Phân tích Dục Thúy sơn của Nguyễn Trãi, bài văn mẫu siêu hay, ngắn gọn

Đề bài: Phân tích Dục Thúy sơn của Nguyễn Trãi

Phân tích bài thơ Dục Thúy sơn hay nhất của Nguyễn Trãi
 

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
  1. Bài mẫu số 1.
  2. Bài mẫu số 2.
  3. Bài mẫu số 3.


I. Dàn ý Phân tích Dục Thúy sơn của Nguyễn Trãi

1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
2. Thân bài:
2.1. Vẻ đẹp núi Dục Thúy:
- "Tiên san": khẳng định núi Dục Thúy chính là ngọn núi tiên.
- Hình ảnh ẩn dụ "liên hoa phù thủy thượng" độc đáo: ví dáng núi ngọn núi giống như đóa hoa sen thanh cao nổi trên mặt nước.
- Từ "tiên cảnh": gợi tả vẻ đẹp huyền diệu, lung linh nơi cõi tiên, "trụy trần gian": rơi xuống dương thế. -> khéo léo nhấn mạnh cảnh sắc ở Dục Thúy giống như cõi tiên từ trời cao rơi xuống trần gian.
- "Tháp ảnh": bóng của ngọn tháp trên núi phản chiếu xuống mặt nước, "trâm thanh ngọc": chiếc trâm ngọc xanh. -> So sánh bóng tháp soi xuống sóng nước giống như chiếc trâm cài tóc của người thiếu nữ. -> cách liên tưởng mới lạ.
- "Ba quang": ánh sáng của dòng nước, "thúy hoàn": mái tóc xanh -> Ví hình ảnh phản chiếu của ngọn núi trên sóng nước như đang soi chiếu mái tóc biếc.
2.2. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi:
- "Hữu hoài": tấm lòng nhớ thương, hoài niệm tới cố nhân - Trương Thiếu bảo.
- "Bi khắc": bia khắc văn thơ, "tiển hoa ban": lốm đốm rêu -> nhìn tấm bia khắc chữ của người xưa nay đã lốm đốm rêu, thi sĩ lại bùi ngùi nhớ về vị danh sĩ đời Trần.
-> Tâm trạng hoài cổ cùng tấm lòng "uống nước nhớ nguồn" của thi nhân.
2.3. Đặc sắc nghệ thuật:
- Sử dụng thành công các biện pháp tu từ: ẩn dụ, so sánh.
- Giọng thơ nhịp nhàng.
- Hình ảnh thơ mĩ lệ.
3. Kết bài:
- Khẳng định giá trị bài thơ, vẻ đẹp tâm hồn và tài năng nghệ thuật của Nguyễn Trãi.

Bài văn mẫu Phân tích bài Dục Thúy sơn hay của học sinh giỏi
 

II. Bài văn mẫu Phân tích Dục Thúy sơn của Nguyễn Trãi ngắn gọn


1. Phân tích, đánh giá Dục Thúy Sơn hay nhất

Tình yêu thiên nhiên là nguồn cảm hứng thường thấy trong các sáng tác của Nguyễn Trãi. Phía sau mỗi bức tranh thiên nhiên, thi sĩ thường khéo léo bày tỏ nỗi niềm suy tư, trăn trở về cuộc đời, thế sự. Điều này được thể hiện rõ nét qua tác phẩm "Dục Thúy sơn". Bài thơ được viết bằng chữ Hán, theo thể ngũ ngôn luật thi đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm cho bạn đọc bởi cảnh sắc nên thơ, trữ tình.

Trước hết, Nguyễn Trãi khéo léo nhắc tới vị trí tọa lạc của núi Dục Thúy:

"Hải khẩu hữu tiên san"

("Cửa biển có non tiên")

Cụm từ "tiên san" gợi ra hình ảnh ngọn núi tiên gần ngay cửa biển "hải khẩu". Dù đã ghé thăm nhiều lần "tiền niên lũ vãng hoàn" nhưng thi sĩ vẫn cảm thấy nơi đây đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Vẻ đẹp ấy được tạo nên bởi những hình ảnh vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng.

