* Gợi ý trả lời câu hỏi trước văn bản đọc:
1. Trong cuộc sống, việc thực hiện bổn phận với cộng đồng và với gia đình nhiều khi mâu thuẫn. Theo bạn, ứng xử thế nào mới là hợp tình, hợp lí?
Theo em, cách ứng xử hợp tình, hợp lí là dung hòa giữa tình cảm của cá nhân với lợi ích của cộng đồng.
* Gợi ý trả lời câu hỏi trong văn bản đọc:
1. Lưu ý những chi tiết miêu tả hành động và tâm trạng của Ăng-đrô-mác.
Chi tiết miêu tả hành động và tâm trạng: "Nghe tin quân A-kê-en khí thế áp đảo, những chiến binh Tơ-roa phải thoái lun, phu nhân vội vã tới tòa tháp lớn thành I-li-ông. Như người mất trí, bà vừa đi vừa chạy lên thành, đầu không ngoảnh lại."
2. Lí do nào khiến Ăng-đrô-mác không muốn Héc-to ra trận?
Lí do khiến Ăng-đrô-mác không muốn Héc-to ra trận:
- Bọn A-kê-en sẽ hạ sát Héc-to.
- Héc-to là người thân duy nhất của Ăng-đrô-mác.
3. Lưu ý những lí lẽ khiến Héc-to vẫn quyết định ra trận.
Những lí lẽ khiến Héc-to vẫn quyết định ra trận:
- Nếu ở lại đây, đứng nhìn từ xa, không ra trận, Héc-to sẽ trở thành kẻ hèn nhát và cảm thấy hổ thẹn với những chiến binh và người phụ nữ thành Tơ-roa.
- Bầu nhiệt huyết trong Héc-to không cho phép chàng làm vậy: từ lâu chàng đã học cách ở tuyến đầu, can trường chiến đấu, giành vinh quang cho bản thân và vua cha kính mến.
- Hec-to biết rõ sẽ tới ngày thành Tơ-roa thất thủ, chàng không muốn người dân thành Tơ-roa, hoàng hậu Hê-cu-ba, quốc vương Pri-am, cũng như đàn em trai sẽ bị đòn thù ác nghiệt quật ngã.
- Héc-to không muốn Ăng-đrô-mác phải chịu cảnh khốn khổ, phải trở thành nô lệ dưới quân A-kê-en.
4. Hình dung về cảnh tượng được miêu tả.
Cảnh tượng được miêu tả:
- Héc-to muốn ôm con trai vào lòng nhưng con của Héc-to khóc ré và nhao người về phía nhũ mẫu bởi ánh đồng sáng lóa và cái ngù bờm ngựa cong cong trên mũ của cha.
- Héc-to và Ăng-đrô-mác thấy vậy liền bật cười.
- Héc-to tháo mũ, đặt xuống đất.
- Chàng bồng con trên tay, thơm nó rồi vừa đi đưa vừa khẩn cầu.
5. Chú ý đến ý thức của Héc-to về số phận và bổn phận.
- Ý thức của Héc-to về số phận:
+ "Một người trần mắt thịt không thể bất chấp số phận mà bắt ta xuống địa phủ của thần Ha-đét được. Và đã sinh ra trên mặt đất này, chẳng một ai, dù quả cảm hay rụt rè, có thể trốn chạy được số phận.".
- Ý thức của Héc-to về bổn phận:
+ "Chiến tranh là bổn phận của mỗi người đàn ông sinh ra tại thành I-li-ông này, nhất là ta.".
* Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:
Câu hỏi 1 (trang 104, SGK Ngữ văn 7, tập 1):
- Biến cố dẫn đến việc Héc-to phải từ biệt Ăng-đrô-mác là: quân A-kê-en khí thế áp đảo, những chiến binh Tơ-roa buộc phải thoái lui. Chủ soái quân đội thành Tơ-roa là Héc-to phải quay vào thành thúc giục binh sĩ, khẩn cần thần A-tê-na giúp đỡ. Chàng ghé về nhà thăm vợ con.
- Đây có thể xem đó là biến cố đặc trưng cho thể loại sử thi vì:
+ Đây là một sự kiện quan trọng, liên quan trực tiếp đến vận mệnh của cộng đồng.
+ Biến cố này đặt nhân vật vào tình thế ngặt nghèo khi phải đứng trước những chọn lựa: ở lại để giữ an toàn cho bản thân và thực hiện theo lời khẩn cầu của Ăng-đrô-mác hoặc là mở cổng thành nghênh chiến với kẻ thù để thực hiện bổn phận và bảo toàn danh dự.
=> Thông qua việc lựa chọn, nhân vật sẽ bộc lộ phẩm chất của mình.
Câu hỏi 2 (trang 104, SGK Ngữ văn 7, tập 1):
- Những từ ngữ lặp lại khắc họa đặc điểm cố định nhân vật:
+ "Ăng-đrô-mác cánh tay trắng ngần".
+ "Cô hầu gái xống áo thướt tha".
+ "Héc-to sáng loáng khiên đồng", "ánh đồng sáng lóa", "mũ trụ sáng lóa".
+ "Những cô dâu trang phục diễm lệ".
+ "A-khin có đôi chân nhanh", "A-khin sáng láng".
+ "Các phu nhân thành Tơ-roa vấn tóc chỉnh tề".
