Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về đoạn thơ miêu tả cảnh chiến đấu hy sinh của Lượm
Phát biểu cảm nghĩ về đoạn thơ miêu tả cảnh chiến đấu hy sinh của Lượm
Bài làm:
Lượm được nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1947 in trong tập Việt Bắc. Bài thơ là câu chuyện kể về một chú đồng chí nhỏ với tinh thần chiến đấu dũng cảm, hồn nhiên yêu đời, đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ tại Huế trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đã đọng lại trong em nhiều cảm xúc tiếc thương, cảm phục trước một cậu bé liên lạc tuổi nhỏ nhưng gan dạ và anh hùng.
Chú bé liên lạc nhỏ nhắn, vui tươi, hồn nhiên như chú chim non sổ lồng mang trong mình bao hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ. Ấy vậy mà trong phút đã nằm xuống nơi đồng lúa bát ngát, Tố Hữu đã mang đến cho người đọc những nỗi sửng sốt, xót thương nghẹn ngào khi nghe tin Lượm hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ:
“Một hôm nào đó
Như bao hôm nào
Chú đồng chí nhỏ
Bỏ thư vào bao
Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư đề: “Thượng khẩn”
Sợ chi hiểm nghèo?
Đường quê vắng về
Lúa trổ đòng đòng
Ca lô chú bé
Nhấp nhô trên đồng...
Bỗng lòe chớp đỏ
Thôi rồi lượm ơi
Chú đồng chí nhỏ
Một dòng máu tươi!
Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng...
Lượm ơi, còn không?”
Như thường ngày chú bé bỏ thư vào bao, băng qua mặt trận, trước mắt là biết bao hiểm nguy. Những luồng đạn của kẻ thù cứ bay “vèo vèo” nhưng người anh hùng nhỏ chẳng hề run sợ vẫn mạnh mẽ đối mặt với thử thách phía trước. Đường quê vắng vẻ được bao phủ bởi màu vàng của lúa, ánh nắng rực rỡ soi sáng hình ảnh Lượm, bóng dáng ấy nhanh thoăn thoắt, ca lô nhấp nhô trên cánh đồng bát ngát. Tuy tuổi nhỏ ấy vậy mà Lượm đã là người chiến sĩ mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước nồng nhiệt vì “thư đề: Thượng khẩn” mà bất chấp cả sự sống “sợ chi hiểm nghèo?”. Chỉ bằng những dòng thơ mộc mạc, giản đơn của nhà thơ Tố Hữu đã khiến cho em cảm thấy rất đỗi khâm phục, tự hào về tinh thần quả cảm của chú bé liên lạc nhưng cũng rất lo lắng cho sự an nguy của cậu bé bởi vì xung quanh cậu đều là nguy hiểm trực chờ, nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt với mịt mù khói lửa của bom đạn.
Mạch thơ hồn nhiên, vui tươi bỗng như chững lại bằng những dấu chấm lửng, chú bé đã trúng đạn “bỗng loè chớp đỏ”. Viên đạn xuyên qua người Lượm, em bàng hoàng sửng sốt mong cho đó chẳng phải sự thật, chú bé còn quá nhỏ với cả tương lai phía trước giờ đây lại đành bỏ mạng nơi chiến trường còn nỗi đau đớn, xót xa nào hơn cho một cuộc đời dang dở. Người chiến sĩ nhỏ giờ đây nằm giữa cánh đồng vắng, dòng máu anh hùng đỏ tươi đang tuôn chảy, tay nắm chặt những bông lúa vàng tươi. Chú bé hy sinh trong vòng tay quê hương, bao quanh bởi thiên nhiên đất trời, mùa lúa thơm lừng tất cả như dang vòng tay đón người anh hùng trở về với đất mẹ. Đau xót thay! Lượm đã ra đi thật rồi, cảm xúc đau xót, tiếc thương như bóp nghẹn trái tim em nhưng em biết chú bé không rời xa quê hương hồn chú vẫn “bay giữa đồng” như lưu luyến cuộc đời ngắn ngủi. Chú bé nằm giữa cánh đồng như chìm vào giấc ngủ ngàn thu, môi hé một nụ cười hồn nhiên, ngây thơ của tuổi niên thiếu. Tố Hữu viết những câu thơ như đồng cảm cùng người đọc, ông cũng xót xa đau đớn vô cùng khi phải chứng kiến cãi chết oan ức, tức tưởi của người anh hùng Lượm. Tuổi nhỏ nhưng Lượm cũng mang trong mình lòng yêu nước mãnh liệt, tinh thần chiến đấu kiên cường, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ hoà bình độc lập cho dân tộc.
Câu hỏi tu từ “Lượm ơi còn không?” được tác giả tách thành một khổ thơ riêng biệt gợi cho em những suy nghĩ trăn trở về sự tồn tại của chú bé: Còn hay đã mất thật rồi? Và nhà thơ Tố Hữu đã khéo léo trả lời bằng những câu thơ cuối bài:
“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chán thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng.”
Những câu thơ như lời khẳng định Lượm vẫn mãi tồn tại trong lòng mỗi người dân Việt Nam, sống mãi với quê hương đất nước. Bài thơ đã kết thúc nhưng lời thơ lại mở ra vẫn còn dư âm mãi trong lòng em bóng hình một chú bé liên lạc hồn nhiên ngây thơ mà dũng cảm. Chú bé Lượm vẫn còn sống mãi trong lòng người đọc như một tượng đài bất diệt về tuổi trẻ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ quê hương đất nước.
Bài thơ Lượm của Tố Hữu đã để lại cho em thật nhiều ấn tượng sâu sắc. Hình ảnh chú bé Lượm như đại diện cho cả thế hệ thiếu niên Việt Nam thời kỳ kháng chiến, tấm gương ấy như có sức mạnh lan toả cổ vũ tinh thần đấu tranh giữ gìn hoà bình cho dân tộc của những thế hệ thanh thiếu niên sau này.
Khám phá vẻ đẹp của hình tượng cậu bé Lượm, bên cạnh bài Phát biểu cảm nghĩ về đoạn thơ miêu tả cảnh chiến đấu hy sinh của Lượm trên đây, các em có thể tham khảo thêm: Soạn văn Lượm, Kể lại câu chuyện về chú bé Lượm qua lời kể của người chú Hà Nội, Phân tích bài thơ Lượm của Tố Hữu, Phân tích bức chân dung chú Lượm liên lạc trong đoạn thơ "Ngày Huế đổ máu...Cháu đi xa dần...".