Ngắm nhìn cảnh sắc tươi đẹp ở nơi đây, con người không khỏi say đắm:

"Liên hoa phù thủy thượng;

Tiên cảnh trụy trần gian."

Qua quan sát, cảm nhận, thi nhân tưởng tượng dáng núi giống như bông hoa sen thanh khiết đang nở rộ giữa dòng nước trong xanh. Hình ảnh ẩn dụ "liên hoa phù thủy thượng" đã cho thấy đây là một liên tưởng, so sánh thú vị và mới lạ. Sen tượng trưng cho vẻ đẹp giản dị, trong sáng. Ví dáng núi như hoa sen, Ức Trai muốn tô đậm sự thuần khiết, tươi đẹp của núi non, sông nước nơi đây. Đến với câu thơ tiếp theo, nhà thơ tiếp tục đưa ra lời khẳng định về cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Chữ "tiên" một lần nữa được sử dụng nhằm nhấn mạnh vào vẻ đẹp huyền diệu, lung linh như chốn tiên cảnh của núi Dục Thúy. Đứng trước cảnh tượng ấy, con người cứ ngỡ đây là "cõi tiên rơi xuống trần gian".

Có thể thấy, bức tranh thiên nhiên trong bốn câu thơ đầu được thi sĩ miêu tả thông qua điểm nhìn từ xa, tầm bao quát rộng. Bức tranh ấy nhuốm màu sắc của tiên giới - huyền ảo, diệu kì.

Đến với những câu thơ tiếp theo, khung cảnh núi Dục Thúy hiện ra vô cùng chân thực, rõ nét:

"Tháp ảnh trâm thanh ngọc;

Ba quang kính thúy hoàn."

Trong bài thơ "Dục Thúy sơn", Trương Hán Siêu từng viết "Trung lưu quang tháp ảnh," ("Lòng sông in bóng tháp"). Nếu như Trương Hán Siêu chỉ đơn thuần miêu tả hình ảnh ngọn tháp in bóng lên dòng nước thì Nguyễn Trãi lại mang đến sự sáng tạo độc đáo. Ông ví bóng tháp trên mặt nước giống như chiếc trâm cài tóc của người thiếu nữ. Chiếc trâm ấy được làm từ ngọc và có màu xanh. Khi xưa, các thi nhân thường lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để gợi tả nét đẹp của con người. Đến với "Dục Thúy sơn", Nguyễn Trãi lại lấy nét đẹp đằm thắm, duyên dáng của người con gái để hình dung dáng núi soi bóng trên sóng biếc. Đây quả là một hình ảnh so sánh rất hiện đại và đặc biệt. Sự liên tưởng và bút pháp mới lạ tiếp tục được thể hiện thông qua dòng thơ "Ba quang kính thúy hoàn". Giờ đây, ánh sáng dòng nước như đang soi chiếu mái tóc xanh biếc. Như vậy, thi sĩ không chỉ cảm nhận thiên nhiên qua đôi mắt tinh tường mà còn bằng trái tim, tấm lòng đong đầy tình yêu. Nhờ đó, cảnh vật càng trở nên có hồn.

Tương tự bao sáng tác khác, hai câu thơ cuối chính là dòng tâm trạng, những suy ngẫm của nhà thơ:

"Hữu hoài Trương Thiếu bảo;

Bi khắc tiển hoa ban."

Trong khoảnh khắc ngắm nhìn núi Dục Thúy, Nguyễn Trãi vẫn không quên hướng tấm lòng nhớ thương, hoài niệm tới cố nhân - Trương Thiếu bảo. Nhìn tấm bia khắc chữ của người xưa nay đã lốm đốm rêu, thi sĩ lại bùi ngùi nhớ về vị danh sĩ đời Trần, được nhiều vị vua trọng dụng. Lời thơ chậm rãi, ngôn ngữ cô đọng đã góp phần lột tả nỗi niềm nhớ tiếc sâu lắng mênh mông. Dù vật đổi sao trời, nước sông kia dâng rồi lại xuống, đất nước trải qua bao biến cố, thăng trầm nhưng dưới làn rêu xanh, những nét chữ trên bia đá vẫn vẹn nguyên giá trị. Qua hai câu thơ ngắn gọn, ta cảm nhận được tấm lòng "uống nước nhớ nguồn" cao đẹp của một con người có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế như Nguyễn Trãi.

