Phân tích 10 câu thơ giữa bài Đồng chí của Chính Hữu

Đề bài: Phân tích 10 câu thơ giữa bài Đồng chí của Chính Hữu

Văn mẫu Phân tích 10 câu thơ giữa bài Đồng chí của Chính Hữu


I. Dàn ý Phân tích 10 câu thơ giữa bài Đồng chí


1. Mở bài

- Giới thiệu bài thơ Đồng chí và tác giả Chính Hữu.
- Giới thiệu khái quát nội dung 10 câu thơ giữa bài. 


2. Thân bài:

a. Nội dung:

* Khổ 2:

- Họ đều bỏ lại sau lưng những điều thân thuộc, gần gũi: “ruộng nương”, “gian nhà”, “giếng nước gốc đa” để ra mặt trận -> Đều đặt tình yêu Tổ quốc lên đầu tiên

- Thực tại khắc nghiệt: cơn sốt rét rừng khiến cho người lính cảm thấy mệt mỏi, đau đớn. 

-> Hoàn cảnh chiến đấu vô cùng khắc nghiệt.

* Khổ 3: 

- Những khó khăn, thiếu thốn trong chiến tranh:

+ Người chiến sĩ không có đủ quần áo lành lặn, toàn phải vá tạm từ những mảnh vải bỏ đi, “chân không giày”
+ Cái lạnh, cái rét của núi rừng

=> Thế nhưng “miệng cười” thể hiện thái độ của họ vẫn rất lạc quan, vui vẻ.

- “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”: Tình cảm, tình đồng chí đồng đội thân thiết, gắn bó. Cái nắm tay trao cho nhau sức mạnh, hơi ấm, tình thương để vượt qua hoàn cảnh khó khăn và chiến đấu cho quê hương đất nước. 

b. Nghệ thuật:

- Thể thơ tự do, linh hoạt
- Các hình ảnh, chi tiết mang tính biểu tượng rất chân thực, gần gũi
- Ngôn ngữ giàu sức biểu cảm


3. Kết bài

- Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của 10 câu thơ giữa bài. 

Văn mẫu Phân tích 10 câu thơ giữa bài Đồng chí ngắn gọn, đầy đủ nhất


II. Bài văn mẫu Phân tích 10 câu thơ giữa bài Đồng chí của Chính Hữu

Chính Hữu là một nhà thơ chiến sĩ. Ông vừa sáng tác văn chương, vừa tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vậy nên, những dòng thơ về chiến tranh và người lính của ông luôn chứa đựng sự chân thực, chân thành. “Đồng chí” là một sáng tác nổi tiếng của ông. Bài thơ nói về thứ tình cảm gắn bó keo sơn của những con người cùng chung một ý chí, quyết tâm trên mặt trận. Trong đó, 10 câu thơ giữa bài đã kể đến những biểu hiện cao đẹp của tình đồng chí. 

Những người lính thời kì kháng chiến chống Pháp đa số đều xuất phát điểm từ những người nông dân chân lấm tay bùn. Họ đã quá đỗi quen thuộc và thân thiết với đồng ruộng, với mái nhà tranh, với cây đa, giếng nước, sân đình. Ấy vậy mà họ đã quyết tâm bỏ lại đằng sau tất cả những điều ấy để ra đi bảo vệ thứ lớn lao hơn đó chính là đất nước:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”

Ở đoạn thơ này, Chính Hữu đã sử dụng những từ ngữ, hình ảnh thơ đặc biệt cho thấy tâm tình của người lính. Người ra đi ai cũng mong sẽ có ngày trở về, mà mảnh ruộng là thứ thân thuộc nhất, gắn bó với người nông dân, tạo ra hoa màu lương thực nuôi sống con người. Vậy nên, người chiến sĩ chỉ “gửi” lại “ruộng nương” cho người bạn thân với mong muốn rằng một ngày nào đó, khi hòa bình lập lại, mình sẽ quay trở về là người nông dân trên quê hương mình. Ước mong là thế nhưng họ vẫn quyết tâm ra đi. Hai từ “mặc kệ” đầy mạnh mẽ, dứt khoát như tô đậm thêm cho ý chí của người lính. Và tất nhiên, khi ra đi, họ vẫn luôn đau đáu về “giếng nước, gốc đa” đầu làng thân thuộc. Cách nói ngược này càng khẳng định cho mối liên hệ hai chiều giữa người lính và quê hương. 

Tất cả những điều đó đều là nỗi niềm thầm kín của người lính, tuy họ không nói ra nhưng đối phương đều thấu hiểu. Chính sự tương đồng trong xuất thân tạo nên đồng cảm sâu sắc rồi từ đó dẫn đến tình đồng chí, đồng đội cực kì gắn bó, thân thiết trong khói bom lửa đạn. Một lần nữa, vẻ đẹp đó lại sáng lên trong những khó khăn, gian khổ trường kì:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày”

Thử thách đầu tiên mà các chiến sĩ phải trải qua đó là những cơn sốt rét rừng đầy kinh hoàng. Những “cơn ớn lạnh”, cơn “sốt run người” và “vầng trán ướt mồ hôi” là minh chứng rõ ràng nhất cho căn bệnh này. Chính Hữu đã chọn lọc và sử dụng những từ ngữ mô tả cực kì chân thực những dày vò mà người chiến sĩ phải chịu, giúp cho người độc thế hệ sau có sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với những người lính. Khó khăn tiếp theo mà đoàn quân phải chịu là sự thiếu thốn đủ đường. Đất nước ta khi đó còn khó khăn, nhân dân ta còn phải chịu nạn đói hoành hành, vậy nên những người lính cũng không khá hơn là bao. Họ chẳng có nổi một tấm áo ấm lành lặn. Bộ đồ họ mặc cũng đã phải vá lại đôi lần, “áo anh rách vai”, “quần tôi có vài mảnh vá”, “chân không giày”. Dù cái rét buốt, giá lạnh của mùa đông trong rừng già ngày một tăng lên nhưng họ vẫn nở nụ cười. Nụ cười này đã thể hiện thái độ vui vẻ, lạc quan, coi thường khó khăn của người lính. Nụ cười như khẳng định rằng dù có bao nhiêu thử thách, chông gai thì họ cũng sẽ đoàn kết, chiến đấu giành lại độc lập cho dân tộc. Và như thể khẳng định thêm cho điều đó, tác giả đã viết:

“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!”

Hai từ “thương nhau” đã bộc lộ hết thảy tình cảm của những người đồng chí dành cho nhau. Họ trao cho nhau tình cảm yêu thương, họ gần gũi, đồng cảm vì có chung hoàn cảnh xuất thân, họ thương xót cho nhau vì phải đối mặt với bao gian nguy. Và hành động “tay nắm lấy bàn tay” là một biểu tượng cho tình thương đó. Cái nắm tay trao cho nhau sức mạnh, hơi ấm, tình thương để vượt qua hoàn cảnh khó khăn và chiến đấu cho quê hương đất nước. 

Với thể thơ tự do, linh hoạt, ngôn ngữ giàu sức biểu cảm cùng các hình ảnh, chi tiết mang tính biểu tượng rất chân thực, gần gũi, Chính Hữu đã thể hiện cho độc giả một thứ tình cảm có ở khắp mọi nơi trên mặt trận: “tình đồng chí”. Đây quả thực là một chủ đề, một tác phẩm bất hủ về người lính mà thanh niên thế hệ sau cần phải đọc và noi theo thứ tình cảm cao quý, thiêng liêng và đầy gắn bó. 

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Sau khi Phân tích 10 câu thơ giữa bài Đồng chí, em có thể tìm đọc thêm Đoạn văn phân tích biểu hiện đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí để hiểu hơn nội dung của khổ 2, khổ 3 hoặc Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu để nắm được kiến thức của toàn bài nhé!

Đồng chí của Chính Hữu là tác phẩm nói về mối liên hệ gắn bó sâu sắc, gần gũi giữa những người lính với nhau. Khổ 2 và khổ 3 của bài thơ đã nêu lên những biểu hiện cảm động của tình đồng chí, đồng đội. Em hãy khám phá Phân tích 10 câu thơ giữa bài Đồng chí để hiểu thêm về nội dung và nghệ thuật của hai khổ thơ này nhé!
Dàn ý phân tích nhận xét: Trong bài Qua đèo Ngang, hai câu thơ xuất sắc nhất là hai câu thơ sau cùng...
Phân tích những nét tương đồng giữa những câu hát than thân và bài thơ Bánh trôi nước
Dàn ý phân tích những nét tương đồng giữa những câu hát than thân và bài thơ Bánh trôi nước
Phân tích đoạn thơ từ câu Không học được tiên ông phép ngủ... đến hết bài trong Sa hành đoản ca
Phân tích nhận xét: Trong bài Qua đèo Ngang, hai câu thơ xuất sắc nhất là hai câu thơ sau cùng...
Đoạn văn phân tích biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí trong 3 câu thơ cuối bài thơ Đồng chí

ĐỌC NHIỀU