Phân tích bài thơ Đêm nay Bác không ngủ

Đề bài: Phân tích bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
  1. Mở bài
  2. Thân bài
  3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

Phân tích bài thơ Đêm nay Bác không ngủ
 

I. Dàn ý Phân tích bài thơ Đêm nay Bác không ngủ (Chuẩn)


1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả:
+ Minh Huệ là nhà thơ hiện đại Việt Nam.
+ Để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị như: Dòng máu Việt Hoa (1954); Tiếng hát quê hương (1959); Rừng xưa rừng nay (bút ký, 1962); Đất chiến hào (1970)...
- Giới thiệu tác phẩm: "Đêm nay Bác không ngủ" là một trong số những bài thơ nổi tiếng và làm nên tên tuổi của ông.
 

2. Thân bài

* Khái quát chung
- Bài thơ dựa trên sự kiện trong chiến dịch Biên giới cuối năm 1950, Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận theo dõi và chỉ huy cuộc chiến đấu của bộ đội và nhân dân ta.
- Bài thơ miêu tả khi mọi người ngủ ở túp lều tranh → thể hiện tấm lòng yêu thương sâu sắc của Bác Hồ với nhân dân và bộ đội Việt Nam và tình cảm khâm phục, kính yêu của người chiến sĩ đối với vị lãnh tụ của dân tộc.

* Vẻ đẹp của Bác qua tấm lòng yêu thương, sự quan tâm chăm sóc mà Bác dành cho bộ đội, cho nhân dân.
- Hình ảnh giản dị của vị lãnh tụ ngồi bên bếp lửa, trong đêm đông mở đầu bài thơ.
- Hình ảnh Bác quan tâm, chăm sóc mọi người qua những hành động như "dém chăn" cho từng người, nhẹ nhàng cẩn thận sợ mọi người thức giấc...
- Vẻ đẹp phi thường hoà quyện với cái bình thường trong cuộc nói chuyện với anh bộ đội.

* Vẻ đẹp của Bác được thể hiện ở sự biết ơn của anh đội viên dành cho Bác.
- Anh đội viên là người đã chứng kiến mọi hành động của Bác, tham gia vào câu chuyện cùng Bác.
- Chứng kiến hành động của Bác anh đội viên đi từ cảm xúc băn khoăn, ngạc nhiên rồi đến quan tâm, lo lắng và biết ơn Bác.
→ Tác giả đã khéo léo thể hiện tình cảm, sự biết ơn của mình dành cho Bác qua hình ảnh anh đội viên.

* Đánh giá

- Thể thơ năm chữ kết hợp với các phương thức biểu đạt như tự sự, miêu tả, biểu cảm → hình ảnh Bác hiện lên qua câu chuyện mà anh đội viên chứng kiến mà còn thể hiện được tình cảm của mình dành cho Bác.
 

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị của bài thơ
 

II. Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Đêm nay Bác không ngủ (Chuẩn)

Minh Huệ được biết đến là một trong số những nhà thơ hiện đại Việt Nam. Trong những năm tháng cầm bút của mình ông đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị như: Dòng máu Việt Hoa (1954); Tiếng hát quê hương (1959); Rừng xưa rừng nay (bút ký, 1962); Đất chiến hào (1970)... "Đêm nay Bác không ngủ" là một trong số những bài thơ nổi tiếng và làm nên tên tuổi của ông.

Bài thơ dựa trên sự kiện trong chiến dịch Biên giới cuối năm 1950, Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận theo dõi và chỉ huy cuộc chiến đấu của bộ đội và nhân dân ta. Bài thơ đã thể hiện tấm lòng yêu thương sâu sắc của Bác Hồ với nhân dân và bộ đội Việt Nam và tình cảm khâm phục, kính yêu của người chiến sĩ đối với vị lãnh tụ của dân tộc.

Trước hết, tác phẩm đã thể hiện vẻ đẹp của Bác qua tấm lòng yêu thương, sự chăm sóc mà Bác dành cho bộ đội, dành cho nhân dân. Ngay mở đầu bài thơ dáng vẻ giản dị ấy đã hiện ra:

"Lặng yên bên bếp lửa
Vẻ mặt Bác trầm ngâm"

Hai câu thơ vẽ ra hình ảnh bình yên hoà mình vào nhịp sống chung của những người chiến sĩ, của khổ cực, giá rét của vị lãnh tụ kính yêu. Nhưng khi đặt bài thơ vào hoàn cảnh bấy giờ của đất nước, dường như trong cái "lặng yên", "trầm ngâm" đó còn ẩn chứa sự lo lắng về tương lai, vận mệnh của đất nước.

Chúng ta vẫn thường hay gọi Bác là vị cha già của dân tộc và Minh Huệ đã thể hiện rất rõ điều đó qua những câu thơ:

"Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm
Rồi Bác đi dém chăn
Từng người từng người một
Sợ cháu mình giật thột.
Bác nhón chân nhẹ nhàng..."

Đêm khuya trong rừng lạnh và buốt, Bác không muốn các cháu của mình bị cảm nên đã cẩn trọng đắp lại chăn cho từng người. Lời thơ như lời kể chuyện vẽ ra trước mắt chúng ta hình ảnh một vị lãnh tụ âm thầm, quan tâm chăm sóc cho từng người. Chỉ bằng vài hành động nhỏ, vài cử chỉ quan tâm ta đã thấy được tình yêu thương mà Bác dành cho những người lính thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao.

Hình ảnh của Bác càng trở nên đẹp hơn qua cuộc đối thoại với anh bộ đội. Trước thái độ quan tâm của anh đội viên Bác tâm sự đầy chân thành và xúc động: "Bác thức thì mặc bác/ Bác ngủ không yên lòng/ Bác thương đoàn dân công... Càng thương càng nóng ruột/ Mong trời sáng mau mau". Làm sao chúng ta có thể không xúc động trước sự quan tâm, nỗi lo mà Bác dành cho dân tộc, cho đất nước? Bác thương lắm, thương vô cùng những người chiến sĩ thiếu thốn đủ thứ, chỉ có lá cây thay chiếu để nằm, manh áo dùng làm chăn trong những ngày buốt giá. Tấm lòng, tình yêu thương của Bác đã gợi nên sự xúc động mạnh mẽ trong trái tim người chiến sĩ: "Đêm nay Bác ngồi đó/ Đêm nay Bác không ngủ/ Vì một lẽ thường tình/ Bác là Hồ Chí Minh". Hai câu thơ cuối đã nói lên trọn vẹn tấm lòng bao la, tình yêu thương tha thiết mà cả cuộc đời này Bác dành cho dân tộc, cho đất nước.

Từng câu, từng chữ lướt qua trong đầu ta, lắng đọng lại trong đó là cả một nhân cách lớn, một tình cảm lớn. Vẻ đẹp của Bác chính là sự hòa quyện giữa cái phi thường và cái bình thường, giữa cái giản dị thanh cao với một nhân cách lớn.

Không chỉ vậy, vẻ đẹp của Bác còn được thể hiện ở tình cảm, tấm lòng biết ơn, cảm phục của anh đội viên dành cho Bác. Đây là nhân vật chứng kiến toàn bộ hành động của Bác và cũng là người tham gia vào câu chuyện. Đầu tiên đó là cảm xúc băn khoăn, ngạc nhiên khi thấy trời đã khuya mà sao Bác vẫn còn thức. Nhưng chính anh đã tự giải đáp cho mình thắc mắc đó: "Đêm nay Bác không ngủ", không phải là Bác chưa ngủ mà là Bác không ngủ. Không ngủ để lo việc nước, việc dân. Hiểu được tấm long Bác nên chúng ta mới bắt gặp hình ảnh: "Anh đội viên nhìn Bác/ Càng nhìn lại càng thương". Sự quan tâm của anh đội viên đã được cất lên thành câu hỏi quan tâm ân cần:

"Bác ơi! Bác chưa ngủ?
Bác có lạnh lắm không?"

Qua hình ảnh anh đội viên cùng những suy nghĩ, tình cảm của anh về Bác, Minh Huệ đã khéo léo thể hiện được tình cảm, sự biết ơn của mình dành cho Người.

Thể thơ năm chữ được tác giả kết hợp khéo léo với các phương thức biểu đạt như tự sự, miêu tả, biểu cảm khiến cho hình ảnh Bác không chỉ hiện lên qua câu chuyện mà anh đội viên chứng kiến mà còn thể hiện được tình cảm của mình dành cho Bác.

Có thể nói bài thơ được viết bằng những tình cảm chân thành cùng cách viết giống như một câu chuyện đã khiến tác phẩm sống mãi trong lòng độc giả cùng với những tình cảm yêu mến, biết ơn dành cho Bác.

---------------------HẾT--------------------

Đã có rất nhiều vần thơ hay viết về Bác - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đến lượt mình Minh Huệ đã đóng góp thêm một thi phẩm xúc động, chan chứa tình cảm về Bác qua bài thơ Đêm nay Bác không ngủ. Để có những cảm nhận cụ thể về bài thơ này, bên cạnh bài Phân tích bài thơ Đêm nay Bác không ngủ, các em có thể tham khảo thêm một số Bài văn hay lớp 6 khác như: Phân tích đoạn thơ "Lần thứ ba thức dậy... Bác là Hồ Chí Minh" trong bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ, Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật bài Đêm nay Bác không ngủ, Cảm nhận về bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ, Hãy phát biểu cảm nghĩ của em về năm khổ thơ đầu trong bài Đêm nay Bác không ngủ.

 
Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ là một những bài thơ hay nhất viết về Bác Hồ. Phân tích bài thơ Đêm nay Bác không ngủ dưới đây sẽ cùng các em tìm hiểu và phân tích chi tiết vẻ đẹp ngôn từ, hình ảnh và nghệ thuật thơ đặc sắc để thấy được tấm lòng kính yêu của anh bộ đội dành cho Bác, cùng với đó là tình yêu nước, tấm lòng bao la, vĩ đại của Bác dành cho dân, cho nước.
Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật bài Đêm nay Bác không ngủ
Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Đêm nay Bác không ngủ
Cảm nhận về bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ
Hãy phát biểu cảm nghĩ của em về năm khổ thơ đầu trong bài Đêm nay Bác không ngủ
Nhập vai vào anh đội viên để kể lại bài thơ Đêm nay Bác không ngủ
Soạn bài Đêm nay Bác không ngủ, Ngữ văn lớp 6

ĐỌC NHIỀU