a. Mở đoạn: Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
b. Thân đoạn:
- Cảm nhận về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
- Nêu thông điệp tác giả gửi gắm qua bài thơ.
- Nêu nhận xét, đánh giá của em.
c. Kết đoạn: Khẳng định giá trị bài thơ.
II. Đoạn văn tham khảo nêu cảm nhận về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người
1. Đoạn văn mẫu số 1
Bài thơ "Chuyện cổ tích về loài người" của nhà thơ Xuân Quỳnh đã đem đến cho em những rung động sâu sắc. Nhan đề bài thơ như một lời gợi dẫn câu chuyện về nguồn gốc loài người. Trong khổ thơ đầu tiên, sự sống hiện lên thật hoang sơ, trời chỉ sinh ra trẻ con, không có cỏ cây, không có mặt trời "Trên trái đất trần trụi/ Không dáng cây ngọn cỏ/ Mặt trời cũng chưa có/ Chỉ toàn là bóng đêm". Vậy mà sang khổ thơ thứ hai, cuộc sống trên trái đất đã có sự thay đổi. Ánh mặt trời xuất hiện khiến trẻ con nhìn rõ, làm cho vạn vật sinh sôi "Mặt trời mới nhô cao/ Cho trẻ con nhìn rõ/ Màu xanh bắt đầu cỏ/ Màu xanh bắt đầu cây". Có nhiều sự vật xuất hiện như chim, sông, biển,... Trẻ con ngày một lớn dần qua lời ru và sự chăm sóc của mẹ "Nhưng còn cần cho trẻ/ Tình yêu và lời ru/ Cho nên mẹ sinh ra/ Để bế bồng chăm sóc". Trẻ con biết thêm những chuyện xưa qua lời kể của bà, biết thêm hiểu biết về cuộc sống qua lời dạy của bố, củng cố tri thức qua lời giảng của thầy. Bằng thể thơ năm chữ, hình ảnh sinh động và những liên tưởng thú vị, bài thơ đã khắc họa nguồn gốc loại người một cách độc đáo. Bài thơ khiến người đọc cảm nhận được tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ với trẻ em.
2. Đoạn văn mẫu nêu cảm nhận về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người số 2
"Chuyện cổ tích về loài người" của nhà thơ Xuân Quỳnh là một bài thơ hay và giàu ý nghĩa. Trẻ con được sinh ra đầu tiên, khi trái đất vẫn còn hoang sơ, chưa có mặt trời, chỉ toàn bóng đêm. Nhà thơ đã lí giải sự ra đời của mọi vật đều bắt nguồn từ trẻ em. Trẻ em có đôi mắt sáng nhưng chưa nhìn thấy mọi vật nên mặt trời xuất hiện. Màu xanh, tiếng chim ra đời để trẻ con nhận biết màu sắc và âm thanh. Những sự vật như gió, sông, biển, cá, tôm, cánh buồm, mây, đường,... đều sinh ra để phục vụ cuộc sống của trẻ. Trẻ cần được yêu thương, chăm sóc thì mẹ sinh ra. Để trẻ nhận biết những bài học đạo đức có sự xuất hiện của bà. Trẻ em trưởng thành và khám phá thế giới thì bố sinh ra để dạy dỗ, chỉ bảo. Xã hội phát triển ngày một văn minh, trẻ em không những được thương yêu, chăm sóc mà còn cần được học tập vì vậy sinh ra thầy giáo. Với thể thơ năm chữ, hình ảnh sinh động, giọng thơ hồn nhiên, trong sáng, bài thơ đã lí giải cho người đọc nguồn gốc ra đời của loài người một cách sống động, qua đó, thể hiện tình yêu thương sâu sắc của tác giả với trẻ em.
3. Đoạn văn mẫu nêu cảm nhận về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người số 3
Bài thơ "Chuyện cổ tích về loài người" của nhà thơ Xuân Quỳnh lí giải nguồn gốc loài người một cách thú vị. Trước hết, nhà thơ đã giúp chúng ta hình dung được cuộc sống trên trái đất khi loài người mới xuất hiện "Trời sinh ra trước nhất/ Chỉ toàn là trẻ con/ Trên trái đất trụi trần/ Không dáng cây ngọn cỏ/ Mặt trời cũng chưa có/ Chỉ toàn là bóng đêm...". Con người sinh ra khi trái đất vẫn còn hoang sơ. Tiếp đó, thơ đã lí giải sự ra đời của các sự vật đều bắt nguồn từ trẻ em. Trẻ con nhận biết và cảm nhận được thế giới khi mặt trời xuất hiện khiến vạn vật sinh sôi. Mẹ cũng sinh ra đời bởi trẻ cần được nuôi dưỡng trong tình yêu. Lời ru và vòng tay ấm áp của mẹ khiến con được che chở. Trong lời ru của mẹ cũng gửi gắm những nhận biết về thế giới tự nhiên "Từ cái hoa rất thơm/ Từ cánh cò rất trắng/ Từ vị gừng rất đắng...". Không chỉ có tình yêu thương của mẹ, trẻ còn được lớn lên qua các câu chuyện cổ tích của bà, sự chỉ bảo của bố lời dạy của thầy giáo. Biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng trong bài thơ gợi cho người đọc hình dung sự ra đời của vạn vật, tạo nhịp điệu cho bài thơ. Bài thơ "Chuyện cổ tích về loài người" là một bài thơ hay và giàu ý nghĩa, qua bài thơ, tác giả đã thể hiện tình cảm yêu mến, trân trọng sâu sắc với trẻ em.
Trên đây là nội dung tham khảo Viết đoạn văn nêu cảm nhận về bài thơ Chuyện cổ tích về loài người, ngoài ra các em có thể xem thêm nội dung văn mẫu lớp 6 để chuẩn bị cho bài học tiếp theo.
- Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về thông điệp được rút ra từ bài thơ Chuyện cổ tích về loài người
- Viết đoạn văn thể hiện cảm xúc của em về một đoạn thơ mà em yêu thích trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người