Đề bài: Phân tích cảnh ra khơi của Đoàn thuyền đánh cá
Giới thiệu về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá và bức tranh ra khơi của đoàn thuyền
- Thời gian: chiều tối
- Không gian: biển rộng bao la
- Cảnh vật:
+ Mặt trời xuống biển
+ Sóng cài then
+ Đêm buông xuống
=> Cảnh vật dường như đang bước vào trạng thái nghỉ ngơi, đóng cảnh cửa ngôi nhà lớn để chìm vào giấc ngủ
- Con người:
+ Đoàn thuyền: sự đoàn kết, gắn bó, đi cùng nhau, không le lói, đơn độc
+ "lại": hoạt động ra khơi diễn ra thường xuyên, hàng ngày; sự chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng, chủ động.
+ Buông những câu hát tràn đầy hy vọng, góp gió cho cánh buồm căng vượt sóng.
+ Câu hát ngọt ngào mời gọi cá tôm đến dệt lưới, dệt ánh sáng huy hoàng, đẹp đẽ → mong ước một chuyến đi bội thu.
=> Cảnh ra khơi đầy hứng khởi, lạc quan và tự tin. Người lao động đang làm chủ cuộc sống của mình, phát triển để dựng xây cuộc sống mới.
Chỉ với trọn vẹn 8 câu thơ đầu bài nhưng bằng cảm xúc chân thành, ngôn từ đã diết mà bình dị, giọng điệu khoẻ khoắn, tươi vui, tác giả đã khắc hoạ được cảnh dân chài ra khơi đầy hứng khởi, mang niềm vui và sự tin yêu dạt dào.
Bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của nhà thơ Huy Cận được trích từ tập "Trời mỗi ngày lại sáng". Trong bài, tác giả đã làm nổi bật cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi với nhiều ấn tượng. Ông đã tái hiện hai trạng thái hoàn toàn đối lập. Khi mà vạn vật chìm dần vào nghỉ ngơi "Sóng đã cài then, đêm sập cửa", thì đoàn thuyền mới bắt đầu hành trình của mình. Câu thơ "Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi" đã nhấn mạnh hoạt động này được lặp đi, lặp lại thường xuyên. Dù là công việc quen thuộc nhưng người ngư dân không cảm thấy chán nản mà họ vẫn hát vang "Câu hát căng buồm cùng gió khơi". Không chỉ vậy, người thuyền chài còn ngân nga khúc ca gọi cá vào "Hát rằng cá bạc biển đông lặng", "Cá thu biển đông như đoàn thoi". Trong mỗi chuyến ra khơi, điều mà người ngư dân mong mỏi đó là trời yên biển lặng, thu được đầy khoang cá. Câu hát vui tươi thể hiện tinh thần hăng say lao động được cất lên giữa biển đêm lung linh, huyền hoặc. Hình ảnh "Thuyền ta lái gió với buồm trăng", "Lướt giữa mây cao với biển bằng" gợi vẻ đẹp kì vĩ, tráng lệ của những con thuyền. Nó không hề nhỏ bé mà như đang sánh vai với tự nhiên rộng lớn. Bằng bút pháp miêu tả tài tình, nhà thơ Huy Cận đã làm nổi bật cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi với tinh thần hăng say, nhiệt huyết. Từ đó, tác giả muốn ngợi ca vẻ đẹp của người lao động trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới.
Nhà thơ Huy Cận sinh năm 1919, trong một gia đình nông dân nghèo của tỉnh Hà Tĩnh. Ông từng tham gia hoạt động cách mạng trong nhiều năm và từng làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Huy Cận để lại cho văn học nước nhà khối lượng tác phẩm khá lớn và giá trị. Nếu như trước năm 1945, ông thành công với tập thơ Lửa thiêng thì sau năm 1945, tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng của ông gây được tiếng vang lớn trong văn đàn. Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng tác giả mà còn là niềm vui lớn của người đọc khi được thưởng thức những đứa con tinh thần đầy mới mẻ.
Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá trích trong tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng đã khắc họa những vẻ đẹp của thiên nhiên rộng lớn và hình ảnh những người lao động đầy hứng khởi. Đặc biệt hơn cả là bức tranh ra đoàn thuyền đánh cá ngày ra khơi được thể hiện trong hai khổ thơ đầu:
" Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi"
Trong nhiều bài thơ khác, cảnh chiều thường mang nét đượm buồn, gợi nhớ, gợi thương về quê hương thì Huy Cận lại vẽ cảnh chiều bằng nét đặc biệt, đầy kỳ vĩ và tràn trề sự sống. Ánh mặt trời trên quê hương lúc này đây tựa như một hòn lửa to lớn, khổng lồ và rực rỡ. Và khi ánh mặt trời ấy đang từ từ chìm vào đại dương, ngụp lặn mình dưới dòng nước mênh mông để nhường chỗ cho màn đêm xuống cũng là lúc mà người lao động bắt đầu công việc. Sóng kia cũng đã bắt đầu cài then, ánh sáng dần đóng sau then cửa của bóng đêm.
