Đề bài: Những từ ngữ nào cho thấy Kiều nghĩ đến cái chết?
Bài làm:
Đoạn trích "Trao duyên" trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du quả thực là một khúc "đoạn trường" trong thiên "Đoạn trường tân thanh". Trong đoạn trích này, ta cảm nhận được một Thúy Kiều giàu tình cảm, giàu đức hi sinh và có ý thức về tình yêu, cuộc sống, tuy nhiên một nhân cách cao đẹp như bông hoa mới nở lại bị sóng gió vùi dập tan tác. Đã không ít lần nàng Kiều nghĩ đến cái chết, chính những suy nghĩ của nàng đã mang lại những giọt nước mắt thấm đẫm trang giấy của Nguyễn Du suốt mấy trăm năm vẫn chưa ráo.
Đoạn trích "Trao duyên" là cuộc trò chuyện giữa Thúy Kiều và Thúy Vân, Kiều nhờ cậy em mình trả mối ân tình cho Kim Trọng, hoàn thành lời hẹn ước gắn bó trăm năm, có như vậy nàng mới yên tâm bán mình cứu cha, làm tròn bổn phận người con giữ trọn chữ hiếu. Đây là cảnh tượng cảm động vô cùng, có thể nói là đau lòng chưa từng thấy trong nền văn học nhân loại, từng lời nói của Thúy Kiều là những lời đay nghiến xã hội mà Nguyễn Du gửi gắm, vốn dĩ hai chữ hiếu - tình không thể đặt lên bàn cân, một xã hội bắt con người ta phải lựa chọn thì đó là một xã hội thối nát, tàn bạo. Nàng Kiều đã lựa chọn chữ hiếu, hi sinh chữ tình, khi ấy nàng đã coi như mình không còn tồn tại trên cõi đời này nữa, lời nói của nàng như là nước mắt, là máu rỉ ra trong lòng.
"Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây."
Ơn nghĩa khi nhờ cậy Vân là thứ mà cả đời này Kiều khó có thể trả cho được, chính vì vậy, Kiều nhắc đến cái chết để chứng tỏ cho sự trả ơn đối với Vân, những từ "thịt nát xương mòn" và "ngậm cười chín suối" mang ý nghĩa của cái chết. Khi trao duyên cho em mình, nhận thấy em đã bằng lòng, Kiều quay về sống với nỗi lòng và tình yêu của mình. Trong mười bảy cặp câu thơ lục bát, ngoài hai câu thơ trên, còn có rất nhiều câu chứa đựng những từ ngữ ám chỉ cái chết, các từ ngữ ấy như: Người mệnh bạc, hồn, nát thân bồ liễu, dạ đài, người thác oan...
"Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về."
Nguyễn Du đã để cho các từ ngữ này tập trung một cách dày đặc chứng tỏ tâm trạng rối bời và sự trống trải trong lòng Kiều, đối với nàng, mối tình của nàng và Kim Trọng đã trở thành lẽ sống, khi buộc phải trao duyên cho Vân, nàng tự biết rằng mình không chỉ vứt bỏ đi tình yêu với chàng Kim mà còn từ bỏ đi chính cuộc sống của mình. Tình duyên với Kim Trọng đã đứt gánh, dang dở, đó là sự mất mát to lớn đối với Thúy Kiều, nàng đã coi mối nhân duyên đó như lẽ sống của cuộc đời, vậy nên khi mất đi tình yêu cũng chính là mất đi lẽ sống, coi như mình là một người đã chết, mà dù có chết hồn vẫn quanh quẩn, vảng vất nơi đây. Khi phải nghĩ đến cái chết, đó là khi Kiều đã xót xa thấu da thịt thân phận của mình - một người con gái có tình yêu trong sáng, thủy chung và tha thiết nhưng lại không được sống với tình yêu của mình, trở thành người phụ bạc. Hơn nữa, Kiều muốn chết bởi nàng cũng đã nghĩ đến những oan nghiệt trên đời mà nàng sẽ phải gánh chịu, cái chết của nàng cũng sẽ là cái chết đầy oan nghiệt.
Những từ ngữ thể hiện suy nghĩ về cái chết của Kiều trong đoạn trích "Trao duyên" đã thể hiện tâm trạng bế tắc, đau khổ tột cùng của Kiều trước bi kịch tình yêu của mình, đồng thời còn thể hiện sự băn khoăn, day dứt của Nguyễn Du trước nỗi đau của con người trong xã hội tàn bạo. Bên cạnh đó, ta cũng cảm nhận được tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du đối với số phận của người con gái bạc mệnh, ca ngợi tấm lòng thủy chung, hiếu nghĩa của nàng Kiều.