1. Mở đầu:
- Lời chào và giới thiệu.
- Khái quát về chủ đề cần bàn luận.
2. Triển khai:
* Giải thích ý kiến:
- Thói hư tật xấu:
+ Những điều gây hại cho bản thân hoặc cho cả cộng đồng.
+ Dễ dàng chi phối và ảnh hưởng tiêu cực đến con người.
- Đổ lỗi cho người khác:
+ Không dám chịu trách nhiệm về hành động, thái độ của mình.
+ Làm ảnh hưởng đến lợi ích của người khác.
* Phân tích, chứng minh:
- Thói quen đổ lỗi khiến con người hình thành tính chủ quan, ỷ lại, không chịu cố gắng:
+ Coi mọi việc đều không phải chuyện của mình.
+ Dễ dàng dùng mọi cách để thoái thác trách nhiệm.
- Thói quen đổ lỗi khiến con người ngày càng thụt lùi so với cộng đồng:
+ Không tìm được điểm yếu của bản thân.
+ Không có động lực cố gắng.
+ Trì trệ, kém phát triển về cả kiến thức, cảm xúc,...
- Thói quen đổ lỗi khiến mối quan hệ giữa người với người ngày một xa cách:
+ Gây mất thiện cảm với người khác.
+ Khiến người khác mất lòng tin vào mình.
* Bài học nhận thức và hành động:
- Có rất nhiều người dám tự đứng lên nhận trách nhiệm về mình:
+ Thể hiện sự dũng cảm -> Đức tính tốt, đáng học hỏi.
+ Nhận được sự tôn trọng và đề cao của mọi người.
- Cách loại bỏ thói đổ lỗi cho người khác:
+ Mỗi người cần biết tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
+ Trong những lần làm việc nhóm, những hoạt động tập thể, cần phân chia công việc rõ ràng. Đồng thời, tích cực trao đổi và giúp đỡ lẫn nhau.
+ Dám nhận lỗi để tự rút kinh nghiệm, nhận sự góp ý từ mọi người -> Ngày càng tiến bộ hơn trong học tập, công việc, cuộc sống.
3. Kết thúc:
- Khẳng định lại ý kiến, suy nghĩ của bản thân.
- Lời kết.
Chào mừng cô và các bạn đã đến với buổi trao đổi ngày hôm nay!
Như mọi người đã biết, mỗi chúng ta đều có cho mình những thói quen khác nhau. Đó có thể là thói quen tốt, giúp con người phát triển từng ngày. Nhưng đó cũng có thể là thói quen xấu, khiến chúng ta bị thụt lùi dần. Một trong số những thói xấu đó chính là đổ lỗi cho người khác.
Đổ lỗi chính là việc bản thân con người không dám chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Từ đó, dùng đủ loại lí do để thoái thác, đẩy vấn đề cho người khác. Điều này không những gây ảnh hưởng tiêu cực lên chính bản thân họ mà còn kéo lùi sự phát triển của cả cộng đồng.
Việc đổ lỗi cho người khác mang lại rất nhiều tác hại đối với con người. Trước tiên, điều này khiến cá nhân hình thành tính chủ quan, ỷ lại. Trong bất cứ việc gì, họ đều đổ trách nhiệm lên người khác, coi mọi chuyện đều không liên quan đến mình. Với suy nghĩ ấy, họ hoàn toàn không có động lực cố gắng. Chính vì không nỗ lực, họ cứ ngày càng tụt lùi. Lấy ví dụ như việc làm bài tập nhóm, trong khi mọi người đều tìm tòi, nghiên cứu, một cá nhân đột nhiên thoái thác. Nào là vì nhà mất điện không làm được bài, nhiều việc quá không kịp chuẩn bị, bạn này bạn kia bảo không cần làm phần này,... Tất cả đều là hành động nhằm trốn tránh trách nhiệm. Nó không chỉ ảnh hưởng đến kết quả chung của nhóm mà còn khiến các mối quan hệ trở nên ngày càng xa cách hơn.
