Bước 1: Chuẩn bị nói
- Xác định đề tài: Em hãy chọn một bài thơ để giới thiệu hoặc sử dụng bài thơ mình đã thực hiện ở phần viết.
- Bạn hãy tự xác định: mục đích nói, đối tượng người nghe, không gian và thời gian nói.
Bước 2: Trình bày bài nói
- Cần giới thiệu họ tên, sử dụng ngôi phù hợp khi giao tiếp.
- Có cách diễn đạt linh hoạt và phù hợp. Có thể sử dụng một số câu phù hợp trong việc giới thiệu, đánh giá bài thơ.
- Thể hiện được cảm nhận của bản thân về bài thơ.
- Cần có tính mạch lạc, thuyết phục, truyền cảm khi giới thiệu, tạo được tương tác với người nghe bên dưới.
- Chú ý giọng đọc, giọng nói truyền cảm khi đọc thơ và các trích dẫn thơ.
Bước 3: Trao đổi, đánh giá
* Trao đổi
- Tôn trọng, lắng nghe ý kiến và ghi chép ngắn gọn câu hỏi hoặc ý kiến của người nghe.
- Trả lời ngắn gọn, rõ ràng những câu hỏi, thắc mắc của người nghe.
* Đánh giá
- Nếu bạn là người nói: tự đánh giá phần trình bày của mình.
- Nếu bạn là người nghe: đánh giá phần trình bày của người nói.
Xin chào cô (thầy) và các bạn. Em tên là...
Hôm nay, em sẽ giới thiệu tới cô cùng các bạn một tác phẩm tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh - "Tức cảnh Pác Bó" thông qua việc phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật bài thơ.
Trước hết, bài thơ không chỉ khắc họa những ngày sống và làm việc gian khổ ở Pác Bó mà còn gợi được tình yêu thiên nhiên, tinh thần lạc quan của Người. Chủ đề ấy được thể hiện ngay trong câu thơ đầu:
"Sáng ra bờ suối tối vào hang"
Câu thơ đã mở ra cảnh sinh hoạt thường ngày lặp đi lặp lại "sáng ra" - "tối vào" ở hang Pác Bó của Người. Người sống và làm việc mỗi ngày nơi núi rừng có "suối", "hang". Tuy điều kiện sinh hoạt có thiếu thốn nhưng ta cảm nhận được lối sống quy củ, phong thái ung dung và tình yêu thiên nhiên của Người.
Cuộc sống sinh hoạt của Người càng thêm giản dị với những hình ảnh:
"Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng"
Những bữa cơm đơn giản chỉ có "cháo bẹ", "rau măng" nhưng Người luôn mang trong mình tinh thần "vẫn sẵn sàng". Đối lập với sự khó khăn trong cuộc sống là tư thế chủ động, tinh thần lạc quan.
Chủ đề của bài thơ càng thêm nổi bật với những hình ảnh miêu tả công việc thường ngày:
"Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng"
Từ láy tượng hình "chông chênh" gợi cảm giác bấp bênh, không bằng phẳng kết hợp với danh từ "bàn đá" đã khắc họa nơi làm việc tạm bợ của Bác. Thế nhưng, dù gặp bao nhiêu, Người vẫn ngồi đó và kiên trì với công việc "dịch sử Đảng" - công việc có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp Cách mạng của dân tộc ta.
Đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn trong điều kiện sinh hoạt và làm việc, Người luôn hướng tới sự lạc quan, tích cực:
"Cuộc đời cách mạng thật là sang"
Với Người, được làm Cách mạng thì cuộc đời ấy trở nên "sang" biết bao. Từ "sang" như nhãn tự của bài thơ, làm nổi bật chủ đề bài thơ và làm sáng lên phong thái ung dung, tinh thần lạc quan yêu đời, sự vững vàng của Người vào Cách mạng Việt Nam. Qua đó, ta cũng cảm nhận được niềm vui khi được thực hiện công việc lí tưởng ở Người.
Để làm nổi bật chủ đề của tác phẩm, chúng ta không thể nào phủ nhận những đóng góp về đặc sắc nghệ thuật. Giống như các bài thơ thất ngôn tứ tuyệt khác, "Tức cảnh Pác Bó" được triển khai theo bố cục chặt chẽ: khai, thừa, chuyển, hợp. Nhờ có sự kết hợp hài hòa, bốn câu thơ ngắn gọn, súc tích đã thể hiện rõ toàn bộ chủ đề của bài thơ.
Bên cạnh đó, nét độc đáo trong hình thức nghệ thuật của tác phẩm còn được thể hiện qua các hình ảnh đối lập. Đó là sự đối lập trong thời gian sinh hoạt, hoạt động của Người ở Pác Bó "sáng - tối", "ra - vào". Có thể nói, nhà thơ đã rất tinh tế khi sử dụng các cặp từ trái nghĩa trong một câu thơ để diễn tả lối sống đều đặn cùng sự hòa hợp, gắn bó với thiên nhiên núi rừng.
Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" đã giúp chúng ta hiểu thêm về con người của Bác - một vị lãnh tụ suốt đời vì nước, vì dân, vì sự nghiệp Cách mạng của đất nước.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Em xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi nói, em cần trình bày một cách phù hợp và linh hoạt các vấn đề. Bên cạnh nội dung tham khảo trên, Taimienphi.vn còn rất nhiều bài soạn chất lượng khác. Mời em tham khảo thêm bài soạn, bài văn mẫu lớp 10 khác:
- Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ
- Soạn bài Ôn tập bài 3