Soạn bài Ai đã đặt tên cho dòng sông ngắn nhất
* Gợi ý trả lời câu hỏi trước khi đọc:
- Huế từng là kinh đô của Việt Nam dưới thời Tây Sơn (1788-1802) và triều Nguyễn (1802-1945).
- Huế là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch - giáo dục - khoa học - công nghệ của miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
- Một vài địa danh nổi tiếng ở Huế: sông Hương, chùa Thiên Mụ, trường Quốc học Huế, quần thể di tích Cố đô Huế,...
- Một vài di sản phi vật thể đáng chú ý: Nhã nhạc cung đình Huế, mộc bản triều Nguyễn, châu bản triều Nguyễn, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế,...
- Dựa vào nhan đề và hình ảnh minh họa, có thể thấy chủ thể chính được nhắc đến trong văn bản sẽ là dòng sông Hương - một trong những biểu tượng đặc trưng của xứ Huế.
- Nhan đề "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là một câu hỏi. Từ đó, có thể dự đoán nội dung văn bản sẽ có thể liên quan tới nguồn gốc, xuất xứ và những câu chuyện xoay quanh dòng Hương Giang thơ mộng.
* Gợi ý trả lời câu hỏi phần đọc văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông văn 12:
Thông điệp bài Ai đã đặt tên cho dòng sông:
- Đoạn văn này miêu tả sông Hương ở khu vực thượng nguồn, khi vẫn còn được bao bọc bởi rừng già Trường Sơn.
- Ở đây, sông Hương hiện lên với vẻ đẹp vừa bí ẩn, vừa phóng khoáng, hoang dại. Đây chính là mặt dữ dội, hùng vĩ mà Hương Giang ẩn giấu giữa vòng tay của rừng già.
Trong đoạn văn, sông Hương như một người con gái lần đầu biết yêu: vừa e thẹn, ngại ngùng, vừa chủ động, táo bạo. Sông Hương lúc này tràn đầy sức sống, cố gắng tiến thật nhanh đến với người tình trong mộng "như một cuộc tìm kiếm có ý thức".
- Tình cảm yêu mến.
- Sự gắn bó sâu sắc với dòng sông Hương thơ mộng.
- Sông Hương gắn liền với đời sống văn hóa và tinh thần của người dân xứ Huế.
- Sông Hương chính là nơi khởi nguồn của toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế.
- Hình ảnh "sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc" đã nói lên một mặt khác của dòng Hương giang. Bên cạnh sự dịu dàng, đằm thắm khi "trở về với cuộc sống bình thường", sông Hương đã từng có những phút giây huy hoàng, là chứng nhân lịch sử cho bao chiến công trong quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Đồng thời, chi tiết trên cũng tăng thêm chất sử thi cho Hương giang thơ mộng.
* Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:
a, Bố cục của văn bản có thể được chia thành 2 phần:
- Phần 1 (Từ đầu đến "mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở"): Hành trình của sông Hương.
- Phần 2 (Phần còn lại): Sông Hương là dòng sông của lịch sử và thơ ca.
b, Hình tượng sông Hương trong tác phẩm được miêu tả dưới nhiều góc nhìn khác nhau:
- Về địa lí:
+ Hành trình của dòng sông từ thượng nguồn đến khi chuyển mình, vào trong lòng thành phố Huế. Cái nhìn rõ nét về cội nguồn, hướng đi, dòng chảy của sông Hương trên đường hội ngộ với Huế. Đồng thời đem đến bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
+ Thiên nhiên được miêu tả với sự biến chuyển về cả không và thời gian. Sông Hương phản chiếu sinh động vẻ đẹp của xứ Huế: "sớm xanh trưa vàng, chiều tím".
+ Hàng loạt địa danh quen thuộc được gắn liền với hình ảnh Hương giang như: Hòn Chén, Nguyệt Biều, Vọng Cảnh, Thiên Thai,...
- Về lịch sử:
+ Sông Hương là một chứng nhân lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ non sông của ông cha.
