Soạn bài Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) ngắn gọn Ngữ văn lớp 10, Kết nối tri thức với cuộc sống

Soạn bài Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), Ngữ Văn lớp 10 - Kết nối tri thức với cuộc sống

Soạn bài Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) ngắn nhất, Ngữ Văn lớp 10 - Kết nối tri thức với cuộc sống


I. Trước văn bản đọc

Dựa vào nhan đề Chữ người tử tù, bạn thử suy đoán xem tác phẩm viết về câu chuyện gì.
Học sinh trả lời theo suy đoán của bản thân.
* Gợi ý:
Dựa vào nhan đề Chữ người tử tù, tác phẩm có thể viết về câu chuyện tù nhân mang trọng tội đang viết những con chữ của mình trong ngục lao. Những dòng chữ này có thể được viết ra trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó.


II. Trong văn bản đọc

1. Tóm tắt nội dung cuộc trò chuyện giữa nhân vật quản ngục và thầy thơ lại.
* Trả lời:
Cuộc trò chuyện giữa nhân vật quản ngục và thầy thơ lại xoay quanh việc đề lao sắp nhận sáu tên tù án chém, đứng đầu là Huấn Cao. Trong cuộc trò chuyện, viên quản ngục tỏ ra ngưỡng mộ tài viết chữ của Huấn Cao và ngỏ ý muốn biệt đãi Huấn Cao những ngày ở tù.
2. Chú ý các chi tiết cho biết ngoại hình, suy nghĩ, lời nói, sở thích, môi trường sống của quản ngục và những câu văn khái quát được tính cách nhân vật này.
* Trả lời:
- Ngoại hình: "khuôn mặt nghĩ ngợi, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu, những đường nhăn nheo của bộ mặt tư lự đã biến mất, thay vào đó là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và nhẹ nhàng".
- Suy nghĩ: nghĩ ngợi về câu nói ban chiều của thầy thơ lại. "Có lẽ lão bát này cũng là một người khá đây. Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi. Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu hay vô tình. Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại, nhưng chỉ sợ tên bát phẩm thơ lại này đem cáo giác với quan trên thì khó mà ở yên. Để mai ta dò ý tứ hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu."
=> Suy nghĩ của người mến phục người có đức, có tài và thương thay cho phận mình đã chọn nhầm nghề.
- Lời nói: Nhã nhặn, tôn trọng người khác. Đặc biệt là với những người có địa vị thấp hơn mình: "này, thầy bát, cứ công văn này, thì chúng ta sắp nhận được sáu tên tù án chém", "thôi, cho thầy lui".
- Sở thích: Chơi chữ. Trong cuộc hội thoại với thầy thơ lại, ông luôn hỏi đi hỏi lại và nhấn mạnh vào tài viết chữ của Huấn Cao.
- Môi trường sống: sống và làm việc trong môi trường ngục lao, nơi đầy rẫy những cái xấu, cái ác, nơi "người ra sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc" nhưng viên quản ngục được xem là "thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn.
- Tính cách: "Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc"; tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, trân trọng người ngay của viên quản ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ."
3. Theo bạn, viên quản ngục sẽ đối xử với Huấn Cao như thế nào? Chi tiết nào ở phần 1 có thể khiến bạn suy đoán như vậy
* Trả lời:
- Theo em, viên quản ngục sẽ đối xử với Huấn Cao bằng tình người và sự ngưỡng mộ trước một tài năng thay vì đối xử với Huấn Cao như một tên đang mang trọng tội phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
- Chi tiết ở phần 1 khiến em có thể suy đoán như vậy là: "Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại, nhưng chỉ sợ tên bát phẩm thơ lại này đem cáo giác với quan trên thì khó mà ở yên. Để mai ta dò ý tứ hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu."
4. Hình dung hoàn cảnh cuộc gặp gỡ giữa quản ngục và Huấn Cao.
* Trả lời:
Dựa vào hiểu biết của em và diễn biến chuyện để hình dung cuộc gặp gỡ để trả lời câu hỏi.
* Gợi ý:
Viên quản ngục là người coi ngục còn Huấn Cao là tử tù cho nên hai người sẽ gặp nhau nơi nhà lao tăm tối. Tuy nhiên, đây là cuộc gặp éo le, đặc biệt, là cuộc gặp gỡ giữa một người yêu cái đẹp và người sáng tạo ra cái đẹp.
