Thuyết minh về cây phượng

Đề bài: Thuyết minh về cây phượng

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
  * Dàn ý 1
  *Dàn ý 2
II. Bài văn mẫu
  1. Bài mẫu số 1
  2. Bài mẫu số 2
  3. Bài mẫu số 3

3 Bài văn mẫu Thuyết minh về cây phượng quê em


I. Dàn ý Thuyết minh về cây phượng


* Dàn ý 1 (Chuẩn):


1. Mở bài

Giới thiệu về cây phượng


2. Thân bài

a. Nguồngốc
- Được tìm thấy tại những cánh rừng ở Madagascar.
- Ngoài ra, chúng còn được tìm thấy vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới
- Dù nhập vào Việt Nam khoảng thế kỉ XIX

b. Phân loại
- Phượng cổ thụ
- Phượng vĩ

c. Đặc điểm
- Thân gỗ
- Trung bình mỗi cây phượng cao từ 9m - 15m, có loại cao hơn có thể lên tới 20 mét.
- Thân phượng có lớp vỏ màu nâu nhạt, bề rộng thân bằng một vòng tay người ôm hoặc có thể nhỏ hơn, lớn hơn tùy thuộc vào năm tuổi và sự sinh trưởng của cây.
- Rễ phượng ngoằn ngoèo, khá lớn và trồi lên trên mặt đất
-  Phần ngọn của cây phượng là những tán lá dày đặc và toả rộng ra như những chiếc ô lớn bao trùm cả khoảng không rộng.
- Lá phượng nhỏ, hình bầu, có màu xanh nhạt khi nôn, khi đã trưởng thành lá có màu xanh đậm. Vào mùa lá rụng, phượng chuyển màu lá từ xanh sang vàng nhạt.
- Phượng nở hoa vào mùa hạ, hoa phượng đỏ rực
- Quả phượng nặng, dài, màu xanh, ăn có vị béo
- Phượng vĩ phát triển và sinh trưởng tốt trong khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, loài cây này có khả năng chịu hạn mặn tốt.

d. Phân bố
- Trên thế giới: Khu vực Caribe, sa mạc Arizona hay California của Hoa Kì, ngoài ra còn được tìm thấy nhiều ở quần đảo Bắc Mariana.
- Ở Việt Nam: khắp mọi nơi, nhiều ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh

e. Vai trò
- Làm đẹp cảnh quan
- Làm cây bóng mát
- Làm gỗ
- Làm nguyên liệu của vài thứ thuốc dân gian
- Có ý nghĩa với tuổi học trò

f. Hạn chế:
- Tuổi thọ thấp
- Gỗ không bền
- Rễ cắm sâu và lan rộng vào đất →  hạn chế sự sinh trưởng của nhiều loại thực vật


3. Kết bài

Tình cảm của em với cây phượng
 

* Dàn ý 2 (Chuẩn):


1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về vấn đề cần thuyết minh: Cây phượng


2. Thân bài

- Giới thiệu về nguồn gốc cây phượng:
+ Quê hương của cây phượng ở Madagascar nơi có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới
+ Có nhiều tên gọi khác nhau: phượng vĩ, xoan tây, phượng hoàng mộc, flamboyant,..

- Thuyết minh về đặc điểm cây phượng
+ Thân cây: to, cao lớn, màu nâu, vỏ nhẵn
+ Tán cây: toả rộng, cao và rậm
+ Lá: lá phức giống lông chim màu xanh
+ Hoa: 5 cánh, 4 cánh nhỏ màu đỏ, hoặc đỏ cam, 1 cánh to lốm đốm trắng đỏ
+ Quả: màu nâu, cứng, to dài và dẹt, nhiều hạt
+ Đặc điểm sinh trưởng: phát triển tốt ở khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, chịu được khô hạn và đất mặn.

