1. Mở đoạn: Giới thiệu tác phẩm.
2. Thân đoạn:
- Trình bày nội dung của tác phẩm.
- Nêu ấn tượng của bản thân về nội dung mà tác phẩm thể hiện.
- Đưa ra cảm nhận, bài học mà bản thân rút ra được sau khi đọc/học tác phẩm.
3. Kết đoạn: Khẳng định lại cảm xúc về tác phẩm.
* Yêu cầu tiếng Việt: Có sử dụng một số trạng ngữ chỉ vị trí để liên kết các câu trong đoạn.
Trong tất cả các tác phẩm đã học, em yêu thích nhất đoạn trích "Bài học đường đời đầu tiên" (trích "Dế Mèn phiêu lưu kí" - Tô Hoài). Đó là câu chuyện về một chú Dế Mèn tự cao, ngạo mạn. Vào một ngày nọ, chỉ vì cái thói nghịch ngợm, cậu ta đã gián tiếp gây ra cái chết thương tâm cho Dế Choắt. Sự ra đi của người hàng xóm khiến Dế Mèn bàng hoàng, hoảng loạn. Trong phút hối hận muộn màng, cậu đã nhận được bài học đầu tiên trên đường đời: "...ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình...". Đó vừa là lời khuyên cho Dế Mèn, vừa là lời dặn dò tất cả những thế hệ độc giả. Trong cuộc sống, ta không thể kiểm soát được mọi chuyện. Vậy nên thứ đầu tiên ta cần học chính là sự khiêm tốn. Nếu không có sự tiết chế, biến cố rất dễ xảy đến, gây nên những sự việc đau lòng. Câu chuyện xây dựng các nhân vật cùng tình tiết hết sức đơn giản nhưng lại đem đến cho em bài học vô cùng ý nghĩa.
-> Trạng ngữ chỉ thời gian: "Vào một ngày nọ,...".
"Ông lão đánh cá và con cá vàng" có lẽ là một trong những truyện khiến em thấy ấn tượng nhất. Truyện bắt đầu khi ông lão ngư dân nghèo tình cờ bắt được chú cá vàng biết nói. Với sự lương thiện của mình, lão đã thả con cá đi mà không cần báo đáp. Tác giả đã thể hiện thái độ trân trọng, đề cao tấm lòng nhân hậu và đền ơn đáp nghĩa. Trái lại, mụ vợ ở nhà vô cùng tham lam, mắng chửi và bắt ông lão xin cá vàng vô số điều. Thậm chí, mụ còn muốn làm Long vương ngự trên biển để bắt cá vàng hầu hạ mình. Mỗi yêu cầu được đưa ra, sự giận dữ của biển lớn càng tăng lên. Cuối cùng, mụ mất đi tất cả, trở lại với ngôi nhà lụp xụp và cái máng sứt ban đầu. Qua đó, ta thấy được sự phê phán dành cho những con người ngoa ngoắt, tham lam, không có điểm dừng. Bằng sự đơn giản mà không kém phần sâu sắc của cốt truyện, tác phẩm đã ghi lại dấu ấn riêng đậm nét trong kho tàng văn học thế giới.
-> Trạng ngữ chỉ thời gian: "Cuối cùng,...".
"Cô bé bán diêm" là câu chuyện vô cùng quen thuộc đối với tuổi thơ của mỗi người chúng ta. Truyện kể về một cô bé đáng thương, bất hạnh, phải một mình chống chọi lại tiết trời lạnh giá. Trong lúc tuyệt vọng, cô đã quyết định quẹt những que diêm để tự sưởi ấm. Ánh sáng nhẹ nhàng lan tỏa khắp không gian, làm hiện lên những ảo ảnh tuyệt đẹp. Nào là lò sưởi ấm áp, bàn ăn thịnh soạn đến cả cây thông Nô-en lung linh, hoành tráng. Với vài khung cảnh vừa hiện lại vụt mất như vậy, người đọc càng thêm thương cảm cho hoàn cảnh của bé gái. Khi quẹt đến que diêm thứ tư, cô bé được trông thấy người bà mà mình ngày đêm thương nhớ. Cô khẩn thiết mong bà đưa mình đi cùng, dùng tất cả số diêm còn lại để níu giữ bóng hình bà. Cuối cùng, hai bà cháu lại đoàn tụ bên cạnh Thượng đế. Cô bé đã chết ngay trong đêm giao thừa, vậy nhưng trên môi vẫn nở nụ cười hạnh phúc. Cái kết đau lòng này khiến ta day dứt không ngớt. Qua đó, ta càng thêm suy nghĩ về cuộc sống của những đứa trẻ trong gia đình không hoàn hảo. Ta cần phải lan tỏa sự yêu thương đến mọi người, tránh để xảy ra trường hợp đau lòng như câu chuyện cổ tích kia.
