Đề bài: Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng cùa Kim Lân
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu tác giả Kim Lân, tác phẩm "Làng", nhân vật ông Hai.
2. Thân đoạn:
a. Ông Hai ở nơi tản cư:
- Ông là người có tình yêu làng sâu sắc, đi đâu ông cũng khoe về làng.
- Ở nơi tản cư, ông luôn nhớ về làng, những người anh em của mình.
b. Ông Hai khi nghe tin làng theo giặc:
- Khi được tin làng Chợ Dầu theo giặc, ông Hai bàng hoàng "cổ ông lão nghẹn ắng lại. Da mặt tê rân rân", "tưởng như đến không thở được".
- Ông không tin điều đó là sự thật nên hỏi lại "liệu có thật không hở bác?" nhưng lại nhận được lời đáp chắc nịch của người đàn bà.
- Ông Hai xấu hổ, tủi nhục, "cúi gằm mặt mà đi".
- Về nhà, ông thương xót những đứa con, thương cả chính bản thân mình: "Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? ... khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu".
- Ông Hai không dám đi đâu, ông chỉ quanh quẩn ở nhà và thủ thỉ cùng đứa con trai:
+ Đã có lúc ông nghĩ "hay là quay về làng?" nhưng rồi chính ông lại gạt đi "làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù".
+ Ông tâm sự cùng đứa con trai "như để ngỏ lòng mình, như để chính mình lại minh oan cho mình nữa".
c. Khi ông Hai nghe tin cải chính:
- Tin cải chính về làng Chợ Dầu của ông Hai đến trong một buổi chiều, nó đã hồi sinh ông Hai.
+ Ông vui vẻ mua quà bánh cho con
+ Ông chạy sang nhà bác Thứ "bô bô" khoe: "Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn".
→ Với ông Hai, việc Tây đốt nhà ông là minh chứng cho việc làng ông không hề theo giặc, vậy nên nó khiến ông Hai vô cùng vui mừng.
d. Đánh giá chung:
- Ông Hai là đại diện của những người nông dân nghèo với tình yêu làng quê, yêu nước, tinh thần kháng chiến sâu sắc.
- Nghệ thuật:
+ Kim Lân đã dựng lên một tình huống éo le để làm nổi bật tình yêu làng quê sâu sắc của nhân vật,
+ Ngôn ngữ gần gũi, giản dị,
3. Kết đoạn:
- Khẳng định vẻ đẹp của nhân vật ông Hai.
Làm nên thành công trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta là do tinh thần yêu nước nồng nàn của những người dân đất Việt. Tình yêu đó đã được tác giả Kim Lân thể hiện xuất sắc qua nhân vật ông Hai trong tác phẩm "Làng". Ông Hai là một người con của làng Chợ Dầu, ông yêu làng đến độ đi đến đâu ông cũng khoe về cái làng của mình. Khi cách mạng lan tới ngôi làng của ông, nghe theo lệnh của Uỷ ban kháng chiến, ông rời làng lên khu tản cư. Ở nơi ở mới nhưng lúc nào ông cũng mong nhớ về ngôi làng của mình. Cuốc đất, làm ruộng, ông đều nhớ về làng, nhớ về "những ngày cùng làm việc với anh em" ở làng, "cũng hát hỏng, bông phèng, cũng đào, cũng cuốc mê man cả ngày". Vậy mà trong một lần ông đi "nghe lỏm" trên phòng thông tin trở về lại nghe được một tin "động trời", đó là làng Chợ Dầu của ông theo giặc. Cái tin dữ đã khiến cho ông Hai "nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rần", ông lão "tưởng như đến không thở nổi". Trên đường trở về, ông Hai phải xấu hổ, nhục nhã tới mức "cúi gằm mặt mà đi". Về nhà, ông "nằm vật ra giường", "nước mắt ông lão cứ giàn ra", ông thương lũ con nhỏ, thương chính bản thân mình, từ giờ họ chính là những người dân của ngôi làng Việt gian. Ông lão đau xót lắm, nghĩ lại, kiểm điểm lại từng con người trong làng, họ toàn là những người "có tinh thần cả mà", "có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy". Từ hôm nghe tin, ông Hai chẳng đi đâu khỏi nhà, chỉ thoáng nghe đến những tiếng "Tây, Việt gian, Cam- nhông, .." là ông Hai "lủi ra một góc nhà, nín thít". Ông Hai thủ thỉ với đứa con, nói ra "như ngỏ lòng mình, như để chính mình lại minh oan cho mình nữa", để vơi bớt đi những nỗi khổ trong lòng mình. Những tưởng ông Hai cứ mãi phải sống trong trong nỗi xấu hổ, ê chề đó thì cái tin cải chính về làng ông tới. Cái tin cải chính ấy đã khiến ông Hai như được hồi sinh trở lại. Ông mua bánh, chia quà cho con, rồi chạy sang nhà bác Thứ mà khoe rằng: "Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn!". Chắc hẳn chẳng có một lão nông nào lại có thể vui đến thế khi căn nhà mình gây dựng bao lâu