1. Mở bài:
- Dẫn dắt và giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: lắng nghe và thấu hiểu.
2. Thân bài:
a, Giải thích:
- Lắng nghe:
+ Là quá trình chủ động tiếp nhận thông tin.
+ Là khả năng chú ý, tập trung vào những nội dung được người nói truyền tải.
- Thấu hiểu:
+ Là khả năng nhận thức và hiểu một cách sâu sắc những cảm xúc của người khác.
+ Là sự đồng cảm, sẻ chia về mặt cảm xúc, không có phán xét.
b, Biểu hiện:
- Chú ý, tập trung khi người khác nói.
- Đưa ra được những lời khuyên, định hướng hữu ích cho người khác.
- Đồng cảm, chia sẻ với khó khăn người khác gặp phải.
c, Ý nghĩa:
- Thể hiện sự tôn trọng với người nói.
- Giúp các mối quan hệ trở nên gắn bó, bền chặt hơn.
- Lan tỏa sự tích cực, sẻ chia, đồng cảm đến với cộng đồng.
- Nhận được sự tôn trọng, yêu quý của mọi người.
- Đem tới nhiều bài học, kinh nghiệm và giá trị tốt đẹp cho bản thân.
d, Liên hệ thực tế:
- Có nhiều người thiếu sự nhẫn nại, không biết lắng nghe, thấu hiểu với người khác.
- Có trường hợp nghe cho có chứ không để tâm.
- Thấu hiểu không có nghĩa là đồng tình, chấp nhận với quan điểm của người khác.
e, Bài học nhận thức:
- Tập lắng nghe một cách thông minh, chọn lọc, phù hợp.
- Rèn luyện lòng yêu thương, sự cảm thông, thấu hiểu trong cuộc sống.
3. Kết bài:
- Khái quát và khẳng định lại giá trị của việc lắng nghe, thấu hiểu.
- Nêu bài học nhận thức và hành động.
Lắng nghe và thấu hiểu mang đến rất nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội. Không đơn giản chỉ là tiếp nhận âm thanh một cách thụ động, việc lắng nghe còn bao hàm sự tập trung, chăm chú. Đó chính là cơ sở hình thành nên lòng đồng cảm, thấu hiểu. Điều này được biểu hiện qua việc người nghe chủ động tìm kiếm thông tin hay đưa ra phản hồi, giải pháp tương ứng cho người nói. Thông qua đó, hình thành sự sẻ chia, giúp các mối quan hệ trở nên bền chặt hơn. Việc được lắng nghe, thấu hiểu còn giúp lan tỏa tình yêu thương, sự tích cực đến với cộng đồng. Bên cạnh đó, con người cũng có thêm cho mình nhiều bài học giá trị. Tuy nhiên, nếu những suy nghĩ, hành động mà ta thấy đi theo chiều hướng tiêu cực thì không nên ủng hộ. Trong cuộc sống, có nhiều trường hợp do bị đẩy đến đường cùng nên mới làm ra chuyện xấu như trộm cắp, dối trá. Ta có thể hiểu cho những người đó, cảm thông với họ nhưng không đồng nghĩa với việc ủng hộ, cổ vũ họ tiếp tục hành động như vậy. Thay vào đó, hãy đưa cho họ lời khuyên, sự góp ý, hướng họ đi theo đúng đường. Có như vậy thì những người đó mới có thể thay đổi ngày một tốt hơn. Xã hội cũng dần phát triển văn minh, lành mạnh hơn. Tóm lại, sự lắng nghe, thấu hiểu là vô cùng cần thiết với mỗi cá nhân. Tuy nhiên, hãy biết sử dụng điều ấy một cách phù hợp, thông minh để đem lại kết quả tốt nhất cho bản thân và những người xung quanh.
----------------------
Còn rất nhiều bài văn nghị luận xã hội khác như Nghị luận về tính tự lập, Nghị luận về ý nghĩa của niềm hi vọng trong cuộc sống; Nghị luận về tinh thần tự học, Nghị luận về lòng trung thành..., các em cùng tham khảo để làm bài văn tốt hơn nhé.
