Phân tích, đánh giá Hương Sơn phong cảnh

Phân tích, đánh giá Hương Sơn phong cảnh

Bài văn mẫu Viết bài văn phân tích, đánh giá Hương Sơn phong cảnh

 

I. Dàn ý phân tích bài thơ Hương Sơn phong cảnh

1. Mở bài:
- Giới thiệu bài thơ và tác giả.
- Nêu nhận xét khái quát về nội dung, nghệ thuật của bài thơ.
2. Thân bài: lần lượt phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ:
* Xác định chủ đề bài thơ: ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và bộc lộ tình cảm yêu mến, tự hào về cảnh đẹp quê hương đất nước.
* Phân tích, đánh giá chủ đề của bài thơ:
- Vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn được khắc họa qua:
+ Cảm xúc của nhân vật trữ tình khi vừa đặt chân đến Hương Sơn.
+ Cái nhìn của chủ thể trữ tình nhập vai "khách tang hải" thăm thú Hương Sơn.
- Niềm tự hào và tình cảm của tác giả.
* Phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của bài thơ:
- Xây dựng hình ảnh độc đáo.
- Sử dụng các từ ngữ có giá trị gợi hình.
- Các biện pháp tu từ.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ.
- Tác động của bài thơ đối với bản thân hoặc cảm nghĩ về tác phẩm.

Bài văn mẫu Viết bài văn phân tích Hương Sơn phong cảnh

 

II. Bài văn mẫu phân tích, đánh giá Hương Sơn phong cảnh

Chu Mạnh Trinh không chỉ là một vị quan công minh, chính trực mà còn là con người đa tài. Ông nổi tiếng với tài sáng tác văn chương. Đặc biệt, nổi bật trong số đó phải kể đến bài thơ "Hương Sơn phong cảnh". Tác phẩm với những đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật đã để lại dấu ấn khó phai cho bạn đọc.

Với sự quan sát tinh tế cùng ngòi bút tài hoa, thi sĩ Chu Mạnh Trinh khéo léo khắc họa phong cảnh Hương Sơn chỉ với 19 câu thơ. Mỗi câu thơ có sự dài ngắn khác nhau đã tô đậm đặc trưng của thể hát nói, đồng thời gợi tả toàn diện cảnh sắc thiên nhiên nơi này. Từ đây, tác giả bộc lộ tình yêu cùng niềm tự hào về quê hương đất nước.

Mở đầu bài thơ là khung cảnh huyền diệu như chốn bồng lai tiên cảnh:

"Bầu trời cảnh Bụt

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay"

Ngắm nhìn bầu trời nơi Hương Sơn mờ mờ ảo ảo, nhà thơ như lạc vào cõi Bụt. Vẻ đẹp thoát tục ấy không khỏi làm lòng người xao xuyến, bồi hồi. Trong giây phút ấy, người khách ghé thăm mới chợt nhận ra đây là Hương Sơn mà bản thân ao ước. Niềm khát khao ấy không thoáng chốc vụt qua mà đã có từ bấy lâu nay. Và rồi, khi được tận mắt chứng kiến, nhà thơ không khỏi ngỡ ngàng:

"Kìa non non, nước nước, mây mây,

"Đệ nhất động" hỏi nơi đây có phải?"

Biện pháp liệt kê cùng thủ pháp luyến láy "non non, nước nước, mây mây" đã làm nổi bật hình ảnh núi non hùng vĩ hòa cùng mây trời nên thơ. Tất cả như vẽ nên bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc. Sau giây phút thả mình vào chốn sơn thủy hữu tình, nhà thơ bật thốt lên rằng "Đệ nhất động" hỏi nơi đây có phải?" Câu hỏi tu từ đã bộc lộ sự ngỡ ngàng, bâng khuâng của tâm hồn thi sĩ. Đồng thời, cụm từ "đệ nhất động" như một lời khẳng định cho vẻ đẹp tiên cảnh nơi Hương Sơn.

Theo bước chân chủ thể trữ tình nhập vai "khách tang hải", ta sẽ được chào đón bởi nét thanh khiết, trong sạch của khung cảnh thiên nhiên đất Phật:

"Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,

Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.

Vẳng bên tai một tiếng chày kình,

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng"

Núi rừng Hương Sơn như mở rộng trước mắt vị khách tới thăm "rừng mai", "khe Yến". Nổi bật trong cảnh non xanh nước biếc ấy là hình ảnh "chim cúng trái", "cá nghe kinh". Sống ở ngưỡng cửa nhà Phật, các loài vật cũng được bồi đắp, nuôi dưỡng bởi lời hay, ý đẹp. Chỉ với bốn câu thơ ngắn ngủi, nhà thơ đã cho thấy nét bút tài hoa trong việc miêu tả phong cảnh. Biện pháp đảo ngữ cùng từ láy "thỏ thẻ", "lững lờ" kết hợp với phép nhân hóa "cá nghe kinh" làm thiên nhiên trở nên sống động. Bên cạnh đó, sự hòa hợp giữa cảnh và vật, âm thanh và hình ảnh như đưa người khách đến với chốn thần tiên thực thực ảo ảo. Càng chú tâm ngắm nhìn, chủ thể trữ tình lại cảm thấy "giật mình trong giấc mộng". Nhưng rồi, khi nghe thấy tiếng kinh Phật văng vẳng đâu đây, vị khách nhận ra đây là vẻ đẹp có thực chứ không phải giấc mơ. Tận hưởng không khí nhẹ nhàng, yên bình của Hương Sơn, vị khách phương xa đã rũ bỏ bao bụi trần phong ba để tìm về miền an yên trong tâm hồn.