bị giặc đốt mất. Nhưng với ông Hai thì lại khác, điều đó chứng minh một điều rằng làng Chợ Dầu của ông không theo giặc, đó là niềm vui, niềm tự hào to lớn nhất của ông. Kim Lân đã khéo léo dựng lên một tình huống thật éo le để người nông dân toả sáng với tình yêu quê hương, tình yêu đất nước sâu nặng của mình trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Trong truyện ngắn "Làng" của Kim Lân, chúng ta đã thấy được một tình yêu quê hương nồng nàn, thắm thiết. Nó được thể hiện rất sâu sắc qua nhân vật ông Hai khi ông bị đặt trong một tình huống éo le - làng Chợ Dầu của ông theo giặc. Ông Hai vốn là một người dân vô cùng yêu làng, yêu quê hương, yêu cách mạng. Ở nơi tản cư, xa quê, xa làng, nhưng lúc nào ông Hai cũng nhớ về làng, nhớ về những người anh em của mình. Ông vẫn luôn tự hào về làng của mình cho đến khi ông nghe được tin làng Chợ Dầu của ông theo giặc. Cái tin ấy đã khiến cho ông Hai bàng hoàng "cổ ông lão nghẹn ắng lại. Da mặt tê rân rần", ông lão "tưởng như đến không thở được". Về nhà, ông lão "nằm vật ra giường", "nước mắt ông lão giàn ra", ông xấu hổ quá, tủi nhục quá, ông thương bản thân ông và ông càng thương những đứa con của mình hơn "chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?". Từ hôm nghe tin làng chợ Dầu theo giặc, ông Hai chỉ quanh quẩn ở nhà, ông không dám đi đâu, cũng không dám trò chuyện cùng ai. Đã từng có lúc ông Hai nghĩ "hay là quay về làng?", thế nhưng cái suy nghĩ đó lại bị chính ông gạt đi bởi "làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Đó là tình yêu quê hương sâu sắc, mãnh liệt của một lão nông nghèo, chất phác, ít học. Mọi chuyện ông chỉ dám thủ thỉ cùng đứa con trai nhỏ của mình. Và cái tìn cải chính về làng ông như một nguồn sống làm hồi sinh tâm hồn như đã "chết lặng" từ lâu của ông Hai. Cái tin cải chính đến, ông Hai mừng rỡ, mua quà bánh cho con, và chạy ngay sang nhà bác Thứ để khoe: "Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhăn!". Ta có thể thấy được ông Hai là một người nông dân yêu quê hương, yêu làng của mình vô cùng.
Thông qua nhân vật ông Hai, truyện ngắn "Làng" của Kim Lân đã làm nổi bật lên tình yêu nước của những người nông dân nghèo trong kháng chiến. Ông Hai - một lão nông yêu làng của mình vô cùng, ông tự hào về làng của mình lắm, đi tới đâu, ông cũng khoe về sự giàu có, về tinh thần cách mạng của làng mình. Khi đi tản cư, ông thường nghe ngóng tin tức về làng. Thế nhưng tình yêu làng của ông Hai lại bị đặt trong một thử thách khắc nghiệt, đó là tin làng ông theo giặc. Nghe tin dữ, ông Hai như "chết lặng" đi "cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân", ông "tưởng như đến không thở nữa". Từ giây đó, sự đau đớn, nỗi tủi hổ, cực nhục dâng tràn trong tâm hồn ông. Ông chỉ dám "cúi gằm mặt mà đi" về nhà. Về tới nhà, ông "nằm vật ra giường", từng giọt nước mắt đau xót "giàn ra" trên khuôn mặt ông. Ông lão thương con, thương chính bản thân mình từ nay đã trở thành người làng Việt gian. Những suy nghĩ ấy cứ bám chặt lấy ông, khiến ông đau đớn khôn cùng. Tình yêu làng trong ông vẫn mãnh liệt, vậy nên đã từng có lúc ông nghĩ rằng "hay là quay về làng?" thế nhưng chính ông lại gạt đi cái suy nghĩ ấy bởi "làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Nghe tin cải chính, ông Hai như được hồi sinh, ông lại trở về là ông Hai của ngày xưa, ông "lật đật" chạy sang nhà bác Thứ khoe với bác bằng cái giọng "bô bô": "Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ! Đốt nhẵn!". Đó chính là tấm lòng, là tình yêu chân thành, chất phác của những người nông dân nghèo. Kim Lân đã đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống thật éo le để làm nổi bật lên tinh thần yêu nước, yêu quê hương của ông.
4.1. Dàn ý suy nghĩ của em về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng
4.1.1. Mở đoạn:
- Giới thiệu khái quát về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng" của Kim Lân.
4.1.2. Thân đoạn:
- Chăm chú nghe ngóng tin tức, vui sướng mỗi lần thấy tin giặc bị bắt, bị giết.
- Luôn nhớ nhung, hồi tưởng về những kỉ niệm tươi đẹp khi còn ở làng.