5. Huấn Cao đã tiếp nhận sự "biệt đãi" của quản ngục như thế nào?
* Trả lời:
Huấn Cao đã tiếp nhận mọi sự "biệt đãi" của quản ngục bằng thái độ thản nhiên nhận rượu và thịt, coi như đó là một việc bình thường trong cái hứng sinh bình như hồi chưa bị bắt giam.
6. Dự đoán xem Huấn Cao có bằng lòng cho chữ viên quản ngục không.
* Trả lời:
Học sinh dựa vào diễn biến của câu chuyện để dự đoán.
* Gợi ý:
- Dự đoán thứ nhất: Cảm động trước tấm lòng của viên quản ngục, Huấn Cao chấp nhận đồng ý cho chữ.
- Dự đoán thứ hai: Xét trên bình diện địa vị xã hội, quản ngục đại diện cho nhà cầm quyền, thống trị còn Huấn Cao là kẻ tạo phản, bất mãn với chế độ nên Huấn Cao sẽ không đồng ý cho chữ.
7. Lưu ý các chi tiết được tác giả sử dụng để dựng cảnh cho chữ:
- Bối cảnh: thời gian, không gian.
- Lời nói, cử chỉ, hành động của người xin chữ và người cho chữ.
* Trả lời:
a) Bối cảnh:
- Thời gian: vào ban đêm, lúc cuối đời của người tù.
- Không gian: "buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột phân gián."
b) Lời nói, cử chi, hành động của người xin chữ và người cho chữ.
- Người xin chữ:
+ Hành động:
Quản ngục: "khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ".
Thầy thơ lại: "run run bưng chậu mực".
+ Lời nói:
Quản ngục: "kẻ mê muội này xin bái lĩnh".
- Người cho chữ : Huấn Cao
+ Hành động: Người nghệ sĩ tài hoa say mê viết từng nét chữ trên phiến lụa trong hoàn cảnh cổ đeo gông, chân vướng xiềng và sáng sớm mai sẽ bị giải vào kinh chịu án.
+ Cử chỉ: thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người.
Lời nói: "Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy..... Mất cái lương thiện đi".
=> Trật tự, kỉ cương trong nhà tù bị đảo ngược hoàn toàn. Người coi ngục và tử tù lúc này đã trở thành người cho chữ và người xin chữ. Quản ngục là kẻ thực thi quyền lực thì nay khúm núm, cúi đầu còn người tử tù lại hiên ngang viết những nét chữ tài hoa cuối cùng để thể hiện tấm lòng đối với người yêu cái đẹp.
8. Nhân vật Huấn Cao khuyên quản ngục điều gì? Quản ngục có thái độ như thế nào trước lời khuyên đó?
* Trả lời:
- Lời khuyên của Huấn Cao đối với quản ngục:
+ Nên đổi chỗ ở mới.
+ Chỗ ngục tù không phải nơi để treo một bức lụa trắng với nét chữ vuông vắn, tươi tắn nói lên hoài bão tung hoành của một đời con người.
+ Nên thoát khỏi nghề cai ngục rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ được lương thiện rồi cũng đến nhem nhuốc mất đi.
- Thái độ của viên quản ngục trước lời khuyên:
+ Cảm động, vái Huấn Cao một vái rồi chắp tay mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh".
=> Nhận xét: Qua trên, ta thấy được:
+ Vị trí của hai người đã có sự đảo lộn. Tử tù lại đưa ra lời khuyên cho người coi ngục - người có vị trí cao nhất trong nhà lao.
+ Sự gặp gỡ giữa hai tâm hồn say mê cái đẹp, đề cao phẩm chất đạo đức, lương thiện của con người.
9. Nội dung câu chuyện được kể có giống với suy đoán của bạn lúc mới đọc nhan đề tác phẩm hay không?
* Trả lời:
Học sinh tự đưa ra quan điểm của mình.
* Gợi ý: Đọc nhan đề, người đọc có thể dự đoán được nội dung câu chuyện:
Ý nghĩa nhan đề của tác phẩm:
- Chứa đựng sự mâu thuẫn, gợi mở ra tình huống éo le đặc biệt trong câu chuyện.
- Thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm: tôn vinh cái đẹp, cái tài hoa.


III. Trả lời câu hỏi

1. Hãy xác định tình huống truyện trong Chữ người tử tù.
Trong Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã tạo nên một tình huống truyện vô cùng độc đáo. Hai nhân vật viên quản ngục và Huấn Cao nằm trong thế đối lập với nhau. Nguyễn Tuân đã để hai nhân vật này gặp nhau và xin chữ trong cảnh lao tù, tạo nên tình cảnh éo le, đặc biệt.
2. Lời kể về nhân vật quản ngục (trong phần 1) là của ai? Lời kể ấy tác động đến cách nhìn của bạn về nhân vật này như thế nào?
 
