1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác phẩm "Hoàng Lê nhất thống chí" và hình tượng vua Quang Trung.
2. Thân bài:
a) Nhà lãnh đạo quyết đoán, mạnh mẽ, nhạy bén trước thời cuộc:
- Quyết định lên ngôi hoàng đế trước khi cầm quân ra Bắc để "giữ lấy lòng người".
- Thân chính "đốc suất đại binh" ra Bắc.
- Tìm gặp Nguyễn Thiếp để hỏi kế sách.
- Tuyển mộ quân sĩ, "mở cuộc duyệt binh lớn" ở Nghệ An.
- Đưa ra lời phủ dụ dành cho các tướng sĩ:
+ Thông báo đất nước đang lâm nguy.
+ Khẳng định chủ quyền đất nước.
+ Nêu bật dã tâm xâm lược của giặc đã có từ rất lâu. Lên án hành động xâm lược là trái với đạo trời.
+ Tự hào về truyền thống đánh giặc cứu nước của ông cha ta. Niềm tin vào cuộc kháng chiến chính nghĩa tất thắng.
+ Kêu gọi tướng sĩ đoàn kết một lòng đánh giặc cứu nước.
+ Ra kỉ luật nghiêm với quân sĩ.
-> Lời phủ dụ ngắn gọn, làm tăng thêm tinh thần của chiến sĩ, tin tưởng vào sự thành công của cuộc chiến.
=> Giải quyết vấn đề nhanh gọn, mạnh mẽ, có chủ đích.
b) Có ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng:
- Khẳng định trong vòng mười ngày có thể lấy lại kinh thành Thăng Long.
- Tính sẵn kế hoạch ngoại giao sau chiến thắng.
c) Người có tài điều binh, khiển tướng:
- Trong thời gian ngắn có thể vừa hành quân, vừa tuyển binh, duyệt binh.
- Tổ chức cuộc hành quân thần tốc với lối đánh hợp lí, có kế hoạch rõ ràng, ít hao tổn binh lực.
+ Trận Hà Hồi dùng kế khiến địch tưởng quân ta có hơn vạn người, ai nấy đều rụng rời ra xin hàng.
+ Trận Ngọc Hồi có gió nam hỗ trợ, chiến sĩ dũng cảm, giặc bỏ chạy tán loạn.
+ Quân Tây Sơn chiếm đóng, chặn mọi đường lui của địch.
=> Nhờ tài thao lược, chiến thuật hợp lí, quân ta đã chiến thắng vang dội
- Hiểu rõ năng lực của bề tôi:
+ Sở, Lân là hạng võ dũng.
+ Ngô Thì Nhậm đa mưu túc trí
=> Ba người cùng ở lại bảo vệ Bắc Hà.
- Khen chê đúng người, đúng việc.
=> Người chỉ huy cực kì sắc sảo, nhạy bén, sáng suốt, công minh.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về hình tượng người anh hùng Quang Trung.
Quang Trung - Nguyễn Huệ là "người anh hùng áo vải" nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Một trong những chiến công xuất sắc nhất của ông chính là đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi nước ta. Hồi thứ mười bốn trong "Hoàng Lê nhất thống chí" đã mô tả vô cùng chân thực về hình tượng của Quang Trung trong trận đánh đó. Đầu tiên, ông là nhà lãnh đạo quyết đoán, mạnh mẽ, nhạy bén trước thời cuộc. Ngay khi nghe tin quân Thanh tràn vào nước ta, Nguyễn Huệ đã quyết định lên ngôi hoàng đế để có cớ đưa binh ra Bắc, "giữ lấy lòng người". Ông coi đây là một cuộc chiến quan trọng, vậy nên đã thân chinh ra trận. Trên đường đi, ông tranh thủ tìm gặp Nguyễn Thiếp để hỏi kế sách, tuyển mộ quân sĩ, "mở cuộc duyệt binh lớn" ở Nghệ An. Sau khi toàn quân ổn định, Quang Trung đưa ra lời phủ dụ dành cho các tướng sĩ nhằm nêu bật dã tâm xâm lược của giặc, khẳng định cuộc chiến chính nghĩa và kêu gọi mọi người cùng đoàn kết bảo vệ đất nước. Trong thời gian rất ngắn, Quang Trung đã có được đại quân mạnh mẽ nhờ sự quyết đoán, nhanh nhẹn của mình. Thứ hai, ông là người có ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng. Điều đó được thể hiện thông qua lời khẳng định rằng trong vòng mười ngày có thể lấy lại kinh thành Thăng Long. Không những thế, ông còn tính sẵn kế hoạch ngoại giao sau khi giành được chiến thắng. Và cuối cùng, không thể không nhắc đến sự tài ba trong việc điều binh khiển tướng của vua Quang Trung. Ông nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu của các vị tướng sĩ bên cạnh mình, từ đó đưa ra sự phân công phù hợp cho họ. Cuộc chiến với quân Thanh còn diễn ra rất thành công. Tất cả là nhờ lối đánh hợp lí, có kế hoạch rõ ràng, ít hao tổn binh lực của người chỉ huy. Từ những điều trên, ta có thể khẳng định rằng Quang Trung là một vị vua anh dũng, tài ba, là người anh hùng vĩ đại của nhân dân Đại Việt.