Vậy, để khắc phục được thói quen xấu ấy, chúng ta phải làm những gì? Câu trả lời phù hợp nhất, theo bản thân mình, chính là lòng dũng cảm. Mỗi cá nhân cần dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm. Chỉ cần ta dám đối diện với thất bại, ta sẽ thấy được ngay những điểm yếu của bản thân. Từ đó, rút kinh nghiệm, khắc phục và ngày càng tiến bộ hơn. Việc dừng đổ lỗi cũng khiến cộng đồng có cái nhìn khác tích cực hơn về chúng ta. Họ sẽ đánh giá cao ta hơn. Đồng thời, tôn trọng và tin tưởng vào ta nhiều hơn.
Tựu chung lại, hay đổ lỗi chính là một thói hư tật xấu mà con người cần nhanh chóng khắc phục. Chỉ cần loại bỏ được nó, bản thân mỗi chúng ta sẽ ngày một tiến bộ và phát triển hơn.
Trên đây là phần trình bày của mình. Rất cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe!
--------------------------
Mời em ghé qua Taimienphi.vn để tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 8 khác như: Suy nghĩ về lòng nhân ái sau khi đọc "Gió lạnh đầu mùa"; Đoạn văn về chất thơ trong truyện Gió lạnh đầu mùa; Ý kiến về thông điệp "uống nước nhớ nguồn" qua Người mẹ vườn cau.
Xin chào cô và các bạn!
Trong buổi thuyết trình ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng bàn luận về ý kiến: "Hay đổ lỗi cho người khác - một thói hư tật xấu cần tránh". Đối với bản thân mình, tôi cảm thấy ý kiến này là hoàn toàn chính xác.
Có thể hiểu thói hư tật xấu là những điều khiến con người ta dần thụt lùi so với xã hội. Đó là những việc làm như hút thuốc, nghiện rượu bia, nghiện game, gây gổ đánh nhau,... Chúng gây hại cho bản thân cũng như cả cộng đồng, dễ dàng chi phối và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống con người. Còn việc đổ lỗi cho người khác chính là sự thoái thác, không dám chịu trách nhiệm về hành động của bản thân. Những người có thói quen đổ lỗi thường ích kỉ, chỉ biết nghĩ cho mình mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của những người xung quanh.
Thói quen đổ lỗi khiến con người ta hình thành tính ỷ lại, chủ quan, không chịu cố gắng. Trong một tập thể, người có tính này thường coi mọi việc đều không phải chuyện của mình. Khi phải đứng ra nhận trách nhiệm, họ luôn dùng mọi lí do để thoái thác, đổ tất cả trách nhiệm lên đồng đội, hoàn cảnh,... Chính vì điều này, họ ngày càng không có động lực cố gắng. Nếu như người khác dám làm, dám thất bại để có được nhiều bài học kinh nghiệm hơn thì những người có thói quen đổ lỗi lại chỉ dậm chân tại chỗ. Họ không dám và không thể tìm được điểm yếu của bản thân. Từ đó, ngày một trì trệ, kém phát triển và thụt lùi dần. Không chỉ vậy, việc đổ lỗi còn khiến cho các mối quan hệ ngày càng xa cách. Sự thoái thác trách nhiệm dễ gây mất thiện cảm với người khác. Nếu cứ như vậy, những người có thói quen đổ lỗi sẽ dần bị cô lập, trở nên lạc lõng trong chính cộng đồng mà mình đang sống.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có rất nhiều người dám dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm về mình. Đây là một điều vô cùng tích cực, xứng đáng được đề cao và học hỏi. Những người như vậy luôn nhận được sự tôn trọng và lòng tin từ mọi người. Để có thể rèn luyện được đức tính đáng quý ấy, mỗi người cần tự cố gắng thay đổi bản thân. Thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, ta cần tự nhìn nhận lại chính mình. Chỉ khi đó, mỗi cá nhân mới tìm ra được những điểm yếu, điểm thiếu sót để rút kinh nghiệm, cải thiện. Việc rèn luyện này cần diễn ra một cách nghiêm túc, thường xuyên. Trong các hoạt động nhóm, sự phân chia rõ ràng cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng thoái thác, đổ lỗi.
Như vậy, có thể khẳng định việc đổ lỗi cho người khác chính là một thói hư tật xấu cần phải loại bỏ.
Trên đây là phần trình bày của tôi. Rất mong nhận được sự đánh giá, góp ý của cô giáo và cả lớp!
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi làm bài nói về một ý kiến, tư tưởng, đạo lí, em hãy chú ý sắp xếp hệ thống luận điểm rõ ràng để phần trình bày được logic và hợp lí nhất có thể nhé.