Chất hiện thực và chất lãng mạn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Mục Lục bài viết:
1. Bài mẫu số 1
2. Bài mẫu số 2

Chất hiện thực và chất lãng mạn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

 

1. Phân tích Chất hiện thực và chất lãng mạn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, mẫu 1:

"Văn học là nhân học" (M. Gorki), trong văn học, do vậy, vẻ đẹp nhân bản của con người luôn luôn là một phương tiện thẩm mĩ mà ở đó chất thơ và chất hiện thực hòa quyện với nhau. Để làm rõ điều vừa nói, "hai đứa trẻ" của Thạch Lam sẽ là một dẫn chứng.

Hai đứa trẻ vừa là bức tranh hiện thực phố huyện nghèo, vừa như một bài thơ trữ tình đặc sắc. Tác phẩm đã gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn bâng khuâng day dứt về đời sống con người.

Bức tranh hiện thực nơi phố huyện nghèo xơ nghèo xác và lại càng xơ xác tiêu điều hơn từ cái nhìn của nhà văn. Đó là lúc hoàng hôn của một ngày tàn nơi miền quê "mặt trời đã lấp sau rặng tre, nhìn lên chỉ thấy khóm tre màu đen kịt trên nền trời phớt hồng". Dàn nhạc của ếch nhái bắt đầu văng vẳng kêu ran ngoài đồng, thế cũng đủ làm thành buổi chiều êm như ru, như bao chiều khác.

Là một mô típ nghệ thuật, cái phố huyện hẻo lánh hiện ra trong khung cảnh chợ vãn của buổi chiều, chỉ còn lèo tèo vài ba người bán hàng đang thu dọn, vài đứa trẻ nghèo thu lượm các thứ phế phẩm lặt vặt... Cái bức tranh ấy đã một lần hiện lên trong "gió lạnh đầu mùa'' nhưng sao nó vẫn nhuốm một nỗi buồn khó tả vào cái giờ khắc của ngày tàn trong Hai đứa trẻ.

Song bức tranh phố huyện ấy không chỉ là cảnh vật mà là bức tranh cuộc sống của con người. Một hiện thực nơi miền quê hẻo lánh, một chút của chốn kinh thành được mang tới từ con tàu đêm đêm. Cuộc sống phố huyện có gì? Đó là hoạt động kiếm sống của những người mà trong mắt Liên, nhân vật trung tâm của tác phẩm đã quá quen thuộc, mỗi người đã có một thói quen. Như bác phở Siêu, chị Tí, bố con người hát xẩm, cụ Thi điên và ngay cả Liên. Việc chủ yếu cũng chỉ là nghe tiếng trống thu không thì đóng cửa quán mà đợi chờ. Hiện thực không làm ta ngỡ ngàng đó là một phố huyện nghèo với những người cần cù lao động một cách lầm lũi đáng thương.

Nhưng tất cả những hiện thực như thế đều đặt trong con mắt quan sát chất chứa trong chất văn lãng mạn.

Thời gian đi vào cuộc sống của phố huyện "rõ ràng" không vụt nhanh hoặc tan vào đêm tối. Thời gian cứ chậm rãi đi theo từng bước phát triển của nội tâm. Từ "tiếng trống thu không" đến một câu văn nhẹ nhàng: "chiều, chiều tối" cất lên trong lòng, rồi trời nhá nhem tối đến không gian đã khuya không còn những "tạp âm" của ban ngày chỉ còn "vòm trời với ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh". Mỗi thời điểm lại có một cái nhìn cảnh vật khác nhau nhưng điều có phần thi vị hóa nhờ những câu văn tươi mát, uyển chuyển.

Có buổi chiều nào êm như ru trong cách nhìn của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng? Chỉ có tâm hồn lãng mạn Thạch Lam mới có cái mượt mà đượm chất thơ như thế.

Sự tài tình chính là ở chỗ nhà văn vừa hòa nhập hai tâm hồn quan sát - nhà văn và nhân vật là một. Hiểu là nhà văn quan sát cũng đúng mà hiểu là cảnh vật diễn ra trong mắt của nhân vật Liên cũng chẳng sai. Ta thấy rõ điều đó qua cái giật mình của nhân vật. "Liên mải ngồi quên mất! Bây giờ Liên vội vàng vào thắp đèn xếp những quả san đen lại".

