Nói và nghe: Thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi Ngữ văn 7, tập 1 Chân trời sáng tạo

Nói và nghe: Thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi Ngữ văn 7, tập 1 Chân trời sáng tạo

Soạn bài nói và nghe: Thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi Ngữ văn 7, tập 1 Chân trời sáng tạo ngắn nhất

 

Đề bài: Thảo luận nhóm về vấn đề: Có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường?
 

I. Dàn ý thảo luận có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường

1. Mở đầu:

- Giới thiệu vấn đề mà nhóm thảo luận: Có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường?

2. Nội dung chính: trình bày những ý kiến của nhóm.

* Ý kiến, quan điểm phản đối:

- Sử dụng điện thoại có hiệu quả giúp học sinh có thể tra cứu tài liệu.

- Thích ứng với các ứng dụng công nghệ thông tin như kahoot, quizizz,...

* Các ý kiến khác:

- Trong giờ học, học sinh chỉ được dùng điện thoại khi có sự cho phép của giáo viên.

- Không nên sử dụng cho những mục đích khác như lướt Tiktok, Facebook, Instagram,...

3. Kết thúc:

- Khẳng định lại vấn đề cần thảo luận.
 

II. Bài nói mẫu thảo luận có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường

Em chào cô và các bạn. Em tên là Hải Đăng. Em xin thay mặt nhóm Tuổi thơ thần tiên lên thuyết trình về vấn đề: "Có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường?". Kính mong cô và các bạn cùng theo dõi.

Thành tựu của khoa học kĩ thuật đã đem đến nhiều phát minh vĩ đại để phục vụ cho đời sống của con người. Nằm trong xu thế đổi mới chất lượng dạy và học, nhà trường cũng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, tương tác với học sinh. Chính vì thế, vấn đề "có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường?" thu hút được rất nhiều sự quan tâm, thảo luận của những người làm công tác quản lí giáo dục cũng như giáo viên, học sinh.

Qua quá trình trao đổi, thống nhất giữa các thành viên, chúng mình nhận thấy nhà trường nên có cái nhìn cởi mở hơn đối với vấn đề sử dụng điện thoại. Học sinh có thể tra cứu tài liệu để phục vụ cho bài học. Ngoài ra, điện thoại còn giúp các bạn mở rộng vốn tri thức về những lĩnh vực trong đời sống không được đề cập trong sách giáo khoa.

Tiếp đến, điện thoại thông minh còn là trợ thủ đắc lực trong quá trình thảo luận, trao đổi nhóm, làm bài online hay kiểm tra trên Google biểu mẫu, Kahoot, Quizizz. Đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19, điện thoại thông minh giúp duy trì việc học tập của hệ thống giáo dục trên khắp cả nước nói riêng và thế giới nói chung.

Tuy nhiên, để sử dụng có hiệu quả các thiết bị di động trong nhà trường, học sinh chỉ nên sử dụng khi có sự cho phép của giáo viên; không tự ý lướt mạng, chơi game trong giờ. Như vậy, theo nhóm mình, smartphone là công cụ hỗ trợ cần thiết cho việc học tập và không nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học.

Bài thuyết trình của nhóm mình xin được kết thúc tại đây. Em mong cô và các bạn có thể đóng góp ý kiến để phần chuẩn bị của chúng em được hoàn thiện hơn!

 

Đề bài: Thảo luận nhóm về vấn đề: Nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh?

 

I. Dàn ý thảo luận nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh

1. Mở đầu:

- Giới thiệu vấn đề cần thảo luận: Nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh?

2. Nội dung chính: trình bày những ý kiến của nhóm.

- Không nên ban hành nội quy về sử dụng mạng xã hội bởi:

+ Học sinh cảm thấy không thoải mái do quyền riêng tư bị xâm phạm.

+ Hạn chế sự tự do khi sử dụng các trang mạng xã hội: bày tỏ quan điểm, đánh giá của bản thân trước một thông tin, vấn đề nào đó,...

- Một số ý kiến khác: Việc ban hành nội quy về sử dụng mạng xã hội không là biện pháp khả thi vì học sinh có rất nhiều cách để tránh sự kiểm soát của thầy cô. Thay vào đó, mỗi người nên:

+ Tự biết phân bố thời gian sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý.