- Theo em, sử thi có cách khắc họa nhân vật như vậy bởi:
+ Do dung lượng của sử thi vô cùng đồ sộ, lại tồn tại dưới hình thức truyền miệng nên người kể chuyện sử thi phải lặp lại để người nghe có thể ghi nhớ về đặc điểm của mỗi nhân vật.
+ Tạo nên nhịp kể chậm rãi - đặc trưng của sử thi.
Câu hỏi 3 (trang 104, SGK Ngữ văn 7, tập 1):
- Đặc điểm của không gian sử thi là không gian cộng đồng, thể hiện qua các chi tiết trong đoạn trích: "tòa tháp lớn thành I-li-ông", "những dãy phố thành Tơ-roa xây dựng khang trang", "cổng Xkê".
- Không gian cộng đồng trở thành không gian để thể hiện tình cảm riêng tư, thiêng liêng, đẹp đẽ: tại cổng Xkê, Héc-to và Ăng-đrô-mác từ biệt nhau.
Câu hỏi 4 (trang 104, SGK Ngữ văn 7, tập 1):
Những lời nói, hành động đã thể hiện phẩm chất của Ăng-đrô-mác:
- Sự chung thủy, tình yêu sâu sắc đối với Héc-to.
- Ý thức sâu sắc về bổn phận và trách nhiệm của mình đối với thành Tơ-roa.
Câu hỏi 5 (trang 104, SGK Ngữ văn 7, tập 1):
- Héc-to vẫn quyết định mở cổng thành nghênh chiến với quân Hy Lạp bởi:
+ Vì bổn phận và trách nhiệm đối với cộng đồng.
+ Do nhiệt huyết bên trong thôi thúc.
+Vì muốn bảo vệ gia đình, người thân.
- Hành động của nhân vật Héc-to là hành động của người anh hùng sử thi, đại diện cho danh dự của cộng đồng. Ý thức về bổn phận phải chiến đấu để giành vinh quang cho vua cha và bản thân chính là động cơ thôi thúc Héc-to ra trận. Ở đây ta có thể thấy, danh dự, lợi ích của cộng đồng được đặt trên lợi ích của cá nhân và những tình cảm riêng tư.
Câu hỏi 6 (trang 104, SGK Ngữ văn 7, tập 1):
- Đoạn trích "Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác" đã đặt ra những vấn đề nhân sinh:
+ Vấn đề về số phận của con người trong chiến tranh: những nỗi sợ hãi, dự cảm chẳng lành khi nghĩ về tương lai.
+ Vấn đề về trách nhiệm và bổn phận của cá nhân đối với cộng đồng: Héc-to là người đứng đầu thành Tơ-roa và chàng phải có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ sự an toàn của thành.
+ Đoạn trích gợi ra những suy ngẫm về mối quan hệ giữa con người và định mệnh: cả Héc-to và Ăng-đrô-mác đều có những dự cảm về ngày thành Tơ-roa bị thất thủ, về cái chết và nỗi đau khổ sẽ xảy đến với mình nhưng vẫn can đảm đối diện xuất phát từ ý thức về bổn phận và trách nhiệm.
- Những vấn đề được đặt ra vẫn còn có ý nghĩa với đời sống ngày nay bởi: đó là những vấn đề muôn thuở của thế giới con người mà mỗi chúng ta cần suy ngẫm.
Câu hỏi 7 (trang 104, SGK Ngữ văn 7, tập 1):
Qua lời nói, hành động của Héc-to, những phẩm chất tạo dựng nên hình mẫu người anh hùng Hy Lạp cổ đại:
- Coi trọng danh dự, khát khao chiến thắng.
- Đặt danh dự, lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của cá nhân.
=> Đại diện cho lý tưởng, khát vọng của cộng đồng.
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một chi tiết mà bạn cho là đặc sắc nhất trong đoạn trích.
Trong đoạn trích "Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác", em ấn tượng nhất với chi tiết kết thúc trích đoạn - lời dặn dò của Héc-to với Ăng-đrô-mác và cảnh chia tay. Chi tiết này đã cho thấy ý thức về số phận, bổn phận của Héc-to và ý thức trách nhiệm của Ăng-đrô-mác đối với vận mệnh thành Tơ-roa. Chàng cho rằng: "đã sinh ra trên mặt đất này thì dù quả cảm hay rụt rè đều không thể chạy trốn được số phận". Điều này làm nổi bật sự chủ động, đón nhận của Héc-to trước số phận. Thay vì chấp nhận nó như một ván bài đã được định sẵn, chàng thấy bản thân phải chiến đấu, nhất là với một người đứng đầu như Héc-to. Mặc dù Héc-to rất yêu thương gia đình nhưng chàng đã đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Qua đó, ta thấy hình ảnh người anh hùng đẹp đẽ, lớn lao, hi sinh vì lí tưởng.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác đã cho chúng ta hiểu thêm về quan niệm của người Hy Lạp cổ đại đối với người anh hùng lí tưởng. Hi vọng qua bài soạn mẫu, các em có thể nắm được nội dung đoạn trích từ đó đi sâu vào phân tích, đánh giá văn bản. Để có thể phân tích tác phẩm, các em hãy tham khảo ngay bài văn mẫu lớp 10 này:
- Soạn bài Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời
- Phân tích nhân vật Ăng-đrô-mác
- Phân tích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác