1. Mở bài: Khái quát cảm xúc, suy nghĩ về truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa".
2. Thân bài:
2.1. Khái quát nội dung chính:
Truyện ngắn kể về việc Lan và Sơn mang áo bông cũ cho Hiên khi thấy Hiên đứng co ro bên cột quán ngoài chợ. Vì sợ Sinh - em họ mách lẻo với mẹ nên hai chị em đã ra chợ tìm Hiên để đòi lại áo. Khi trở về nhà, Lan và Sơn thấy mẹ con Hiên đang ngồi nói chuyện với mẹ của mình và trả chiếc áo. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của mẹ con Hiên, mẹ Sơn đã cho mẹ Hiên mượn năm hào may áo.
2.2. Nêu cảm nghĩ về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn:
a. Nội dung:
* Chủ đề: tình yêu thương con người:
- Sự sẻ chia của chị em Lan, Sơn với bé Hiên.
+ Khi đứng trước những đứa trẻ nghèo khổ phải mặc quần áo đã rách vá nhiều chỗ, Lan và Sơn không tỏ ra kiêu kì, khinh khỉnh như những đứa em họ mà chan hòa, sẵn sàng lại gần chơi với chúng.
+ Thấy Hiên co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách, Lan và Sơn đi đến ân cần quan tâm, hỏi han.
+ Biết được tình cảnh khốn khó của gia đình Hiên, Sơn động lòng thương và rủ chị về lấy chiếc áo bông cũ cho Hiên mặc.
- Sự đồng cảm của mẹ Sơn với mẹ Hiên:
+ Biết được hoàn cảnh đáng thương, mẹ Sơn cho mẹ Hiên mượn năm hào may áo cho con.
=> Nhận xét: Gia đình Sơn là những người giàu tình yêu thương, bao dung, nhân hậu.
b. Nghệ thuật:
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình.
- Ngôn từ dung dị, mộc mạc, giàu sức gợi hình.
3. Kết bài: Khẳng định cảm xúc, suy nghĩ về truyện ngắn.
Đối với những ai yêu thích Thạch Lam thì chắc chắn sẽ không thể bỏ qua truyện ngắn đặc sắc là "Gió lạnh đầu mùa". Tác phẩm ghi dấu trong lòng người đọc bởi lối kể nhẹ nhàng cùng bài học ý nghĩa về tình yêu thương. Mỗi lần đọc tác phẩm, em đều rung cảm sâu sắc trước tấm lòng bao dung, nhân hậu của gia đình Sơn.
Lan và Sơn là hai chị em ruột, sinh ra trong gia đình tương đối khá giả. Sau khi được mẹ mặc cho chiếc áo mới, Lan và Sơn ra chợ chơi cùng mấy đứa trẻ nghèo. Thấy Hiên đứng bên cột quán với manh áo rách, Lan và Sơn quyết định về nhà lấy áo bông cũ cho Hiên. Nghe vú già nói Sinh - em họ sẽ mách với mợ chuyện ban nãy, Sơn và Lan sợ hãi, buông đũa đi tìm Hiên để đòi lại áo. Khi trở về nhà, hai chị em phát hiện mẹ con Hiên đang trả áo. Cuối cùng, mẹ Sơn cho mẹ Hiên năm hào may áo cho con.
Đọc trang văn của Thạch Lam, em không khỏi xúc động bởi sự sẻ chia của chị em Lan, Sơn với bé Hiên. Lan và Sơn dù có điều kiện sống tốt hơn những đứa trẻ khác trong làng nhưng hai chị em không bao giờ tỏ ra "kiêu kì" hay "khinh khỉnh" như các em họ của Sơn. Lan và Sơn luôn gần gũi, thân mật với lũ trẻ nghèo. Đặc biệt, trong cảm nhận của em, Lan và Sơn còn là những người giàu tình yêu thương, luôn biết quan tâm, sẻ chia với mọi người. Khi nhìn thấy Hiên "co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay", Lan chạy đến gần hỏi han. Thậm chí, vì quá thương xót cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình Hiên, Sơn không ngần ngại rủ chị về lấy áo bông cũ cho Hiên mặc. Hành động ấy là một chi tiết đắt giá trong tác phẩm và để lại cho em niềm xúc động, mến mộ sâu sắc.
Nghe lời tâm sự của mẹ Hiên, mẹ Sơn quyết định cho mượn năm hào may áo. Mẹ Sơn quả là một người có tấm lòng bao dung vị tha khi không những không trách phạt con mà còn sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Có thể thấy, nhà văn Thạch Lam dành một tình cảm đặc biệt cho trẻ em nghèo. Ông thương xót cho những đứa trẻ không đủ cơm ăn, áo ấm. Với lối kể chuyện hấp dẫn cùng nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình, nhà văn Thạch Lam đã đem câu chuyện ý nghĩa về tình yêu thương đến gần hơn với độc giả. Khép lại trang sách, câu chuyện nhân văn về tình người vẫn luôn in sâu trong tâm trí em. Giá trị cao cả mà truyện ngắn đem lại cho bạn đọc khiến tác phẩm sống mãi với thời gian, bởi "một tác phẩm chân chính không bao giờ kết thúc ở trang cuối cùng" (Aitmatov).