Trong cuộc sống, ai cũng cần có cho mình sự lắng nghe và thấu hiểu. Từ xưa đến nay, ta vẫn thường bắt gặp câu "Người nói thì phải có người nghe". Chỉ khi tiếp thu một cách chăm chú, chủ động thì hành động "nghe" ấy mới mang lại hiệu quả. Và lúc đó, con người sẽ dần hình thành sự thấu hiểu. Lấy ví dụ ngay trong việc học tập môn Ngữ văn. Khi đọc một tác phẩm, nếu chỉ dựa vào lời giải thích, bình giảng của giáo viên, người học chỉ có thể thụ động tiếp nhận kiến thức. Nhưng nếu lắng nghe một cách tập trung, chủ động tìm hiểu và phản hồi, những tri thức liên quan đến tác phẩm ấy sẽ dần được phát triển. Người học từ đó hiểu và đồng cảm với tác giả, nhân vật và tự rút ra được kết luận cho bản thân. Việc lắng nghe không chỉ hữu ích trong học tập mà còn có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Điều này giúp con người hoàn thiện, trưởng thành hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực sự biết cách lắng nghe và thấu hiểu. Do cuộc sống bộn bề, hối hả, con người đang ngày một xa cách hơn. Người ta thường ưu tiên việc "nói", bày tỏ vấn đề của mình hơn là ngồi xuống và "nghe" vấn đề của người khác. Các mối quan hệ cũng từ đó mà có thêm rạn nứt. Chính vì vậy, mỗi người hãy tự rèn luyện cho mình khả năng lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm. Có như vậy thì những vấn đề trong cuộc sống mới dần được giải quyết. Nhờ đó, con người sẽ không chỉ giúp xã hội văn minh, phát triển hơn mà còn tự nâng cao được giá trị của bản thân.
Nhà báo nổi tiếng người Mỹ Frank Tiger đã nhận định: "Thính giác là một trong năm giác quan của con người. Nhưng lắng nghe là nghệ thuật". Quả thật, việc lắng nghe giúp con người ta nhìn nhận thế giới một cách đa chiều hơn, đem lòng đồng cảm, thấu hiểu tới cộng đồng.
Nếu như "nghe" chỉ là sự tiếp nhận thanh âm một cách thụ động thì việc "lắng nghe" lại là quá trình chủ động tập trung vào nội dung được người nói truyền tải. Đi kèm với đó là sự thấu hiểu, đồng cảm sâu sắc với người khác. Hai khái niệm nêu trên có sự liên quan chặt chẽ với nhau. Chỉ có chú ý lắng nghe, ta mới có thể hiểu, chia sẻ mà không phán xét.
Sự lắng nghe, thấu hiểu được thể hiện rất rõ trong các cuộc trò chuyện, qua cách tiếp nhận thông tin, sự việc từ người nói. Khi ấy, người nghe sẽ có khả năng đưa ra những lời khuyên, hoặc đơn giản hơn là sự an ủi, sẻ chia cần thiết. Minh chứng dễ thấy nhất phải kể đến những buổi trị liệu tâm lí. Ở đó, bác sĩ sẽ đóng vai trò như một người bạn, cùng đồng hành với bệnh nhân để đối mặt và vượt qua vấn đề.
Nhờ có sự lắng nghe, thấu hiểu, cuộc sống của con người đã trở nên tốt đẹp và ý nghĩa hơn rất nhiều. Trong một cuộc trò chuyện, việc lắng nghe chính là để thể hiện sự tôn trọng của bản thân dành cho người nói. Điều này giúp ta đón nhận những tri thức mới, đồng thời có được thiện cảm, lòng yêu mến từ phía mọi người xung quanh. Ngoài ra, sự lắng nghe, thấu hiểu còn như một sợi dây vô hình giúp con người sát lại gần nhau hơn.
Tuy vậy, trên thực tế, sự lắng nghe, thấu hiểu trong cuộc sống còn tồn tại những mặt trái. Con người hiện nay cũng dần trở nên ít lắng nghe. Cha mẹ bị cuốn vào công việc, quên mất phải chuyện trò, tâm sự với con cái. Giới trẻ thì bị xao nhãng bởi các thiết bị công nghệ, thu mình vào thế giới riêng. Sự lắng nghe, thấu hiểu dần trở nên khá "xa xỉ". Mối quan hệ giữa người với người ngày một xa cách hơn.
Chính vì vậy, để hoàn thiện bản thân cũng như kéo gần khoảng cách trong cộng đồng, mỗi người cần tự rèn luyện cho mình cách lắng nghe, thấu hiểu thật phù hợp. Hãy chọn lọc và đánh giá thông tin thật khách quan, từ đó đưa ra lời khuyên hay phương án giải quyết thông minh, hiệu quả nhất. Với tấm lòng đồng cảm, sẻ chia, con người sẽ xây dựng nên một xã hội văn minh, tiến bộ và đáng sống hơn từng ngày.
Tựu chung lại, có thể thấy lắng nghe và thấu hiểu là những đức tính, thói quen đáng quý của con người. Hãy biết sử dụng điều đó một cách thông minh, phù hợp để mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Thói quen lắng nghe sẽ đem lại cho con người sự thấu hiểu cần thiết, từ đó góp phần tạo ra nhiều mối liên kết trong xã hội.