+ Không nên bị phụ thuộc và chịu ảnh hưởng quá nhiều vào mạng xã hội.

+ Tự biết chọn lọc những thông tin hữu ích, tích cực để phục vụ cho cuộc sống của bản thân.

3. Kết thúc:

- Khẳng định lại vấn đề cần thảo luận.

 

II. Bài nói mẫu thảo luận nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh:

Để làm rõ vấn đề "nhà trường có nên ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh?", thay mặt nhóm Dế Choắt, em xin được trình bày phần chuẩn bị của nhóm mình. Kính mong cô và các bạn cùng chú ý lắng nghe.

Cô và các bạn thân mến, sự phát triển của các loại thiết bị điện tử và di động thông minh kéo theo sự ra đời của các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok, Zalo,... Tại đây, chúng ta có thể kết nối, trò chuyện với mọi người đến từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Không gian mạng đem đến cho mọi người sự tự do trong việc thể hiện cá tính bản thân cũng như bày tỏ quan điểm cá nhân về các vấn đề xung quanh. Chính vì thế, thế giới "ảo" đã trở thành một phần không thể thiếu ở cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, đứng trước những mặt tiêu cực do mạng xã hội đem lại, Chính phủ đã ban hành Luật an ninh mạng năm 2009 để chấn chỉnh hành vi của người dùng. Hiện nay, một số nhà trường cũng ban hành nội quy về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh.

Qua sự nhìn nhận, đánh giá của nhóm, chúng mình không đồng tình với việc này bởi việc ban hành nội quy về sử dụng mạng xã hội của học sinh khiến các bạn cảm thấy không thoải mái do quyền riêng tư cá nhân bị xâm phạm. Ngoài ra, học sinh không thể tự do bày tỏ quan điểm cá nhân hay bản thân đối với các vấn đề mình quan tâm chỉ vì sợ thầy cô đánh giá, khiển trách, vô tình tạo ra tâm lý cảnh giác, chống đối. Đây không phải là biện pháp khả thi vì học sinh luôn tìm mọi cách để tránh khỏi tầm kiểm soát của thầy cô.

Thay vào đó, mỗi người nên tự ý thức được những mặt tiêu cực mà mạng xã hội đem lại cũng như phân bổ thời gian sử dụng Internet hợp lí. Các bạn học sinh cần chọn lọc những nguồn thông tin chính thống, tiếp thu tin tức, vấn đề một cách có chọn lọc, không để kẻ xấu lôi kéo, giật dây. Điều quan trọng nhất là phải sử dụng điện thoại và mạng xã hội đúng lúc, đúng chỗ, tránh gây xao lãng, ảnh hưởng đến việc học tập.

Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe!

 

Đề bài: Thảo luận nhóm về vấn đề: Có nên xếp loại, đánh giá học sinh bằng điểm số?


I. Dàn ý thảo luận có nên xếp loại, đánh giá học sinh bằng điểm số

1. Mở đầu:

- Giới thiệu vấn đề mà nhóm thảo luận: Có nên xếp loại, đánh giá học sinh bằng điểm số?

2. Nội dung chính: trình bày những ý kiến của nhóm.

- Không nên xếp loại, đánh giá học sinh bằng điểm số bởi:

+ Học sinh cảm thấy áp lực vì mong muốn đạt điểm cao.

+ Điểm số không thể đánh giá toàn diện học sinh. Nhiều bạn hổng kiến thức, không có năng lực nhưng nhờ gian lận, quay cóp mà đạt điểm cao.

- Các ý kiến khác:

+ Điểm số phản ánh quá trình học tập của mỗi người -> không nên lấy điểm số để so sánh.

3. Kết thúc:

- Khẳng định lại vấn đề cần thảo luận.


II. Bài nói mẫu thảo luận có nên xếp loại, đánh giá học sinh bằng điểm số

Đến với buổi thuyết trình ngày hôm nay, em xin thay mặt nhóm Cánh buồm đưa ra quan điểm về vấn đề: "Có nên xếp loại, đánh giá học sinh bằng điểm số?". Kính mong cô và các bạn chú ý lắng nghe!