-> Trạng ngữ chỉ thời gian: "Khi quẹt đến que diêm thứ tư,...".
Sau khi học xong rất nhiều tác phẩm, câu chuyện để lại trong em nhiều bài học sâu sắc nhất chính là "Bức tranh của em gái tôi". Đây là lời tự sự của một cậu bé về kỉ niệm đáng nhớ cùng em gái mình - Mèo. Vốn dĩ hai anh em rất thân thiết, nhưng bởi mọi người đều tập trung vào tài năng hội họa mới phát hiện của Mèo nên người anh cảm thấy mình vô cùng lạc lõng. Cậu ghen tị với em gái, cáu gắt và cố đẩy cô bé ra xa. Qua chi tiết ấy, người đọc cảm nhận được rất rõ sự buồn rầu, cô độc mà cậu tự tạo ra cho mình. Nhưng chỉ đến khi tận mắt nhìn thấy mình trong bức tranh đoạt giải của Mèo, cậu bé mới thực sự thoát khỏi được mớ suy nghĩ tiêu cực ấy. Chi tiết miêu tả tâm trạng của cậu ở cuối truyện khiến chúng ta hết sức cảm động. Cậu vừa vui sướng, hạnh phúc, lại vừa ân hận, xấu hổ vì suy nghĩ ích kỉ trước đây. Qua đó, ta rút ra cho mình bài học vô cùng ý nghĩa: hãy biết trân trọng tài năng của người khác, đồng thời phải vượt qua sự mặc cảm, tự ti để bản thân không bị sự đố kị che mắt.
-> Trạng ngữ chỉ thời gian: "Qua chi tiết ấy,...".
"Điều không tính trước" của Nguyễn Nhật Ánh là một tác phẩm vô cùng ý nghĩa về tình bạn. Truyện bắt đầu với mâu thuẫn giữa những cậu bé trong một trận bóng. Vì tuổi trẻ bồng bột, họ còn lên kế hoạch "báo thù" để thỏa nỗi bực tức. Tuy vậy, xung đột đó lại được hóa giải một cách rất đặc biệt. Trái ngược với sự hùng hổ của hai cậu bạn, Nghi lại vô tư chia sẻ cuốn sổ của mình để mọi người cùng hiểu luật hơn, tránh xích mích về sau. Không chỉ vậy, Nghi còn mời họ đi xem phim cùng. Điều này khiến cả hai cậu bạn cũng như chính người đọc phải bất ngờ. Cứ tưởng sẽ có một trận đánh nhau ra trò nhưng cuối cùng cả ba người lại hòa thuận đến lạ. Sau cùng, hai cậu bạn kia vừa ngại ngùng, vừa xấu hổ giấu nhẹm đi kế hoạch báo thù của mình, làm người đọc chúng ta cảm thấy hết sức buồn cười. Qua đó, ta cũng học được một điều rằng không nên giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Chỉ có sự đoàn kết, chia sẻ lẫn nhau mới có thể làm nên một tình bạn đẹp và bền vững.
-> Trạng ngữ chỉ thời gian: "Sau cùng,...".
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Các tác phẩm truyện luôn mang đến cho chúng ta bài học bổ ích về những giá trị đạo đức quý giá trong cuộc sống. Em hãy thường xuyên ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm nhiều bài văn mẫu lớp 6 về các chủ đề khác nhé:
- Viết đoạn văn kể lại một đoạn truyện đã học hoặc đã đọc, trong đó có sử dụng một trạng ngữ chỉ thời gian có chức năng liên kết các câu trong đoạn
- Tả lại một trận bóng đá mà em đã chứng kiến
- Viết bài văn tả lại một giờ ra chơi hoặc một giờ học