1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm.
2. Thân bài:
- Giải thích vấn đề cần bàn luận.
- Nêu biểu hiện của thói quen/ quan niệm trong đời sống.
- Nêu lí do cần phải từ bỏ thói quen/ quan niệm đó.
- Nêu giải pháp để từ bỏ thói quen/ quan niệm.
3. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của việc từ bỏ quan niệm/thói quen đã được đề cập.
1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần thuyết phục: từ bỏ quan niệm "trọng nam khinh nữ".
2. Thân bài:
* Giải thích quan niệm "trọng nam khinh nữ":
- "Trọng nam khinh nữ" là hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính, trong đó người đàn ông được đánh giá cao hơn so với phụ nữ.
* Nguyên nhân dẫn đến quan niệm "trọng nam khinh nữ":
- Do ảnh hưởng của Nho giáo, Trung Quốc: vai trò của người đàn ông được coi trọng. Họ là những người có chí khí, làm được việc lớn, gánh vác giang san.
* Biểu hiện của "trọng nam khinh nữ":
- Trong gia đình và xã hội, vai trò của đàn ông được đánh giá cao hơn những người phụ nữ.
- Trách nhiệm của phụ nữ là chăm sóc gia đình.
- Đàn ông sinh được con trai thì ngồi ở mâm trên, nếu sinh con gái phải ngồi mâm dưới.
- Phụ nữ nếu sinh con gái thì không được đề cao.
- Nhiều gia đình dù đã sinh đủ hai con nhưng vẫn muốn đẻ thêm con trai để có người nối dõi tông đường.
- Thậm chí, có nhiều người nạo phá thai vì lựa chọn giới tính.
* Lí do cần phải từ bỏ quan niệm "trọng nam khinh nữ":
- Đây là quan niệm cổ hủ, lạc hậu, không còn phù hợp trong thời đại mới.
- Gây mất cân bằng giới tính.
- Khiến các mối quan hệ trong gia đình trở nên bất hòa.
- Ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người phụ nữ.
* Lợi ích khi từ bỏ quan niệm:
- Tạo ra một xã hội công bằng, văn minh.
- Chấm dứt được tệ nạn xã hội.
* Giải pháp để từ bỏ quan niệm "trọng nam khinh nữ":
- Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền.
- Phụ nữ cần không ngừng đấu tranh, nâng cao trình độ nhận thức, chuyên môn của mình.
3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.
Mặc dù vai trò của người phụ nữ đang dần được đề cao, coi trọng nhưng "quan niệm trọng nam khinh nữ" từ thời phong kiến vẫn còn tồn tại cho tới tận ngày nay. Đây là một tư tưởng hết sức sai lầm, cổ hủ, cần được loại bỏ khỏi xã hội hiện đại.
Trước hết, "trọng nam khinh nữ" là sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính, trong đó vai trò của người đàn ông được đánh giá cao hơn so với phụ nữ. Nguyên nhân dẫn đến tư tưởng này là do ảnh hưởng của Nho giáo Trung Quốc. Học thuyết Nho giáo quy định rất chi tiết, rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của đàn ông và phụ nữ. Đàn ông phải là người có chí khí, sẵn sàng gánh vác giang san, làm trụ cột trong gia đình. Còn phụ nữ luôn phải giữ gìn tiết hạnh, thực hiện "tam tòng tứ đức". Có thể nói, tư tưởng Nho giáo đã chi phối rất nhiều đến các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, nó được lưu truyền từ đời này sang đời khác và ăn sâu vào suy nghĩ, nếp sống của người dân.
Trong đời sống, chúng ta không khó để bắt gặp biểu hiện của quan niệm này. Mặc dù đã sinh đủ hai con nhưng nhiều nhà vẫn muốn có con trai để "nối dõi tông đường". Ở một số làng quê, dấu ấn của quan niệm "trọng nam khinh nữ" rất đậm nét. Trong các buổi cỗ bàn, lễ Tết, nếu đàn ông nào sinh được con trai thì ngồi ở mâm trên, còn nếu sinh con gái thì phải ngồi ở mâm dưới. Thậm chí, nhiều cánh đàn ông còn bị chính những người anh em, bạn bè chế giễu, trêu đùa. Những định kiến này đã gây áp lực cho họ và là nguồn cơn của những cuộc cãi vã, bạo hành trong gia đình. Ngay trong mối quan hệ vợ chồng, tiếng nói của người đàn ông bao giờ cũng có trọng lượng hơn phụ nữ.