- Ý nghĩa của cây phượng
+ Là cây bóng mát, tạo không gian mát mẻ
+ Là cây cảnh làm đẹp không gian trường học, công viên, đường phố
+ Là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ
+ Là biểu tượng của học trò, tình bạn và mùa hè


3. Kết bài

Nêu cảm nghĩ của em về cây phượng
 

Mẹo Cách làm bài văn thuyết minh hay

II. Bài văn mẫu Thuyết minh về cây phượng
 

1. Thuyết minh về cây phượng, mẫu số 1 (Chuẩn)

Đối với mỗi học sinh chúng ta, phượng là loài cây gần gũi mà nhất. Khi hè về, những tiếng ve râm ran kêu trên những nhành phượng đỏ rực cũng là lúc ta tạm xa thầy cô, bè bạn. Bởi thế mà loài hoa phượng luôn có một ý nghĩa đặc biệt trong lòng mỗi cô cậu học trò chúng ta. 

Loài cây này được người ta tìm thấy tại những cánh rừng ở Madagascar. Ngoài ra, chúng còn được tìm thấy nhiều ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cây phượng thuộc loài thực vật thân gỗ, có hoa, gồm hai loại là phượng đại thụ và phượng vĩ. Ngoài ra cũng có thể phân loại phượng theo màu sắc của hoa ví dụ như phượng vàng, phượng đỏ,...

Trung bình mỗi cây phượng cao từ 9m - 15m, có loại cao hơn có thể lên tới 20 mét. Thân phượng có lớp vỏ màu nâu nhạt, da không quá mượt mà nhưng cũng không phải quá sần sùi như nhiều loại cây khác. Bề rộng thân bằng một vòng tay người ôm hoặc có thể nhỏ hơn, lớn hơn tùy thuộc vào năm tuổi và sự sinh trưởng của cây. Rễ phượng ngoằn ngoèo, khá lớn và trồi lên trên mặt đất như hình những chú rắn nâu khổng lồ, chúng vươn ra khá dài để hút chất dinh dưỡng trong lòng đất nuôi cây phát triển.  Phần ngọn của cây phượng là những tán lá dày đặc và toả rộng ra như những chiếc ô lớn bao trùm cả khoảng không rộng, tạo bóng mát cho mỗi sân trường, mỗi còn đường có dấu ấn của phượng vĩ. Lá phượng nhỏ, hình bầu, có màu xanh nhạt khi nôn, khi đã trưởng thành lá có màu xanh đậm. Vào mùa lá rụng, phượng chuyển màu lá từ xanh sang vàng nhạt, những lá phượng rơi bay bay trong gió nhẹ rồi in mình lên mặt đất thật đẹp và duyên dáng lạ thường. Phượng nở hoa vào mùa hạ, hoa phượng đỏ rực, những chùm hoa phượng đua nhau bùng cháy trên nền trời xanh thẳm, đẹp đẽ và rực rỡ. Những cánh hoa phượng khá lớn, có cánh dài đến 8cm, xếp đặt nối nhau, phần nhụy hoa có màu nâu đỏ, rất đẹp và đáng yêu. Chúng em thường rủ nhau nhặt những bông hoa phượng rơi rụng ép vào trong trang vở học trò in hình những chú bướm để lưu giữ chút kỉ niệm tuổi thơ.  Phượng vĩ cũng có quả, quả phượng khi còn non có màu xanh, cong queo và rất nặng.