Nhà văn Thạch Lam ghi dấu trong lòng người đọc bởi những áng văn nhẹ nhàng, giàu tình yêu thương. Tình thương đối với trẻ thơ được ông thể hiện rõ nhất qua truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa". Tác phẩm đã để lại cho em nhiều ấn tượng và rung động về vẻ đẹp của tấm lòng bao dung, nhân hậu trong cuộc sống.
Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật là Lan và Sơn. Vào một ngày đông rét buốt, hai chị em ra chợ chơi thì nhìn thấy bé Hiên đứng co ro bên cột quán ngoài chợ. Cảm thương trước tình cảnh của Hiên, chị em Sơn đã về nhà lấy áo bông cũ cho cô bé mặc. Vì sợ Sinh - em họ của Sơn mách lẻo với mẹ nên hai chị em đã ra chợ tìm Hiên để đòi lại áo. Khi trở về nhà, Lan và Sơn thấy mẹ con Hiên đang trò chuyện với mẹ và trả chiếc áo. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của mẹ con Hiên, mẹ Sơn đã cho mẹ Hiên mượn năm hào may áo cho con.
Truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam đã đem đến cho em những cảm nhận vô cùng sâu sắc về tình yêu thương của con người. Trước hết, đó là sự sẻ chia của chị em Lan và Sơn với bé Hiên. Bằng nghệ thuật tương phản đối lập, Thạch Lam đã xây dựng lên hai bức chân dung tượng trưng cho hai tầng lớp trong xã hội. Nếu như lũ trẻ ở chợ luôn mặc "những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ", "môi chúng tím lại và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi" thì Lan và Sơn lại được mẹ mua cho bộ quần áo mới, phẳng phiu, đẹp đẽ. Khác với những đứa em họ của mình, Sơn và chị vẫn luôn nô đùa một cách đầy thân mật với chúng. Hai chị em rất hòa đồng, thân thiện, không bao giờ cậy nhà mình giàu có để "lên mặt" với lũ trẻ nghèo. Khi thấy Hiên "co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay", Lan đi đến hỏi han. Biết được hoàn cảnh khốn khổ của mẹ con Hiên, Sơn động lòng thương xót rồi nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn thường xuyên nô đùa cùng Hiên. Ngay lúc ấy, Sơn không ngần ngại rủ chị về lấy áo bông cũ cho cô bé mặc. Hành động của hai chị em Lan và Sơn làm em vô cùng cảm động. Có lẽ, đây chính là chi tiết đắt giá trong toàn bộ tác phẩm bởi nó thể hiện rõ nhất tình yêu thương con người. Trong cảm nhận của em, cả Lan và Sơn rất giàu lòng trắc ẩn, luôn biết sẻ chia, quan tâm tới người khác. Đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn.
Khi nghe được lời giãi bày của mẹ Hiên "Bẩm nhà cháu độ này khổ lắm, chẳng để dành được đồng nào may áo cho con cả. Thành thử vẫn cái áo từ năm ngoái nó mặc mãi", mẹ Sơn hết sức đồng cảm rồi với cái âu đồng, lấy tiền đưa cho mẹ Hiên. Năm hào chính là số tiền mẹ Sơn cho mẹ Hiên mượn để may áo cho con. Số tiền ấy tuy không nhiều nhưng nó chính là tấm lòng bao dung, nhân ái của mẹ Sơn dành cho gia đình Hiên.
Với lối kể nhẹ nhàng, nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo cùng ngôn từ dung dị, mộc mạc, giàu sức gợi hình, nhà văn Thạch Lam đã đem đến cho em câu chuyện ý nghĩa về tình yêu thương.
Mỗi lần đọc truyện ngắn này của Thạch Lam, em cảm thấy tâm hồn mình được thanh lọc. Quả đúng như lời nhận xét của nhà văn Nguyễn Tuân, "Sáng tác của Thạch Lam giàu chất thơ, và đọc ông, đời sống bên trong có phong phú hơn, tế nhị hơn; chúng "đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm tho và mát dịu".
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Từ câu chuyện trong tác phẩm, ta nhận ra được vẻ đẹp của tình yêu thương trong cuộc sống. Ngoài bài văn cảm nghĩ về truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa, các em có thể xem thêm bài văn mẫu lớp 6 khác như:
- Kể lại một chuyến đi đáng nhớ
- Đoạn văn kể về kỉ niệm với người thân mà em xem là điểm tựa tinh thần