Thuyết minh về món ăn ngày tết

Đề bài: Thuyết minh về món ăn ngày tết

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý
II. Bài văn mẫu

Thuyết minh về món ăn ngày tết
 

I. Dàn ý Thuyết minh về món ăn ngày tết
 

1. Mở bài

Giới thiệu chung về món dưa ngày Tết
 

2. Thân bài

* Lịch sử món ăn:
- Có từ lâu
- Được dùng trong các bữa ăn của gia đình ngày Tết
- Trở thành một nét văn hoá trong bữa cơm nhà đầu năm

* Nguyên liệu để làm món ăn:
- Hành, tỏi
- Cà rốt
- Su hào
- Đu đủ
- Ớt đỏ
- Gia vị: nước mắm, đường, muối,...

* Cách làm món ăn:
- Gọt vỏ, rửa sạch
- Cắt thành từng miến
- Rửa sạch và đem phơi héo
- Làm nước muối dưa món
- Sắp rau củ vào lọ và đổ nước vào muối

* Yêu cầu chất lượng thành phẩm:
- Màu sắc đẹp
- Dưa giòn, không bị quá mềm hoặc quá dài
- Vị chua chua, ngọt ngọt, dễ ăn

* Dưa món trong bữa ăn:
- Ăn kèm với bánh chưng, cơm nóng hay thịt kho
- Làm mồi nhắm rượu
 

3. Kết bài

Ngày nay, xã hội càng phát triển, người ta càng chú trọng đến những bữa ăn ngon, những món ăn đắt tiền, sang trọng, nhưng món dưa món vẫn giữ một vị trí quan trọng trong bữa ăn ngày Tết. Nó trở thành một hương vị Tết trong tâm hồn người dân Việt Nam.
 

Mẹo Cách làm bài văn thuyết minh hay

II. Bài văn mẫu Thuyết minh về món ăn ngày tết

Vào ngày tết, bên cạnh bánh kẹo, mứt dưa, hoa trái thì không thể thiếu những món ăn đậm đà và đặc trưng mang vị dân tộc. Đó là bánh chưng xanh gói lá chuối, là nồi thịt kho tàu thơm ngon và không thể không nhắc đến món dưa chua dân giã, một món ăn đầy hấp dẫn.

Không biết được con người sáng tạo ra từ bao giờ nhưng có lẽ là từ rất lâu lắm rồi, món ăn này đã ra đời và trở thành quen thuộc trong các bữa ăn của các gia đình. Đặc biệt là vào những ngày tết cổ truyền, mỗi gia đình thường làm cho mình một hũ dưa món màu sắc không chỉ đẹp về thẩm mỹ mà còn mang lại vị chua ngon, hấp dẫn khi thưởng thức.

Món dưa không quá cầu kỳ trong cách làm, thực phẩm chuẩn bị cũng không quá đắt đỏ. Có khi chỉ có trong tay vài chục đến một trăm ngàn là có thể mua đủ nguyên liệu làm một hũ dưa muối ngon lành. Bởi thế mà vào những ngày cuối cùng của năm, trong mỗi chiếc làn, chiếc giỏ của những người bà, người mẹ khi chợ về không thể không có những củ cà rốt đỏ tươi, những củ hành, củ kiệu trắng và những quả đu đủ ươm vàng.

Nói như vậy để thấy rằng những nguyên liệu món này khi làm cần phải có là cà rốt, củ cải, đu đủ, hành tím, sự hào, ớt đỏ....ngoài ra còn cần các gia vị đi kèm như nước mắm, đường, lạc . Tùy thuộc vào sở thích mà người làm có thể thêm bớt một vài nguyên liệu, song về cơ bản các nguyên liệu kể trên nếu đầy đủ sẽ mang lại một hủ dưa món đủ vị khi ăn.