+ Dòng sông có vị trí chiến lược quan trọng, mang dấu tích gắn với những chiến công hiển hách của nhân dân ta qua nhiều triều đại phong kiến.
- Kết hợp giữa chất trữ tình với chất bi tráng.
- Về văn hóa:
+ Sông Hương là dòng sông của âm nhạc: tiếng chuông chùa Thiên Mụ, tiếng mái chèo khua sóng, tiếng nước vỗ mạn thuyền. Làm nên những làn điệu hò tự nhiên, xao xuyến lòng người.
+ Sông Hương là dòng sông của thi ca: sông Hương xuất hiện nhiều trong thơ ca nhưng chẳng bao giờ tự lặp lại mình trong tâm hồn, phong cách sáng tác, cảm hứng của những người nghệ sĩ khác nhau.
c, Cái tôi của tác giả được thể hiện qua những chi tiết như:
- "Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất".
- "Lúc ấy, tôi nhớ lại con sông Hương của tôi, chợt thấy quý điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố...".
- "Đã nhiều lần tôi thất vọng khi nghe nhạc Huế giữa ban ngày, hoặc trên sân khấu nhà hát".
...
d, Vẻ đẹp của sông Hương thể hiện qua một đoạn trong văn bản: "Trong những dòng sông đẹp ở các nước [...] trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng".
- Vẻ đẹp kì bí: "phần tâm hồn sâu thẳm ... dưới chân núi Kim Phụng".
- Vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội: "Một bản trường ca của rừng già ... chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng".
- Vẻ đẹp trẻ trung, tràn đầy sức sống: "Giữa lòng Trường Sơn ... tâm hồn tự do và trong sáng".
- Vẻ đẹp trí tuệ: "... khi ra khỏi rừng sông Hương nhanh chóng ... người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở".
* Đoạn văn: "Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên ... chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng":
- Yếu tố tự sự trong văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông: Thể hiện qua những chi tiết miêu tả cuộc hành trình tìm đến Huế của sông Hương:
+ "Từ đây, như đã tìm đúng đường về ... nhỏ nhắn như những vành trăng non".
+ "Giáp mặt thành phố ... sang đến Cồn Hến".
+ "Đầu và cuối nhõ thành phố, ... không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được".
...
- Yếu tố trữ tình: Thể hiện qua cách nhà văn miêu tả khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, những liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, thú vị:
+ "... đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng "vâng" không nói ra của tình yêu".
+ "... những cây đa, cây cừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống".
+ "... cuốn trôi những đám băng lô xô ... trước cung điện Pê-téc-bua cũ để ra bể Ban-tích".
...
- Sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình đã giúp lột tả chân thực, rõ nét hơn vẻ đẹp của dòng sông Hương. Chúng không những không trái ngược, đối lập mà còn bổ trợ cho nhau. Nếu như yếu tố tự sự khiến độc giả dễ dàng tiếp cận văn bản hơn thì yếu tố trữ tình lại thể hiện cái tôi đầy lãng mạn của nhà văn. Từ đó, tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh, cho thấy sự gắn bó, tình yêu sâu sắc mà tác giả dành cho sông Hương, xứ Huế.
* Đoạn văn tương tự: "Trong những dòng sông đẹp ở các nước [...] trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng":
- Yếu tố tự sự:
+ Câu chuyện của sông Hương khi ở thượng nguồn.
+ Những nét dữ dội, hùng vĩ bị ẩn sau những cánh rừng bạt ngàn.
+ Cuộc hành trình của sông Hương khi ra khỏi rừng già.
- Yếu tố trữ tình:
+ Vẻ đẹp hùng vĩ của sông Hương: "như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại", "bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng".
+ Vẻ đẹp đằm thắm, nữ tính: "nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở".
- Tác dụng: Cho thấy hai nét đẹp trái ngược của dòng sông Hương dưới nhiều góc độ khác nhau. Từ đó, thể hiện tài năng miêu tả cùng sức liên tưởng độc đáo của tác giả.
