Đề bài: Bình giảng bài thơ Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu
Bình giảng bài thơ Chạy giặc hay, tuyển chọn
1. Mở bài
Giới thiệu bài thơ "Chạy giặc".
2. Thân bài
- Hai câu đề:
+ Khung cảnh tan tác khi thực dân Pháp nổ súng xâm chiếm Nam Bộ.
+ Tình cảnh đó diễn ra bất ngờ, nhân dân ta không kịp trở tay...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Bình giảng bài thơ Chạy giặc tại đây.
"Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta" (Hồ Chí Minh). Điều ấy không chỉ thể hiện trực tiếp qua hành động ra chiến trường chiến đấu với quân xâm lược mà nó còn thể hiện qua những vần thơ căm thù giặc sâu sắc. Bài thơ "Chạy giặc" của Nguyễn Đình Chiểu là tác phẩm tiêu biểu cho lòng yêu nước của một người con Nam Bộ.
Bài thơ mở đầu bằng khung cảnh tan tác, bi thương khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên báo hiệu cuộc xâm chiếm Nam Bộ:
"Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay".
Nếu chỉ hiểu đơn giản rằng tiếng súng Tây nổ ra lúc vừa tan chợ thì sẽ không thấy được những bước chân chạy giặc vừa hoảng loạn, sợ hãi của người dân. Nguyễn Đình Chiểu đã miêu tả lại khung cảnh chợ vẫn đang họp thì tiếng súng bắt đầu nổ lên khiến ai nấy đều hoảng sợ. Chợ là nơi mọi người buôn bán, trao đổi hàng hóa, là nơi thu hút nhiều người dân. Những đứa trẻ thơ luôn háo hức chờ đến lúc chợ tan để nhận được thức quà giản dị như tấm mía, gói kẹo hay bộ quần áo từ người bà, người mẹ, người chị mua từ phiên chợ. Vậy mà thực dân Pháp chọn đúng thời điểm ấy để nổ súng xâm lược. Buổi chợ đang sôi nổi, đông đúc bỗng tan tác chỉ trong chốc lát. Bao nhiêu niềm háo hức, chờ mong trên gương mặt của những đứa trẻ thơ cũng không còn nữa. "Bàn cờ thế phút sa tay" là ẩn dụ cho tình hình thời cuộc nước ta lúc bấy giờ. Cuộc xâm chiếm xảy ra quá bất ngờ khiến nhân dân ta không kịp trở tay, đối phó. Khi chơi cờ, người chơi phải suy tính thật kĩ càng, đi những nước cờ một cách cẩn thận nhưng bàn cờ lúc sa tay là bàn cờ đã rơi vào tình thế bí bách, nếu đi sai một bước thì sẽ nhận sự thua cuộc về mình. Niềm mong chờ sự chỉ đạo sáng suốt của người cầm quân đã hoàn toàn lụi tắt khi tiếng súng vang lên. Sự hi vọng của nhà thơ cũng vì thế mà tan vỡ.
Tiếng súng đột ngột ấy đã phá tan đi khung cảnh yên bình, ấm êm vốn có của mảnh đất Gia Định:
"Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dác bay".
Hai câu thơ này đã thể hiện biết bao sự xót xa, đau đớn của Nguyễn Đình Chiểu. "Lơ xơ" và "dáo dác" là hai từ láy giàu giá trị biểu cảm đã diễn tả chân thực cảnh chạy giặc kinh hãi, hoảng loạn. Khi những người đi chợ chưa kịp về tới nhà để sum họp, khi những đứa trẻ chưa nhận được những thức quà quê thì chúng đã phải dắt díu nhau bỏ chạy. Chúng thất thần, ngơ ngác, chạy đi không phương hướng. Chúng sợ hãi, bơ vơ khi không có ai dẫn dắt để tránh sự nguy hiểm từ súng đạn kẻ thù. Chúng biết đi đâu, về đâu trong thời buổi loạn lạc? Sự tàn bạo của kẻ thù không chỉ khiến con người kinh hãi mà ngay cả đến loài động vật cũng khiếp sợ. Bầy chim bay "dáo dác", mất phương hướng và cất lên tiếng kêu thảm thiết. Đó là hình ảnh tả thực về thiên nhiên đồng thời cũng là hình ảnh so sánh với "lũ trẻ lơ xơ chạy" giúp người đọc có thể hình dung ra cảnh tượng xơ xác, tan đàn xẻ nghé đầy đau thương. Trẻ em là những mầm non cần được chăm sóc, bảo vệ vì trẻ em là tương lai của đất nước nhưng chính chiến tranh đã cướp đi tương lai của các em. Tác giả dùng phép đảo ngữ đưa từ "bỏ nhà", "mất ổ" lên vị trí đầu câu thơ nhằm mục đích nhấn mạnh tới sự bi thảm của chiến tranh. Bạn đọc có thể hình dung ra những đứa trẻ đang chạy hết sức mình để tìm được chỗ trú ẩn. Chúng hớt hải, ngơ ngác giữa súng đạn kẻ thù. Con người, đàn chim sẽ trú ngụ ở đâu khi "bỏ nhà", "mất ổ"? Liệu nơi chốn nào sẽ là nơi trú ngụ dành cho họ khi quân địch ngày càng mở rộng phạm vi xâm chiếm? Cuộc sống của họ sẽ ra sao khi không có nơi chốn để đi về, không có nghề nghiệp để sinh sống?