Vào thời khắc đặc biệt ấy, đoàn thuyền lại bắt đầu ra khơi. Nhà thơ Huy Cận đã rất thành công trong việc tái hiện hai trạng thái đối lập: Cảnh vật đang chìm vào giấc mộng đẹp - con người lại ra khơi, trong không gian tĩnh mịch của đêm tối, hoạt động sản xuất, đánh bắt càng trở nên náo nhiệt, khẩn trương hơn. Từ "lại" giúp ta hiểu được rằng đó là một công việc thường xuyên của con người nơi đây, họ luôn chăm chỉ mỗi ngày. Từ " lại" cũng giúp ta cảm nhận được một khí thế đầy hứng khởi của mọi người trong chuyến hành trình bắt cá tôm, họ đã sẵn sàng cho chuyến đi của mình. Chuyến đi ấy mang cả một tinh thần lạc quan, câu hát mang cả niềm hy vọng, niềm tin vào lúc trở về thuyền biển đầy cá tôm:
"Câu hát căng buồm cùng gió khơi"
Trong công việc của mình, đặc biệt là việc đánh bắt cá đầy vất vả, lại phải đi thường xuyên như thế làm sao không tránh khỏi những mệt nhọc, lo toan, nhưng ta không hề thấy họ than vãn một lời. Bắt đầu ra khơi bằng câu hát ân tình, câu hát ru màn đêm, ru biển cả, câu hát làm cánh buồm thêm sức sống, thêm căng gió ra khơi. Người lao động cất cao lời hát, con thuyền bắt đầu lướt sóng ra khơi đầy mạnh mẽ, tráng lệ, cảnh và người thống nhất, hài hoà.
" Hát rằng cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!"
Trong chiến đấu, câu hát về ước vọng hòa bình vang lên, trong lao động câu hát về vụ mùa bội thu được cất lên thì trong đánh cá lại không thể thiếu những câu hát về tôm cá, về ước mong biển giàu cá tôm. Câu hát của người dân vùng chài mang theo cả lời mời gọi, mời gọi những đoàn cá đang rong ruổi giữa mênh mông nước kia đến dệt lưới, đến đan ánh sáng vào tấm lưới đang miệt mài trong từng luồng nước dưới kia. Người ngư dân mong rằng trời lặng, sóng êm, gặp luồng cá thoi, cá thu thật lớn để đánh bắt được nhiều.
" Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!"
Lời thơ như tiếng hát ngọt ngào, ngân xa, lời thơ đầy ắp những ân tình của con người nơi biển cả, lời thơ đầy ắp cả những hy vọng, ước mong.
Chỉ với trọn vẹn 8 câu thơ đầu bài nhưng bằng cảm xúc chân thành, ngôn từ đã diết mà bình dị, giọng điệu khoẻ khoắn, tươi vui, tác giả đã khắc hoạ được cảnh dân chài ra khơi đầy hứng khởi, mang niềm vui và sự tin yêu dạt dào. Qua đoạn thơ, ta thấy được tâm hồn lạc quan, sự làm chủ của người lao động trong cuộc chinh phục thiên nhiên của mình. Dường như mọi người, ai ai cũng ra sức phấn đấu, ra sức lao động để dựng xây đời mới giàu đẹp hơn mỗi ngày.
2.1. Dàn ý hình ảnh ra khơi trong bài Đoàn thuyền đánh cá.
2.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm.
- Khái quát hình ảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi.
2.1.2. Thân bài:
- Thời gian ra khơi: Chiều tối khi hoàng hôn buông xuống.
- Cảnh vật: "Sóng đã cài then, đêm sập cửa".
=> Lúc này, vạn vật đang chìm vào nghỉ ngơi thì đoàn thuyền đánh cá ra khơi.
- "Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi": Gợi khung cảnh quen thuộc được lặp đi, lặp lại nhiều lần.
- "Câu hát căng buồm cùng gió khơi": Khí thế ra khơi đầy nhiệt huyết, hăng say.
- "Hát rằng cá bạc biển đông lặng", "Cá thu biển đông như đoàn thoi": Bài hát gọi cá vào hứa hẹn lần ra khơi đầy bội thu.
- "Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng", "Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi": Những luồng sáng của cá phát ra thật đẹp và rực rỡ.
