Đề bài: Phân tích hình tượng đầu súng trăng treo trong Đồng chí và hình ảnh ánh trăng trong Ánh trăng
Phân tích hình tượng đầu súng trăng treo trong Đồng chí và hình ảnh ánh trăng trong Ánh trăng
Bài làm:
Ánh trăng luôn hấp dẫn con người bởi sự bình dị và rất đỗi thân thương. Cũng chính bởi vậy mà nó luôn là cảm hứng vô tận của những nhà thơ, nhà văn. Ánh trăng sáng vằng vặc rọi chiếu vào tâm hồn thi sĩ những tình cảm ngọt ngào, dung dị và mang những giá trị biểu tượng sâu sắc. Trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và Ánh trăng của Nguyễn Duy, hình ảnh vầng trăng cũng đi vào từng dòng thơ một cách nhẹ nhàng và rất đỗi tự nhiên như thế.
" Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng, trăng treo"
Tình đồng chí chân thành, mộc mạc của những người lính ra đi vì lí tưởng chiến đấu giành độc lập, dân tộc, từ những vùng đất nghèo khô cằn sỏi đá. Họ sống và chiến đấu bên nhau, cùng nhau sẻ chia đắng cay, ngọt bùi. Giữa cạnh rừng hoang vu đầy khó khăn nguy hiểm, tình đồng chí lại càng bền chặt và gắn kết hơn. Hình ảnh đầu súng hướng về ánh trăng đậm chất hiện thực mà cũng rất đỗi trữ tình và lãng mạn. Có nét gì đó thơ mộng nơi chiến trận hiểm nguy. Súng biểu tượng cho hiện thực chiến tranh, cho bom đạn kẻ thù, chiến tranh vẫn đầy rẫy hiểm nguy bủa giăng người chiến sĩ. Hình ảnh vầng trăng biểu tượng cho sự đẹp đẽ, đậm chất thơ và khát vọng hòa bình. Giữa sự khắc nghiệt của hiện thực chiến tranh, người chiến sĩ vẫn mở rộng tâm hồn mình đón nhận vẻ đẹp của ánh trăng, vẻ đẹp của thiên nhiên. Dường như, trong trái tim mỗi người lính vẫn hướng về một ánh trăng tròn viên mãn, ngày mà đất nước được độc lập, khi mà bầu trời được yên bình không còn khói bụi của chiến tranh.
Ánh trăng và đầu súng song hành với nhau như tình đồng chí vậy, tạo nên sự hài hoà về chất chiến sĩ và thi sĩ trong lòng người lính. Đó là một nét đẹp đầy mới mẻ. Trong gian khổ người lính vẫn tìm thấy những vẻ đẹp bình dị nhất. Vầng trăng giờ đây trở thành khát vọng, lí tưởng và niềm tin của người chiến sĩ để vững tâm thực hiện nhiệm vụ của mình. Súng và trăng là tình đồng chí, là tình thân như hai mà một - cứng rắn mà dịu dàng, thực tại và lãng mạn, ý chí và lí tưởng.
Đến với thơ Nguyễn Duy, vầng trăng cũng mang đầy dấu ấn và tính triết lí sâu sắc. Vầng trăng đã gắn liền với tác giả trong suốt những năm tháng của cuộc đời. Đó là vầng trăng cùng với những ngày tháng tuổi thơ êm đềm bên chị Hằng, chú cuội, là vầng trăng của những đêm rằm Trung thu toả sáng một khoảng trời. Vầng trăng cũng đã cùng tác giả bước qua những ngày tháng chiến tranh oanh liệt, nơi chiến trận xa gia đình và người thân, ánh trăng thở thành người bạn tri kỉ soi sáng mọi bước đường của cuộc chiến đấu gian khổ. Trăng trở nên đẹp đẽ và gắn bó với tác giả biết bao. Vẻ đẹp của vầng trăng thiên nhiên đã gợi nên trong tác giả những tình cảm gần gũi và ngọt ngào, trăng song hành với thiên nhiên và con người một cách hồn nhiên, chẳng màng lo toan tính toán. Cũng bởi vậy mà trong lòng tác giả lúc này dành cho vầng trăng ấy một vị trí đặc biệt, một tình cảm rất đáng trân trọng, ngỡ mãi mãi cũng chẳng thể nào phải dấu đi hình ảnh ấy.
"Ngỡ không bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa"
Nhưng, khi hoà bình lập lại, khi mà cuộc sống hiện đại với những đèn điện, với những trang thiết bị tiện nghi hơn thì tình cảm ấy trong tác giả nhạt phai đi hay thậm chí chìm vào quên lãng. Ánh trăng như một "người dưng" đã từng gặp gỡ. Và có lẽ cũng bởi vậy, khi đèn điện tắt, cánh cửa sổ được mở ra chào đón ánh sáng của vầng trăng tròn vành vạnh cũng là lúc tác giả giật mình thổn thức. Bao nhiêu quá khứ nghĩa tình với vầng trăng dường như hiện ra trước mắt, tuổi thơ ùa về, những năm tháng chiến đấu bên vầng trăng ùa về, người bạn tri kỉ trước mắt ấy khiến tác giả bất ngờ, hoảng hốt và ân hận.
"Ngửa mặt lên nhìn mặt
Có cái gì rưng rưng
Như là sông là bể
Như là sông là rừng"
Trăng vẫn cứ như vậy, âm thầm lặng lẽ dõi theo ta mỗi bước đường. Chẳng trách móc nhưng vẫn khiến lòng người phải thổn thức nghĩ suy: "Trăng cứ tròn vành vạnh
Kẻ chỉ người vô hình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình"
Vầng trăng mang nhiều tầng nghĩa, chứa đựng những giá trị triết lí sâu sắc. Nó không chỉ là một vầng trăng đơn thuần giữa bầu trời đêm mà gợi cho chúng ta về đạo lí sống ở đời, hãy sống ân nghĩa thủy chung với quá khứ, đừn vì những thứ mới mẻ mà vọi quên đi quá khứ nghĩa tình.
Cả Chính Hữu và Nguyễn Duy đều viết về hình ảnh ánh trăng. Tuy cách biểu đạt và tư tưởng có phần khác nhau nhưng đều ca ngợi những vẻ đẹp ẩn sau vẻ bình dị của vầng trăng.
-------------------HẾT-----------------
Bài thơ Đồng chí là tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Chính Hữu, bên cạnh bài làm văn Phân tích hình tượng đầu súng trăng treo trong Đồng chí và hình ảnh ánh trăng trong Ánh trăng, học sinh và giáo viên tham khảo các bài làm văn mẫu như Cảm nghĩ về bài Đồng chí, Suy nghĩ của em về tình đồng chí đồng đội trong bài thơ Đồng chí, Cảm nhận về bài thơ Đồng chí, Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, hay cả những phần Soạn bài Đồng Chí.