Từ xưa đến nay, giáo dục vẫn thường đánh giá khả năng tiếp thu và xử lí vấn đề của học sinh thông qua điểm số. Qua quá trình tìm hiểu và nhìn nhận thực tế, chúng mình nhận thấy không nên xếp loại, đánh giá học sinh bằng điểm số bởi rất nhiều lý do:

Thứ nhất, việc đánh giá năng lực của người học bằng các đầu điểm vô tình khiến cho học sinh trở nên bị áp lực, nặng nề về mặt tâm lý. Từ việc tích lũy tri thức là một việc làm tốt đẹp nhằm trau dồi bản thân thì nay trở thành một công việc nhàm chán, gò bó khiến không ít học sinh cảm thấy không có động cơ học tập.

Thứ hai, đánh giá bằng điểm số không phải là phương thức đánh giá toàn diện và chính xác. Không ít học sinh "ăn may", khoanh bừa mà vẫn đạt điểm cao. Thậm chí, nhiều em gian lận trong thi cử không bị phát hiện vẫn nghiễm nhiên được 9, 10. Điều này trở thành một điểm xấu ở ngành giáo dục vì chưa tạo ra được sự công bằng, hiệu quả và có tính phân loại với tất cả học sinh.

Chốt lại vấn đề, chúng mình đồng tình với việc không nên dùng điểm số để đánh giá học sinh. Chúng ta cần có cái nhìn toàn diện, biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống hàng ngày. Có như vậy, việc học mới đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận quá trình học tập của mỗi người sẽ phản ánh thông qua điểm số. Dẫu vậy, chúng ta không nên lấy điểm số để so sánh giữa các cá nhân với nhau.

Phần trình bày của em đến đây là kết thúc, em cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe!

 

Đề bài: Thảo luận nhóm về vấn đề: Giáo viên có nên thường xuyên cho học sinh thuyết trình về bài học?

 

I. Dàn ý thảo luận giáo viên có nên thường xuyên cho học sinh thuyết trình

1. Mở đầu:

- Giới thiệu vấn đề mà nhóm thảo luận: giáo viên có nên thường xuyên cho học sinh thuyết trình về bài học?

2. Nội dung chính: trình bày những ý kiến của nhóm.

- Giáo viên không nên thường xuyên cho học sinh thuyết trình về bài học vì:

+ Học sinh dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho bài thuyết trình nên thiếu tập trung với các môn học khác.

+ Học sinh dễ bị nhàm chán khi phải thường xuyên thuyết trình mà không có sự thay đổi về phương pháp học.

+ Với những tiết học bị hạn chế thời gian, giáo viên không thể tổng kết được toàn bộ kiến thức.

- Ý kiến khác:

+ Nên cân bằng giữa thời gian học và thuyết trình.

+ Thuyết trình cũng là phương pháp thúc đẩy khả năng sáng tạo, tính tự giác và niềm say mê, hứng thú với việc học của học sinh.

3. Kết thúc:

- Khẳng định lại vấn đề cần thảo luận.

 

II. Bài nói mẫu thảo luận giáo viên có nên thường xuyên cho học sinh thuyết trình

Xin chào cô và các bạn. Em tên là Nguyễn Hoàng Trâm Anh. Sau đây, em xin thay mặt nhóm Super Star lên thuyết trình về vấn đề: "Giáo viên có nên thường xuyên cho học sinh thuyết trình về bài học?". Mời cô và các bạn cùng lắng nghe.

Như các bạn đã biết, hệ thống giáo dục của chúng ta ngày càng có nhiều thay đổi. Lấy sự phát triển năng lực của học sinh làm trung tâm, thầy cô luôn cố gắng tạo ra những phương pháp mới trong công tác giảng dạy. Song hành với việc học lí thuyết, học sinh được phát triển thêm một số kĩ năng mềm nhờ hoạt động thuyết trình trên lớp.

