Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng

Đề bài: Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng

Bài văn mẫu Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng


Bài văn mẫu Trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng

Với giọng thơ mượt mà, trẻ trung mà mang đậm tính triết lí sâu sắc, nhà thơ Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong thời kì khắng chiến chống Mỹ. Chúng ta đã từng biết đến một "Tre Việt Nam" với lối viết giản dị mà thấm đẫm cảm giác tự hào, đã từng biết đến "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" với bao tình cảm gửi đến người mẹ, và giờ đây là "Ánh trăng".

Bài thơ "Ánh trăng" ghi lại một thoáng giật mình của thi sĩ trước vẻ đẹp ân tình của vầng trăng. Trước cuộc sống bận rộn, con người đã quên đi những kỉ niệm của quá khứ. Thế nhưng vầng trăng vẫn vẹn nguyên, thuỷ chung ân tình mà sâu sắc.Bài thơ đã để lại cho người đọc biết bao bài học thấm thía và sâu sắc, đặc biệt, khổ thơ cuối đã mang lại nhiều dư vị và cảm xúc khó quên.

"Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình."

Bài thơ được viết năm 1978, tại thành phố Hồ Chí Minh - nơi mà những người lính từ chiến trường trở về sống giữa thành phố xa hoa mà hiện đại, bỏ lại sau lưng quá khứ hào hùng. Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh ánh trăng - hình ảnh tượng trưng cho quá khứ và vẻ đẹp vĩnh hằng, trường tồn mãi mãi. Hình ảnh của quá khứ càng tươi đẹp thì nhà thơ tự trách mình, cảm thấy có lỗi. Những khổ thơ trước là hình ảnh khu phố mất điện và đột nhiên đèn điện vụt tắt. Trong phút giây đó, nhà thơ mới nhận ra mình đã lãng quên đi quá khứ. Với giọng điệu nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu lắng câu thơ đầu đã mang đến cho người đọc nhiều suy ngẫm:

"Trăng cứ tròn vành vạnh"

Trăng là một trong những biểu tượng thanh bình tượng trưng cho hồi ức kỉ niệm xưa. Trăng đã cùng người chiến sĩ trải qua biết bao gian truân, khó nhọc, từ hồi nhỏ cho đến khi đã trở thành một chiến sĩ bảo vệ độc lập của dân tộc. Nếu như với Hồ Chí Minh, trăng như người bạn tâm tình với nhà thơ:

"Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ"

Nhưng giờ đây trăng là biểu tượng của quá khứ nhưng không bao giờ lãng quên. Cụm từ "tròn vành vạnh" đã mang đến một sắc thái vẹn nguyên và luôn ghi nhớ mãi không quên. Vẻ đẹp đó tưởng chừng như vẻ đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên, cái đẹp luôn làm lòng người mê đắm. Vầng trăng là hiện thân của những hồi ức và chắc chắn những hồi ức đó luôn không thay đổi. Những dòng suy nghĩ của nhà thơ là cách gợi dẫn để nhà thơ tự trách mình:

"Kể chi người vô tình"

"Người vô tình" - cụm từ như một lời trách móc đối với chính nhà thơ. Trách khi bản thân mình đã quên đi những hồi ức, những kỉ niệm của tuổi trẻ sao lại quá vô tình, sao lại bị cuộc sống hiện đại nơi phố thị làm lãng quên đi quá khứ. Sự tự trách đó thểhiện vẻ đẹp của nhân cách. Vốn là người luôn biết tôn trọng và nhớ về quá khứ nhưng rồi lãng quên, chỉ khi được ánh trăng thức tình, nhà thơ mới dâng trào cảm xúc:

"Ánh trăng im phăng phắc"

Nếu như khổ thơ trước là "trăng" thì đến khổ thơ này xuất hiện "ánh trăng". Là biểu tượng của thiên nhiên, của hoà bình, ngoài ra trăng còn cho thấy sự bao dung của tình nghĩa thuỷ chung. Đây chính là phẩm chất cao quý mà chính tác giả muốn xây dựng. Sự im lặng của ánh trăng, chẳng phải là sự bất lực hay buông xuôi mà đó là lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với những con người lỡ quên đi quá khứ - một phần của cuộc đời. Kỉ niệm, kí ức - những điều tưởng chừng vô tri, vô giác nhưng lại có linh hồn và sức sống riêng. Con người có thể thay đổi nhưng những kí ức sẽ luôn trường tồn với thời gian, và rồi một thoáng bất chợt trong cuộc sống, ánh trăng lại thức tình người:

"Đủ cho ta giật mình"

Cái giật mình vì chợt nhận ra sự vô tình của chính mình. Giật mình vì hối hận, vì quên đi những tháng ngày gian khổ đói nghèo mà ân tình ân nghĩa. Chính sự thức tỉnh ấy đã làm cho tác giả phải nhìn nhận lại chính bản thân mình và những người xung quanh. Câu kết của khổ thơ cũng như toàn bài là một bài học nhận thức sâu sắc. Phải chăng, mỗi người trong chúng ta khi đọc đến câu thơ này đều đặt cho chính bản thân mình một câu hỏi? Đó chính là vẻ đẹp của nhân cách trong mỗi chúng ta.

Bằng thể thơ năm chữ được vận dụng linh hoạt sáng tạo cùng giọng điệu tâm tình mà nhẹ nhàng, sâu lắng, bài thơ "Ánh trăng" đã mang đến cho độc giả những phút giây sống chậm lại suy nghĩ về những gì mình đã và đang làm. Và khổ thơ cuối chính là khổ thơ mạng lại dấu ấn đậm nét trong chùng ta. Tình cảm và thái độ ghi nhớ công ơn của những người đã đi trước chính là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta. Và chính chúng ta cần giữ gìn và phát huy chúng.

-----------------HẾT-----------------

Sau khi tìm hiểu xong đề 6, bài tập làm văn số 7, Ngữ văn 9: Suy nghĩ về khổ cuối bài thơ Ánh trăng, các em học sinh có thể tham khảo thêm: Lấy nhan đề "Tình đời trong chiếc lá", em hãy viết bài nêu suy nghĩ của mình về đoạn trích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O.Hen-ri, Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng của Ta-go, Bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh, Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt.

Những dòng văn mẫu trình bày suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng dưới đây chắc chắn sẽ là tài liệu hữu ích cho các em học sinh khi em được yêu cầu phát biểu cảm nghĩ của bản thân về giá trị nội dung tư tưởng tác giả đã gửi gắm qua đó.
Suy nghĩ của em về vầng trăng trong bài thơ Ánh Trăng của Nguyễn Duy
Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy
Cảm nhận bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy
Cảm nhận khổ cuối bài thơ Ánh trăng
Suy nghĩ của em về bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy
Ánh trăng của Nguyễn Duy gợi cho em những cảm nghĩ gì?

ĐỌC NHIỀU