- Lời kể về nhân vật quản ngục là của người kể chuyện.
- Lời kể từ điểm nhìn bên ngoài ở ngôi kể thứ ba đã mang đến cái nhìn khách quan về nhân vật viên quản ngục với lòng say mê, coi trọng người tài.

Soạn bài Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) ngắn gọn Ngữ văn lớp 10, Kết nối tri thức với cuộc sống

3. Sự kiện nào đã tạo nên bước chuyển trong thái độ của Huấn Cao với quản ngục? Sau sự kiện ấy, mối quan hệ của họ đã thay đổi như thế nào?
- Sự kiện tạo nên bước chuyển trong thái độ của Huấn Cao với quản ngục là: thầy thơ lại đã tìm đến phòng giam của Huấn Cao và kể lại toàn bộ nỗi lòng của ông quản ngục và báo tin cho ông Huấn biết về việc sáng mai về kinh chịu án tử hình.
- Sau sự kiện ấy, mối quan hệ giữa Huấn Cao và viên quản ngục đã trở thành những người tri âm, tri kỉ với nhau. Huấn Cao không còn giữ thái độ thù địch như hồi mới vào ngục lao, thay vào đó là thái độ vui vẻ, sẵn sàng cho chữ và xúc động trước tấm lòng "biệt nhỡn liên tài" của viên quản ngục.
4. Nhân vật Huấn Cao được tác giả khắc họa qua những chi tiết tiêu biểu nào? Hãy dựa vào các chi tiết đó để khái quát đặc điểm tính cách Huấn Cao.
* Những chi tiết tiêu biểu được tác giả sử dụng để khắc họa nhân vật Huấn Cao:
- Suy nghĩ: "Bận tâm nghĩ đến sự tươm tất của quản ngục: "Hay là hắn muốn dò đến những điều bí mật của ta?".... dò cho thêm bận."
- Hành động:
+ "Huấn Cao lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thành gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái".
+ "Thản nhiên nhận rượu và thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm".
- Lời nói:
+ Trước khi cho chữ: "Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Nhà ngươi đừng đặt chân vào đây", "Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ".
+ Sau khi cho chữ: "Ta khuyên thầy quản nên chuyển chỗ ở đi... lương thiện đi".
- Cảm xúc:
+ Ban đầu tức giận với viên quản ngục.
+ Ngạc nhiên vì quản ngục vẫn đối xử tốt với mình.
+ Vui vẻ mỉm cười nói với thầy thơ lại sẽ cho chữ viên quản ngục.
* Khái quát tính cách nhân vật Huấn Cao:
- Là người có tính khí ngang tàng, không chịu khuất phục trước cường quyền.
- Là người tài hoa nghệ sĩ, có tài viết chữ đẹp, "ai có chữ ông Huấn được coi là báu vật trên đời".
- Là người yêu cái đẹp, có nhân cách trong sáng, cao cả, trân trọng tấm lòng của quản ngục.
5. Chỉ ra các yếu tố khiến cảnh cho chữ trở thành một cảnh tượng "xưa nay chưa từng có". Hãy phân tích ý nghĩa của cảnh tượng kì lạ đó.
- Yếu tố khiến cảnh cho chữ trở thành cảnh tượng "xưa nay chưa từng có":
+ Không gian: nhà tù với buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện tổ rệp, đất bừa bãi chuột, phân gian.
=> Đây là nơi ẩm thấp, bẩn thỉu, là nơi giam giữ tù nhân - những người bị coi là dưới đáy xã hội. Đối lập hoàn toàn với không gian trang trọng, sạch sẽ nơi thư phòng.
=> Nhà tù trở thành nơi sáng tạo ra cái đẹp.
+ Thời gian: vào ban đêm. Đặc biệt đây là đêm cuối cùng trước khi Huấn Cao bị áp giải về kinh chịu án.
=> Sự vội vã, chạy đua với thời gian.
+ Đối tượng: Cả người xin chữ và cho chữ đều rất đặc biệt. Người cho chữ mặc dù bị gông cùm, xiềng xích về mặt thân thể nhưng tâm hồn lại tự do, ung dung viết từng nét chữ trên tấm lụa bạch. Còn người xin chữ đường đường là viên quản ngục nhưng lại cúi đầu đón nhận như một đặc ân từ người tử tù.
=> Tạo nên cảnh tượng "xưa nay chưa từng có".
- Ý nghĩa:
+ Ca ngợi tâm hồn yêu cái đẹp của cả hai nhân vật viên quản ngục và Huấn Cao.
+ Ca ngợi nhân cách trong sáng, cao cả, lương thiện của con người.
+ Thể hiện quan niệm thẩm mĩ và quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân: cái đẹp - cái xấu, cái - cái ác luôn song hành tồn tại với nhau nhưng vượt lên trên những thứ nhuốc nhơ, đê hèn thì chân - thiện - mỹ luôn có sức sống mãnh liệt như tấm lòng của viên quản ngục và nét chữ của Huấn Cao chốn lao tù.
6. Theo bạn, tác giả đã gửi gắm những thông điệp gì qua câu chuyện xin chữ và cho chữ?
- Thông điệp tác giả muốn gửi gắm qua câu chuyện xin chữ và cho chữ:
+ Cái đẹp có thể nảy nở, tỏa sáng giữa nơi nhơ nhuốc, bẩn thỉu nhưng nhất định cái đẹp không thể chung sống cùng với cái xấu xa, tàn bạo bởi "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng".
+ Con người dù làm công việc gì cũng cần giữ cho mình phẩm chất đạo đức trong sáng. Họ chỉ xứng đáng sở hữu được cái đẹp khi tự thân giữ được tấm lòng thiên lương.
+ Tình yêu thương, niềm say mê cái đẹp có thể cảm hóa được con người và kết nối con người lại với nhau.
7. Nêu và nhận xét về một điểm chung mà bạn nhận thấy giữa hai nhân vật Tử Văn (Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên, Nguyễn Dữ) và Huấn Cao (Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân).
Cả Tử Văn và Huấn Cao đều đề cao chính nghĩa, là những người khảng khái, chính trực, có tấm lòng thiên lương trong sáng không chịu khuất phục trước cường quyền. Tử Văn dám châm lửa đốt đền, sẵn sàng đấu tranh với hung thần và bọn quỷ sứ dưới âm ti để trừ hại cho dân. Huấn Cao làm kẻ phản nghịch chống lại triều đình vì thấy dân chúng lầm than, không vì cường quyền, tiền bạc mà chấp nhận cho chữ.