Bằng hình ảnh mĩ lệ, giàu sức gợi, giọng thơ nhịp nhàng cùng các biện pháp tu từ như so sánh "Tháp ảnh trâm thanh ngọc;/ Ba quang kính thúy hoàn.", ẩn dụ "liên hoa phù thủy thượng", nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh đẹp đẽ về núi Dục Thúy. Đồng thời, khéo léo bộc lộ suy tư về con người, lịch sử và dân tộc.

"Dục Thúy sơn" chính là một sáng tác tuyệt vời của Nguyễn Trãi - con người yêu thiên nhiên, yêu đất nước da diết. Bài thơ khiến chúng ta không quên hình ảnh núi Dục Thúy vừa kì vĩ, vừa thơ mộng cùng tấm lòng "uống nước nhớ nguồn" cao quý mà thi sĩ gửi tới người xưa.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - 

Để hiểu rõ hơn về tác phẩm Dục Thúy sơn, em có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 10 khác: Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Dục Thúy sơn, bài văn mẫu Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Dục Thúy sơn hay bài Phân tích một nét đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong Dục Thúy sơn này nhé.


2. Phân tích Dục Thúy sơn của Nguyễn Trãi, top bài mẫu hay nhất - mẫu số 2:

Thiên nhiên là đề tài thường thấy trong các sáng tác của Nguyễn Trãi. Thi nhân viết về đề tài này bằng tấm lòng yêu mến, trân trọng cùng tâm hồn thi vị, cao đẹp. Điều này được thể hiện rất rõ qua thi phẩm "Dục Thúy sơn". Hình ảnh núi Dục Thúy - ngọn núi tiên đã để lại ấn tượng sâu đậm cho bạn đọc nhiều thế hệ.

Nguyễn Trãi đã nhìn nhận, đánh giá núi Dục Thúy đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh:

"Hải khẩu hữu tiên san;
Tiền niên lũ vãng hoàn."

Câu thơ mở đầu giúp người đọc có cái nhìn cụ thể về vị trí địa lí của địa danh Dục Thúy "Ở nơi cửa biển có ngọn núi tiên". Tuy đã nhiều lần ghé thăm nơi này nhưng thi nhân vẫn không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp siêu thực kia. Thật không đâu hài hòa và thơ mộng hơn một địa điểm vừa có núi, vừa có biển như Dục Thúy. Vẻ đẹp ấy khiến cho con người say đắm đến không thể rời mắt:

"Liên hoa phù thủy thượng;
Tiên cảnh trụy trần gian."

Một lần nữa, Nguyễn Trãi lại ca ngợi, nhấn mạnh cảnh sắc núi Dục Thúy qua từ "tiên cảnh". Đối với nhà thơ, thiên nhiên nơi này thật thơ mộng, lung linh và huyền ảo. Ngọn núi cao lớn, hùng vĩ giống như đóa hoa sen thanh khiết đang "ngự" trên mặt nước. Ở đây, Ức Trai đã khéo léo sử dụng hình ảnh so sánh để bày tỏ tấm lòng ngợi ca đối với cảnh sắc thiên nhiên nước nhà. Khung cảnh ấy khiến con người không khỏi ngỡ ngàng và hoài nghi rằng "tưởng như là cõi tiên rơi xuống trần gian".

Càng lại gần, hình ảnh núi Dục Thúy lại càng hiện ra rõ nét và chân thực:

"Tháp ảnh trâm thanh ngọc;
Ba quang kính thúy hoàn."

Nếu như Nguyễn Du từng mượn hình ảnh thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp con người: "Làn thu thủy, nét xuân sơn/Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh" thì ở đây, Nguyễn Trãi đã làm ngược lại. Ông lấy vẻ đẹp của người thiếu nữ để làm nổi bật cảnh sắc thiên nhiên. Ngọn tháp trên núi phản chiếu xuống mặt hồ tựa một chiếc trâm ngọc xanh biếc. Trong khi đó, mặt nước trong xanh giống như chiếc gương có ánh sáng đẹp, còn hình bóng dáng núi chiếu trên mặt sông lại giống như đang soi mái tóc mềm mại. Sự so sánh vô cùng độc đáo này đã tạo ra ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Trong khung cảnh thiên nhiên huyền diệu, kì vĩ ấy, người thi sĩ đã hiện lên với bao nỗi niềm hoài cổ:

"Hữu hoài Trương Thiếu bảo;
Bi khắc tiển hoa ban."