Những bài văn Thuyết minh về cây phượng quê em hay nhất

Phượng vĩ phát triển và sinh trưởng tốt trong khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, loài cây này có khả năng chịu hạn mặn tốt vì vậy nó có thể sống được nhiều nơi, từ trung du, miền núi đến đồng bằng hay ven biển. Trong điều kiện ánh sáng đầy đủ cây phát triển rất nhanh, hoa đẹp và thân lớn, cho bóng mát rộng. Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới, ta không khó để tìm kiếm những hàng phượng vĩ đỏ rợp trời, có thể kể đến khu vực Caribe, sa mạc Arizona hay California của Hoa Kì, ngoài ra còn được tìm thấy nhiều ở quần đảo Bắc Mariana. Ở đất nước ta, vào thế kỉ XIX, phượng vĩ được du nhập và trồng ở nhiều nơi như Đà Nẵng, Hải Phòng,.....Ngày này, nó được trồng phổ biến ở nhiều nơi khắp mọi miền đất nước từ Bắc vào Nam. Đặc biệt, phải kể đến thành phố Hải Phòng, nơi được mệnh danh là thành phố hoa phượng đỏ. 

Phượng có vai trò trong việc toả bóng mát, đặc biệt là những ngày hè nóng nực, ngồi dưới bóng phượng tỉ tê, cùng nhau làm bài tập thật mát mẻ và dễ chịu biết bao. Trên những cung đường của thành phố, hai hàng phượng già toả bóng xanh, rợp cả những con đường che mát người lại qua, khung cảnh vừa yên bình lại vừa  nên thơ. Phượng còn được trồng để làm đẹp cảnh quan, trong mỗi khuôn viên sân trường, bên dòng sông hay những góc công viên đều có bóng dáng của cây phượng. Vẻ đẹp kiêu kì vật rực rỡ của hoa phượng điểm tô cho đời đầy thu hút.

Gỗ của thân cây phượng được sử dụng để làm các đồ thủ công mỹ nghệ. Vỏ của cây phượng có nhiều tác dụng trong việc trị chướng bụng hay giảm huyết áp, trị sốt rét. Rễ cây cũng có tác dụng trong hạ sốt cho người bệnh.

Bên cạnh ưu điểm, loài cây này cũng tồn tại một vài hạn chế. Tuổi thọ của cây không cao, chỉ rơi vào khoảng độ 30- 50 năm tuổi. Gỗ lấy từ thân cây không có chất lượng quá tốt. Cây sinh trưởng với bộ rễ lớn nên ngăn cản nhiều đến sư phát triển của những loài thực vật mọc dưới. Tuy nhiên, ta không thể phủ nhận được giá trị và ý nghĩa mà nó mang lại.

Phượng vĩ chính là biểu tượng của tuổi học sinh hồn nhiên, thơ ngây bên mái trường. Viết về lứa tuổi ấy cũng có bao lời ca, tiếng ca dành cho cánh phượng đầy nâng niu và trân quý:

" Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
 

--------------------HẾT BÀI 1-----------------------

Cùng với bài Thuyết minh về cây phượng, Thuyết minh về cây chè cũng là đề bài thường gặp khi làm bài thuyết minh về cây cối. Các em có thể tham khảo để có thêm những ý tưởng hay cho bài viết của mình.
 

2. Thuyết minh về cây phượng, mẫu số 2 (Chuẩn)

Có một màu hoa đỏ đang rực cháy trong sân trường, trong trái tim tôi và dù đã đi qua bao mùa hoa đỏ như thế trong lòng tôi vẫn luôn cảm thấy bâng khuâng, xao xuyến. Đó là màu đỏ tươi thắm của những bông hoa phượng, cây phượng nơi góc sân trường đã bao lần trổ hoa, bao lần chào đón và tiễn đưa các thế hệ học sinh, âm thầm lặng lẽ ghi dấu biết bao kỉ niệm vui buồn. Cây phượng cũng chỉ như bao loài cây khác nhưng nhờ có con người mà chúng đã trở nên thật đặc biệt với những ý nghĩa vô cùng sâu sắc. 

Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh cây phượng trên khắp mọi nơi, từ Bắc vào Nam, từ đường phố, công viên trường học hay ngay trong vườn nhà cũng có cây phượng, thế nhưng đã mấy ai biết về nguồn gốc của loài cây này. Nơi được coi là quê hương của loài cây phượng nằm ở Madagascar - một đảo quốc nằm gần Châu Phi trên Ấn Độ Dương. Từ đây họ hàng của cây phượng đã được phân tán đi khắp nơi trên thế giới, bởi vậy mà nó có rất nhiều tên gọi khác nhau, ở Việt Nam thường gọi là “hoa phượng” hay “phượng vĩ”, “phượng vỹ”, còn bên Trung Quốc họ gọi hoa phượng là “phượng hoàng mộc”, tên tiếng Anh của loài hoa này là “flamboyant”.

Phượng là một loài cây cổ thụ, với giống phượng đại thân cây có thể cao đến 20 mét, gốc cây bằng cả một người ôm. Thân cây phượng dù già cỗi cũng không bị xù xì xấu xí, bởi chúng được thay áo liên tục với lớp vỏ mới trông khá nhẵn nhụi, khi cạo nhẹ lớp vỏ màu nâu sẽ thấy ngay màu xanh của thân cây. Thân cây càng lớn thì tán cây càng to, cây phượng ít phát triển chiều cao mà chủ yếu là phát triển mặt tán, càng lớn càng muốn tán của mình che được nhiều hơn, ôm trọn một mái nhà hay góc vườn nào đó. Tán của nó rất dày, rất ít những tia nắng có thể lọt qua được, nó tạo nên những bóng râm rộng và mát mẻ. Người ta trồng phượng cái chính là bóng râm nhưng chủ yếu cũng là ngắm hoa, chẳng ai lại không bị thu hút ánh nhìn bởi hoa phượng bởi cái màu đỏ chót chói lọi rực rỡ của nó dù không muốn nhìn cũng cố tình chen vào tầm mắt.

Bài văn Thuyết minh về cây phượng trong sân trường em

Phượng mọc hoa thành từng chùm lớn, mỗi chùm 4-5 cành hoa, hoa phượng rực rỡ nhưng mỏng manh, những cánh hoa dài cuống nhỏ với 4 cánh nhỏ màu đỏ tươi còn một cánh hoa to lốm đốm màu trắng. Nhìn bông hoa phượng giống như những vũ công mặc chiếc váy xòe màu đỏ đang nhún nhảy. Lá phượng lại giống đuôi chim, lá phức nhỏ li ti màu xanh nhạt, ở Việt Nam phượng thường có thời kì rụng lá đến trơ trụi cả cây. Quả phượng rất dài, khoảng 30-50cm, quả già thường cứng, dẹt và có màu nâu sẫm. Có thể nói phượng là loài cây “dễ tính”, tuy chúng chỉ phát triển ở vùng nhiệt đới hay cận nhiệt đới nhưng lại có thể chịu hạn, chịu mặn tốt. Cây phượng đã đi vào cuộc sống của con người ngày một gần gũi, thân thương, nó được đem trồng ở khắp nơi, làm bóng mát, làm cây cảnh ở hè phố, cơ quan trường học hay vườn nhà. Đặc biệt hoa phượng nơi sân trường đã là một biểu tượng cho mùa hè, cho thời học sinh, ve kêu hoa phượng nở, học sinh tạm chia tay nhau nghỉ hè.

Những xúc cảm mà hoa phượng mang đến đã được các nghệ sĩ nắm bắt trọn vẹn, có người đã viết ca khúc về hoa phượng, làm thơ về phượng vĩ như bài hát “Mùa hoa phượng nở” của nhạc sĩ Hoàng Vân, bài thơ “Phượng hồng” của Quốc Phương. Còn đối với những người học trò, có ai lại chưa từng nhặt hoa phượng ép cánh hoa vào trang sách rồi chờ cánh hoa khô trao tặng cho nhau làm kỉ niệm. Dưới gốc cây phượng chơi trốn tìm, dưới bóng cây phượng ngồi kể chuyện cho nhau nghe rồi đến khi nghỉ hè chia tay lại tặng nhau những bông hoa phượng để tình bạn sẽ mãi tươi thắm như những cánh hoa. 