Tuy nhiên, qua quá trình quan sát từ thực tế, nhóm mình không đồng tình với quan điểm nêu trên. Bởi chúng tớ cho rằng việc thuyết trình đang tiêu tốn quá nhiều thời gian của học sinh trong khi hiệu quả mà nó đem lại không được như mong muốn. Để có thể thuyết trình một cách tự tin và trơn tru trước lớp, chúng ta phải dành hàng tiếng đồng hồ, thậm chí là hàng tuần để chuẩn bị cả về kiến thức lẫn phương tiện hỗ trợ đi kèm. Đặc biệt, thuyết trình theo nhóm đòi hỏi mọi người phải cùng nhau trao đổi, thảo luận để đi đến hướng giải quyết tốt nhất. Chính vì vậy, việc dành quá nhiều công sức cho thuyết trình khiến học sinh không thể hoàn thành bài tập của những môn học khác. Ngoài ra, giáo viên thường xuyên giao thuyết trình cho học sinh gây ra sự nhàm chán nhất định. Trong khi các bạn ở trên đang say sưa trình bày ý kiến của mình thì một số bạn ngồi dưới lại không tập trung theo dõi, cười đùa, nói chuyện riêng. Tần suất thuyết trình dày đặc và sự phân bổ không hợp lí giữa các tiết học khiến thầy cô không thể tổng kết toàn bộ kiến thức.

Thuyết trình là phương tiện thúc đẩy khả năng sáng tạo, tinh thần tự giác và niềm say mê, hứng thú với việc học của học sinh. Do đó, cần cân bằng giữa việc học lí thuyết và thuyết trình trên lớp để học sinh không cảm thấy bị "bội thực" thuyết trình.

Phần trình bày của nhóm chúng em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý theo dõi. Rất mong nhận được ý kiến của mọi người.

 

Đề bài: Thảo luận nhóm về vấn đề: Cha mẹ có quyền quyết định nghề nghiệp tương lai của con cái?

 

I. Dàn ý thảo luận cha mẹ có quyền quyết định nghề nghiệp tương lai của con cái

1. Mở đầu:

- Giới thiệu vấn đề mà nhóm thảo luận: cha mẹ có quyền quyết định nghề nghiệp trong tương lai của con cái?

2. Nội dung chính: trình bày những ý kiến của nhóm.

- Cha mẹ không nên quyết định nghề nghiệp tương lai của con cái bởi:

+ Mỗi cá nhân phải tự làm chủ, nắm giữ cuộc sống và tương lai của mình.

+ Gây ra tâm lý gò bó, ép buộc đối với con.

- Đề xuất giải pháp:

+ Thay vì áp đặt, cha mẹ hãy lắng nghe, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng từ con trẻ.

+ Cha mẹ nên đưa ra những định hướng nghề nghiệp phù hợp với tính cách, sở thích của con cái.

- Ý kiến khác: Con cái nên tham khảo và tôn trọng ý kiến của phụ huynh.

 

II. Bài nói mẫu thảo luận cha mẹ có quyền quyết định nghề nghiệp tương lai của con cái

Trong buổi thảo luận về vấn đề: "Cha mẹ có quyền quyết định nghề nghiệp tương lai của con cái", em xin thay mặt nhóm Mùa thu lên trình bày phần chuẩn bị. Mời cô và các bạn cùng lắng nghe.

Trước khi nêu ý kiến về chủ đề này, mình xin phép hỏi có bao nhiêu bạn ngồi đây cho rằng cha mẹ có quyền quyết định tương lai của con cái? Từ những cánh tay thưa thớt của các bạn, mình có thể thấy rất ít người đồng tình với quan điểm trên và nhóm chúng tớ cũng như thế.

Chúng tớ cho rằng, cha mẹ không nên quyết định nghề nghiệp tương lai của con em. Lý do chúng tớ phản đối quan niệm này là bởi mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm với chính bản thân mình. Mặc dù bố mẹ là người đi trước nhưng chưa chắc những điều mà họ cảm thấy tốt đã là thứ mà chúng ta cần. Họ không thể biết rõ điểm mạnh, điểm yếu, niềm say mê, yêu thích và những mong ước thầm kín của chúng ta. Đồng thời, mỗi đứa trẻ sẽ có một nét tính cách, khả năng tư duy, trình độ và năng lực khác nhau. Do vậy, không nên ép buộc trẻ vào khuôn mẫu nhất định.