Ở đây, Nguyễn Trãi nhắc đến Trương Hán Siêu - một học giả tài ba ở thời Trần, từng được nhiều vị vua trọng dụng. Tấm bia chạm khắc bài thơ của danh sĩ họ Trương tuy đã lốm đốm rêu phủ nhưng vẫn giữ nguyên giá trị ban đầu. Ấy vậy mà "cảnh còn người mất". Điều này như một nốt trầm, khiến Ức Trai bùi ngùi xúc động. Ông tiếc thương, hoài niệm về một nhân tài, một "công thần" mà đất nước đã từng có. Qua đó, người đọc lại cảm nhận được rõ hơn tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của tác giả.

Những hình ảnh thơ vô cùng kiều diễm được dựng lên bởi ngôn ngữ giản dị. Việc kết hợp thuần thục các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ càng góp phần làm nổi bật vẻ đẹp siêu thực của núi Dục Thúy. Bằng ngòi bút tài hoa khó ai sánh kịp, Nguyễn Trãi đã thành công đem đến cho độc giả bức tranh "sơn thủy hữu tình". Đồng thời, bộc lộ cái nhìn đầy hoài niệm về quá khứ.

Qua "Dục Thúy sơn", độc giả như được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chốn "tiên cảnh" mà Nguyễn Trãi hết lời ca ngợi. Bài thơ đã góp phần khẳng định tài năng nghệ thuật cùng tấm lòng cao cả, cốt cách thanh cao của người thi sĩ tài ba, đức độ.


3. Phân tích Dục Thúy sơn hay nhất - mẫu số 3:

Đến với các tác phẩm của Nguyễn Trãi, ta thường xuyên bắt gặp những hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ, kì vĩ. Trong số đó, không thể không kể đến "Dục Thúy sơn". Bài thơ chính là sự tổng hòa giữa tình yêu thiên nhiên và tình yêu đất nước của bậc trung quân .

"Dục Thúy sơn" là tác phẩm được viết bằng chữ Hán, theo thể ngũ ngôn. Bằng tài năng của mình, Nguyễn Trãi đã tái hiện thành công khung cảnh núi Dục Thúy đẹp thoát tục, đồng thời bày tỏ tình yêu, niềm say mê vô bờ với thiên nhiên đất nước. Bên cạnh đó, thi sĩ cũng khéo léo thể hiện nỗi lòng hoài cổ của mình về những ngày xa xưa.

Trước tiên, đến với cảnh sắc thiên nhiên núi Dục Thúy, ta như được chiêm ngưỡng vẻ đẹp chốn bồng lai tiên cảnh:

"Hải khẩu hữu tiên san;
  Tiền niên lũ vãng hoàn.
  Liên hoa phù thủy thượng;
  Tiên cảnh trụy trần gian."

Nguyễn Trãi đã đề cập đến vị trí "hải khẩu", hay là nơi cửa biển. Phong cảnh ở một nơi vừa có núi, vừa có biển như vậy quả thật vô cùng hài hòa, thơ mộng. Có lẽ vì vậy mà thi nhân đã hai lần ví nơi này như chốn thần tiên: "tiên san", "tiên cảnh". Trong mắt nhà thơ, ngọn núi có hình dáng như đóa "liên hoa" - một bông sen với vẻ đẹp thanh khiết nở rộ trên mặt nước. Đây quả thực là hình ảnh so sánh vô cùng độc đáo. Sự khô khan, thô cứng của núi đá lại được liên tưởng đến đóa hoa mềm mại, thanh thuần. Điều này không hề gây mâu thuẫn, thậm chí còn làm bật lên nét đẹp "vô thực" của núi Dục Thúy. Ngắm nhìn cảnh sắc nơi đây, dù đã ghé thăm nhiều lần nhưng thi nhân vẫn không nhịn được mà cảm thán. Có thể thấy rõ, tác giả đặt điểm nhìn từ xa, giúp người đọc cảm nhận được bao quát khung cảnh núi Dục Thúy huyền ảo, thơ mộng.

