1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về hiện tượng núi lửa.
2. Thân bài:
* Một số khái niệm:
- Núi lửa:
+ Là một vết đứt gãy trên lớp vỏ của hành tinh.
+ Cho phép dung nham, tro núi lửa và khí thoát ra từ một lò mắc-ma ở dưới bề mặt hành tinh.
- Sự phun trào núi lửa:
+ Là một hiện tượng tự nhiên.
+ Có thể xảy ra trên Trái Đất hoặc các hành tinh khác vẫn còn hoạt động địa chấn, các vỏ thạch quyển di chuyển trên lõi chất khoáng nóng chảy.
* Nguyên nhân hình thành, cấu tạo và phân loại núi lửa:
- Nguyên nhân hình thành:
+ Nhiệt độ càng xuống bên dưới bề mặt Trái Đất càng nóng, lên tới 6000 độ C, có khả năng nung chảy hầu hết các loại đá cứng.
+ Đá được đun nóng tan chảy, chúng giãn nở và cần nhiều không gian hơn, tạo ra dòng mắc-ma trong lòng Trái Đất.
+ Khi áp lực của các dòng chảy mắc-ma cao hơn áp lực được tạo bởi lớp đá bên trên, dòng mắc-ma sẽ phun trào qua miệng núi, tạo nên núi lửa.
- Cấu tạo của núi lửa: nguồn dung nham, ống dẫn, lỗ thoát, miệng núi lửa, đường dẫn nhanh, ngưỡng, cổ họng núi lửa.
- Phân loại:
+ Dựa vào hình dáng: núi lửa hình chóp, núi lửa hình khiên.
+ Dựa vào dạng thức hoạt động: núi lửa thức, núi lửa ngủ, núi lửa chết.
+ Dựa vào độ quánh của dung nham: kiểu Hawai, kiểu Stromboli, kiểu Pelee.
* Ảnh hưởng của sự phun trào núi lửa:
- Ảnh hưởng tích cực:
+ Dung nham mắc-ma phun trào từ lòng đất có chứa rất nhiều thành phần khoáng sản.
+ Tạo năng lượng địa nhiệt.
+ Phát triển hoạt động tham quan, du lịch.
- Ảnh hưởng tiêu cực:
+ Làm hư hại những công trình giao thông, thủy lợi,... và hủy diệt các cá thể sống.
+ Gây cháy rừng, biến đổi môi trường sinh thái, tăng tính nhạy cảm của thiên tai, gây ra thảm họa sóng thần,...
+ Gây ô nhiễm môi trường.
+ Tác động xấu đến khí hậu và tầng ozon.
3. Kết bài:
- Khái quát lại những ý đã trình bày.
Trong cuộc sống của chúng ta ẩn chứa rất nhiều điều thú vị đang chờ đợi được khám phá. Nào là cực quang, cầu vồng, xoáy nước băng,... Trong đó, núi lửa cũng là một hiện tượng khá quen thuộc. Khi tìm hiểu sâu về hiện tượng này, chúng ta có thể thấy rất nhiều điều kì thú.
Hiểu đơn giản, núi lửa là những ngọn núi có miệng lớn, bên trong chứa dung nham nóng chảy, dễ phun trào khi bị tác động vào. Nhưng nếu giải thích theo khoa học, đó là vết nứt gãy trên lớp vỏ của hành tinh. Tức là không chỉ có trên Trái Đất, núi lửa còn tồn tại trên các hành tinh khác có hoạt động địa chấn. Nó cho phép dung nham, tro và khí thoát ra từ lò mắc-ma dưới bề mặt hành tinh đó.
Núi lửa được hình thành và xuất hiện ở nhiều nơi trên Trái Đất. Xét về cấu tạo của hành tinh xanh, càng xuống dưới, nhiệt độ càng nóng hơn. Nhiệt độ ấy có khả năng nung chảy hầu hết các loại đá cứng. Khi đó, đá được đun chảy trở thành dòng mắc-ma trong lõi Trái Đất. Chúng giãn nở và cần nhiều không gian hơn, từ đó tạo áp lực lên lớp đá bên trên, đẩy các ngọn núi cao dần. Đến một mức nhất định, dòng mắc-ma sẽ thoát qua miệng núi, tạo thành hiện tượng núi lửa phun trào.
Có rất nhiều cách để phân loại núi lửa. Ta có núi lửa hình khiên, hình nón nếu xét theo hình dáng. Núi lửa thức - ngủ, núi lửa chết nếu xét theo dạng thức hoạt động. Ngoài ra, dựa vào độ quánh của dung nham, chúng cũng được chia thành ba dạng: kiểu Hawai, kiểu Stromboli và kiểu Pelee.
Nhìn vào những ảnh hưởng của hiện tượng núi lửa, dễ thấy điều này mang cả mặt tích cực và tiêu cực. Xét về mặt tích cực, núi lửa giúp con người sinh hoạt dựa vào năng lượng địa nhiệt. Dòng mắc-ma phun trào từ dưới lòng đất cũng chứa nhiều thành phần khoáng sản quý như vàng, bạc, than, sắt,... Bên cạnh đó, các hoạt động du dịch, tham quan những ngọn núi lửa cũng được phát triển mạnh. Nó không chỉ mang đến cho con người cơ hội để chiêm ngưỡng một trong những kì quan của tự nhiên mà còn được trải nghiệm rất nhiều suối nước nóng ở khu vực xung quanh.
Ngược lại, ảnh hưởng tiêu cực mà núi lửa mang lại cũng không ít. Đối với thiên nhiên, mỗi lần núi lửa phun trào sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng như cháy rừng, biến đổi môi trường sinh thái, hủy diệt sự sống của bao loài động - thực vật, tác động xấu đến khí hậu và tầng ozon,... Đối với con người, hiện tượng này gây ra ô nhiễm môi trường, tăng tính nhạy cảm của thiên tai, làm hư hại nhiều công trình giao thông, thủy lợi, làm ảnh hưởng đến tính mạng và đời sống của dân cư khu vực gần đó,...
