1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nêu vấn đề: bức tranh thiên nhiên trong "Bảo kính cảnh giới", bài 43.
2. Thân bài:
2.1. Phân tích bức tranh thiên nhiên:
* Bức tranh thiên nhiên tươi tắn, rực rỡ:
- Hình ảnh thiên nhiên quen thuộc, gắn liền với cuộc sống thường ngày:
+ "Hòe lục": cây hòe có sắc xanh thẫm, "tán rợp trương": tán hòe che rợp cả một khoảng không gian.
+ "Thạch lựu hiên": cây thạch lựu ở trước hiên nhà.
+ "Hồng liên trì": sen hồng nở rộ trong ao vườn.
- Sức sống, sự vận động của cảnh vật:
+ "đùn đùn" gợi tả từng tán cây không ngừng vươn mình tỏa bóng.
+ Động từ "phun" góp phần khắc họa hình ảnh hoa lựu nở hoa màu đỏ rực.
+ "Tịn": có nghĩa là hết, đã hết nhưng cũng mang nghĩa "ngát" hoặc "nức" -> "tịn mùi hương": sen đã nở rộ và tỏa hương thơm ngát.
* Bức tranh ngày hè sống động:
- Âm thanh "lao xao" của chợ cá từ xa vọng lại.
- "Dắng dỏi": gợi thanh âm rộn rã, vang dội cả một vùng, "cầm ve": tiếng ve trong, cao như tiếng đàn ca.
=> Bức tranh thiên nhiên hài hòa về hình ảnh, âm thanh, màu sắc. Thông qua bức tranh ấy, ta thấy được vẻ đẹp cuộc sống dung dị, đời thường.
2.2. Phân tích những nét đặc sắc về nghệ thuật:
- Sử dụng nhiều động từ "đùn đùn", "phun",...
- Thành công trong việc dùng từ láy "đùn đùn", "lao xao", "dắng dỏi".
- Biện pháp đảo ngữ "Lao xao chợ cá làng ngư phủ/ Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương".
- Hình ảnh gần gũi, thân thuộc.
2.3. Nhận xét:
- Nguyễn Trãi là một người yêu mến, trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhà thơ có tâm hồn hết sức tinh tế và nhạy cảm.
- Tác phẩm đã cho thấy tài năng nghệ thuật đỉnh cao của Nguyễn Trãi. Từ việc sử dụng ngôn ngữ giản dị, hệ thống các từ láy, nhà thơ đã làm nổi bật khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của ngày hè.
3. Kết bài:
- Khẳng định vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên trong bài thơ.
Từ xưa đến nay, thiên nhiên là đề tài quen thuộc trong sáng tác văn học. Đồng thời, là nguồn cảm hứng cho biết bao thi sĩ văn nhân. Các tác giả tìm tới thiên nhiên để thông qua đó, bộc lộ tình cảm và kí thác, gửi gắm tâm tư của bản thân về cuộc sống. Nhà thơ Nguyễn Trãi cũng không ngoại lệ. Ông đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên ngày hè hết sức tươi tắn, rực rỡ trong thi phẩm "Bảo kính cảnh giới" (bài 43).
Sau bao tháng ngày bận bịu chốn quan trường, Nguyễn Trãi trở về với cuộc sống thanh bình. Câu thơ mở đầu đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hoàn cảnh sống của thi sĩ:
"Rồi hóng mát thuở ngày trường."
Trong giây phút rỗi rãi "rồi", nhà thơ nhàn nhã, thảnh thơi ngồi hóng mát một ngày dài. Bằng tâm hồn nhạy cảm, quan sát tinh tế, nhân vật trữ tình đã phát hiện ra bức tranh ngày hè vô cùng đẹp đẽ:
"Hòe lục đùn đùn tán rợp trương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tịn mùi hương"
Nếu như các nhà thơ khác khi miêu tả thiên nhiên thường sử dụng hình ảnh quen thuộc, mang tính ước lệ như "tùng, cúc, trúc, mai" thì Nguyễn Trãi lại hoàn toàn trái ngược. Ông khắc họa thiên nhiên qua những cảnh sắc dung dị. Đó là cây hòe với màu hoa vàng, lá xanh thẫm đang "đùn đùn", tỏa rộng và phủ kín mặt đất rộng lớn. Đó còn là cây lựu có màu hoa như "phun thức đỏ" ở trước hiên nhà. Hay là bông sen hồng trong ao đang tỏa ngát hương thơm. Có thể thấy, bức tranh thiên nhiên hiện lên thật tươi tắn, rực rỡ. Mỗi cảnh vật đều mang một sắc màu khác nhau nhưng lại tạo nên sự hài hòa trong tổng thể.
