Những đặc điểm nghệ thuật nổi bật của ca dao

Đề bài: Những đặc điểm nghệ thuật nổi bật của ca dao

 

Bài làm:

Ca dao là một trong những thể loại nổi bật trong văn học dân gian. Nó diễn tả một cách trực tiếp tâm hồn, tình cảm của nhân dân lao động. Nhắc đến nội dung của ca dao thì thường rất đa dạng từ cuộc sống sinh hoạt, đến tình cảm của con người. Đặc điểm về nghệ thuật trong ca dao từ ngôn ngữ đến kết cấu, thủ pháp nghệ thuật, cuối cùng là thể thơ đều mang đậm chất dân gian.

Trước hết, về ngôn ngữ, ca dao đã vận dụng rất thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc. Đó là thứ ngôn ngữ rất giản dị, đẹp đẽ và trong sáng để diễn tả được tâm hồn đa dạng phong phú của con người. Trong ca dao đã có sự kết hợp giữa ngôn ngữ nghệ thuật với ngôn ngữ của đời sống và lời ăn tiếng nói hằng ngày.

" Lá này là lá xoan đào

Tương tư gọi nó thế nào hở em"

Vì sử dụng lời ăn tiếng nói hằng ngày nên ca dao sức quyến rũ mạnh với nhân dân lao động. Đó là vẻ đẹp của sự chân thực, giản dị. Ca dao vì thế dễ đi vào lòng người hơn. Ca dao có mang tính nghệ thuật và giàu sức biểu cảm cao. Ngôn ngữ trong ca dao được trau chuốt, tinh luyện dựa trên ngôn ngữ dân tộc

" Đèn tà thấp thoáng bóng trăng

Ai đem người ngọc thung thăng chốn này"

Ca dao vì là sáng tác của tập thể, truyền miệng từ đời này sang đời khác nên ngôn ngữ của nó còn mang tính địa phương. Ca dao Bắc Bộ thì được sáng tác một cách trau chuốt, tỉ mỉ, sử dụng nhiều cách so sánh, ví von nói bóng nói gió. Ca dao miền Trung thì lại mang tính chất phóng khoáng, không quá trói buộc bởi những quy tắc chặt chẽ:

" Anh đến tìm em thì em đã có chồng

Em yêu anh như rứa, có mặn nồng chi mô"

Trong ca dao, tác giả còn sử dụng rất nhiều đại từ nhân xưng nhất là trong các bài ca đối đáp giao duyên để biểu lộ tình cảm quan hệ lứa đôi. Lúc thì "anh - em", "mình - ta", có lúc lại vô cùng trang trọng "thiếp - chàng"

" Mình ơi ta hỏi thật mình

Còn không hay đã chung tình với ai"

Đặc điểm thứ hai của ca dao chính là kết cấu ngắn ngọn, có sử dụng lối đối đáp và công thức truyền thống. Kết cấu ngắn ngọn chính là một bài ca dao có khi chỉ từ hai đến bốn dòng thơ (1-2 cặp lục bát). Tiếp theo chính là sử dụng lối đối đáp "Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa? Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng rộng mở nhưng chưa ai vào?". Với lối đối đáp này ta có thể hình dung được đây có thể đổi đáp giữa một nam - một nữ. Đặc điểm thứ ba là sử dụng công thức truyền thông. Hàng loạt các từ ngữ với mô tip mở đầu như là "Thân em" trong bài ca than thân. "Chiều chiều" gợi khoảng thời gian buổi chiều, tâm trạng buồn, "Ngó lên", "Trèo lên".. "rủ nhau"...

" Rủ nhau xuống bể mò cua

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng"

" Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn"

Đặc điểm thứ ba là các thủ pháp nghệ thuật chủ yếu trong ca dao đó là biện pháp so sánh ẩn dụ. Đó là kiểu so sánh A như B "Đôi ta như thể con tằm/ Cùng ăn một lá, cùng nằm một phòng". Ngoài ra có sử dụng kết cấu so sánh tương hỗ bổ sung đối tượng được nhấn mạnh rong sự đối chiếu với sự vật khác: "Đôi ta như lửa mới nhen/ Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu". Có thể hai đối tượng so sánh được đưa ra với những nét tương đồng: "Tình anh như nước dâng cao/ Tình em như dải lụa đào tầm hương". Sử dụng so sánh trong ca dao có ý nghĩa nâng cao giá trị nhận thức và tạo hình ảnh biểu cảm cao cho ca dao. So sánh làm cho hình tượng của ca dao thêm rõ nét hơn. Ngoài ra, giúp cho ca dao biểu đạt được chức năng biểu cảm có nghĩa là bộc lộ cảm xúc. Biện pháp thứ hai chính là biện pháp ẩn dụ. Thực chất, ẩn dụ là cách so sánh ngầm mà đối tượng so sánh được ẩn đi " Em tưởng nước giếng sâu, em nối sợi dây dài/ Ai ngờ giếng cạn, em tiếc hoài sợi dây". Biện pháp ẩn dụ trong ca dao giúp cho tác giả dân gian có thể diễn tả được những điều thầm kín, khó nói nhưng vẫn mang tính giản dị và giàu chất thơ.

Trong ca dao, thể thơ nổi tiếng và được dùng nhiều nhất chính là thể lục bát. Thể thơ này giúp cho con người biểu lộ được trạng thái tình cảm phong phú và tinh tế. Đặc điểm của thể thơ vô cùng dễ nhớ bởi cách hiệp vần, nhịp. Cách hiệp vần được thể hiện ở chữ cuối của câu sáu vần với chữ thứ sáu của câu tám, và chữ cuối của câu tám vần với chữ cuối câu sáu.

" Cổ tay em trắng như ngà

Con mắt em liếc như là con dao"

Ngoài ra còn luật bằng trắc và cách ngắt nhịp. Có thể theo luật 2/2/2, câu 8 là 2/2/2/2. Nhưng cách ngắt nhịp trong ca dao cũng vô cùng linh hoạt. Ngoài ra, ca dao còn dùng các thể như thể vãn, thể song thất lục bát, thể hỗn hợp.

Vì những đặc điểm trên về nghệ thuật của ca dao mà ta thấy được ca dao đã đi vào tâm hồn của con người một cách tự nhiên. Nó đã là một sản phẩm tinh thần có giá trị và được truyền từ đời này qua đời khác và được lưu giữ cả trong tài liệu. Ca dao quả là một thể loại có giá trị đến muôn đời.

Cùng với những bài làm văn mẫu về Những đặc điểm nghệ thuật nổi bật của ca dao, học sinh và giáo viên tham khảo thêm các bài làm văn mẫu khác như Nghệ thuật đặc sắc của Vợ Nhặt, Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn ái Quốc thể hiện ở truyện ngắn Vi hành, Giới thiệu một số biện pháp nghệ thuật thường gặp trong ca dao yêu thương, tình nghĩa, Hãy phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ độc đáo qua bài Câu cá mùa thu hay rất nhiều những bài mẫu hấp dẫn khác. Hi vọng qua những bài làm văn này các bạn sẽ hiểu rõ hơn vể cách viết bài về phân tích, thuyết minh nghệ thuật trong từng dạng.

Ca dao mà một trong những thể loại nổi bật nhất trong nền văn học dân gian Việt Nam. Mỗi tác phẩm ca dao lại là tâm sự, quan niệm của con người về đời sống thế sự, đời sống tình cảm, thiên nhiên hay lao động sản xuất. Vậy, ca dao có những đặc điểm nổi bật gì? Bài văn mẫu những đặc điểm nghệ thuật nổi bật của ca daodưới đây sẽ góp phần làm phong phú hơn hiểu biết của người học về thể loại ca dao. Các bạn hãy cùng tham khảo nhé!
Khái quát đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của những câu Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa
Tìm hiểu tác phẩm Bài ca ngất ngưởng
Thuyết minh về ca dao Việt Nam
Sơ đồ tư duy Đàn Ghi ta của Lor-ca
Sơ đồ tư duy Bài ca Côn Sơn
Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng

ĐỌC NHIỀU