1. Mở đoạn: Giới thiệu tác phẩm, tác giả hoặc nhân vật trong tác phẩm văn học đã học.
2. Thân đoạn:
- Nêu điểm em ấn tượng về tác phẩm, tác giả hoặc nhân vật trong tác phẩm đó.
- Sử dụng biện pháp tu từ so sánh.
3. Kết đoạn: Khẳng định cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về tác phẩm, tác giả hoặc nhân vật trong tác phẩm đã học.
Trong văn bản "Trong lòng mẹ" trích từ cuốn hồi kí "Những ngày thơ ấu", Nguyên Hồng đã ghi lại một cách chân thực tình cảnh của bản thân. Tuổi thơ ông vô cùng bất hạnh khi mồ côi cha, phải ở cùng với họ hàng bên nội vì mẹ đi làm ăn xa. Bởi lẽ đó, mỗi dòng chữ ông viết ra như một giọt nước mắt đầy đau xót cất lên từ tâm hồn đau thương, nhạy cảm. Đọc đoạn trích, em càng thêm đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc với cảnh ngộ của tác giả.
Biện pháp so sánh: "Bởi lẽ đó, mỗi dòng chữ ông viết ra như một dòng nước mắt đầy đau xót cất lên từ tâm hồn đau thương, nhạy cảm."
"Thời thơ ấu của Hon-đa" là tác phẩm hồi kí chân thực của tác giả Hon-đa Sô-i-chi-rô. Tác phẩm đã cho thấy niềm đam mê bất diệt với máy móc, kĩ thuật của Hon-đa. Chính tuổi thơ dữ dội ấy đã thúc đẩy ông có được thành công như ngày hôm nay. Có thể nói, lòng quyết tâm, sự kiên trì giống như một đôi cánh đưa ông đến đỉnh cao danh vọng và sự nghiệp. Em thật sự nể phục trước niềm đam mê và tấm lòng nhiệt huyết của ông.
Biện pháp so sánh: "Có thể nói, lòng quyết tâm, sự kiên trì giống như một đôi cánh đưa ông đến đỉnh cao danh vọng và sự nghiệp.
"Sự tích Hồ Gươm" là truyện thuộc thể loại truyền thuyết nổi bật trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Tác phẩm kể về Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần của Rùa Vàng chống lại giặc Minh, bảo vệ chủ quyền. Tác phẩm như một khúc tráng ca ca ngợi công lao to lớn của vị vua Lê Lợi. Đồng thời, thể hiện khát vọng độc lập, tự do của nhân dân ta. Đối với em, tác phẩm đem đến cho em niềm tự hào, biết ơn những vị anh hùng đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Biện pháp so sánh: "Tác phẩm như một khúc tráng ca ca ngợi công lao to lớn của vị vua Lê Lợi."
Trong đoạn trích "Trong lòng mẹ", chú bé Hồng có hoàn cảnh vô cùng tội nghiệp. Hồng mồ côi cha. Mẹ phải "tha phương cầu thực" để kiếm sống. Mặc dù phải chịu những lời nói độc ác, gièm pha của bà cô và họ hàng bên nội nhưng Hồng vẫn giữ cho mình tấm lòng hiếu thảo và tình yêu thương sâu sắc dành cho mẹ. Khoảnh khắc gặp lại mẹ, tình yêu thương của mẹ như dòng nước mát lành làm sống lại mảnh đất khô cằn trong tâm hồn chú bé Hồng. Đọc văn bản, em vô cùng cảm động trước tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng.
Biện pháp so sánh: "Khoảnh khắc gặp lại mẹ, tình yêu thương của mẹ như dòng nước mát lành làm sống lại mảnh đất khô cằn trong tâm hồn chú bé Hồng.".
Bài thơ "À ơi tay mẹ" của tác giả Bình Nguyên đã khơi gợi cho em những rung cảm sâu sắc. Qua con mắt của nhà thơ, bàn tay mẹ giống như tấm lá chắn bảo vệ con khỏi "mưa sa", bão bùng. Mẹ luôn hi sinh và dành trọn tình yêu thương cho con. Những từ ngữ thân thương để chỉ người con như "cái trăng vàng", "cái trăng tròn" cũng làm em thêm xúc động bởi tình cảm ấm áp, trìu mến của mẹ. Qua tác phẩm, em càng thêm yêu thương, kính trọng mẹ của mình hơn.
Biện pháp so sánh: "Qua con mắt của nhà thơ, bàn tay mẹ giống như tấm lá chắn bảo vệ con khỏi "mưa sa", bão bùng.".
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Đây là một trong những dạng bài thực hành tiếng Việt mà các em thường xuyên gặp trong chương trình Ngữ văn 6. Để có thêm những gợi ý khi viết và chuẩn bị bài, em hãy xem thêm bài văn mẫu lớp 6 khác:
- Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ lục bát
- Đoạn văn về hình tượng Thánh Gióng, trong đó có sử dụng thành ngữ "độc nhất vô nhị"