Trời bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát". Những câu văn như vậy có rất nhiều và được dùng một cách chính xác đạt đến mẫu mực. Phải chăng cảm nhận ấy xuất phát từ tâm hồn nhà văn cũng chính là từ tâm hồn nhân vật Liên khi phố huyện đã chìm trong im lìm của vắng lặng. Trong con mắt "Dõi theo những bóng người về muộn từ từ trong đêm".

Nếu như đầu tối phố huyện còn được "trang hoàng" bằng những ánh đèn hắt ra từ những quán bên đường thì bây giờ chỉ còn là bóng đêm. Chỉ một vài tia sáng le lói từ khe cửa nhà ai thành từng vệt. Con mắt thơ mộng đâu chỉ dừng ở những ánh sáng rất thực mà tìm đến cái mong manh của đốm sáng. Đó là ánh sáng tuy "ngàn sao đua nhau nhấp nháy" nhưng vẫn còn là hữu hạn trong nền trời vô hạn. Ánh sao vẫn cô đơn, ánh sáng của thứ đom đóm lập lòe trong kẽ lu bàng lại càng gợi buồn khó tả. Ánh sáng hiếm hoi của thiên nhiên được nhà vãn ''chớp nhanh trong cái nhìn lãng mạn. Chất thơ chính là ở đó. Vừa có cái hiện thực vừa có sự bay bổng của con người bứt phá lên và nằm lại trên trang văn. Nhưng tất cả vẫn là cái thường nhật diễn ra trong cảnh sống vốn quần quanh lầm lũi.

Ánh đèn của chị Tí đủ sáng một khoảnh nhỏ. Nếu quan sát từ xa, ta sẽ thấy một bức tranh khá hoàn chỉnh về mặt nghệ thuật với hai "gam màu" sáng tối. Khuôn mặt người phụ nữ chân quê chất phác đã trải qua một người bươn chải với cuộc sông để kiếm bát cơm, manh áo. Cuộc sống gia đình bận rộn tối tăm. Nhưng tối nào chị cũng góp một ánh đèn như thế. Tuy để thêm thu nhập, nhưng hình như họ chỉ bán cho lấy lệ.

Vậy thì cái gì đã làm cho họ ra đây? Phải chăng đó là nếp sống. Và phố huyện ban đêm là một nơi để họ sống... Âm thanh của cuộc sống phát ra từ hình những lời đối thoại, những hoạt động của con người nơi đây. Mỗi người đều góp một thứ ánh sáng, một chút hương vị, âm thanh. Tất cả tạo nên một bức tranh phố nghèo.

Chỉ một vài nét chấm phá nhưng tất cả những con người nhỏ nhoi có mặt trong tác phẩm đã làm nên bức tranh tổng thế của cuộc sống.

Nếu như ở Nam Cao là những cảnh sống hiện thực khốn khổ với nước mắt và cái đói, miếng ăn và áp bức thì cuộc sống hiện thực trong văn Thạch Lam được "đo" bằng một đơn vị "lãng mạn" nhất định. Nét bút của ông đã phác họa nột cách rất nhẹ nhàng uyển chuyển. Phố huyện nghèo và cũng có rất nhiều lí do để người dân phải lao vào cuộc bon chen giành giật sự sinh tồn. Nhưng ở đây là một không khí chan hòa thực sự, ấm áp tình người và mỗi người khi ra về chắc chắn vần giữ được sự ấm áp quen thân dù rất buồn.

Sự hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn đã giúp Thạch Lam có được chất văn nhẹ nhàng thanh thoát, ẩn hiện "bộ mặt buồn" nhân hậu tuyệt vời của ông.

Trở lại với cách sinh hoạt ban đêm nới phố huyện, chất lãng mạn không dừng lại ở cảnh bao quát mà đắm lại ở những trang viết về chị em Liên. Đây chính là điểm nhấn nhà văn đã tập trung khắc họa. Liên gây ấn tượng với người đọc "bởi nội tâm sâu sắc của một con người đa cảm.