Khi có sẵn nguyên liệu, người ta bắt tay vào làm dưa món. Khâu đầu tiên là gọt vỏ, rửa sạch tất cả các loại củ cần làm. Đây là bước không thể thiếu để đảm bảo vệ sinh cho thực phẩm. Sau khi làm sạch, dùng dao thái rau củ ra thành các miếng nhỏ, mỗi miếng dày từ 3 đến 5 xăng- ti- mét. Để tạo tính thẩm mĩ cho món ăn, có thể dùng dao cắt tỉa thanh hoa hay những đường vân dài thật đẹp. Những rau củ khi được cắt xong thì cho vào thau, dùng muối bóp trong khoảng 10 phút, rồi từ từ dùng nước lạnh rửa qua một lần nữa, vớt lên cho ráo rồi đem ra phơi nắng. Thời tiết càng nắng thì rau củ càng nhanh héo, món ăn dễ thấm gia vị và ngon hơn rất nhiều. Trường hợp tết đúng vào đợt gió mùa, mưa rét trời không có nắng có thể dùng lò sưởi, lò sấy để thay thế. Lúc rau củ đang dần héo, người làm sẽ vào bếp chuẩn bị nước muối dưa. Đây là khâu quan trọng vì làm nước càng ngon thì món dưa càng đậm đà hơn. Bắc nồi lên bếp, trộn đường, muối và nước mắm rồi đun sôi trong khoảng từ 5 đến 7 phút. Sau đó tắt bếp, chờ cho đến khi nước nguội hoàn toàn. Khi dưa đã héo, nước đã nguội, lần lượt sắp dưa vào những hũ thủy tinh sáng bóng, đổ nước vào hũ sao cho ngập hết phần rau củ, đậy lại và chờ đợi thành phẩm của mình. Dưa muối trong khoảng hai ngày là có thể đem ra để thưởng thức.

Thành phẩm dưa món thành công là sau khi hoàn thành vẫn giữ được màu sắc đẹp của rau củ. Dưa khi vớt ra ăn phải đảm bảo giòn, không quá mềm, thơm ngon, vừa có vị ngọt, vừa có vị chua hấp dẫn.

Món dưa món ăn kèm với bánh chưng, thịt kho, cơm nóng thì còn gì tuyệt vời hơn. Nó không chỉ giúp người ăn đỡ ngán lại vừa đem lại cảm giác thèm ăn bởi vị chua đặc trưng. Dưa món còn là một trong những mồi nhấm nháp cùng chén rượu thơm của các bác, các anh trong ngày đầu họp mặt.

Ngày nay, xã hội càng phát triển, người ta càng chú trọng đến những bữa ăn ngon, những món ăn đắt tiền, sang trọng, nhưng món dưa món vẫn giữ một vị trí quan trọng trong bữa ăn ngày Tết. Nó trở thành một hương vị Tết trong tâm hồn người dân Việt Nam.

--------------------HẾT----------------------

Trong ngày tết cổ truyền ở Việt Nam, có rất nhiều món ăn truyền thống đặc sắc, bên cạnh bài Thuyết minh về món ăn ngày tết - thuyết minh về món dưa chua, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu thuyết minh về món ăn như: Thuyết minh về bánh chưng, thuyết minh về một món ăn, Thuyết minh về món nem chua Thanh Hóa để có thêm kiến thức và kinh nghiệm viết văn thuyết minh về món ăn.

Tết cổ truyền là ngày lễ lớn nhất trong năm, bên cạnh hoa đào, hoa mai, câu đối đỏ ngày Tết ở Việt Nam còn có rất nhiều món ăn cổ truyền hấp dẫn. Bài văn Thuyết minh về món ăn ngày tết sẽ cùng các em tìm hiểu về những món ăn hấp dẫn mà vô cùng quen thuộc này.
Thuyết minh về món nem chua Thanh Hóa
Thuyết minh về món nem rán
Thuyết minh về món canh chua cá lóc
Thuyết minh về một món ăn
Thuyết minh về món Mỳ Quảng
Thuyết minh về món bánh tráng trộn

ĐỌC NHIỀU