Bước 1: Chuẩn bị nói
* Xác định tác phẩm truyện
Em có thể sử dụng bài viết phân tích, đánh giá (ở phần viết) hoặc đề tài là một truyện kể khác.
- Xác định mục đích nói: mục đích nói có thể là nhận thức của bạn và chia sẻ với mọi người về chủ đề, đặc sắc về hình thức người đọc và những mục đích khác.
- Xác định đối tượng nghe: có thể là thầy cô, bạn bè,...
- Xác định không gian và thời gian nói: có thể là không gian lớp học, thời gian trình bày cần theo đúng thời gian quy định.
* Tìm ý và lập dàn ý
- Tìm ý:
+ Nếu em lấy đề tài nói là bài viết của mình, em có thể sử dụng lại các thông tin, tư liệu này trong phần viết.
+ Nếu em chọn đề tài khác, em cần tập trung chọn lọc các thông tin của tác phẩm như: tên truyện, thể loại, nội dung, chủ đề, đặc sắc nghệ thuật,...
- Lập dàn ý: sau khi tìm được ý, em cần lập dàn ý chi tiết.
* Luyện tập
Khi luyện tập trình bày, em cần lưu ý:
- Có cách mở đầu, kết thúc ấn tượng, hấp dẫn và phù hợp.
- Có thể vận dụng kết hợp các phương tiện phi ngôn ngữ như: hình ảnh, video, sơ đồ,...
- Luyện tập nói một mình bằng cách tập đứng trước gương hoặc luyện tập nói với bạn/ nhóm bạn.
- Biết cách điều chỉnh giọng điệu, kết hợp giọng điệu với ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ sao cho phù hợp.
- Cần chuẩn bị cho một vài trường hợp người nghe có thể thắc mắc và luyện tập trả lời.
Bước 2: Trình bày bài nói
- Cần giới thiệu họ tên, sử dụng ngôi phù hợp khi giao tiếp.
- Có cách diễn đạt linh hoạt và phù hợp. Có thể sử dụng một số câu phù hợp trong việc giới thiệu, đánh giá truyện kể.
- Cần có tính mạch lạc, thuyết phục, truyền cảm khi giới thiệu, tạo được tương tác với người nghe bên dưới.
Bước 3: Trao đổi, đánh giá
* Trao đổi
- Tôn trọng, lắng nghe ý kiến và ghi chép ngắn gọn câu hỏi hoặc ý kiến của người nghe.
- Trả lời ngắn gọn, rõ ràng những câu hỏi, thắc mắc của người nghe
* Đánh giá
- Nếu bạn là người nói: tự đánh giá phần trình bày của mình.
- Nếu bạn là người nghe: đánh giá phần trình bày của người nói.
BÀI NÓI THAM KHẢO
Xin chào cô (thầy) và các bạn. Em tên là...
Hôm nay, em sẽ giới thiệu tới cô cùng các bạn một tác phẩm nằm trong kho tàng thần thoại của Việt Nam - truyện "Cuộc tu bổ lại các giống vật" qua việc phân tích và đánh giá nội dung và nghệ thuật của truyện.
"Cuộc tu bổ lại các giống vật" kể về việc Ngọc Hoàng tạo ra các loài vật nhưng do một số yếu tố mà các con vật ấy chưa được hoàn chỉnh. Để bù đắp những thiếu sót ấy, ngài đã phái ba vị Thiên Thần xuống núi hoàn thiện cho những con vật có cơ thể chưa đầy đủ. Qua đó, câu chuyện đã thể hiện cách lý giải của con người buổi sơ khai về một số đặc tính, tập quán của loài vật.