- Một số biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản: tương phản (đối lập), so sánh, nhân hóa.
- Tác dụng:
+ Nghệ thuật tương phản: làm nổi bật hai nét đẹp trái ngược của dòng sông Hương.
+ Nghệ thuật so sánh: đem đến những liên tưởng, tưởng tượng thú vị, khiến con sông trở nên gần gũi, dễ hình dung hơn.
+ Nghệ thuật nhân hóa: giúp sông Hương được biến thành một thực thể sống, trở nên sinh độc và có hồn hơn.
Trong văn bản, câu hỏi "Ai đã đặt tên cho dòng sông" xuất phát từ một nhà thơ Hà Nội. Từ đó, ta được biết đến truyền thuyết về nhân dân làng Thành Trung nấu nước của hơn trăm loài hoa đổ xuống dòng sông, giúp cho làn nước thơm tho mãi mãi. Và cái tên "Hương giang" được ra đời. Nó vừa thể hiện niềm yêu mến dành cho dòng sông quê hương, vừa thể hiện niềm tự hào, cảm ơn đến những người đã khai phá vùng đất này.
- Cảm xúc chủ đạo trong tác phẩm: Tình yêu, sự tự hào, gắn bó với sông Hương, xứ Huế. Từ đó mở rộng ra tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, Tổ quốc.
- Cảm xúc chủ đạo của tác phẩm được thể hiện chủ yếu qua:
+ Sự liên tưởng đa dạng, phong phú.
+ Vốn kiến thức uyên bác về nhiều ngành khoa học khác nhau.
+ Ngôn ngữ tinh tế, tài hoa.
+ Hình ảnh được chọn lọc kĩ càng.
Vai trò "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở" của sông Hương trong đoạn đầu có được thể hiện trong phần còn lại của văn bản. Điều này được thể hiện qua đoạn "Hình như trong khoảnh khắc trùng lại của sông nước [...] thốt lên: "Đó chính là Tứ Đại Cảnh!"" và "Có một dòng thi ca về sông Hương [...] của tác giả "Từ ấy"".
- Đối với đoạn "Hình như trong khoảnh khắc trùng lại của sông nước [...] thốt lên: "Đó chính là Tứ Đại Cảnh!"":
+ Sông Hương gắn liền với nền âm nhạc cổ điển Huế.
+ Không gian sông nước êm đềm với "tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya" chính là cái nôi, là nguồn cảm hứng bất tận để hình thành, bồi đắp và nuôi dưỡng âm nhạc Huế.
- Đối với đoạn "Có một dòng thi ca về sông Hương [...] của tác giả "Từ ấy"":
+ Sông Hương được coi là dòng sông của thi ca.
+ Sông Hương là nhân tố khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật trong tâm hồn của biết bao người nghệ sĩ.
Việc tác giả có những phát hiện đặc biệt về sông Hương đã đem đến cho độc giả rất nhiều bài học đáng quý. Sự quan sát là một điều vô cùng quan trọng. Chỉ khi ta biết lắng nghe, biết quan sát, ta mới có thể thấy được nhiều mặt khác của sự vật tưởng như quen thuộc chung quanh. Không chỉ vậy, điều này còn đòi hỏi tấm lòng yêu thương, niềm say mê đối với thiên nhiên, cảnh vật và con người. Khi ấy, ta sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn, có ý nghĩa hơn biết bao nhiêu.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Như vậy, qua phần Soạn bài Ai đặt tên cho dòng sông bên trên, ta đã thấy được rõ hơn những nét đẹp ẩn giấu của dòng sông Hương thơ mộng, trữ tình. Đồng thời ghi nhận tài năng nghệ thuật mà tác giả thể hiện. Mời các em đón xem các mẫu khác trên Taimienphi.vn như: Soạn bài Cõi lá, Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo; Soạn bài Chiều xuân, Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo