1. Mở đoạn:
- Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận: văn hóa ứng xử của học sinh.
2. Thân đoạn:
* Giải thích:
- Văn hóa ứng xử là cách hành xử của con người đối với những sự việc diễn ra trong cuộc sống.
- Văn hóa ứng xử của học sinh đó là cách hành xử trong trường học, nơi công cộng hay trong gia đình.
* Văn hóa ứng xử của học sinh hiện nay:
- Nhiều học sinh ứng xử có văn hóa:
+ Lễ phép với thầy cô, ngoan ngoãn chăm chỉ học tập.
+ Ham học hỏi, nỗ lực vươn lên.
+ Yêu thương, đoàn kết giúp đỡ bạn bè.
- Bên cạnh đó, còn một số học sinh có ứng xử chưa đúng mực:
+ Vô lễ, xúc phạm thầy cô.
+ Gây mất tinh thần đoàn kết, đánh nhau với bạn bè.
+ Không tập trung vào việc học, ham chơi mặc kệ những vất vả của bố mẹ.
* Nguyên nhân:
- Do ý thức của mỗi người còn kém: ham chơi, đua đòi.
- Tác động của mạng xã hội.
* Hậu quả:
- Đạo đức ngày càng đi xuống.
- Ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
* Giải pháp:
- Mỗi học sinh cần phải rèn luyện cả về kiến thức và kĩ năng.
- Gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp để ngăn chặn những ứng xử tiêu cực.
3. Kết đoạn:
- Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
Ứng xử có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước. Văn hóa ứng xử của học sinh là cách hành xử của học sinh đối với những sự việc diễn ra trong trường học, gia đình, cộng đồng. Đây là một vấn đề cần được quan tâm trong giáo dục. Bên cạnh phần lớn các bạn cư xử chuẩn mực, vẫn còn trường hợp cư xử thiếu văn hóa. Có thể lấy ví dụ như nhiều bạn có lời lẽ thiếu tôn trọng với thầy cô và bạn bè. Đáng nói hơn, có học sinh sẵn sàng đăng tải lên mạng những câu nói xúc phạm giáo viên của mình. Trong gia đình, có những học sinh thờ ơ với nỗi vất vả của cha mẹ. Ngoài ra, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hành vi ứng xử kém văn hóa của các bạn học sinh nơi đông người như nói tục chửi bậy, vứt rác bừa bãi,... Những việc làm đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của xã hội. Một phần nguyên nhân có lẽ là do thế giới thay đổi không ngừng, nhiều loại hình giải trí ra đời. Nhiều bạn trẻ không kiểm soát được bản thân, đắm chìm trong thế giới ảo mà không quan tâm đến mọi người xung quanh. Từ đó dẫn đến việc không có lối cư xử đúng đắn trong môi trường mà mình đang sống. Mỗi học sinh ứng xử có văn hóa thì sẽ có thêm một công dân tốt trong tương lai. Vậy nên, mỗi chúng ta cần trau dồi cho bản thân cả kiến thức và kĩ năng để có thể giao tiếp tự tin, khéo léo, lịch sự.
----------------------------------
Mời các em tham khảo thêm bài văn mẫu lớp 9 trên Taimienphi.vn: Đoạn văn nghị luận về văn hóa ứng xử nơi công cộng, Suy nghĩ của em về lối sống vô cảm trong giới trẻ hiện nay, Nghị luận về câu nói Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng, Suy nghĩ của em về câu nói Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm....
Văn hóa ứng xử có vai trò vô cùng quan trọng để hình thành nhân cách của người học. Đây là một vấn đề đáng quan tâm, nhất là văn hóa ứng xử của học sinh hiện nay. Đó là là cách hành xử của các bạn học sinh với mọi người thông qua lời nói, cử chỉ, hành động. Thực tế, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều học sinh luôn ngoan ngoãn, lễ phép, kính trọng thầy cô. Họ tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, hòa đồng với tất cả bạn bè cùng lớp, cùng trường. Không chỉ vậy, họ còn luôn cố gắng giúp đỡ bạn bè để cùng nhau tiến lên trong học tập. Ngoài ra, có những học sinh luôn chấp hành nghiêm túc pháp luật, các quy định về an toàn giao thông, hiểu biết và tích cực tham gia đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội. Khi ta cư xử có văn hóa sẽ tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, tiến bộ. Không chỉ ở trường học, nhiều bạn học sinh khi về nhà luôn yêu thương, nghe lời dạy của bố mẹ. Điều đó cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của toàn xã hội. Một đất nước phát triển là khi mọi người cư xử với nhau lịch sự, văn minh. Mỗi học sinh chúng ta hãy bắt đầu học cách cư xử có văn hóa ở trường học, gia đình để từ đó phát huy, trở thành người văn minh, lịch sự, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Trường học là nơi trang bị cả kiến thức và kĩ năng vậy nên việc rèn giũa văn hóa ứng xử của học sinh là điều cần thiết. Điều đó là nền tảng để phát triển thế hệ tương lai trở thành người văn minh, lịch sự.
Văn hóa ứng xử của học sinh là lối suy nghĩ, hành động, lời nói của học sinh trong trường học, gia đình, cộng đồng. Qua cách hành xử của các bạn, thầy cô có thể nắm bắt được học sinh nào ngoan hoặc chưa ngoan. Từ đó có sự phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường để uốn nắn, rèn giũa các bạn nên người.
Nhìn vào thực tế, ta thấy có rất nhiều học sinh luôn gương mẫu, lễ phép với thầy cô, ngoan ngoãn chăm chỉ học hành. Hơn nữa, khi thấy gia đình bạn gặp khó khăn, họ sẵn sàng vận động mọi người cùng giúp đỡ. Những học sinh như vậy sẽ luôn được thầy yêu, bạn mến. Thế nhưng, bên cạnh đó còn một số bạn trẻ có những hành vi thiếu văn hóa. Họ tỏ ra vô lễ, xúc phạm chính những thầy cô đang giảng dạy cho mình. Tệ hơn nữa, có bạn lạm dụng mạng xã hội để đăng tải những bài viết với nội dung không đúng đắn về thầy cô, bạn bè. Trong gia đình, một bộ phận học sinh vô cảm với chính cha mẹ mình. Họ không quan tâm đến những người thân đã phải vất vả như thế nào mà chỉ biết ham chơi khiến bố, mẹ buồn lòng.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến những hành xử thiếu văn hóa như vậy? Có lẽ, một phần là do mạng xã hội phát triển, nhiều loại game hấp dẫn ra đời. Điều đó khiến cho một số học sinh quá đắm chìm và dần dần thu mình lại, không quan tâm đến mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, một số bậc phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến sự giáo dục con cái. Chính vì vậy, vô tình khiến cho con có những suy nghĩ và hành vi sai lệch.
Học sinh chính là thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước vậy nên những hành vi ứng xử không đúng mực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của xã hội. Mỗi học sinh phải tự trau dồi kiến thức, kĩ năng để hoàn thiện bản thân mỗi ngày để có được những hành động văn minh, lịch sự . Việc trở thành người ứng xử có văn hóa không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai mà phải trải qua cả quá trình dài cố gắng, kiên trì.
Xã hội càng phát triển, văn hóa ứng xử càng quan trọng. Đó là chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công. Đặc biệt là thế trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước cần cố gắng rèn luyện để trở thành người ứng xử có văn hóa góp phần đưa đất nước phát triển đi lên.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Mỗi người cần tự trau dồi kiến thức, kĩ năng để hoàn thiện bản thân trở thành người ứng xử có văn hóa.