Với "Cuộc tu bổ lại các giống vật", các tác giả dân gian đã xây dựng hình ảnh Ngọc Hoàng và ba vị Thiên Thần với sức mạnh phi thường, có khả năng "sáng tạo ra con người", "nặn ra con vật" để giải thích cho sự xuất hiện của loài vật. Và chủ đề của truyện trở nên hấp dẫn hơn nhờ những quan sát tỉ mỉ của người thời cổ về đặc điểm, tập tính của con vật. Họ phát hiện ra những điều lý thú ấy và mong muốn một đáp án chính xác. Cứ như vậy, họ tạo nên nên những câu chuyện gắn liền với chiếc chân sau của con chó, chiếc chân còn thiếu của vịt và thói quen chới với ba lần để thử đặt chân trước khi đậu của các loại chim. Không còn là hình ảnh đào non, lấp biển hay chống trời, chủ đề của tác phẩm đã trở nên gần gũi hơn với con người khi xoay quanh đời sống hàng ngày.
Để làm nổi bật chủ đề của truyện, chúng ta không thể nào phủ nhận những đóng góp về đặc sắc nghệ thuật về nhân vật, cốt truyện và ngôn ngữ.
Truyện thần thoại là một trong những thể loại có cốt truyện hết sức đơn giản dựa trên sự tưởng tượng của con người. Tác giả dân gian đã vận dụng các yếu tố kì ảo để thể hiện nhận thức của mình về thế giới. Tưởng tượng kì ảo còn được sử dụng trong sáng tạo thế giới nhân vật một cách hấp dẫn. Trước hết, chúng ta bắt gặp hình ảnh các vị thần quen thuộc qua hình tượng Ngọc Hoàng và ba vị Thiên Thần. Các nhân vật này không chỉ nắm giữ sức mạnh siêu nhiên với nhiều khả năng phi thường mà họ còn có nét tính cách tương đồng với con người. Ta bắt gặp tính nóng vội của Ngọc Hoàng khi "vội vàng muốn có một thế giới ngay trong một sớm một chiều". Hình ảnh các con vật được nhân hóa, có thể đối đáp trò chuyện để thắc mắc về chính cơ thể của mình. Đặc biệt, truyện đã xây dựng những cuộc đối thoại, trò chuyện giữa ba vị thiên thần và các loài vật.
Thông qua những phân tích, đánh giá trên đây đã cho thấy "Cuộc tu bổ lại các giống vật" là một truyện thần thoại có nhiều sáng tạo. Chủ đề của truyện đã làm phong phú hơn nữa cho chủ đề lớn - quá trình tạo lập thế giới và con người và được thể hiện qua những sáng tạo về hình thức nghệ thuật.
Không biết rằng, "Câu chuyện tu bổ lại các con vật" này có chi tiết nào gây ấn tượng với mọi người nhất? Hãy chia sẻ cảm nhận của bạn tới cả lớp nhé!
Em xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Bước 1: Chuẩn bị nghe
- Đọc truyện kể mà người nói sẽ giới thiệu, đánh giá.
- Tìm hiểu nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó, dự kiến những ý kiến mà mình sẽ trao đổi với người nói.
- Chuẩn bị đầy đủ bút, giấy ghi chép.
Bước 2: Lắng nghe và ghi chép
- Chú ý lắng nghe để nắm bắt ý kiến đánh giá của người trình bày về nội dung và nghệ thuật của truyện đó.
- Sắp xếp các thông tin tiếp nhận được và ghi chép ngắn gọn.
- Ghi lại những câu hỏi, vấn đề thắc mắc, ý kiến của mình để trao đổi với người nói.
Bước 3: Trao đổi, nhận xét, đánh giá
- Đồng tình với những ý kiến đúng trong bài nói.
- Trao đổi những điều còn thắc mắc hoặc những ý kiến chưa thống nhất với người nói.
- Có thái độ nhẹ nhàng khi nhận xét, trao đổi với người nói, những góp ý đưa ra cần cụ thể để người nói thêm hoàn chỉnh hơn.
Khi giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một truyện kể, em cần trình bày những đặc sắc ở hai phương diện này. Ngoài ra, để bài thuyết trình thêm thuyết phục người nghe, em nên sử dụng kết hợp lí lẽ và dẫn chứng. Chúc em đạt kết quả cao khi học môn Ngữ văn 10.
Các em cùng tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu lớp 10 để học tốt văn nhé:
- Soạn bài Ôn tập bài 1, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo
- Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể, Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo