1. Mở đoạn:
- Giới thiệu vấn đề tình cảm giữa những người thân trong gia đình (Dẫn dắt từ bài thơ "Đợi mẹ" - Vũ Quần Phương).
2. Thân đoạn:
- Nêu biểu hiện của tình cảm giữa những người thân trong gia đình:
+ Sự chăm sóc ân cần trong những lúc ốm đau, hoạn nạn.
+ Sẵn sàng lắng nghe, sẻ chia mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.
+ Những lời nói yêu thương, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc.
- Nêu vai trò của tình cảm gia đình:
+ Giúp con người có thêm động lực để viết tiếp ước mơ.
+ Là chỗ dựa vững chắc để mỗi người có thể tựa vào khi thất bại, cô đơn.
+ Giúp hình thành, định hình nhân cách, phẩm chất con người.
3. Kết đoạn:
- Khẳng định lại ý nghĩa của tình cảm giữa những người thân trong gia đình.
Tình cảm của bé và mẹ dành cho nhau trong tác phẩm "Đợi mẹ" đã để lại cho em những suy nghĩ vô cùng sâu sắc về tình cảm giữa những người thân trong gia đình. Mỗi người lại có cách định nghĩa khác nhau về gia đình. Nhưng đối với em, gia đình là nơi để chúng ta trở về sau ngày dài làm việc hoặc khi vấp ngã. Ở đó, luôn có bóng dáng mẹ chờ ta với những bát cơm ngon, đồ ăn nóng, có hình ảnh cha cặm cụi, miệt mài làm việc. Tình cảm gia đình nuôi dưỡng những suy nghĩ tốt đẹp, giúp ta khôn lớn, trưởng thành hơn từng ngày. Ta học được cách chia sẻ, lắng nghe, yêu thương và dùng những lời hay, ý đẹp đó đem đến cho mọi người. Tình cảm gia đình càng gắn kết thì bản thân mỗi thành viên càng phát triển và góp phần phát triển xã hội. Bởi vậy, người ta mới hay nói rằng: "gia đình là tế bào xã hội". Tế bào khỏe mạnh thì cơ thể mới hoạt động bình thường, cũng như gia đình có tốt thì xã hội mới văn minh. Từ đây, em càng thêm trân trọng, biết ơn giá trị mà gia đình đem lại.
Từ những tình cảm chân thành mà em bé và mẹ dành cho nhau trong tác phẩm "Đợi mẹ" của Vũ Quần Phương, em lại có những suy nghĩ hết sức sâu sắc về tình cảm giữa những người thân trong gia đình. Trong văn bản, em bé ngồi ở hiên nhà nhìn ra ruộng lúa và chờ mẹ "lộn bùn ì oạp phía đồng xa". Tác phẩm kết thúc bằng hình ảnh người mẹ bế em bé vào nhà trong lúc em ngủ thiếp đi. Đây chính là tình cảm chân thành, giản dị mà mẹ và em bé dành cho nhau. Chắc chắn rằng, trong cuộc sống, thật không khó để bắt gặp những việc làm như vậy. Đó là hình ảnh người mẹ đợi con hay cha làm việc sớm khuya để nuôi lớn đứa con của mình. Dù không thể hiện bằng lời nhưng mỗi hành động đều chứa chan biết bao tình cảm. Nhận ra được tình yêu thương vô ngần của cha mẹ, người thân trong gia đình, ta sẽ thêm thấu hiểu, đồng cảm với nỗi vất vả, cực nhọc. Từ đó, có thêm động lực để cố gắng, phụng dưỡng, báo hiếu cha mẹ. Bởi lẽ đó, tình cảm gia đình luôn là thứ tình cảm cao quý, thiêng liêng.
Tình cảm gia đình không giống với bất cứ loại tình cảm nào trên đời. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng, sâu nặng. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã làm nổi bật tình cảm ấy trong bài thơ "Đợi mẹ" qua hình ảnh em bé chờ mẹ đi làm đồng về. Trong màn đêm tĩnh lặng, em vẫn lặng lẽ ngồi đợi mẹ. Như chúng ta, ai cũng đã có lúc phải chờ đợi người thân quay trở về. Những lúc như thế, trong lòng chúng ta dâng lên một nỗi niềm sâu lắng, mong mỏi hay sốt ruột, lo lắng. Sự chờ đợi ấy thật khác xa với sự chờ đợi trong tình yêu. Dù được biểu hiện như thế nào, tình cảm gia đình vẫn luôn đáng để chúng ta trân trọng, yêu thương. Nếu không có gia đình, người thân thì chúng ta sẽ mãi chỉ là những đứa trẻ không nơi nương tựa, bơ vơ, lạc lõng giữa cõi đời. Sẽ thật bất hạnh nếu như thiếu vắng đi tình cảm của gia đình, mẹ cha. Bởi vậy, mỗi người cần học cách yêu thương, quan tâm đến bố mẹ, những người thân yêu trước khi quá muộn!
Đọc bài thơ "Đợi mẹ" của Vũ Quần Phương, em lại có những suy nghĩ về tình cảm giữa những người thân trong gia đình từ tình cảm của mẹ và bé dành cho nhau.Hàng ngày, chúng ta bày tỏ, thể hiện tình cảm với người thân thông qua những hành động hết sức nhỏ nhặt như ôm, vuốt má, nắm tay,... hay giúp đỡ mọi người làm việc nhà. Những hành động ấy tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đem đến rất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, nó làm tăng sự gắn kết, tình cảm yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Thứ hai, nó góp phần hình thành, định hình nhân cách của mỗi cá nhân. Việc sống trong một gia đình luôn yêu thương, thấu hiểu lẫn nhau sẽ giúp mỗi người học được nhiều điều và có điều kiện thuận lợi để vươn lên. Nói một cách khác, gia đình chính là trường học thu nhỏ đầu tiên mà giáo viên không ai khác là ông bà, bố mẹ. Chính vì vậy, chúng ta không thể phủ nhận được vai trò của gia đình đối với cá nhân.
Thông qua bài thơ "Đợi mẹ" của tác giả Vũ Quần Phương, em nhận ra được ý nghĩa của tình cảm gia đình trong cuộc sống. Tình cảm giữa những người thân trong gia đình được biểu hiện một cách vô cùng phong phú. Đó là sự chăm sóc ân cần trong lúc ốm đau, hoạn nạn, là khi chúng ta sẵn sàng lắng nghe, sẻ chia mọi niềm vui, nỗi buồn của bản thân. Hay đơn giản là những lời nói yêu thương, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc mỗi ngày. Chính hành động nhỏ đã làm nên tình cảm gắn bó, bền chặt giữa các cá nhân trong một gia đình. Tình cảm ấy giúp con người có thêm động lực để viết tiếp ước mơ. Gia đình còn là chỗ dựa vững chắc để mỗi người có thể tựa vào khi cô đơn, thất bại. Đặc biệt, môi trường giáo dục của gia đình sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình định hình nhân cách, phẩm chất cá nhân. Từ những điều nêu trên, chúng ta cần học cách trân trọng, biết ơn những gì mà người thân đem lại; không ngừng cố gắng để làm rạng danh gia đình, họ hàng, dòng tộc.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, đáng để mỗi người chúng ta nâng niu, trân trọng. Ngoài bài viết trên, em hãy xem thêm bài văn mẫu lớp 7 khác: Bài văn bày tỏ cảm xúc về một người bạn tốt đã lâu chưa gặp lại, Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Con chim chiền chiện, Phân tích đặc điểm nhân vật trong một văn bản truyện đã học, Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ, Bài văn bày tỏ cảm xúc về một người mà em yêu quý....