1. Mở đoạn: Giới thiệu hai nhân vật Sơn Tinh và Thủy Tinh.
2. Thân đoạn:
* Nhận xét về đặc điểm nhân vật:
- Xuất thân:
+ Sơn Tinh: đến từ vùng núi Tản Viên.
+ Thủy Tinh: đến từ miền biển.
- Tài năng: hai vị thần có tài năng không ai kém cạnh ai.
- Cuộc giao tranh giữa hai vị thần: hai bên đánh nhau mấy tháng trời, Sơn Tinh vẫn vững vàng, Thủy Tinh đuối sức nên đành rút quân.
3. Kết đoạn: Ý nghĩa của việc khắc họa hình tượng hai nhân vật: thể hiện thái độ, suy nghĩ của người xưa.
Hai nhân vật Sơn Tinh, Thủy Tinh đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Trước hết, về hoàn cảnh xuất thân, hai nhân vật có sự trái ngược nhau hoàn toàn. Sơn Tinh đến từ miền non cao còn Thủy Tinh đến từ vùng nước thẳm. Tiếp đến, về tài năng, cả hai vị thần đều có năng lực xuất chúng. Tuy nhiên, trong cuộc giao chiến, Sơn Tinh với tinh thần vững vàng đã chiến thắng trước vị thần miền biển. Thông qua hai nhân vật này, tác giả dân gian khéo léo giải thích về hiện tượng thời tiết: bão lũ, ngập lụt. Đồng thời, nói lên mong ước, khát vọng chiến thắng thiên tai để bảo vệ cuộc sống ấm no, tươi đẹp.
Sau khi đọc xong truyền thuyết "Sơn Tinh, Thủy Tinh", em cảm thấy ấn tượng với hai nhân vật Sơn Tinh, Thủy Tinh. Cả hai vị thần đều mang trong mình sức mạnh vô biên cùng bản lĩnh lớn lao "vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi", "gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về". Vì cả hai đều ngang tài, ngang sức nên vua Hùng không biết lựa chọn ai. Trong trận giao chiến cam go, hai bên đã phô bày toàn bộ sức mạnh của mình. Cuối cùng, khi vị thần nước thẳm Thủy Tinh cạn sức thì chúa miền non cao vẫn trụ vững. Hình ảnh Thủy Tinh "dùng phép lạ bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi [...] ngăn chặn dòng nước lũ" đã cho thấy mong ước của người xưa. Đó là khát vọng chiến thắng tự nhiên để có cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Thông qua việc xây dựng, sáng tạo hai nhân vật Sơn Tinh, Thủy Tinh, tác giả dân gian cũng khéo léo phản ánh tinh thần đoàn kết của nhân dân trong việc chống lại thiên tai.
Sơn Tinh, Thủy Tinh là những vị thần có năng lực phi thường. Hai nhân vật này đến từ hai vùng đất khác biệt, một người ở miền núi cao Tản Viên, một người ở miền biển sâu thẳm. Bàn về tài năng, cả hai chẳng ai chịu kém cạnh ai, đều vô cùng tài giỏi và xuất chúng. Vì thế, khi Thủy Tinh dâng nước lên để giao chiến, Sơn Tinh đã nhanh trí dùng núi đồi ngăn chặn. Cuối cùng, do bị kiệt sức nên Thủy Tinh phải rút quân trước. Như vậy, từ việc xây dựng hình tượng hai vị thần, tác giả dân gian đã khéo léo lí giải nguyên nhân của một số hiện tượng tự nhiên. Đồng thời, thể hiện ước muốn về sức mạnh phi thường, tinh thần đoàn kết để chống lại thiên tai, từ đó bảo vệ cuộc sống ấm êm, hạnh phúc.
Trong truyền thuyết "Sơn Tinh, Thủy Tinh", hai nhân vật Sơn Tinh, Thủy Tinh đã để lại cho em nhiều ấn tượng. Trước hết, Sơn Tinh đến từ vùng núi cao Tản Viên, có sức mạnh phi phàm "vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi". Trong khi đó, Thủy Tinh là vị thần ở miền biển, có tài năng phi thường "gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về". Như vậy, hai nhân vật đều trong mình bản lĩnh cao cả và năng lực nổi trội. Tuy nhiên, trong cuộc giao chiến, Thủy Tinh đã phải nhận thua vì sức lực dần cạn kiệt. Từ việc sáng tạo nhân vật thông qua các chi tiết tưởng tượng, kì ảo, tác giả dân gian khéo léo đưa ra lí giải, thú vị về hiện tượng tự nhiên.
Hai vị thần trong truyền thuyết "Sơn Tinh, Thủy Tinh" đã mang đến cho em nhiều cảm nhận sâu sắc. Trước hết, Sơn Tinh, Thủy Tinh đều là các vị thần cai trị vùng đất của riêng mình "một người ở vùng núi Tản Viên", "một người ở miền biển". Xét về tài năng và sức mạnh, có thể nói, cả hai đều ngang nhau, không ai thua ai. Thế nhưng, vì chậm trễ nên Thủy Tinh không thể lấy được Mị Nương. Bởi vậy, hai vị thần đã có một trận giao chiến vô cùng ác liệt. Cuối cùng, nhờ sức mạnh bền bỉ, Sơn Tinh giành chiến thắng. Có thể thấy, thông qua sáng tạo hai nhân vật, người xưa đã thể hiện suy nghĩ, quan niệm về đời sống tự nhiên. Hình ảnh Sơn Tinh dời từng núi đồi, ngăn chặn nước lũ chính là biểu tượng cao đẹp cho sức mạnh, ý chí của con người trong việc chống lại thiên tai. Từ đây, người xưa cũng gửi gắm mong ước về một cuộc sống mưa thuận gió hòa.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi viết cảm nhận về một nhân vật văn học, em cần đọc kĩ văn bản và lựa chọn những chi tiết nổi bật. Sau đó, trình bày cảm nhận về nhân vật thông qua các chi tiết ấy. Hãy thường xuyên ghé thăm Taimienphi.vn để cập nhật thêm nhiều bài văn mẫu lớp 6 khác:
- Đoạn văn ghi lại tưởng tượng về ngoại hình Sơn Tinh, Thủy Tinh
- Đoạn văn có dùng dấu chấm phẩy