Cây phượng nói chung và hoa phượng nói riêng xứng đáng là một người bạn, là tri kỷ gắn bó với bao người. Mỗi mùa hoa phượng nở rồi tàn đã gieo vào lòng người bao cảm xúc, nỗi niềm thương nhớ, tiếc nuối xen lẫn hy vọng.

 

3. Thuyết minh về cây phượng, mẫu số 3:

Nếu hoa đào, hoa mai tượng trưng cho mùa xuân ấm áp thì hoa phượng lại tượng trưng cho một mùa hè sôi động. Điều đặc biệt hơn cả là loài hoa này gắn liền với tuổi học sinh, với những ngày cắp sách đến trường của các cô cậu học trò. Đây là loài hoa gợi nhắc về những kỉ niệm thuở hồn nhiên, ngây dại trong mỗi chúng ta.

Cây phượng có nguồn gốc từ đất nước Madagascar. Tên khoa học của loài hoa này là Delonix regia. Ngoài ra, người ta còn gọi nó với các tên khác nhau như phượng vĩ, điệp tây hay xoan tây,…Nó được trồng nhiều ở các vùng cận nhiệt và nhiệt đới, những nơi có khí hậu nóng ẩm.
Phượng thuộc loại cây thân gỗ, có lớp vỏ màu nâu, khá xù xì và sần sùi. Thân cây cao từ 10 – 15 m nhưng cũng có cây cao tới 20 m. Chiều cao của nó có thể được tính bằng chiều cao của những ngôi nhà hai tầng. Phượng có rất nhiều cành lá tỏa ra xung quanh để tạo bóng mát. Bộ rễ cọc khiến cây bám sâu vào mặt đất hút lấy các chất dinh dưỡng để cung cấp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Nhưng nó không chịu nằm yên dưới lòng đất mà nổi lên trên mặt đất với hình dáng ngoằn ngoèo. Điều quan trọng nhất là bộ rễ này khiến cây trở nên vững chãi hơn trước mưa gió, bão bùng hay sự thay đổi của thời tiết.

Lá phượng là lá kép, có kích thước nhỏ. Chúng mọc đối xứng với nhau qua xương lá. Nổi bật lên giữa những tán lá xanh xum xuê là màu đỏ rực rỡ của hoa phượng. Hoa phượng có năm cánh mỏng, cánh phượng thứ năm thường có cấu tạo dày hơn bốn cánh còn lại. Nó mọc thẳng và trên cánh điểm xuyết những đốm trắng hoặc vàng trông rất thu hút. Ở chính giữa bông hoa là nhụy hoa hình bầu dục, góp phần tạo điểm nhấn cho toàn bộ bông hoa. Hoa phượng không mọc từng bông đơn lẻ mà mọc thành từng chùm. Những chùm phượng đỏ tươi lấp ló sau kẽ lá khi mới vào mùa hạ đã tạo nên một bức tranh hài hòa về màu sắc. Nhưng đến tháng 6, tháng hoa phượng nở rộ nhất thì cả bầu trời dường như ngập tràn trong sắc đỏ. Từng chùm phượng rung rinh trong lá hay tỏa sắc giữa ánh nắng mặt trời đều là những bức tranh tuyệt đẹp in đậm dấu ấn trong trí nhớ mỗi con người. Quả phượng có màu nâu đen, dài khoảng 20 đến 60 cm, bên trong có nhiều hạt và quả phượng khô được sử dụng làm dụng cụ trong âm nhạc.