- Đau xót, tủi nhục khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, thà bỏ làng chứ không bỏ cách mạng, quyết tâm ủng hộ Cụ Hồ.
- Vui sướng, hạnh phúc khi tin làng theo giặc được cải chính.
=> Ông Hai là đại diện cho những người nông dân thật thà, chất phác, có lòng yêu quê hương đất nước sâu nặng.
4.1.3. Kết đoạn:
- Khẳng định lại vẻ đẹp của nhân vật ông Hai và giá trị của tác phẩm.
4.2. Đoạn văn cảm nhận về ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân
Qua truyện ngắn "Làng", Kim Lân đã khắc họa thành công vẻ đẹp tâm hồn đáng quý của ông Hai. Ngay từ phần mở đầu tác phẩm, độc giả đã thấy được sự vui tươi, lạc quan cùng tình yêu tha thiết của ông Hai với làng Chợ Dầu, với cách mạng. Nhân vật chăm chú nghe ngóng tin tức, cứ thấy có tên giặc nào bị bắt, bị xử thì đều phấn khởi, "ruột gan như múa cả lên". Ông Hai cũng yêu và tự hào về làng mình biết bao. Đi đâu cũng khoe về cái làng Chợ Dầu đã gắn bó với ông gần như cả đời người. Nhưng chính vì tình yêu lớn lao ấy, ông gần như đã sụp đổ khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc. Nỗi đau đớn, xót xa và tủi nhục ấy cứ giằng xé tâm can, khiến nhân vật "tưởng như đến không thở nổi", phải "cúi gằm mặt mà đi". Không khí gia đình ông cũng bởi thế mà trầm xuống rất nhiều. Bản thân ông Hai phải tâm sự, thủ thỉ cùng đứa con nhỏ để vơi bớt nỗi buồn trong lòng, củng cố lòng trung với cách mạng và Cụ Hồ. Và quả không phụ lòng nhân vật, tin tức đã được cải chính. Ông Hai phấn khởi mua quà bánh cho các con, đi gõ cửa từng nhà về thông tin mới. Ông khoe cái nhà mình bị giặc "đốt nhẵn", kể lại tường tận quá trình nhân dân làng mình anh dũng đánh giặc. Niềm vui ấy xen lẫn sự tự hào, càng khiến lòng yêu nước của nhân vật được tỏa sáng. Qua đây, độc giả có thể cảm nhận được ông Hai chính là đại diện tiêu biểu cho hình ảnh của những người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp.
Ông Hai trong truyện ngắn "Làng" đã được Kim Lân xây dựng vô cùng tinh tế, gần gũi, làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Ở nhân vật tỏa sáng với tình yêu làng cùng lòng trung thành với cách mạng. Theo lệnh của Ủy ban, ông Hai và gia đình buộc phải rời làng Chợ Dầu để đi tản cư. Tuy ở nơi khác nhưng tâm trí ông vẫn luôn hướng về nơi "chôn rau cắt rốn", về những kỉ niệm tươi đẹp cùng anh em trong làng. Ấy vậy mà người ta đồn làng Chợ Dầu theo giặc. Tin này như sét đánh ngang tay, khiến ông Hai bàng hoàng đến "tưởng như không thở được". Mang tiếng "cái giống Việt gian bán nước", ông không dám ngẩng đầu lên, chỉ biết trốn trong nhà đến ba bốn hôm liền, "nước mắt ông lão cứ giàn ra". Bao sự tủi nhục, đau khổ cứ thế bủa vây lấy tâm trí nhân vật. Tuy vậy, ông Hai vẫn giữ nguyên vẹn lòng trung với Tổ quốc, hết lòng ủng hộ cụ Hồ Chí Minh. Ông đau đớn mà thốt ra: "Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Đó chính là tình yêu thuần khiết, trung thành của người nông dân dành cho đất nước, cho dân tộc. Để đến khi tin cải chính đến tai, ông Hai đã vỡ òa trong vui sướng. Chỉ một câu: "Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ! Đốt nhẵn!" mà ông đem khoe khắp nơi. Niềm tự hào dâng trào mạnh mẽ hòa quyện cùng lòng yêu nước đã nâng tầm hình tượng nhân vật lên cao. Ông Hai chính là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp những người nông dân thời chiến: chất phác, thật thà và luôn giữ lòng trung, niềm tin vào cách mạng và Cụ Hồ.
-----------------HẾT-----------------
Sự thủy chung, son sắt với cách mạng mà nhân vật ông Hai thể hiện trong truyện ngắn "Làng" chính là vẻ đẹp đáng quý, đáng ngợi ca của những người nông dân thời chiến. Để tìm hiểu sâu hơn, kĩ hơn về nhân vật ông Hai cũng như tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân, mời các bạn đọc cùng tham khảo nhiều bài viết khác của chúng tôi như: đóng vai ông Hai kể lại truyện ngắn Làng, Phân tích diễn biến cốt truyện trong truyện ngắn Làng của Kim Lân, Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân, Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.