Phân tích Đất rừng phương Nam ngắn gọn, bài văn mẫu hay nhất

Đề bài: Phân tích Đất rừng phương Nam

Phân tích truyện ngắn Đất rừng phương Nam
 

I. Dàn ý phân tích Đất rừng phương Nam:

1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
2. Thân bài:
* Chủ đề của tác phẩm: cuộc sống và công việc của người dân Nam Bộ. => ca ngợi thiên nhiên, con người vùng đất U Minh.
2.1. Phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm:
a. Công việc được khắc họa chủ yếu qua chi tiết dựng kèo nuôi ong và đi lấy mật:
* Dựng kèo: công việc đòi hỏi con người phải có hiểu biết, giàu kinh nghiệm:
- Phải quan sát, chọn được vùng rừng tốt.
- Lựa chọn cây phù hợp để làm kèo.
* Lấy mật: công việc gian khổ, vất vả:
- Đi vào rừng từ lúc sáng sớm, kết thúc khi gần về chiều.
- Phải đối mặt với tình cảnh đàn ong vỡ tổ, bay vù vù trong rừng.
- Lấy mật từ những sáp trắng trên nhánh kèo khô.
- Vắt mật vào gùi, đựng sáp ở một thúng riêng -> đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận.
b. Nhận xét chung về công việc:
- Công việc được thực hiện một cách khéo léo nhờ đôi bàn tay, sự am hiểu của con người Nam Bộ.
- Công việc ấy gắn liền với thiên nhiên, núi rừng vùng U Minh.
2.2. Phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật:
- Ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, đậm chất Nam Bộ.
- Hình ảnh giàu sức gợi.
- Ngôi kể thứ nhất khiến văn bản thêm hấp dẫn, lôi cuốn.
3. Kết bài:
+ Khẳng định khái quát những nét đặc sắc về nghệ thuật và nét độc đáo về chủ đề của tác phẩm.
+ Nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức tác phẩm.

Các em có thể xem thêm nhiều dàn ý khác tại Dàn ý phân tích Đất rừng phương Nam nhé. 

Phân tích tác phẩm Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi hay nhất
 

II. Bài văn mẫu tham khảo phân tích Đất rừng phương Nam:

Nhận xét về nhà văn phương Nam Đoàn Giỏi, Chế Lan Viên từng nói: "Là một nhà văn chịu khó tìm tòi nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành, nên trang viết của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam bộ.". Quả thực như vậy, đọc "Đất rừng phương Nam", ta như được hòa mình vào không gian rộng lớn nơi rừng tràm U Minh. Bằng ngòi bút tài hoa, tâm hồn thi vị, Đoàn Giỏi đã vô cùng thành công trong việc miêu tả cuộc sống, công việc của con người Nam Bộ.

Văn bản "Đất rừng phương Nam" là một trích đoạn thuộc chương 9 "Đi lấy mật". Văn bản đơn thuần kể về việc cậu bé An theo chân tía nuôi, Cò vào rừng để lấy mật. Trong chuyến đi, An đã phát hiện ra rất nhiều điều thú vị liên quan đến công việc dựng kèo nuôi ong mà má nuôi hay nói tới. Đồng thời, được tận mắt chứng kiến cảnh sắc đất rừng. Như vậy, chủ đề mà đoạn trích này hướng đến là tái hiện cuộc sống, công việc thường ngày của người dân phương Nam. Từ đó, ngợi ca thiên nhiên, con người nơi đây.

Đầu tiên, tác giả hướng ngòi bút vào việc khắc họa công việc dựng kèo nuôi ong. Công việc này được miêu tả gián tiếp qua lời kể tỉ mỉ của má nuôi An. Để có thể định chỗ gác kèo, con người phải thực sự hiểu biết và giàu kinh nghiệm. Giữa núi rừng mênh mông, người nuôi ong lấy mật cần "chọn được vùng rừng tốt, biết rằng đến mùa xuân tràm sẽ kết nhiều hoa". Chưa dừng lại ở đó, người dân phải tiếp tục quan sát hướng gió, lường tính trước các đường bay của ong mật. Như vậy, đây là công việc đòi hỏi sự chăm chút, tỉ mỉ, cẩn thận ở con người.