Nếu làm một công việc trái nguyện vọng thì bản thân đứa trẻ cũng không có động lực để hoàn thành chúng. Điều này vô tình gây ra tâm lý ức chế, gò bó chỉ để thỏa mãn và làm vui lòng bố mẹ. Rõ ràng, cha mẹ không thể cùng con đi đến hết cuộc đời. Nếu áp đặt con cái theo ý muốn của cha mẹ thì thứ họ nhận được là những đứa trẻ thụ động, ù lì, chỉ biết trông chờ, dựa dẫm vào người khác, không biết tự chịu trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội. Chính vì thế, phụ huynh cần lắng nghe, thấu hiểu con em mình nhiều hơn và tôn trọng sở thích, đam mê riêng của chúng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, cha mẹ luôn mong muốn những điều tốt nhất đến với con cái. Tâm lý lo lắng là điều không tránh khỏi. Bởi thế, chúng ta nên thông cảm cũng như tiếp thu lời khuyên dạy của các bậc phụ huynh. Đừng vì cái tôi quá cao mà phớt lờ lời của người đi trước.

Trên đây là bài thuyết trình của nhóm em, cảm ơn cô và các bạn đã chú ý theo dõi. Em rất mong nhận được ý kiến đóng góp để bài chuẩn bị được hoàn thiện hơn. Em xin cảm ơn.

Soạn văn nói và nghe: Thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi Ngữ văn 7, tập 1 Chân trời sáng tạo ngắn gọn

 

Đề bài: Thảo luận nhóm về vấn đề: Con cái có nên tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình?

 

I. Dàn ý thảo luận con cái có nên tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình

1. Mở đầu:

- Giới thiệu vấn đề mà nhóm thảo luận: con cái có nên tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình?

2. Nội dung chính: trình bày những ý kiến của nhóm.

- Con cái nên tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình:

+ Các thành viên trong gia đình có thể thấu hiểu nhau hơn.

+ Gia đình có sự gắn kết và bền chặt.

+ Các thành viên dễ dàng nắm bắt tình hình của gia đình.

- Các ý kiến khác:

+ Con cái nên tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình nhưng dựa trên sự đóng góp, xây dựng và phải tôn trọng ý kiến của cha mẹ.

3. Kết thúc:

- Khẳng định lại vấn đề cần thảo luận.

 

II. Bài nói mẫu thảo luận con cái có nên tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình

Xin chào cô và các bạn, em tên là Hồng Minh. Sau đây, em sẽ thay mặt nhóm Ngôi sao lên thuyết trình về vấn đề: "Con cái có nên tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình?". Mời cô và các bạn lắng nghe!

Các bạn nghĩ sao về việc con cái thảo luận, quyết định các vấn đề chung của gia đình? Sau một thời gian bàn luận vô cùng sôi nổi, nhóm mình đồng tình với ý kiến trên. Chúng ta không thể phủ nhận rằng, việc con cái tham gia trao đổi, bàn bạc với bố mẹ sẽ giúp mọi người có thể thấu hiểu nhau từ đó, tìm được tiếng nói chung và có sự thống nhất cao độ. Khi bố mẹ để con cái đưa ra ý kiến của mình đồng nghĩa với việc họ đang tôn trọng và lắng nghe con. Con cái bởi vậy cũng hiểu thêm được tâm tư, nguyện vọng của bố mẹ để có những sự điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Gia đình vì thế trở nên đoàn kết, gắn bó hơn.

Trong quá trình thảo luận không tránh khỏi những xung đột, mâu thuẫn. Có thể khoảng cách thế hệ khiến những bất đồng trở nên trầm trọng nhưng mỗi người cần bình tĩnh, nhường nhịn người khác. Để làm được điều này, bố mẹ cần khoan dung còn con cái phải suy nghĩ chín chắn, thấu đáo trước những lời khuyên chân thành của cha mẹ. Mong rằng, mọi thành viên trong gia đình sẽ ngày càng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau để đi qua mọi khó khăn, thử thách.

Bài thuyết trình của nhóm em đến đây là kết thúc. Em rất mong nhận được sự góp ý từ cô và các bạn!

 

Đề bài: Thảo luận nhóm về vấn đề: Di chuyển bằng xe buýt (bus) - nên hay không?

 

I. Dàn ý thảo luận có nên di chuyển bằng xe buýt (bus)

1. Mở đầu:

- Giới thiệu vấn đề mà nhóm thảo luận: Có nên di chuyển bằng xe buýt (bus)?