Không chỉ đơn thuần gợi tả vẻ bề ngoài mà nhà thơ còn diễn tả sự vận động nhẹ nhàng, âm thầm của sự vật. Trước hết là hình ảnh cây hòe với sức sống căng tràn. Động từ "đùn đùn" gợi tả từng tán cây xanh thẫm không ngừng vươn mình tỏa bóng. Tán hòe xòe rộng, vươn xa, chiếm lấy cả một không gian. Tiếp đến, thi sĩ khéo léo miêu tả hoa lựu đang "phun thức đỏ". Ở mỗi nhành cây, hoa lựu thi nhau bung nở, mang đến thứ màu đỏ rực. Dường như, lúc này đây, cây lựu đang ở độ tràn đầy sức sống nhất, những bông hoa liên tiếp "phun" sắc. Cuối cùng, nhà thơ không quên khắc họa hình ảnh sen hồng tỏa hương. Trong ao, sen đã nở và mang đến mùi hương thanh khiết, dịu nhẹ. Như vậy, thi nhân đã cảm nhận, khám phá cảnh sắc thiên nhiên bằng một trái tim nồng cháy tình yêu cùng tấm lòng nâng niu, trân trọng.
Bức tranh ngày hè càng thêm rộn ràng nhờ những âm thanh quen thuộc trong đời sống:
"Lao xao chợ cá làng ngư phủ;
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương."
Từ láy "lao xao" gợi ra bầu không khí nhộn nhịp, náo nhiệt của phiên chợ cá. Tiếng người dân trao đổi, mua bán tấp nập, vang vọng trong đất trời rộng lớn. m thanh ấy như chạm khẽ vào tâm hồn của thi nhân. Bản giao hưởng cuộc sống trở nên sống động hơn nhờ tiếng ve kêu. Lắng nghe âm thanh râm ran của đàn ve dưới bóng chiều tà, thi sĩ ngỡ đây là tiếng đàn huyền diệu. Việc sử dụng từ láy "dắng dỏi" kết hợp với biện pháp đảo ngữ "dắng dỏi cầm ve" đã góp phần lột tả thanh âm trong trẻo, rộn rã của ngày hè.
Trong "Bảo kính cảnh giới" (bài 43), nhà thơ đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật độc đáo. Hàng loạt động từ "đùn đùn", "phun" cùng từ láy "lao xao", "dắng dỏi" được dùng để miêu tả cảnh sắc thiên nhiên. Bài thơ còn chạm tới trái tim người đọc bởi ngôn từ giản dị, mộc mạc, đậm đà tính dân tộc; hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc.
Qua bài thơ, ta thấy Nguyễn Trãi là người có tâm hồn tinh tế trước thiên nhiên. Nhà thơ đã thả hồn vào cảnh vật để khám phá, nắm bắt sức sống âm thầm nhưng mạnh mẽ của thiên nhiên. Ông nâng niu vẻ đẹp mà đất trời ban tặng bằng một trái tim tràn đầy yêu thương.
"Bảo kính cảnh giới" (bài 43) là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Nguyễn Trãi về đề tài thiên nhiên. Theo thời gian, bức tranh ngày hè hòa hợp hình ảnh, màu sắc và âm thanh vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí bạn đọc.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Trước khi viết, em cần đọc kĩ lại văn bản và chú ý những từ ngữ, hình ảnh nổi bật. Từ đó, phân tích, đánh giá bức tranh thiên nhiên rực rỡ và sống động của ngày hè dựa trên các chi tiết ấy. Ngoài nội dung trên, Taimienphi.vn đã cập nhật thêm một số bài văn mẫu lớp 10 hay liên quan đến Bảo kính cảnh giới (bài 43) như: Phân tích bức tranh thiên nhiên trong Bảo kính cảnh giới, Phân tích tác phẩm Bảo kính cảnh giới, Phân tích mối quan hệ giữa tư tưởng nhân nghĩa và luận đề chính nghĩa đoạn 1 Bình Ngô đại cáo và cả bài Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua Bảo kính cảnh giới để thấy được tâm hồn của tác giả Nguyễn Trãi cũng như làm bài văn dễ dàng, đầy đủ ý.