Khi màn đêm đã bắt đầu buông xuống cũng chính là lúc Liên thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn. Cảm giác buồn ấy gợi lên từ cảnh phố huyện xơ xác trong tiếng trống thu không vang vọng như hút hồn người. Bất giác, một cảnh tượng làm chị không khỏi chạnh niềm thương. Đó là những chú bé nheo nhóc, nhớn nhác giữa chợ đã vắng từ lâu để nhặt những mẩu que kem và những gì có ích cho chúng. Ấn tượng đầu tiên là Liên có một tấm lòng chẳng trẻ con chút nào. Nỗi lòng buồn cua Liên báo hiệu một sự "trưởng thành" về tâm sinh lí.Bức tranh phố huyện nghèo hẻo lánh, ẩn khuất trong bóng tối hư vô của phố huyện. Cuộc sống phố huyện đã ăn sâu trong tâm trí Liên. Tưởng như nếu có thiếu hụt một thứ gì của cảnh ngoài kia, Liên đã thốt lên rồi.

Nhưng tất cả vẫn thế, ngay cả tiếng cụ Thi đôi lúc làm cho Liên sợ. Nhưng vẫn là cảm giác thân thuộc, vẫn thấy cụ đáng yêu và đáng thương. Từng cảnh đời, cảnh sống của mỗi con người lần lượt đi qua tâm hồn non ướt cua Liên.

Cuộc sống của từng người đã góp nên thành cuộc sông của cả một cộng đồng nhỏ nhoi ở một vùng quê nghèo khó. Từ những mảnh đời cũng giống như Liên cùng chung môi trường sống, ta thấy một điểm chung rất rõ, đó là sự quanh quần chật hẹp của môi trường xã hội. Ngày lại ngày vẫn chỉ là cái chợ tiêu điều, vài dãy hàng quán với những khoảng đất trống "lác đa lác đác trước lều" và những "con người ấy" mà thôi.

Nhưng ở Liên lại có một sự khác lạ. Một hành dộng tưởng như quái gở và vô nghĩa, đó là "đợi tàu". Nhưng đó mới chính là chiều sâu của tác phẩm khi tác giả khắc họa hình ảnh Liên đợi tàu với một niềm háo hức rất trẻ con. Chờ đợi kiên trì mặt đăm chiêu đón nhận, săn tìm một tín hiệu vui.

Và con tàu đã đến đúng như sự mong mỏi, đợi chờ, như một thoáng niềm vui nhưng rồi cũng chợt tắt. Tàu hôm nay không đông khách, ánh sáng của toa tàu cũng kém đi. Điều đó làm lòng Liên dấy lên nỗi buồn vô hình. Con tàu vô cảm lầm lũi mang đến niềm vui duy nhất nhưng lại gợi thêm nỗi buồn khó tả. Tiếng rầm rầm của tàu đã khuất sau màn đêm dày đặc, không gian của phố huyện thoáng xao động rồi lại trở về như cũ. Tâm trạng của Liên bây giờ chẳng biết vui hay buồn, khi niềm vui do Liên tạo ra vụt đến, vụt đi. Nhưng vui buồn mà làm gì, khi tất cả đều chìm trong cái ao tù cuộc sống bé nhỏ của con người, còn con người thì chỉ biết bằng lòng, cam chịu hằng ngày chuyến tàu đêm vẫn là niềm mong mỏi của Liên. Khiến "Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi ", nhưng rồi Liên cũng phai "ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tĩnh mịch và đầy bóng tối". Tương lai của Liên, một cô bé, chưa đến tuổi thành niên, có khác gì tương lai chị Dậu trong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố, một tác phẩm cùng một bối cảnh xã hội, khi vùng chạy ra giữa đêm tối, tối đen như cái tiền đồ của chị. Với chị Dậu phía trước không le lói một ánh sáng nào thì khác gì Liên, ánh sáng phía trước chỉ là ảo vọng dẫu cuộc đời hai con người này cùng tầng lớp xuất thân khác nhau.

Nhưng chất lãng mạn cũng nằm ngay trong cảnh đợi tàu và ý nghĩa đợi tàu. Cuộc sống bon chen đã không làm Liên chìm trong cảnh đời lầm lũi, thầm lặng. Vượt xa hơn là một tâm hồn khát khao sống có hi vọng. Tuy cuộc sống buồn nhưng vẫn tạo được niềm vui để mình sống có ý nghĩa hơn trong cõi đời. Quả thực, tâm hồn Liên là một bài thơ có câu từ khá hoàn chỉnh. Đó là một sự thật hiển nhiên mà Thạch Lam đem lại. Liên sống với niềm vui tượng trưng là chuyến tàu đêm rất thật chạy qua phố huyện nghèo "Liên" là mảng màu chủ đạo tạo nên chất hiện thực và chất lãng mạn trong thiên truyện, tạo nên bằng một cuộc đời, tạo nên như là người dẫn chuyện.

