1. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề: noi gương những người thành công.
2. Triển khai:
* Lí do chúng ta cần noi gương những người thành công:
+ Người thành công chính là hình mẫu để chúng ta học tập và noi theo.
+ Học được những tính cách, phẩm chất tốt đẹp ở người thành công: suy nghĩ tích cực, tinh thần lạc quan, kiên trì.
+ Rèn luyện cho bản thân lối tư duy lo-gic, biết thấu hiểu và phân tách vấn đề một cách cặn kẽ.
* Chúng ta cần nên noi gương những người thành công:
- Học tập những điểm nổi bật của người thành công.
- Không vận dụng một cách máy móc vào bản thân.
* Bài học nhận thức và hành động:
- Luôn tin tưởng vào khả năng của bản thân, đồng thời, phải biết tự đánh giá khả năng, vị trí của chính mình.
- Tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức nhiều hơn nữa.
- Đề ra mục tiêu, phương hướng phát triển và xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết.
3. Kết thúc:
- Khẳng định lại ý kiến của bản thân.
Xin chào cô và các bạn. Tên em là Hoàng Ngọc Linh. Hôm nay, em xin trình bày ý kiến của bản thân về việc noi gương những người thành công. Kính mong mọi người cùng theo dõi và lắng nghe.
Như các bạn đã biết, trên thế giới này, có rất nhiều người đã và đang xây dựng cơ đồ từ hai bàn tay trắng. Họ là những cá nhân mang lại đóng góp lớn cho biết bao ngành nghề, lĩnh vực. Để đạt được thành quả như vậy, họ phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, công sức, thậm chí là tình cảm riêng tư. Vậy, theo các bạn, chúng ta có nên noi gương của người thành công hay không?
Câu trả lời của mình là có. Vì thứ nhất, người thành công được coi là hình mẫu để chúng ta học tập và noi theo. Chắc hẳn, bạn đã từng nghe nhiều người nói rằng "Mình chắc chắn sẽ thành công như Bill Gates, như Jack Ma" hay "Thần tượng của mình là Ronaldo và Messi. Mình sẽ cố gắng để được như họ". Tiếp đến, việc noi gương người thành công còn giúp ta học được những tính cách, phẩm chất tốt đẹp như: suy nghĩ tích cực, tinh thần lạc quan, kiên trì, dũng cảm đối mặt với khó khăn, thử thách,... Ngoài ra, ta cũng có thể rèn cho mình lối tư duy lo-gic, biết thấu hiểu và phân tách vấn đề một cách cặn kẽ, rõ ràng.
Như vậy, chúng ta cần nên noi gương những người thành công. Tuy nhiên, không nên vận dụng máy móc vào bản thân. Cuộc đời mỗi người là khác nhau, vì thế, chúng ta không thể nào bắt chước y đúc từng đường đi nước bước của ai đấy. Thay vào đó, mỗi cá nhân hãy học tập điểm nổi bật ở những người thành công.
Từ đây, chúng ta cần rút ra bài học nhận thức và hành động đúng đắn. Trước hết, chúng ta cần tin tưởng vào khả năng của bản thân. Đồng thời, biết tự đánh giá năng lực và vị trí của mình. Mỗi người phải tích cực học hỏi điều hay, cần cù trau dồi kiến thức từ sách vở, đời sống. Cuối cùng, không quên đề ra mục tiêu, phương hướng phát triển và xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã quan tâm, lắng nghe.
1. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề: tệ nạn bắt nạt trong trường học hiện nay.
2. Triển khai:
* Giải thích vấn đề:
- Bắt nạt là việc ai đó cậy vào sức mạnh, quyền thế của bản thân rồi dọa dẫm làm cho người khác phải sợ hãi.
- Bắt nạt là một vấn nạn phổ biến trong trường học hiện nay.
* Biểu hiện:
- Dùng lời lẽ khó nghe để xúc phạm đối phương, gây tổn hại tới tâm lí và tinh thần.
- Có những hành vi mang tính bạo lực.
* Nguyên nhân:
- Thích thể hiện, chứng tỏ bản thân "ngầu" hơn người khác.
- Do sự ganh đua ghen ghét mù quáng.
- Xuất phát từ những hiểu lầm cá nhân.
* Đề xuất giải pháp:
- Mỗi cá nhân cần chăm chỉ rèn luyện đạo đức, tác phong lối sống tốt đẹp. Khi có mâu thuẫn, cần cùng nhau giải quyết trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
- Gia đình: cần quan tâm, theo dõi con cái sát sao hơn. Đồng thời, hãy thường xuyên trò chuyện, tâm sự với con để nắm bắt tình hình học tập và sinh hoạt tại trường lớp.
- Nhà trường và thầy cô: cần tăng cường giáo dục, định hướng kĩ năng giao tiếp ứng xử cho các em học sinh.
* Bài học nhận thức và hành động:
- Thay đổi thái độ sống sai lệch, học cách trao yêu thương để nhận lại yêu thương.
- Thường xuyên quan tâm tới bạn bè và mọi người xung quanh.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý kiến của bản thân.
Xin chào cô và các bạn. Tên em là Đặng Hoàng Minh. Trong tiết Nói và nghe ngày hôm nay, em xin phép được trình bày những suy nghĩ, quan điểm của bản thân về tệ nạn bắt nạt trong trường học hiện nay.
Trước hết, mọi người hiểu như thế nào là "tệ nạn" và "bắt nạt"? Theo mình, "tệ nạn" có nghĩa là thói quen xấu, tương đối phổ biến trong đời sống và đem lại các tác hại lớn. Còn "bắt nạt" chỉ việc ai đó cậy vào sức mạnh, ỷ lớn hiếp bé, dọa dẫm khiến người khác phải sợ hãi. Có thể nói, tệ nạn bắt nạt xuất hiện ở nhiều môi trường sống, trong đó không thể không kể đến không gian trường học.
Từ trước, người xưa đã đúc kết ra câu "Ma mới bắt nạt ma cũ". Hiện nay, tình trạng bắt nạt không chỉ xảy ra ở những con người có sự khác biệt về địa vị, cấp bậc hay độ tuổi mà còn xảy ra ở các cá nhân đồng trang lứa. Trong cùng một lớp, việc bạn A cầm đầu nhóm nhỏ dọa nạt bạn B chẳng phải chuyện xa lạ hay hiếm gặp nữa. Người bắt nạt thường dùng lời lẽ khó nghe để xúc phạm đối phương, gây tổn hại tới tâm lí và tinh thần. Thậm chí, họ còn có những hành vi mang tính bạo lực. Đây là điều không thể chấp nhận được.
Nguyên nhân của vấn nạn này bắt nguồn từ chính bản thân mỗi người. Một số cá nhân thích thể hiện, muốn chứng tỏ bản thân "ngầu" hơn người khác. Số khác thì thường ganh đua, ghen ghét mù quáng, thấy mình không bằng người ta nên tức tối, chán ghét. Hoặc đơn giản là do những hiểu lầm cá nhân không đáng có.
Để môi trường học đường luôn văn minh, tốt đẹp, mỗi người cần thay đổi nhận thức, gạt bỏ thái độ sống sai lệch, học cách trao đi yêu thương nhiều hơn. Đồng thời, hãy chăm chỉ rèn luyện đạo đức, tác phong lối sống chuẩn - chỉnh. Khi có mâu thuẫn, cần cùng nhau giải quyết trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng. Bên cạnh đó, gia đình nên quan tâm, theo dõi con cái sát sao hơn. Cha mẹ có thể thường xuyên trò chuyện, tâm sự với con để nắm bắt tình hình học tập và sinh hoạt tại trường lớp. Cuối cùng, nhà trường, thầy cô cần tăng cường giáo dục, định hướng kĩ năng giao tiếp ứng xử cho các em học sinh.
Mong rằng, tất cả trường học sẽ không còn vấn nạn bắt nạt hay bạo lực nữa. Hãy cùng nhau xây dựng một mái trường thân thiện, hòa đồng bạn nhé.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý theo dõi, lắng nghe.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Trong quá trình thuyết trình, em cần lần lượt nêu lên các ý kiến. Để bài nói có sức thuyết phục, hãy kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, em nhé! Mời em tham khảo những văn mẫu lớp 6 cùng chủ đề như:
- Nghị luận về Thái độ đối với người khuyết tật
- Nghị luận về Tôn trọng người khác và mong muốn được người khác tôn trọng