Thuyết minh giới thiệu về cây hoa phượng

Cây phượng có rất nhiều công dụng. Tán phượng rộng nên tỏa ra làm bóng mát cho con người, đặc biệt là cho các bạn học sinh vì ở nước ta phượng được trồng nhiều trong các trường học và trên hè phố. Những giờ ra chơi, các cô cậu học trò thường rủ nhau chơi những trò chơi dưới tán phượng như trò ô ăn quan, nhảy dây. Đây cũng là địa điểm lí tưởng cho các bạn ôn bài hay là nơi tâm sự, chia sẻ những câu chuyện về học tập, cuộc sống. Phượng còn có tác dụng làm tăng thêm vẻ đẹp của không gian khi chúng được trồng ở trên những con đường, trên hè phố. Sắc đỏ của phượng xen kẽ với sắc tím của bằng lăng khiến ai đi qua cũng muốn dừng lại ngắm nhìn. Không chỉ thế, hoa phượng còn ghi dấu biết bao kỉ niệm của tuổi học trò. Ai đó đã tặng ta chùm phượng thay cho lời thương không dám nói. Các cô cậu học sinh thường lấy những cánh phượng, xếp thành hình con bướm ép trong cuốn lưu bút giữ làm kỉ niệm.

Ngoài ra, phượng còn được trồng để lấy gỗ dùng cho việc sản xuất các đồ gỗ dân dụng phục vụ đời sống con người. Vỏ cây, rễ cây dùng trị bệnh sốt rét và hạ nhiệt. Ở nhiều nơi, người ta trồng phượng để chống xói mòn đất bởi cây có rễ ăn sâu vào lòng đất và có tán lá rộng rất thích hợp cho việc chắn gió. Nhắc đến hoa phượng là nhắc đến mùa của thi cử, mùa của chia ly nên người ta còn gọi nó bằng cái tên vô cùng gần gũi, đó là hoa học trò. Chắc hẳn tuổi học trò của mỗi người không thể không có bóng dáng của cây phượng.
Cây phượng đã trở thành một nguồn cảm hứng dào dạt cho lĩnh vực nghệ thuật. Chúng ta có thể nhắc đến các bài hát nổi tiếng như “Phượng buồn”, “Phượng hồng”, “Nỗi buồn hoa phượng”,…hay trong những vần thơ của Quốc Phương, Bùi Đức An,…

“Cánh phượng hồng còn ép hoài trang vở
Mỗi hè về nỗi nhớ lại miên man
Tuổi thanh xuân lời thương ấy nồng nàn
Những kỉ niệm vẫn ngập tràn rung động”
(Phượng hồng – Quốc Phương)

Phượng được xem là loài cây có sức sống mãnh liệt khi vượt lên trên sự oi bức, nắng gắt của mùa hạ để nở ra những bông hoa mang vẻ đẹp rực rỡ. Có thể nói cây phượng giữ một vai trò to lớn trong cuộc sống của con người. Người ta không chỉ yêu thích nó bởi vẻ đẹp mà còn bởi những công dụng nó mang lại cho đời sống.

---------------------------HẾT--------------------------------

Cây phượng là một loại cây quen thuộc gắn liền với đời sống sinh hoạt của con người, để củng cố kiến thức và kĩ năng viết bài thuyết minh về các loại cây, bên cạnh bài Thuyết minh về cây phượng, các em có thể tham khảo thêmThuyết minh về cây lúa Việt Nam, Thuyết minh về cây tre, Thuyết minh về cây hoa đào, Thuyết minh về cây dừa.

 

Bài văn mẫu thuyết minh về cây phượng dưới đây sẽ là gợi ý hữu ích cho các em học sinh nhằm hỗ trợ em trong quá trình viết văn thuyết minh, ngoài ra thông qua bài viết này các em có cơ hội trau dồi thêm cho mình những kiến thức thú vị về loài cây được coi là biểu tượng của học trò này
Dàn ý tả cây phượng vĩ
Thuyết minh về cây Thanh long
Thuyết minh về cây đa
Thuyết minh về cây tre
Dàn ý thuyết minh về cây tre
Thuyết minh về cây hoa đào

ĐỌC NHIỀU