-------------------------
Em hãy tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 9 khác như: Ý nghĩa nhan đề Hoàng Lê nhất thống chí; Tóm tắt Chuyện người con gái Nam Xương; Bài văn Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, Cảm nhận vẻ đẹp của Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều.
Đất nước Việt Nam vốn nổi tiếng là nơi sản sinh ra rất nhiều anh hùng. Thật vậy, trong hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, ta không thể nào kể hết những con người đã dũng cảm đứng lên bảo vệ nền độc lập cho dân tộc. Nổi bật trong số đó là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Hồi thứ mười bốn được trích trong "Hoàng Lê nhất thống chí" sẽ cho ta thấy rõ hơn hình tượng của của vị vua anh dũng này.
Đầu tiên, có thể khẳng định Quang Trung là một nhà lãnh đạo đầy mạnh mẽ, quyết đoạn và cực kì nhạy bén trước thời cuộc. Khi vừa nhận được tin quân Thanh xâm chiếm nước ta, tuy rất tức giận nhưng ông vẫn tỉnh táo suy xét mọi việc. Sợ rằng việc cầm quân ra Bắc sẽ gây tranh cãi, ông trực tiếp lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Việc làm này vừa là để có danh phận hợp lí để dẫn quân, vừa giữ yên lòng người. Tiếp theo, ông thân chinh "đốc suất đại binh" ra Bắc. Trên đường đi, Quang Trung đã gặp gỡ La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp - một vị danh sĩ có tầm nhìn xa trông rộng. Sau sự động viên của Nguyễn Thiếp, Quang Trung càng hăng hái mở cuộc duyệt binh, chiêu mộ quân sĩ. Sau đó, ông đưa ra lời phủ dụ để thông báo đất nước đang lâm nguy, khẳng định dã tâm của quân địch và kêu gọi toàn quân cùng đoàn kết chống giặc. Có được những lời ấy, sĩ khí dâng lên cao, mọi người cùng hăng hái tập luyện để chuẩn bị cho cuộc chiến.
Không những mạnh mẽ, quyết đoán mà Quang Trung còn có tài nhìn xa trông rộng và ý chí quyết thắng. Khi chưa đánh trận, ông đã cho toàn quân ăn tết sớm và tự tin khẳng định: "Đến tối 30 tết lập tức lên đường, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng". Chính nhờ niềm tin ấy, quân ta đã tạo ra chiến thắng vang dội, khiến cho con cháu sau này phải thán phục. Ngoài ra, Nguyễn Huệ còn mưu tính trước việc ngoại giao sau khi thắng trận: "...chúng là nước lớn gấp mười nước mình...chỉ có người khéo lời lẽ mới dẹp nổi việc binh đao...Chờ mười năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh, thì ta có sợ gì chúng?". Đây chính là sự tài giỏi mà người bình thường ít ai có được. Quang Trung đã tính hết mọi chuyện một cách chu toàn, xứng đáng là vị vua anh minh của con dân Đại Việt.
Khi nhắc đến Quang Trung - Nguyễn Huệ, ta không thể không kể đến tài mưu lược, bày binh bố trận. Ông rất biết dùng người, hiểu rõ năng lực của bề tôi. Biết Sở, Lân là hạng võ dũng, không biết dùng mưu lược, ông đã để Ngô Thì Nhậm đa mưu túc trí ở bên họ. Ba người cùng nhau kết hợp bảo vệ Bắc Hà, giúp cho mọi việc diễn ra trong tầm kiểm soát. Thậm chí, việc đánh trận trong vòng bảy ngày đúng chỉ có Quang Trung mới làm được. Không cần phải hao tổn quá nhiều binh lực, ông dùng lối đánh nghi binh, bắt gọn bọn do thám, tránh để quân Thanh có sự chuẩn bị trước. Trận Hà Hồi, Quang Trung cho quân bắc loa hô gọi khiến cho địch tưởng ta có hơn vạn người. Ai nấy đều rụng rời xin hàng, ta chiến thắng mà không hao tổn một binh một tốt. Trận Ngọc Hồi, nhờ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, có gió nam hỗ trợ, quân ta chiến đấu anh dũng, giặc bỏ chạy tán loạn. Quang Trung còn cho lính chiếm đóng, đánh chặn mọi đường lui của địch, khiến chúng hoảng sợ, không dám bén mảng đến nước ta một lần nữa. Từ đó, ta thấy được rằng Quang Trung là một thiên tài quân sự, là người chỉ huy cực kì sắc sảo, sáng suốt.
Qua ngòi bút tài năng, sắc bén của tác giả bộ tiểu thuyết "Hoàng Lê nhất thống chí", vua Quang Trung đã hiện lên với vẻ đẹp oai phong, lẫm liệt và không kém phần nhạy bén, tỉnh táo. Câu nói "Thời thế tạo anh hùng" quả thật không sai. Từ một người nông dân, bất bình với bộ máy cai trị thối nát, Nguyễn Huệ đã phất cờ khởi nghĩa, trở thành vị vua anh minh, tài giỏi, đem lại nhiều chiến thắng vẻ vang cho dân tộc.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Mong rằng sau bài mẫu Phân tích hình tượng vua Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí, em đã có cái nhìn khái quát, rõ ràng hơn về người anh hùng vĩ đại của dân tộc.