Thành công của Thạch Lam chính là sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp lãng mạn với xu hướng hiện thực, nhân đạo. Chính điều này đã tạo cho mỗi tác phẩm của ông một sức sống trường tồn trong lòng người. Tình người của nhà văn với nhân vật đã đưa ý nghĩa truyện lên một tầng cao mới.

Mấy mươi năm sau, khi xã hội đã thay đổi về chất so với thời những con người như chị em Liên sống. Tố Hữu định nghĩa "Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời còn là thơ nữa". Nhưng khi đối chiếu truyện ngắn "Hai đứa trẻ" và nhiều thiên truyện khác của Thạch Lam, ta vẫn thấy chúng có đầy đủ những yếu tố mang phong vị của một bài thơ trữ tình đặc sắc mà lại hiện thực sâu sắc.

--------------------------HẾT BÀI 1-----------------------------

Như vậy chúng tôi đã gợi ý Chất hiện thực và chất lãng mạn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ bài tiếp theo, các em chuẩn bị và tìm hiểu về nội dung Bức tranh phố huyện và tâm trạng nhân vật Liên qua ngòi bút Thạch Lam trong truyện ngắn Hai đứa trẻ và cùng với phần Phân tích tâm trạng cô bé Liên đêm đêm thức đợi xem chuyến tàu đi qua phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ để học tốt môn Ngữ Văn hơn.

 

2. Chất hiện thực và chất lãng mạn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, mẫu 2:

Nhớ tới nhà văn Thạch Lam người ta không chỉ nhớ tới một giọng văn trong sáng, giản dị, thâm trầm nhưng sâu sắc mà người ta còn nhớ tới ông với những truyện ngắn có sự kết hợp giữa chất hiện thực và chất lãng mạn. "Hai đứa trẻ" là một truyện ngắn như vậy.

Tác phẩm được in trong tập "Nắng trong vườn" (1938), truyện ngắn này vừa tái hiện bức tranh của một phổ huyện nghèo lại vừa như một bài thơ trữ tình đầy xót thương. Chất hiện thực chính là hiện thực cuộc sống, là những gì chân thật nhất, không tô vẽ. Chất hiện thực của truyện ngắn này được thể hiện qua cuộc sống của những con người nơi phố huyện. Đó là những con người tàn sống trong cái ao đời phẳng lặng.

Chị Tí ngày đi mò cua bắt tép, tối đến chị mới dọn hàng nước, ngày nào cũng dọn hàng từ chập tối cho đến đêm mà cũng chẳng được bao nhiêu. Vị khách hàng của chị rất hiếm hoi. Chị bán nước cho mấy người phu gạo, phu xe, thỉnh thoảng có mấy chú lính lệ trong huyện hay người nhà thầy thừa đi gọi chân tổ tôm.

Gánh hàng phở của bác Siêu cũng trở nên xa xỉ với cuộc sống của người dân nơi đây bởi đó là một thứ quà đắt tiền. Bên cạnh đó là vợ chồng nhà bác xẩm góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bật trong yên lặng, thằng con bò ra đất, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường. Cửa hàng của chị em Liên trông coi cũng không khá hơn là mấy, ngày phiên mà cũng chỉ bán được hai bánh rưỡi xà phòng. Bà cụ Thi điện đến mua hàng rồi ra về trong tiếng cười khanh khách đầy ma quái chìm vào trong bóng tối. Chợ họp giữa phố đã vãn từ lâu, trên đất chỉ còn lại rác rưởi, vỏ bưởi, lá nhân và lá mía. Người ta nói để biết mức sống của người dân ở một nơi người ta dựa vào cảnh họp chợ. Nhưng ở đây Thạch Lam lại miêu tả cảnh chợ tàn ở phố huyện Tất cả những con người ấy đều kiểm sống bằng nghề buôn bán nhỏ, manh mún, cuộc sống thì lay lắt, gợi một sự đáng thương đến tội nghiệp. Đó là bức tranh hiện thực về con người và bức tranh về cảnh vật thiên nhiên nơi đây cũng không tươi sáng là bao. Từng tiếng trông thu không vang ra để gọi buổi chiều, có âm thanh nhưng không gian hết sức tĩnh lặng. m thanh của tiếng ếch nhái, tiểng muỗi vo ve không đủ phá tan đi bầu tĩnh lặng đó. Chừng ấy những con người chỉ trông chờ vào chuyến tàu đêm đi qua phố huyện để có được một chút ánh sáng và sự sống.