Ở những câu thơ tiếp theo, Nguyễn Trãi đưa độc giả tới gần để chiêm ngưỡng "ngọn núi tiên" một cách rõ nét hơn:

"Tháp ảnh trâm thanh ngọc;
  Ba quang kính thúy hoàn."

Bóng tháp trên ngọn núi phản chiếu dưới mặt nước. Hình ảnh ấy được ví như chiếc trâm ngọc của người thiếu nữ. Còn bóng núi lại được liên tưởng tới mái tóc biếc xanh. Ở đây, tác giả đã lấy hình ảnh con người để gợi tả vẻ đẹp thiên nhiên. Đây là một điểm mới mẻ, phá cách trong ngòi bút của Nguyễn Trãi. Điều này đã góp phần khiến cảnh sắc núi Dục Thúy trở nên có hồn hơn, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

Tuy đã lui tới chốn này nhiều lần nhưng khi thấy ngọn núi Dục Thúy, trong lòng thi nhân vẫn dâng lên nỗi niềm hoài cổ:

"Hữu hoài Trương Thiếu bảo;
Bi khắc tiển hoa ban."

Trông tấm bia nay đã phủ rêu phong, Nguyễn Trãi ngậm ngùi nhớ đến vị danh sĩ tài hoa đời Trần - Trương Thiếu Bảo. Trải qua bao thăng trầm, tấm bia đá vẫn nơi đây nhưng người thì đã không còn nữa. Từng nét chữ được chạm khắc tuy lốm đốm "hoa rêu", xong vẫn giữ nguyên vẹn giá trị vốn có. Qua những chi tiết ấy, người đọc vừa đồng cảm, vừa trân trọng tâm hồn nhạy cảm cùng tấm lòng cao đẹp của người thi sĩ.

Bằng tài năng cùng sự tinh tế trong từng cảm nhận, Nguyễn Trãi đã khắc họa thành công vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của núi Dục Thúy. Việc kết hợp những hình ảnh thơ độc đáo cùng các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ đã khiến bức tranh thiên nhiên hiện lên vừa chân thực, vừa hư ảo. Là một nơi có thật nhưng trong mắt nhà thơ, núi Dục Thúy lại tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Tâm trạng con người vì lẽ đó cũng ảnh hưởng ít nhiều. Qua đó, độc giả như được tận mắt chiêm ngưỡng cảnh sắc siêu thực ấy, đồng thời cảm nhận và thấu hiểu hơn tấm lòng hoài cổ của thi nhân. 

Là một trong vô số những tác phẩm viết về thiên nhiên nhưng "Dục Thúy sơn" vẫn khẳng định được vị trí và giá trị của riêng mình. Bài thơ đã giúp độc giả thêm ngưỡng mộ và khâm phục tài năng nghệ thuật đỉnh cao của Nguyễn Trãi.
 

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Khi phân tích một tác phẩm văn học, em cần chú ý đánh giá, cảm nhận cả về nội dung và hình thức nghệ thuật. Hy vọng với bài văn mẫu phân tích Dục Thúy Sơn này, các em đã có thể hoàn thành được bài viết của mình. 

Dục Thúy sơn là một sáng tác tiêu biểu của Nguyễn Trãi viết về danh lam thắng cảnh nước nhà. Mời em tham khảo nội dung Phân tích Dục Thúy sơn, Ngữ văn 10, Kết nối tri thức, học kì II để thấy được những nét độc đáo về nội dung chủ đề và đặc sắc trong hình thức nghệ thuật của tác phẩm này cũng như khi gặp đề văn này có thể phân tích, làm bài văn hay hơn.
Link tải Sách giáo khoa lớp 4 Kết nối tri thức PDF
Giải bài tập trang 65 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải Toán lớp 7 sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 30, 31, 32, 33, 34 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống

ĐỌC NHIỀU