Đề bài: Cảm nghĩ sau khi đọc bài Tuyên bố thế giới về sự sống còn, bảo vệ và phát triển của trẻ em
Cảm nghĩ sau khi đọc bài Tuyên bố thế giới về sự sống còn, bảo vệ và phát triển của trẻ em
1. Mở bài
"Tuyên bố thế giới về sự sống còn của trẻ em" được viết vào năm 1990 của Liên Hợp Quốc đã khẳng định tính cấp bách và cần thiết cũng như vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân, quốc gia, thế giới đối với trẻ em.
2. Thân bài
- Lời kêu gọi vô cùng mạnh mẽ và khẩn thiết:
+ Mỗi đứa trẻ đều khát khao được yêu thương, bởi chúng ngây thơ, trong sáng và dễ bị tổn thương.
+ Chúng phải được sống trong sự ấm no, hoà bình, được học tập, được vui chơi và được bảo vệ...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Cảm nghĩ sau khi đọc bài Tuyên bố thế giới về sự sống còn, bảo vệ và phát triển của trẻ em tại đây.
Trong bất kì thời đại nào, trẻ em chính là những mầm non cần được yêu thương và chăm sóc. Đó là thế hệ tương lai của đất nước, là chồi non xanh mát giữa vườn đời. Bởi vậy trẻ em cần được bảo vệ, được dạy dỗ và chăm sóc chu đáo, "Tuyên bố thế giới về sự sống còn của trẻ em" được viết vào năm 1990 của Liên Hợp Quốc đã một lần nữa khẳng định tính cấp bách và cần thiết, vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân, quốc gia và thế giới đối với trẻ em.
Đầu tiên, tác giả bài viết đã đưa ra lời kêu gọi vô cùng mạnh mẽ và khẩn thiết hướng tới tất cả mọi người nhằm mục đích đảm bảo tương lai tốt đẹp cho mọi trẻ em trên toàn thế giới. Mỗi đứa trẻ đều khát khao được yêu thương, các em ngây thơ, trong sáng và dễ bị tổn thương, những đứa trẻ hồn nhiên ấy chưa thể tự mình bước đi trên chính đôi chân của mình được mà cần sự nâng đỡ, chở che từ bố mẹ, những người thân yêu và của tất cả mọi người. Chúng phải được sống trong sự ấm no, hoà bình, được học tập, được vui chơi và được bảo vệ.
Lời kêu gọi thật chân thành, thấu đáo, thôi thúc mỗi người nhận thức và hành động. Sau lời kêu gọi, tác giả đã nêu rõ thực trạng hiện nay và những thách thức mà còn người phải vượt qua, phải nỗ lực. Đó là những nỗi bất hạnh của vô số trẻ em trên thế giới, chúng là nạn nhân của chế độ phân biệt chủng tộc, của chiến tranh và bạo lực, hàng ngàn trẻ em vui tàn tật, khuyết tật, thiểu năng, và nhiều nhiều những đứa trẻ bị đối xử tàn nhẫn và bóc lột sức lao động nặng nề. Những đứa trẻ ấy không chỉ khó khăn về vật chất mà tinh thần còn bị đày đoạ, sống thiếu thốn tình thương. Vì tăng trưởng kinh tế không đồng đều, suy thoái, nợ nước ngoài mà nhiều đứa trẻ phải sống vô gia cư, không nơi nương tựa. Cái đói, cái nghèo đày đoạ các em, nạn mù chữ vẫn còn dai dẳng, bệnh dịch xảy ra nhiều nơi,...thật thương tâm và đáng quan ngại. Đồng thời, do những tác động của môi trường, của ma túy, điều kiện sống tồi tàn mà mỗi ngày trên thế giới đều có hàng chục nghìn đứa trẻ chết vì suy dinh dưỡng, vì AIDS và các bệnh tật khác.
Song, không chỉ thách thức mà ta còn có cả những cơ hội để có thể thay đổi, giúp đỡ hàng triệu trẻ em trên thế giới có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là công ước quốc tế về quyền trẻ em được ban hành, các em khắp mọi nơi sẽ được tôn trọng và bình đẳng hơn, sẽ không còn nạn phân biệt, trọng khinh trong xã hội. Sự liên kết giữa các quốc gia dân tộc tạo cơ hội lớn để trẻ em phát triển bản thân hơn, học hỏi nhiều điều trong môi trường giáo dục quốc tế để tiếp thu những tinh hoa văn hoá và tiếp cận với những tiến bộ mới của trí thức, khoa học. Thế giới ngày một hoà bình hơn, chiến tranh không còn, cùng nhau hợp tác và phát triển nguồn kinh tế, từ đó các nước nghèo ngày càng phát triển và giàu mạnh hơn, trẻ em cũng vì thế được quan tâm mà chăm sóc tốt hơn, những phúc lợi cho trẻ ngày càng tăng. Những cơ hội luôn là tiềm năng lớn để cộng đồng cùng nhau góp sức chung tay.
Cuối cùng, tác giả nêu lên nhiệm vụ của toàn nhân loại ngày lúc này với trẻ em. Cần phải chú trọng chăm sóc sức khỏe trẻ em, giảm tỉ lệ tử vong tới mức thấp nhất, đối với những trẻ bị tàn tật, khuyết tật hoàn cảnh gia đình khó khăn cần được quan tâm hơn nữa, giúp đỡ động viên về vật chất và tinh thần kịp thời. Tạo điều kiện cho trẻ em được học tập tử tế, xoá nạn mù chữ, xoá bỏ sự phân biệt nam nữ, tăng cường vai trò của phụ nữ trên mọi phương diện. Tạo cho những mầm non một môi trường sống thuận lợi và tốt đẹp nhất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tất cả mọi quốc gia, khu vực, khuyến khích các hoạt động tuyên truyền xã hội về quyền trẻ em rộng rãi. Cộng đồng thế giới cùng chung tay, góp sức, nỗ lực hết mình và liên tục, thống nhất hành động nhằm mang tới cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất.
Bản tuyên bố thật ý nghĩa và chứa đựng những giá trị to lớn. Đất nước ta hiện nay không ít những trẻ em bơ vơ không nơi nương tựa, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn buộc phải bỏ học từ sớm để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cái ăn, cái mặc thiếu thốn khiến suy dinh dưỡng, thấp còi còn rất nhiều, một số vùng dân tộc thiểu số trẻ em chưa được quan tâm đúng mực về giáo dục, dạy chữ. Một số khác lại vì được quá nuông chiều nên dễ bị hư hỏng, đua đòi. Vì vậy, cần quan tâm và có hướng phát triển hơn nữa để bảo vệ và chăm sóc trẻ em, tạo những điều kiện tốt nhất để các em phát triển.
Đọc văn bản "Tuyên bố thế giới về sự sống còn, bảo vệ và phát triển của trẻ em", em càng thấm thía hơn sự lo lắng, quan tâm của tất cả mọi người dành cho trẻ em. Qua đó em cũng ý thức được trách nhiệm cũng như xứ mệnh của bản thân cũng như thế hệ trẻ Việt Nam trong việc chung tay bảo vệ trẻ em, cùng nhau gây dựng nên một xã hội tốt đẹp.
------------------HẾT-------------------
Bên cạnh bài Cảm nghĩ sau khi đọc bài Tuyên bố thế giới về sự sống còn, bảo vệ và phát triển của trẻ em, các em có thể tìm hiểu thêm về văn bản thông qua việc tham khảo một số bài văn đặc sắc khác như: Phân tích bài Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em hay bài Giới thiệu về Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em,Cảm nghĩ về Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em.