Bên cạnh chất hiện thực, chất lãng mạn của truyện ngắn này cũng được tác giả thể hiện khá rõ nét. Chất lãng mạn được bộc lộ qua những diễn biến tâm lý của nhân vật, qua bức tranh thiên nhiên, qua giọng điệu, ngôn ngữ tác phẩm. Trước tiên, bằng giọng điệu tâm tình đầy cảm xúc, Thạch Lam đã dẫn dắt chúng ta vào một bức tranh quê khá yên bình nhưng cũng đầy thơ mộng. Miền quê ấy có "phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hoàng hôn sắp tàn". Hay việc nhà văn đã miêu tả buổi chiều ấy thấm đượm cả hồn quê: "Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào". Miền quê ấy không có những ánh đèn sáng trưng mà chỉ có những khe sáng, hột sáng. Nhà văn miêu tả buổi đêm ở phổ huyện thật lãng mạn và trữ tình: "Trời đã bắt đầu đếm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát". "Vòm trời hàn ngàn ngôi sao gánh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào những cành cây". Chị em Liên thì ngước mắt nhìn các vì sao để tìm sống Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông. Có thể nói, bức tranh quê ấy đã góp một phần không nhỏ vào tính chất lãng mạn của truyện ngắn này.

Bên cạnh đó, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đã tô đậm thêm chất lãng mạn của bức tranh toàn cảnh nơi đây. Thạch Lam đã miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật Liên rất chi tiết. Đó là một cô gái mới lớn, giàu lòng trắc ẩn. Chị cảm thấy "lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn". Liên cảm nhận được mùi riêng của đất, của quê hương này. Liên rất thương những đứa trẻ nhặt nhạnh. sau phiên chợ nhưng chính chị cũng không có gì để cho chúng. Liên thương những kiếp người tàn tạ trong cuộc sống mòn mỏi này trong đó có cả bản thân mình. Chị là một người nhân ái và có lòng trắc ẩn. Khi đoàn tàu đêm đi qua, Liên chưa bao giờ nhận thấy phố huyện tối đến thế, ngọn đèn chị Tỉ lại yếu ớt đến như vậy. Trong giấc mơ chập chờn, chị thấy mình giống như ngọn đèn hàng nước của mẹ con họ càng cố gắng tỏa sáng thì lại càng nhỏ bé, yếu ớt.

"Hai đứa trẻ" được đánh giá là truyện không có cốt truyện mà chỉ có một sự kiện duy nhất, đó là sự kiện đại đoàn tàu của chị em Liên. Giọng văn bàng bạc, nhẹ nhàng thẩm đượm màu sắc trữ tình thơ mộng. Có thể nói chất hiện thực và chất lãng mạn đã quyện hòa vào nhau để tạo nên thành công của tác phẩm nói riêng và thành công trong sự nghiệp văn chương của Thạch Lam nói riêng.

-----------------------------HẾT-------------------------------

Ngoài nội dung ở trên, các em có thể tìm hiểu thêm phần Soạn bài Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài nhằm chuẩn bị cho bài học này.

Ngoài ra, Phân tích tâm trạng của Chí Phèo khi bị Thị Nở từ chối chung sống là một bài học quan trọng trong chương trình Ngữ Văn 8 mà các em cần phải đặc biệt lưu tâm.

Qua việc tham khảo bài Phân tích chất hiện thực và chất lãng mạn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ các em sẽ thấy được tài năng nghệ thuật độc đáo của Thạch Lam khi kết hợp nhuần nhuẫn giữa yếu tố hiện thực và lãng mạn trong cùng một tác phẩm, qua đó truyền tải đầy sống động, hiệu quả thông điệp về cuộc sống, con người đến độc giả.
Phân tích chất lãng mạn trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Dàn ý phân tích chất lãng mạn trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Giá trị hiện thực và nhân đạo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ
Bức tranh phố huyện và tâm trạng nhân vật Liên qua ngòi bút Thạch Lam trong truyện ngắn Hai đứa trẻ
Lòng nhân ái của Thạch Lam qua truyện ngắn Hai đứa trẻ
Phân tích tâm trạng chị em Liên trong truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam

ĐỌC NHIỀU