Đề bài: Phân tích hình ảnh Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng
Phân tích hình ảnh Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng
1. Mở bài
Giới thiệu chung về đoạn trích Chí khí anh hùng và nhân vật Từ Hải.
2. Thân bài
a. Từ Hải-vẻ đẹp của một con người có hoài bão
- Hoàn cảnh lên đường của Từ Hải:
+ "nửa năm hương lửa đương nồng": cuộc sống phu thê đang ấm êm.
+ "động lòng bốn phương": nuôi chí lớn bốn phương.
+ "Trượng phu": bậc quân tử, có khát vọng.
+ "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong": thái độ dứt khoát, hành động ngạo nghễ, tự tin.
b. Từ Hải- một người chồng rất mực thấu hiểu, thủy chung:
- Hải khéo léo từ chối lời đề nghị xin theo của Kiểu.
- " Tâm phúc tương đi": lời khẳng định về tình cảm phu thê mặn nồng, tri kỉ.
- Từ Hải mong Kiều có thể mạnh mẽ, rủ bỏ được những mong muốn của phận nữ nhi thường tình xứng đáng là tri kỉ của đấng trượng phu.
- Từ Hải sợ Kiều đi theo sẽ thêm bận lòng, vất vả.
- Lời hứa: "một năm"- "rước nàng nghi gia"=> thủy chung, trân trọng người mình yêu.
c. Từ Hải- một người anh hùng tự tin, bản lĩnh:
- Những hình ảnh vinh quy như "mười vạn tinh binh", "bóng tinh rợp đất', "tiếng chiêng rợp đường" đã vẽ nên một khung cảnh hào hùng, vinh quang trong chiến trận.
- Hai câu thơ cuối khắc họa hình ảnh ra đi đầy đẹp đẽ của người anh hùng:
+ Những động từ mạnh "quyết", "dứt" cùng hành động "ra đi" càng thể hiện rõ sự quyết tâm, hành động dứt khoát của Từ Hải.
+ Hình ảnh tượng trưng "cánh chim bằng": chàng như cánh chim bằng cưỡi gió vượt mây, vươn ra biển lớn để chinh phục tầm cao của khát vọng, lý tưởng, hoài bão ấp ủ một đời.
3. Kết bài
Khẳng định lại vẻ đẹp của nhân vật và ước mơ tác giả gửi gắm qua nhân vật.
Đoạn trích Chí khí anh hùng đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp, lí tưởng của người anh hùng "đầu đội trời, chân đạp đất" Từ Hải. Bằng bút pháp ước lệ tượng trưng cùng những miêu tả tinh tế, đại thi hào Nguyễn Du đã mang đến cho người đọc những ấn tượng sâu sắc về nhân vật qua đoạn trích "Chí khí anh hùng".
Trước đó, khi được tập trung miêu tả trong đoạn trích "Chí khí anh hùng" , Nguyễn Du đã cho gợi mở cho người đọc những ấn tượng đầu tiên về Từ Hải với vẻ đẹp nổi bật về ngoại hình:
"Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm thước rộng thân mười thước cao"
Không chỉ nổi bật về khí chất bên ngoài, Từ Hải còn mang những nét đẹp về phẩm chất của một người anh hùng trong thiên hạ. Đầu tiên, có thể ấy ở chàng là một người có hoài bão, khát vọng cao đẹp:
"Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong".
Mở đầu đoạn trích tác giả gợi ra hoàn cảnh lên đường của Từ Hải. Giữa lúc cuộc sống phu thê đang ấm êm, thời gian Từ và Kiều bên nhau cũng vừa tròn nửa năm thì chàng quyết định dứt áo ra đi vì "động lòng bốn phương". Người ta thường bảo "Anh hùng khó qua ải mỹ nhân", khi đang sống trong sự vui vầy, người ta cũng sẽ khó lòng mà dứt bỏ hạnh phúc riêng tư theo tiếng gọi của lý tưởng. Nhưng với Từ Hải thì khác, sâu trong trái tim là một khát khao lập công cháy bỏng. Những khát vọng âm ỉ cháy trong Từ bấy lâu nay quyết định thực hiện trong phút chốc, đây có lẽ là cơ hội, thời điểm tốt nhất để Từ thực hiện chí hướng của mình. Quyết là làm, Từ Hải lên đường không chút ngần ngại hay chút do dự nào. Thái độ dứt khoát cùng hình ảnh "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong" cho thấy hành động đầy tự tin, ngạo nghễ với cặp mắt hướng về phía trước, nhìn về chiến thắng của người anh hùng.