Đi sâu vào sự tàn phá của quân địch, Nguyễn Đình Chiểu đã nhắc đến từng địa danh cụ thể bị quân xâm lược giày xéo:
"Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây".
Bến Nghé, Đồng Nai là hai miền quê trù phú của Nam Bộ cũng chịu sự càn quét, đốt phá của thực dân Pháp. Bỗng chốc những của cải vật chất của nhân dân ta bị quân địch cướp bóc hết. Tất cả đã tan thành bọt nước. Nhân dân ta đau xót nhường nào khi mồ hôi, công sức của mình bị kẻ thù xâm chiếm. Chúng làm náo loạn hết cả không gian và cuộc sống con người, chúng không từ một thủ đoạn nào để đàn áp nhân dân. Màu của những mái nhà bị đốt đã nhuốm cả màu mây trời. Không gian ngập chìm trong lửa khói. Có ai chứng kiến cảnh tượng tang tóc, điêu tàn ấy mà không khỏi đau lòng? Ẩn sau hai câu thơ là sự căm thù giặc vô cùng sâu sắc của tác giả. Tuy không thể trực tiếp ra chiến trường giết giặc nhưng ông đã dùng ngòi bút của mình để tấn công chúng trên phương diện tinh thần. Chúng là những kẻ dã man, không có lương tâm khi tàn phá quê hương ta không thương tiếc. Những tội ác của chúng đáng bị tố cáo, lên án.
Đất nước rơi vào thảm cảnh bi thương mà không thấy những hành động cứu dân, cứu nước của các trang dẹp loạn:
"Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng
Nỡ để dân đen mắc nạn này".
Sự vắng bóng của triều đình và các trang dẹp loạn đã cho thấy sự hèn nhát, bất lực của bộ máy chính trị nước ta. Nguyễn Đình Chiểu trăn trở, lo lắng cho vận mệnh của dân tộc. Ông thương mỉa mai, châm biếm sự hèn nhát của triều đình và thương xót cho số phận của những người dân đen. Họ là những người dân vô tội, là những người lương thiện lao động cực nhọc để chăm lo cho cuộc sống. Vậy mà lại bị mắc trong nạn xâm lược, nạn diệt vong của kẻ thù tàn ác. Dường như cụ Đồ Chiểu đang nghẹn ngào tiếng khóc trước cảnh tượng tan tác, thê lương ấy. Triều đình đã bỏ mặc dân đen vô tội, không quan tâm đến sự sống còn của nhân dân. Câu thơ mang tính chất trách móc nhưng đồng thời cũng thúc giục tinh thần chiến đấu của những anh hùng xả thân cứu nước. Đó là lời kêu gọi mọi người hãy dũng cảm đứng lên chiến đấu để chiến thắng kẻ thù, mang lại cuộc sống ấm no như thuở trước.
Thể thơ thất ngôn bát cú với kết cấu chặt chẽ cùng ngôn từ giản dị nhưng vô cùng hàm súc đã thể hiện tấm lòng yêu nước thương dân của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu. Ông đã làm rất tốt nhiệm vụ chiến đấu của mình khi dùng những vần thơ để chĩa thẳng mũi súng tinh thần vào thực dân Pháp xâm lược. Ông xứng đáng được coi là "ngôi sao sáng trong nền văn nghệ dân tộc" (Phạm Văn Đồng).
----------------- HẾT----------------
Trên đây là chi tiết phần bình giảng bài văn Chạy giặc của nhà thơ Nguyễn Định Chiểu. Ngoài ra, để hiểu thêm về bối cảnh, tấm lòng yêu nước, thương dân nhưng lại không thể làm gì khi đất nước bị loạn lạc, các em có thể tham khảo phần Soạn bài Chạy giặc, Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Chạy giặc, Phân tích bài thơ Chạy giặc để làm sáng tỏ ý kiến..., để ôn tập và học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11 trên lớp.