IV. Kết nối đọc viết

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Chữ người tử tù.
Trong truyện ngắn Chữ người tử tù, tác giả Nguyễn Tuân đã sử dụng thủ pháp tương phản đối lập để thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Ông xây dựng nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục trong thế đối lập nhau. Một người đại diện cho chế độ cầm quyền còn người kia lại ra sức chống lại ách thống trị của nhà nước phong kiến. Tuy nhiên, cả hai người đều say mê với cái đẹp, cảm động trước tấm lòng thiên lương, cao cả của người khác. Đặc biệt, Nguyễn Tuân còn xây dựng tình huống "xưa nay chưa từng có" khi thú viết chữ đại diện cho cái đẹp lại được sản sinh ngay giữa chốn ngục tù, nhơ nhuốc. Cái đẹp có thể tỏa sáng giữa chốn đêm đen nhưng không thể chung sống cùng với xấu xa, hiểm ác.

Đọc trang văn của Nguyễn Tuân, ta cảm nhận được cái tôi độc đáo, tài hoa và thái độ nâng niu, trân trọng các giá trị văn hóa dân tộc mà ông thể hiện trong tác phẩm. Hi vọng qua bài soạn, các em ngày càng say mê vẻ đẹp mà văn chương đem lại cho chúng ta.

Bài soạn văn mẫu lớp 10 hay khác: 
- Phân tích cảnh cho chữ
Soạn bài Sử dụng từ Hán Việt, Ngữ văn lớp 10, Kết nối tri thức với cuộc sống
Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện (Chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật)

Chúng ta tiếp tục đến với truyện ngắn thuộc nền văn xuôi hiện đại trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Bài soạn mẫu Chữ người tử tù, Ngữ văn 10, Kết nối tri thức dưới đây sẽ là gợi ý quan trọng cho các em trong quá trình đọc hiểu văn bản.
Link tải Sách giáo khoa lớp 4 Kết nối tri thức PDF
Giải bài tập trang 65 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải Toán lớp 7 sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 30, 31, 32, 33, 34 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống

ĐỌC NHIỀU