Tiếp đến, cảnh sắc nơi đây còn là sự muôn màu, muôn vẻ:

"Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,

Này hang Phật Tích, này động Tuyết Quynh.

Nhác trông lên ai khéo họa hình,

Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt

Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,

Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây

Chừng giang sơn còn đợi ai đây,

Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt."

Đi sâu vào bên trong, chủ thể trữ tình lại khám phá được sự phong phú của Hương Sơn. Đó là vẻ đẹp tự nhiên của "suối Giải Oan", "hang Phật Tích", "động Tuyết Quynh". Hay còn là sự sáng tạo của con người với "chùa Cửa Võng". Ngắm nhìn bức tranh muôn màu, muôn vẻ ấy, khách tang hải ngỡ như có ai đó khéo léo phác họa nên "nhác trông lên ai khéo họa hình". Hình ảnh đá ngũ sắc được so sánh như gấm dệt đã gợi tả sự huyền ảo, long lanh của các hang, động. Bên cạnh đó, mấy lối thang uốn như ẩn như hiện dưới một lớp mây trời càng tô đậm vẻ đẹp vừa kì vĩ vừa thơ mộng. Có thể nói, mỗi một chi tiết nơi đây đều hiện lên với sự huyền diệu, lung linh. Và từ đây, chủ thể trữ tình trực tiếp bày tỏ tâm trạng, cảm xúc của bản thân "Chừng giang sơn còn đợi ai đây". Thiên nhiên tươi đẹp của đất nước, quê hương luôn cần những người tài đức xây dựng, giữ gìn và phát triển.

Đứng trước nơi tôn nghiêm như ngưỡng cửa nhà Phật, chủ thể trữ tình đã thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ, kính cẩn:

"Lần tràng hạt niệm Nam mô Phật

Cửa từ bi công đức biết là bao!

Càng trông phong cảnh càng yêu."

Đến với đất Phật, chủ thể trữ tình gột rửa và rũ bỏ những tầm thường của thế giới ngoài kia. Lòng tham lam, sự sân si đã được thay thế bởi tấm lòng nhân hậu, từ bi. Ở câu thơ cuối, nhà thơ sử dụng quan hệ từ "càng - càng" như muốn nhấn mạnh vẻ đẹp của chốn tâm linh Hương Sơn và khẳng định tấm lòng yêu mến, tự hào đối với nơi đây.

Đặc sắc về hình thức nghệ thuật cũng là yếu tố làm nên thành công của bài thơ. Nhà thơ Chu Mạnh Trinh xây dựng các hình ảnh độc đáo "một hang lồng bóng nguyệt", "mấy lối uốn thang mây" kết hợp với sử dụng từ ngữ "đệ nhất động", "giật mình trong giấc mộng",... để tô đậm vẻ đẹp của thiên nhiên Hương Sơn. Ngoài ra, các biện pháp tu từ như điệp từ, nhân hóa cũng góp phần lớn trong việc miêu tả, khắc họa cảnh sắc nơi đây.

Qua bài thơ "Hương Sơn phong cảnh", nhà thơ đã mang đến cho người đọc những rung động sâu sắc trước khung cảnh tuyệt sắc, vừa kì vĩ, vừa nên thơ của Hương Sơn. Từ đây, thi sĩ khéo léo bày tỏ tấm lòng tự hào, yêu mến của mình với quê hương đất nước. Mong rằng, mỗi chúng ta sẽ luôn biết sống giao hòa, gắn kết cùng thiên nhiên đất trời.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Khi phân tích, đánh giá một bài thơ, em cần có sự xây dựng, triển khai và kết hợp các luận điểm, lí lẽ cùng dẫn chứng. Em có thể tham khảo các bài văn mẫu lớp 10 trên Taimienphi.vn như: Phân tích, đánh giá Nắng đã hanh rồiPhân tích, đánh giá Thơ duyên;... để hiểu khái quát về nội dung và nghệ thuật các tác phẩm đó Đây đều là những bài thơ có trong chương trình Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo. Chúc em học thật tốt nhé!

Hương Sơn phong cảnh là một bài thơ nổi tiếng của Chu Mạnh Trinh. Dàn ý và bài viết Phân tích, đánh giá Hương Sơn phong cảnh thuộc Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo, học kì I dưới đây sẽ giúp em cảm nhận rõ hơn về những đặc sắc trong nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
Phân tích, đánh giá một bài thơ Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo
Phân tích bài thơ Hoa bìm
Phân tích Xã trưởng - Mẹ Đốp
Link tải Sách giáo khoa lớp 10 Chân trời sáng tạo PDF
Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo
Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

ĐỌC NHIỀU