Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 và 2019, tuy nhiên trong quá trình áp dụng vẫn còn nhiều bất cập, do đó sắp tới đây có một số nội dung tiếp tục được sửa đổi. Mời bạn đọc cùng Taimienphi.vn tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết sau.
* Tải luật sở hữu trí tuệ mới nhất TẠI ĐÂY
- Hiện nay, Luật sở hữu trí tuệ 2005, Luật sở hữu trí tuệ 2019 đang có hiệu lực thi hành.
- Luật có 222 điều luật, được chia thành 06 phần khác nhau, gồm:
+ Phần thứ nhất: Những quy định chung
+ Phần thứ hai: Quyền tác giả và quyền liên quan
+ Phần thứ ba: Quyền sở hữu công nghiệp
+ Phần thứ tư: Quyền đối với giống cây trồng
+ Phần thứ năm: Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
+ Phần thứ sáu: Điều khoản thi hành
- Phạm vi điều chỉnh: Quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó.
- Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện luật quy định và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Sắp tới đây, từ 01/01/2023, Luật Sở hữu trí tuệ mới nhất sẽ áp dụng là Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022. Theo đó, về hiệu lực có một số điểm lưu ý như sau:
Luật Sở hữu trí tuệ 2022 có hiệu lực từ 01/01/2023, trừ một số nội dung sau:
+ Quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh: có hiệu lực từ 14/1/2022.
+ Quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm: có hiệu lực từ 14/1/2024.
Dưới đây là những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 mà chúng tôi tổng hợp được, gồm có:
(1) Sửa đổi, bổ sung cách hiểu của một số thuật ngữ
- Đưa ra cách hiểu về chỉ dẫn địa lý đồng âm, sáng chế mật, tiền bản quyền,... mà trước đây chưa đề cập đến.
- Sửa đổi các thuật ngữ sau: Tác phẩm phái sinh; tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố; sao chép;....
(2) Bổ sung nội dung về tác giả, đồng tác giả
Theo đó, bổ sung thêm nội dung hoàn toàn mới "Việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác.".
(3) Bổ sung quyền nhân thân của tác giả
Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản. Đây là nội dung hoàn toàn mới so với quy định cũ.
(4) Thêm trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả
Cụ thể, bổ sung thêm trường hợp:
- Tự sao chép dùng cho học tập; bổ sung yêu cầu các trường trên phải không nhằm mục đích thương mại;
- Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại;
- Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước;
- Sao chép bằng cách đăng tải lại trên báo, ấn phẩm định kỳ, phát sóng hoặc các hình thức truyền thông khác tới công chúng bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được trình bày trước công chúng trong phạm vi phù hợp với mục đích thông tin thời sự, trừ trường hợp tác giả tuyên bố giữ bản quyền;
- Bổ sung hành vi chụp ảnh nhằm mục đích đưa tin thời sự, trong đó có sử dụng tác phẩm được nghe thấy, nhìn thấy trong sự kiện đó.
(5) Thêm hình thức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả
Trước đây, việc nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả được thực hiện trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện. Tuy nhiên, trong thời gian tới có thể sử dụng thêm hình thức đăng ký trực tuyến tại cổng dịch vụ công (đăng ký online).
(6) Thay đổi quy định về hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan
- Theo đó, trong tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan bổ sung thêm thông tin Thời gian hoàn thành, Thông tin về cấp lại, cấp đổi.
Ngoài ra còn quy định "Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ.".
(7) Quyền đăng ký là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
Đây là nội dung mới được bổ sung theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2022, theo đó:
- Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước => quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ 1 số trường hợp nêu tại khoản 3 điều này.
- Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước => phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn trừ 1 số trường hợp tại khoản 3.
Luật sở hữu trí tuệ hiện hành đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với quyền sở hữu trí tuệ - một loại tài sản đặc biệt. Tuy nhiên, trong thời kỳ phát triển hội nhập, việc áp dụng luật trên thực tế vẫn còn một số bất cập. Do đó, việc ban hành Luật sở hữu trí tuệ 2022 là yêu cầu cần thiết để đảm bảo một hành lang pháp lý an toàn, hiệu quả.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam như: Luật thanh tra, Luật thi đua khen thưởng, Luật thi hành án dân sự,...