Đề bài: Phân tích bài Đi bộ ngao du của Ru-xô
Phân tích bài Đi bộ ngao du của Ru-xô
1. Mở bài
Giới thiệu về đoạn trích "Đi bộ ngao du": Đọc những trang văn của Ru-xô, một nhà triết học người Pháp, em mới thấm thía hơn vai trò của việc đi bộ đối với đời sống mỗi người qua tác phẩm " Đi bộ ngao du".
2. Thân bài
- Phân tích những lợi ích của việc đi bộ:
+ Thứ nhất, đi bộ như là một cách để ngao du mà không bị ràng buộc bởi ai hay bất kì thứ gì khác → Tâm thế tự do
+ Thứ hai, đi bộ chính là cách giúp mở mang vốn trí thức, tầm hiểu biết của con người→ Trau dồi kiến thức...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích bài Đi bộ ngao du của Ru-xô tại đây.
Em vẫn hay tự hỏi rằng, vì sao thấy vì buổi sáng người ta không dành thêm thời gian cho giấc ngủ của mình mà lại chọn cách dậy thật sớm để đi bộ. Và cho đến khi đọc những trang văn của Ru-xô , một nhà triết học người Pháp, em mới thấm thía hơn vai trò của việc đi bộ đối với đời sống mỗi người qua tác phẩm " Đi bộ ngao du"
Theo Ru -xô, việc đi bộ là việc vô cùng thiết yếu với nhiều tác dụng và mang lại lợi ích lớn. Thứ nhất, đi bộ như là một cách để ngao du mà không bị ràng buộc bởi ai hay bất kì thứ gì khác. Đi bộ giúp ta tự do hơn trên cuộc hành trình của chính mình, muốn nghỉ ngơi hay dừng chân ở chốn nào cũng được. Khi đi bộ cơ thể sẽ trở nên linh hoạt hơn, không bị giới hạn bởi điều gì cả, có thể quan sát được khắp mọi nơi, nhìn mọi vật một cách toàn diện . Đặc biệt, khi đi bộ giúp con người hưởng thụ mọi điều, được giải trí mọi lúc mà chẳng biết mệt mỏi hay chán nản, mọi nơi đều có những nét thú vị riêng ,một sức hút riêng thôi thúc sự tìm tòi :"Tôi nhìn thấy một dòng sông ư, tôi đi men theo sông; một khi rừng ư, tôi đi vào dưới bóng cây; một hang động ư, tôi đến thăm quan, một mỏ đá ư, tôi xem xét một khoáng sản....Em vào nhà một người thợ, em làm việc; em vận động hai cánh tay để cho bàn chân nghỉ ngơi". Đi bộ như một sự rong chơi thoải mái nhất , đầy thú vị và tiện ích nhất, không một môn thể thao nào có thể thay thế được.
Thứ hai, đi bộ chính là cách giúp mở mang vốn trí thức, tầm hiểu biết của con người. Tác giả khẳng định: "Đi bộ ngao du là đi như Ta-lét, Pla-tông và Pi-ta-go" tức là việc đi bộ không chỉ để ngao du mà phải mang lại cho ta tri thức phong phú, dồi dào hơn, gắn với tự nhiên và thực tiễn hơn. Không có nhà khoa học nào mà không đi bộ như một cách quan sát tỉ mỉ, khám phá bản chất của hiện tượng, của sự vật trong thiên nhiên. "Ai là người yêu mến nông nghiệp...không tìm các nguyên liệu hoá thạch". Những hiểu biết về nông nghiệp, khoáng sản, cây trồng, hoa lá... đều thông qua đi bộ để tìm hiểu, sưu tập.
Đi bộ là cuộc hành trình giúp ta chiếm lĩnh vốn trí thức đầy thú vị và mới lạ, là cách để khám phá tự nhiên vô cùng hữu hiệu, xác thực. Khác với các triết gia phòng khách với những hiểu biết hời hợt, qua loa trên lý thuyết, thiếu ý niệm về tự nhiên thì kẻ đi bộ sẽ đào sâu vào thực tiễn nhất, khám phá những tầng sâu bản chất nhất của sự vật, bởi vậy mà ông tin rằng phòng sưu tập của Ê-min chính là một trái đất mà mọi vật đều được sắp xếp hợp lý nhất.
Thứ ba, điều thiết yếu nhất là đi bộ mang lại cho con người sức khoẻ- nhân tố vô cùng quan trọng trong sự sống con người. Đồng thời, nó giúp tinh thần trở nên phấn chấn và vui vẻ vô cùng mà không một phương tiện nào có thể mang lại được. Khác xa với vẻ cáu kỉnh, buồn bã cô đơn của những kẻ quyền cao ngồi trong xe ngựa êm kia thì đi bộ giúp cho con người thư giãn, bữa cơm ngon lành hơn, giấc ngủ ngon và sâu hơn. Tất thảy, nó giúp ta rất nhiều trong rèn luyện sức khoẻ và nuôi dưỡng tinh thần thoải mái mỗi ngày.
Ru- xô bằng ngòi bút và tư duy, kinh nghiệm của mình đã đưa ra những quan điểm đúng đắn với lập luận chặt chẽ, những hình ảnh dẫn chứng vô cùng sinh động, thuyết phục và gắn với thực tế cuộc sống, giọng điệu tự nhiên,gần gũi đã cho thấy được điều thiết yếu của việc đi bộ ngao du. Học xong bài học, ta thấy một tâm hồn yêu tự do và khao khát khám phá tự nhiên của tác giả.
----------------HẾT-----------------
Cùng với bài Phân tích bài Đi bộ ngao du, các em có thể tham khảo thêm: Soạn bài Đi bộ ngao du, Ngữ văn lớp 8.