Nhìn chung, hiện tượng núi lửa là một phần của thế giới tự nhiên. Nó mang đến cho con người nhiều ích lợi, tài nguyên nhưng cũng đồng thời có thể hủy diệt mọi cá thể sống. Với sự nghiên cứu, tìm tòi của giới chuyên gia, con người ngày nay đã hiểu và nắm rõ hơn quy luật hoạt động của núi lửa. Từ đó, đưa ra các phương án giải quyết, đối phó phù hợp với hiện tượng này.
Thiên nhiên ngoài kia có biết bao hiện tượng kì thú, độc đáo mà chúng ta chưa biết hoặc đã biết nhưng chẳng mấy để ý. Một trong số đó chính là núi lửa. Đa số ta sẽ hiểu đó là những ngọn núi to lớn với dung nham ở bên trong. Nhưng trên thực tế, hiện tượng này phức tạp hơn rất nhiều.
Núi lửa là một vết đứt gãy trên lớp vỏ hành tinh. Nó cho phép dung nham, tro và khí thoát ra từ một lò mắc-ma ở bên dưới bề mặt hành tinh đó. Vậy nên sự phun trào núi lửa chính là một hiện tượng tự nhiên rất đỗi bình thường. Theo nghiên cứu khoa học, nó có thể xảy ra "trên Trái Đất hay bất cứ hành tinh nào còn hoạt động địa chấn, các vỏ thạch quyển di chuyển trên lõi chất khoáng nóng chảy".
Nhắc đến nguyên nhân hình thành núi lửa, đầu tiên phải lướt qua về cấu tạo của Trái Đất. Về cơ bản, Trái Đất được chia làm ba lớp: lớp vỏ (crust), lớp phủ (mantle) và lõi (core). Lớp vỏ chính là nơi con người và các loài động - thực vật sinh sống. Càng xuống dưới, nhiệt độ Trái Đất càng tăng, thậm chí lên tới 6000 độ C, có thể nung chảy hầu hết các loại đá cứng. Khi đá được đun nóng, chúng tan chảy, giãn nở. Từ đó, tạo ra dòng mắc-ma trong lòng Trái Đất. Cũng chính vì giãn nở nên chúng cần nhiều không gian hơn, đẩy các dãy núi lên cao dần. Cho đến lúc áp lực từ các dòng mắc-ma cao hơn áp lực của lớp đá bên trên, chúng sẽ phun trào và tạo ra núi lửa.
Về cấu tạo, một ngọn núi lửa bao gồm rất nhiều thành phần: nguồn dung nham, ống dẫn, đường dẫn nhanh, lỗ thoát,... Khi phân loại, người ta cũng chia núi lửa ra làm rất nhiều dạng khác nhau. Xét theo hình dáng, ta có núi lửa hình chóp và hình khiên. Xét theo dạng thức hoạt động, ta có núi lửa thức, núi lửa ngủ và núi lửa chết. Còn xét theo độ quánh của dung nham, ta sẽ có kiểu Hawai, kiểu Stromboli và kiểu Pelee.
Những ngọn núi lửa rải rác trên bề mặt Trái Đất đem tới rất nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống con người. Nếu nói về mặt tích cực, đây có thể được coi là một trong số những kì quan trên thế giới. Xung quanh các núi lửa thường là các hồ, suối nước nóng. Nhờ đó, giúp phát triển các hoạt động tham quan, du lịch lí thú. Chúng còn giúp tạo ra nguồn năng lượng địa nhiệt để phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của con người. Không chỉ vậy, dung nham mắc-ma phun trào từ dưới lòng đất có chứa rất nhiều thành phần khoáng sản quý báu. Chỉ cần đợi nó nguội đi là có thể dễ dàng khai thác được.
Nhưng bên cạnh những mặt tích cực, hiện tượng núi lửa cũng được coi là một trong những hiểm họa khôn lường. Sự phun trào núi lửa có thể gây cháy rừng, biến đổi môi trường sinh thái, tăng tính nhạy cảm của thiên nhiên. Một vài ngọn núi hoạt động dưới lòng đại dương còn tạo nên thảm họa sóng thần, cướp đi sự sống của biết bao loài sinh vật. Không chỉ vậy, khói bốc lên còn gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến khí hậu và tầng ozon. Đối với con người, sự phun trào núi lửa sẽ hủy hoại những công trình giao thông, thủy lợi, hủy diệt các cá thể sống.
Như vậy, có thể thấy núi lửa thú vị hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Đó không chỉ là một ngọn núi vô tri hay một hung thần sẵn sàng hủy diệt sự sống trên Trái Đất. Những ngọn núi lửa, với sự độc đáo của mình, đã đem lại nhiều phát hiện lí thú cho giới khoa học. Đồng thời, trở thành một kì quan thiên nhiên hùng vĩ, thu hút sự tìm tòi, khám phá của con người.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi giới thiệu về một hiện tượng tự nhiên, em hãy nhớ giải thích hiện tượng đó trước, sau đó sẽ triển khai thêm các ý theo trình tự logic, hợp lí nhất nhé. Mời em tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 8 khác trên Taimienphi.vn như: Viết đoạn văn diễn dịch trình bày suy nghĩ về hiện tượng nước biển dâng; Viết văn bản đề nghị tổ chức cho các bạn xem phim; Viết văn bản kiến nghị gửi công an khu vực hoặc Ủy ban nhân dân địa phương để nêu ý kiến...