Ngày nay, quan niệm "trọng nam khinh nữ" không còn nặng nề như trước nhưng nó vẫn tồn tại và để lại nhiều hậu quả đối với xã hội. Có rất nhiều lí do để chúng ta từ bỏ suy nghĩ này. Thứ nhất, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" không còn phù hợp trong xã hội hiện đại. Bởi ngày nay, Việt Nam cũng như thế giới đang hướng đến bình đẳng giới. Có rất nhiều tổ chức được thành lập để đấu tranh cho một xã hội công bằng, nơi giới tính không còn là giới hạn như Tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam (VOGE), Ủy ban địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA),... Họ đang nỗ lực bảo vệ cho các quyền của trẻ em gái và phụ nữ trên thế giới. Phụ nữ cũng xứng đáng được tôn trọng và được nhìn nhận một cách công bằng trong quá trình đóng góp vào sự vận hành, phát triển của xã hội.
Thứ hai, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" gây mất cân bằng giới tính. "Theo như số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), vào năm 2026, Việt Nam sẽ "thừa khoảng 1,38 triệu nam giới." (theo vietnamplus.vn). Tình trạng "thừa nam, thiếu nữ" đang là một vấn đề nhức nhối, đáng báo động. Nếu không giải quyết được thực trạng này, nhiều đàn ông sẽ phải đối mặt với việc không tìm được người để kết hôn.
Thứ ba, việc quá đề cao nam giới còn làm tan vỡ nhiều mối quan hệ. Điều này khiến cho những giá trị tốt đẹp của gia đình bị phá bỏ. Chừng nào tư tưởng "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" ("một con trai là có, mười con gái vẫn là không") chưa chấm dứt thì chừng đó vẫn còn nạn bạo hành.
Thứ tư, quyền lợi của phụ nữ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tư duy cũ kĩ, đi lùi thời đại này. Vấn đề "trọng nam khinh nữ" khiến cho tiếng nói của những người phụ nữ trở nên nhỏ bé, thấp kém. Họ bị đè nén và không được thừa hưởng thành tựu phát triển như phái nam.
Từ những lí do trên, chúng ta hoàn toàn có đủ căn cứ để thay đổi suy nghĩ, hành vi của chính mình. Sớm loại bỏ tư tưởng lạc hậu này sẽ tạo ra một xã hội công bằng, văn minh. Mọi người đều được phát triển bản thân một cách dân chủ, đồng đều. Từ đó, gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng đất nước. Đồng thời, cũng chấm dứt được các tệ nạn xã hội, bảo vệ được trạng thái cân bằng của cán cân dân số.
Để từ bỏ, ngăn chặn quan niệm "trọng nam khinh nữ", chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tới từng người dân. Đây là biện pháp hữu ích trong công cuộc đẩy lùi tình trạng mất cân bằng giới tính, vấn nạn bạo lực gia đình và vô vàn những vấn đề khác. Ngoài ra, mỗi người phụ nữ cần không ngừng nâng cao trình độ, nhận thức của bản thân và nỗ lực đấu tranh cho các quyền chính đáng, hợp pháp mà mình xứng đáng được hưởng. Là một học sinh, chúng ta cần ý thức được những tác hại, hệ lụy mà quan niệm này đem lại cho cá nhân, gia đình, xã hội.
Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, bình đẳng. Pháp luật, nhà nước Việt Nam đã quy định rất rõ trong điều 26, Hiến pháp năm 2013: "Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.". Việt Nam cũng như thế giới đã và đang chung tay vì một xã hội công bằng. Chính vì vậy, chúng ta không nên giữ lại những tư tưởng, cổ hủ lạc hậu này nữa!
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Để thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hoặc quan niệm không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, các em cần xác định được vấn đề nổi bật. Sau đó, xây dựng hệ thống luận điểm, lí lẽ, dẫn chứng chặt chẽ, logic. Để có thêm gợi ý khi viết bài văn nghị luận xã hội trong chương trình Ngữ văn 10, Kết nối tri thức, các em có thể xem thêm bài văn mẫu lớp 10 khác:
- Bài luận thuyết phục từ bỏ thói quen hay ăn quà vặt trong lớp
- Bài luận thuyết phục từ bỏ thói quen không chuẩn bị bài mới
- Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà
- Bài luận thuyết phục từ bỏ thói quen đi học muộn