Tiếp đến, nhà văn tập trung làm nổi bật công việc đi lấy mật. Ngay từ sáng sớm, tía nuôi, An và Cò đã mang theo biết bao dụng cụ rồi đi vào rừng. Quãng đường tới địa điểm gác kèo khá xa xôi, trắc trở. Thế nhưng, chẳng ai lấy làm mệt nhọc hay vất vả. Dường như, con người đã quá quen với công việc thường ngày, với tình cảnh đàn ong vỡ tổ, bay vù vù trong rừng sâu. Công việc đi lấy mật không được miêu tả cụ thể như dựng kèo mà chỉ hiện lên qua một vài chi tiết, hình ảnh. Đó là cảnh tượng tía nuôi "rướn chân lên, gượng nhẹ đỡ nhánh kèo xuống" rồi vắt mật vào gùi, đựng sáp ở một thúng riêng. Như vậy, công việc này không quá cầu kì như việc làm kèo ong song cũng đòi hỏi con người cần tận tâm.

Có thể thấy, thông qua việc dựng lên hai công việc, nhà văn ca ngợi thiên nhiên đất rừng, con người phương Nam chân chất, thật thà. Các công việc đều gắn liền với tự nhiên, với rừng tràm "Gác chiếc kèo chênh chếch lên cây tràm", "Trên nhánh kèo khô còn trơ lại cái tàn ong sáp trắng to bằng chiếc nón, nặng trĩu những mật vàng". Từ đây, Đoàn Giỏi mở ra khung cảnh nên thơ, hùng vĩ và hình ảnh người lao động chăm chỉ, cẩn thận. Con người đã biết tận dụng tài nguyên quanh mình để lao động sản xuất, phục vụ đời sống. Với đôi bàn tay khéo léo cùng sự am hiểu sâu sắc, người dân có thể tự cung, tự cấp một nguyên liệu cần thiết mang tên "mật ong".

Bằng ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, đậm chất Nam Bộ, hình ảnh giàu sức gợi, nhà văn Đoàn Giỏi đã mang đến cho người đọc những hình dung cụ thể về công việc quen thuộc của người dân phương Nam thời bấy giờ. Các công việc ấy được thực hiện trong một không gian rộng lớn nơi rừng tràm bạt ngàn, được hoàn thành nhờ đôi tay khéo léo, cần mẫn của người dân. Ngoài ra, việc sử dụng ngôi kể thứ nhất, nhiều điểm nhìn kể chuyện cũng giúp văn bản trở nên hấp dẫn và sinh động hơn.

Qua "Đất rừng phương Nam", ta lại càng hiểu thêm về cuộc sống của con người Nam Bộ, về thế giới bên ngoài, về những con người phóng khoáng, giàu tình cảm. Đồng thời, cảm nhận được vẻ đẹp trù phú, thơ mộng nhưng không kém phần kì vĩ ở vùng U Minh.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Trên đây là dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Đất rừng phương Nam hay nhất. Đoạn trích trên đã cho thấy tài năng cũng như tình cảm của tác giả Đoàn Giỏi đối với vùng đất và con người Nam Bộ. Nếu còn gặp khó khăn trong việc tìm hiểu, phân tích một số vấn đề xung quanh văn bản, các em có thể xem thêm bài văn mẫu lớp 10:
- Phân tích thiên nhiên, cuộc sống và con người Nam Bộ qua Đất rừng phương Nam
- Phân tích nhân vật An trong đoạn trích Đất rừng phương Nam

Trong sách Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo, học kì II, các em đã học rất nhiều những tác phẩm hay và ý nghĩa. Để có thêm gợi ý cũng như trau dồi kĩ năng thực hành viết văn nghị luận, mời các em tham khảo bài Phân tích Đất rừng phương Nam sau đây:
Tóm tắt Đất rừng phương Nam hay, ngắn gọn
Link tải Sách giáo khoa lớp 10 Chân trời sáng tạo PDF
Đoạn văn cảm nghĩ về một nhân vật ấn tượng khi đọc Đất rừng phương Nam và Giang
Phân tích Thị Mầu lên chùa
Link tải Sách giáo khoa lớp 4 Chân trời sáng tạo PDF
Giải Toán lớp 7 trang 49, 50 tập 1 sách Chân Trời Sáng Tạo

ĐỌC NHIỀU