Đề bài: Kể lại bài Những hạt thóc giống theo lời của nhà vua
2 bài văn mẫu Kể lại bài Những hạt thóc giống theo lời của nhà vua
Gần suốt cuộc đời, ta trị vì trên ngôi báu. Nay tuổi tác đã cao, ta muốn tìm một người trung thực để thay ta dẫn dắt muôn dân. Một hôm, ta bỗng nảy ra một kế, liền sai các quan bí mật luộc kĩ thóc giống, rồi ban lệnh phát cho mỗi người dân một thúng đem về gieo trồng và giao hẹn: Nếu ai thu được nhiều thóc nhất sẽ được ta truyền cho ngôi báu. Ai không có thóc nộp sẽ bị trừng phạt.
Đến vụ thu hoạch, mọi người nô nức chở thóc về kinh thành nộp cho ta. Riêng có một chú bé không có hạt thóc nào lo lắng đến trước mặt ta cúi đầu, quỳ tâu:
- Tâu Bệ hạ! Con không làm sao cho thóc giống nảy mầm được ạ!
Mọi người sững sờ, lo lắng trước lời tâu của chú bé. Nhưng ta đã đỡ chú bé đứng dậy và hỏi xem có ai cũng để chết thóc giống không. Không ai trả lời. Lúc ấy, ta mới ôn tồn nói:
- Trước khi phát thóc giống, ta đã ngầm cho luộc kĩ rồi. Lẽ nào thóc ấy còn mọc được? Những xe thóc đầy ắp kia đâu phải thu được từ thóc giống của ta?!
Không khí im lặng, căng thẳng bao trùm khắp sân rồng. Ta tuyên bố:
- Trung thực là đức tính quý nhất của con người. Kể từ hôm nay, ta sẽ truyền ngôi cho chú bé trung thực và dũng cảm này. Sự lựa chọn của ta là đúng đắn.
Sau này, chú bé ấy đã trở thành một ông vua hiền minh, được dân chúng hết lời ca ngợi.
Như vậy chúng tôi đã gợi ý Kể lại bài Những hạt thóc giống theo lời của nhà vua bài tiếp theo, các em chuẩn bị cho phần Kể lại truyện Những hạt thóc giống bằng ngôn ngữ của riêng em và cùng với phần Tưởng tượng câu chuyện có ba nhân vật: bà mẹ ốm, người con và một bà tiên để có thể hiểu rõ hơn về nội dung này.
Ta là vua của đất nước Khơ-me rộng lớn và tươi đẹp. Nay ta tuổi đã cao, người đã yếu, không đủ sức cai trị giang sơn. Nhưng khổ nổi, ta lại không có con trai. Vì vậy, ta muốn tìm người nối ngôi. Người tài trong dân gian thì rất nhiều. Nhưng tài trí thì có thể đào tạo được. Theo ta, phẩm chất quan trọng nhất đối với một nhà vua tương lai, của con người là tính trung thực. Chính bởi vậy nên ta đã nghĩ ra một thử nghiệm để tìm ra người trung thực nhất vương quốc. Ta phát cho mỗi người dân một thúng thóc, sai họ đưa về gieo trồng và giao hẹn ai thu được nhiều thóc nhất sẽ được truyền ngôi, ai không nộp thóc sẽ bị trừng phạt.
Lệnh ta vừa ban ra, mọi người thi nhau mang thóc về chăm sóc, vun trồng tỉ mỉ, mong được lựa chọn làm hoàng đế. Không ai hay biết rằng ta đã bí mật luộc tất cả chỗ thóc giống đó. Dù họ có cố gắng thế nào cũng không thể khiến thóc nảy mầm.
Vậy mà thật ngạc nhiên, đến ngày hẹn, kinh thành của ta lại đầy ắp những xe thóc vàng ươm. Ai cũng lớn tiếng khoe ta đây đã tận tâm chăm sóc. Ta tưởng không còn hi vọng gì thì bỗng đâu, một chú bé chạy đến bên ta quỳ gới tâu:
- Tâu bệ hạ! Con không làm sao cho thóc nảy mầm được.
Nghe chú bé nói ta hết sức vui mừng nhưng vẫn điềm nhiên hỏi mọi người xung quanh:
- Có còn ai làm chết thóc giống nữa không?
Không ai trả lời. Tất cả đều tái mặt lo cho số phận của chú bé.
Sau khi hỏi lại một lần nữa, ta bèn đỡ chú bé dậy và ôn tồn hỏi:
- Con tên là gì?
- Dạ! Muôn tâu bệ hạ, thần tên là Chôm. Thần đã cố gắng hết sức để chăm sóc thóc giống Bệ hạ ban nhưng không hiểu sao chúng không thể nảy mầm. Thần đáng tội chết ạ!
Trước thái độ thành thật của chú bé, ta cười lớn và bảo:
- Không! Con không có tội. Trước khi phát thóc ta đã luộc kĩ rồi. Lẽ nào thóc ấy còn mọc được? Những se thóc đầy ắp kia đâu phải thu được từ thóc giống của ta.
Và trong khi mọi người còn chưa hết ngạc nhiên, ta dõng dạc tuyên bố:
Trung thực là đức tính quý nhất của con người. Ta sẽ truyền ngôi cho chú bé trung thực và dũng cảm này.
Kkhong phụ công ta tin tưởng, sau này, Chôm đã trở thành một vị vua anh minh, thay ta trị vì đất nước Khơ-me ngày càng phồn thịnh.