2. Nội dung chính: trình bày những ý kiến của nhóm.

- Di chuyển bằng xe buýt gây ra nhiều bất tiện bởi:

+ Mọi người không thể chủ động trong quá trình đi lại, phụ thuộc nhiều vào yếu tố ngoại cảnh như thời gian chờ xe, lỡ chuyến,...

+ Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

+ Trên xe bus đông đúc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với mỗi người như dàn cảnh trộm cắp, bắt cóc, dịch bệnh,...

- Ý kiến khác:

+ Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì di chuyển bằng xe bus sẽ giảm thiểu những tác động xấu đối với môi trường.

+ Tiết kiệm chi phí.

+ Hạn chế được rủi ro về tai nạn giao thông.

3. Kết thúc:

- Khẳng định lại vấn đề cần thảo luận.

 

II. Bài nói mẫu thảo luận có nên di chuyển bằng xe buýt (bus)

Đến với buổi thuyết trình về vấn đề: "Di chuyển bằng xe buýt (bus) nên hay không?" ngày hôm nay, nhóm Đệ nhất lừng danh của chúng mình xin gửi đến cô và các bạn phần trình bày mà nhóm đã chuẩn bị. Mời cô và các bạn cùng lắng nghe.

Hiện nay, bên cạnh phương tiện cá nhân, xe buýt cũng là phương tiện công cộng được người dân ưa chuộng và sử dụng rộng rãi. Không thể phủ nhận những giá trị mà xe buýt đem lại nhưng trong thực tế di chuyển bằng phương tiện này chưa thực sự đáp ứng được mọi nhu cầu của người dân. Các bạn phải thừa nhận rằng, khi di chuyển bằng xe buýt, chúng ta không thể chủ động về mặt thời gian. Chúng ta phải đi bộ đến những điểm buýt, sau đó chờ đợi rất lâu. Thậm chí bị lỡ chuyến vì không kịp. Chưa kể đến việc tắc đường vào giờ tan tầm, xe buýt càng khó để có thể đến điểm đón hơn.

Tiếp đó, sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng cũng gây nhiều bất tiện cho người dân. Đó là việc nhiều điểm đón, trả khách không trang bị mái che, ghế ngồi. Hay tình trạng hư hỏng một số thiết bị trên bus gây không ít khó chịu khi sử dụng.

Cuối cùng, nhóm mình nhận thấy xe buýt tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với an toàn của mọi người. Nhiều kẻ xấu lợi dụng nơi đông người để móc túi, ăn trộm nhiều tài sản có giá trị như ví tiền, điện thoại,... Một số kẻ biến thái còn có hành vi quấy rối tình dục và xâm hại thân thể của người khác. Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, không gian đông đúc, chật hẹp trên xe ẩn chứa rất nhiều mầm bệnh gây hại đến sức khỏe.

Mặc dù việc sử dụng xe buýt bất cập là vậy song chúng ta cũng nên có cái nhìn tích cực về nó. Di chuyển bằng xe buýt không chỉ giúp chúng ta tiết kiệm được tiền bạc mà còn hạn chế được rủi ro về tai nạn giao thông. Đồng thời, Trái Đất đang diễn ra quá trình biến đổi khí hậu mạnh mẽ thì việc sử dụng phương tiện công cộng cũng là giải pháp hữu hiệu trong việc giảm thiểu các tác động xấu, góp phần bảo vệ môi trường.

Trên đây là phần trình bày của nhóm mình. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Em xin cảm ơn.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Bài tổng hợp thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi trên sẽ là những gợi ý quan trọng và hữu ích cho quá trình chuẩn bị của các em. Để có thêm những ý tưởng cho mình, em hãy xem thêm bài văn mẫu lớp 7 khác:
- Nghị luận về tầm quan trọng của động cơ học tập
- Nghị luận về ứng xử trên không gian mạng

Khi đứng trước một vấn đề có rất nhiều ý kiến, em sẽ làm gì để bày tỏ suy nghĩ của bản thân và thuyết phục người khác? Chắc chắn bài mẫu Nói và nghe: Thảo luận nhóm về vấn đề gây tranh cãi Ngữ văn 7 tập 1 Chân trời sáng tạo, học kì I dưới đây sẽ là những gợi ý quan trọng cho các em.

ĐỌC NHIỀU