảnh thêm vắng lặng, cô liêu, lẻ loi bấy nhiêu. Nỗi buồn của con người khi ấy thấm đượm vào không gian ba chiều, con người thật bé nhỏ, rợn ngợp giữa trời đất bao la, rộng lớn, vĩnh hằng. Cuộc đời như một bến cô liêu, trơ trọi, vắng vẻ, lạc loài giữa cái mênh mông sông nước, trời đất.

Khổ thơ thứ hai kết thúc nhưng âm điệu trầm buồn vẫn dư vang và sâu lắng, điều đó thể hiện rằng nỗi buồn đã ngấm sâu trong lòng tạo vật và tâm hồn nhà thơ. Nhịp điệu và thanh điệu thể thơ thất ngôn chất chữa nỗi sầu mênh mang, trôi chảy triền miên. Khổ thơ gợi lên cho người đọc một nỗi buồn man mác và những suy nghĩ, chiêm nghiệm về nỗi cô đơn của con người giữa cuộc đời rộng lớn.

-------------------HẾT---------------------

Bên cạnh bài Phân tích khổ 2 bài Tràng giang của Huy Cận, các em có thể tham khảo các bài sau để củng cố kiến thức của mình như: Phân tích hai khổ đầu bài Tràng Giang, Phân tích cái tôi trữ tình trong bài Tràng giang, Phân tích cái tôi trữ tình trong bài Tràng giang, Phân tích ý nghĩa nhan đề bài Tràng Giang.

Bài Phân tích khổ 2 bài Tràng Giang của Huy Cận sẽ giúp các em cảm nhận được khung cảnh tràng giang vắng vẻ, tịch liêu và tâm trạng cô đơn, lạc lõng của người thi nhân khi đứng trước thiên nhiên rộng lớn.
Bức tranh Tràng giang và nỗi niềm của Huy Cận
Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang
Dàn ý Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang
Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận
Dàn ý Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận
Phân tích ý nghĩa nhan đề bài Tràng Giang

ĐỌC NHIỀU