- "Thuyền ta lái gió với buồm trăng", "Lướt giữa mây cao với biển bằng": Nhấn mạnh vẻ đẹp tráng lệ của con thuyền.
- "Ra đậu dặm xa dò bụng biển", "Dàn đan thế trận lưới vây giăng": Những kĩ năng trong việc đánh bắt cá của người ngư dân.
2.1.3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật:
+ Nội dung: Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi đầy hùng vĩ, tráng lệ.
+ Nghệ thuật: Bút pháp lãng mạn, hình ảnh thơ chân thực.
- Liên hệ mở rộng.
2.2. Bài văn Phân tích hình ảnh ra khơi của Đoàn thuyền đánh cá ngắn hay
Huy Cận là nhà thơ tiêu biểu trong phong trào thơ mới với tập thơ "Lửa thiêng". Tiêu biểu cho sáng tác của ông phải kể đến bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá". Tác giả đã làm nổi bật cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi với tinh thần tràn đầy nhiệt huyết.
Mở đầu bài thơ, Huy Cận đã gợi lên trước mắt người đọc khung cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi tràn đầy khí thế:
"Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm với gió khơi".
Bằng việc sử dụng biện pháp tu từ so sánh, tác giả như mở ra trước mắt người đọc cảnh mặt trời đang từ từ chìm vào đại dương rộng lớn. Khi vạn vật chìm vào trạng thái nghỉ ngơi thì cũng chính là lúc đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Từ "lại" diễn tả cho người đọc thấy được ra khơi là công việc thường xuyên đối với người ngư dân. Tuy nhiên, điều đó không hề khiến họ cảm thấy mệt mỏi mà họ còn luôn tràn đầy nhiệt huyết, cất vang "Câu hát căng buồm với gió khơi". Lời hát đó thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời tin tưởng vào tương lai của người ngư dân. Điều họ mong chờ nhất đó là chuyến ra khơi thuận lợi, cá chất đầy khoang.
Khi ra khơi, người ngư dân cất vang lời ca gọi cá vào:
"Hát rằng cá bạc biển đông lặng,
Cá thu biển đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng,
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi"
Ở khổ này, nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ liệt kê "cá bạc, cá thu" để thể hiện sự phong phú, đa dạng các sinh vật biển. Từ đó, tác giả ngầm ca ngợi sự trù phú, giàu có của biển khơi. Chính điều đó đã giúp cuộc sống của người ngư dân thêm ấm no. Ở nơi đây có những đàn cá đông đúc nối tiếp nhau như đoàn thoi mời gọi người ngư dân. Vậy nên, họ luôn cất vang câu hát gọi cá vào lưới. Bởi lẽ, ước mong lớn nhất của người lao động đó là một chuyến ra khơi thuận buồm, xuôi gió, cá xếp đầy khoang.
Con thuyền ở giữa đại dương bao la nhưng không hề nhỏ bé mà lại thể hiện tư thế làm chủ:
"Thuyền ta lái gió với buồm trăng,
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng"
Tác giả sử dụng từ "lướt" để khéo léo gợi lên tốc độ di chuyển nhanh, mạnh mẽ của con thuyền. Từ đó, con thuyền đã trở nên to lớn, kì vĩ, sánh ngang với thiên nhiên. Nhà thơ còn giúp người đọc cảm nhận được hoạt động của con người trong công việc đánh bắt. Đầu tiên, họ sẽ làm công tác "dò bụng biển" để xem đâu có nguồn cá dồi dào. Sau đó, mới bắt đầu giăng lưới đánh bắt. Biện pháp tu từ ẩn dụ cho ta thấy người ngư dân hiện lên với những kĩ năng đánh bắt rất thành thục, như những vị tướng đang dàn trận nghênh địch.
Bằng việc sử dụng những biện pháp tu từ đặc sắc kết hợp với giọng thơ khỏe khoắn, nhà thơ Huy Cận đã làm nổi bật cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi lúc chiều ta thật đẹp. Qua đó, tác giả còn muốn ngợi ca vẻ đẹp của người lao động tràn đầy nhiệt huyết trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Phân tích cảnh ra khơi của Đoàn thuyền đánh cá giúp người đọc cảm nhận được khí thế lao động hăng say của người ngư dân. Cảnh ra khơi trong Đoàn thuyền đánh cá là khung cảnh hùng vĩ, tráng lệ, nơi có sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Tìm hiểu thêm về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, bên cạnh bài Phân tích về cảnh ra khơi của Đoàn thuyền đánh cá, các em học sinh có thể tham khảo thêm: Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, Phân tích khổ 2 của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Bình giảng bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.