Giữa không gian vũ trụ rộng lớn được gợi ra bằng các cụm danh từ như "bốn phương" , "trời bể", Từ Hải một mình một ngựa lên đường, làm chủ không gian, đất trời tuy rộng lớn nhưng con người không hề nhỏ bé mà trái lại vô cùng ngạo nghễ với tư thể đầy bản lĩnh , tự tin.
Qua cuộc đối thoại với Thúy Kiều, Từ Hải càng thể hiện phẩm chất của một đấng nam nhi, không chỉ là một anh hùng trong thiên hạ mà còn là một đấng phu quân mẫu mực, hết lòng với người đầu ấp tay kề. Trước những mong cầu được đi cùng mình của Kiều, Hải đã khéo léo từ chối, giãi bày để Kiều bớt đi phần nào băn khoăn, lo lắng:
"Từ rằng: Tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình."
"Tâm phúc tương đi"- lời khẳng định chắc chắn về tình cảm phu thê mặn nồng, tri kỉ. Sau đó, Từ mong Kiều có thể mạnh mẽ, rũ bỏ được những mong muốn của phận nữ nhi thường tình để cùng chàng nuôi chí lớn. Những lời giãi bày của Từ Hải vừa chân tình, thấu hiểu lại vừa thể hiện được quyết tâm gây dựng nghiệp lớn nơi chàng. Là một người nhìn xa trông rộng, hơn ai hết Hải đã dự định trước những khó khăn mà mình phải đối mặt, vì vậy mà chàng không muốn Kiều theo. Sợ nàng sẽ nhọc lòng lo lắng:
"Bằng nay bốn bể không nhà
Theo càng thêm bận biết là đi đâu"
Cảm nhận được sự bối rối và ánh mắt đầy lắng lo của Kiều, Từ Hải tiếp tục trấn an nàng bằng những hứa hẹn đầy tự tin:
"Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia."
Đằng sau những lời nói ấy là một quyết tâm cao để dành được chiến thắng ngày trở về. Những hình ảnh vinh quy như "mười vạn tinh binh", "bóng tinh rợp đất', "tiếng chiêng rợp đường" đã vẽ nên một khung cảnh hào hùng, vinh quang trong chiến trận. Đó cũng là lúc Từ Hải "rước nàng nghi gia", thỏa khát vọng phi thường, lập nên sự nghiệp vẻ vang muôn đời, mãn nguyện để cùng Kiều hưởng hạnh phúc ấm êm. Chí lớn của Từ Hải khiến ta liên tưởng đến những câu thơ năm nào của Nguyễn công Trứ:
"Chí làm trai Nam - Bắc - Tây -Đông
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể"
Hai câu thơ cuối đoạn trích một lần nữa khắc họa hình ảnh ra đi đầy đẹp đẽ của người anh hùng:
"Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi"
Những động từ mạnh "quyết", "dứt", cùng hành động "ra đi" càng thể hiện rõ sự kiên quyết, mạnh mẽ của Từ. Lời nói đi đôi với hành động, chàng như cánh chim bằng cưỡi gió vượt mây, vươn ra biển lớn để chinh phục tầm cao của khát vọng, lý tưởng, hoài bão ấp ủ một đời.
Bằng thể thơ lục bát quen thuộc, cùng việc kết hợp các biện pháp nghệ thuật như ẩn dụ, hoán dụ, bút pháp ước lệ tượng trưng, Nguyễn Du đã khắc họa thành công vẻ đẹp nhân vật Từ Hải. Qua đó, gửi gắm ước mơ cao đẹp, đầy tính nhân văn về một xã hội công bằng, công lý với nhân tài, anh kiệt.
------------------HẾT------------------
Ngoài ra, các em có thể đọc tham khảo những bài văn mẫu hay Phân tích hình tượng anh hùng Từ Hải trong Chí khí anh hùng, Phân tích khát vọng và lí tưởng anh hùng của Từ Hải qua đoạn trích Chí khí anh hùng, Phân tích đoạn trích Chí khí anh hùng, Cảm nhận về đoạn Chí khí anh hùngđể học hỏi thêm kinh nghiệm làm văn nhé! Chúc các em học tốt !