Đề bài: Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện cổ tích Tấm Cám
Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện cổ tích Tấm Cám
1. Mở bài
- Giới thiệu chung về truyện cổ tích Tấm Cám.
2.Thân bài
a.Tấm Cám- câu chuyện cổ tích phản ánh hiện thực xã hội:
- Cách xây dựng chân dung các nhân vật cũng như những xung đột, mâu thuẫn xảy ra giữa Tấm và mẹ con Cám phản ánh sự tồn tại song hành như một quy luật tất yếu giữa thiện-ác, tốt-xấu trong xã hội:
+ Tấm là nhân vật đại diện cho cái thiện, cái tốt; mẹ con Cám là đại diện của các ác, cái xấu.
→ Tấm và mẹ con Cám là đại diện cho hai thái cực tốt xấu trong xã hội.
+ Mâu thuẫn giữa Tấm và Cám xảy ra cũng là khi cuộc đấu tranh giữ cái ác và cái thiện bắt đầu.
+ Những mâu thuẫn xoay quanh quyền lợi về vật chất và tinh thần trong cuộc sống gia đình thường ngày, giữa cá nhân với cá nhân.
- Kết cục câu chuyện: mẹ con Cám phải trả giá cho tội ác của mình, Tấm có cuộc sống, hạnh phúc ấm êm bên vua
=> Cái thiện sẽ luôn chiến thắng cái ác, người tốt sẽ được hưởng hạnh phúc, cái ác sẽ bị trừng phạt.
b.Tấm Cám- câu chuyện cổ tích với nhiều chi tiết hoang đường, kì ảo hấp dẫn và giàu ý nghĩa:
- Kì ảo: các lần biến hóa của Tấm: Tấm chết hóa thành chim vàng anh=> cây xoan đào=>khung cửi => quả thị thơm.
- Ý nghĩa:
+ Câu chuyện thêm phần thú vị, hấp dẫn.
+ Thể hiện sức phản kháng vô cùng mạnh mẽ trong Tấm trước sự vùi dập, hủy hoại của mẹ con Cám.
+ Quan điểm: Trong bất kì xã hội nào, cũng không thể dung túng, tha thứ cho cái ác. Công lý sẽ thay phần chính nghĩa mà tiêu diệt cái ác, cái thiện lên ngôi và không bất kỳ thế lực nào có thể vùi dập được nó.
c. Tấm Cám- kết thúc truyện phản ánh ước mơ của nhân dân:
- Kết thúc truyện: Mẹ con Cám bị Tấm trừng trị và nhận cái chết đích đáng cũng là lúc thiện lành chiến thắng, cái ác bị tận diệt đến cùng.
- Ý nghĩa: Kết thúc truyện phù hợp với mong muốn, ước mơ của nhân dân về một xã hội công bằng, công lý, xã hội mà con người sống theo lẽ phải " Ở hiền gặp hành, ở ác gặp ác".
3. Kết bài
Khẳng định giá trị và sức sống lâu bền của tác phẩm.
Truyện cổ tích là một thể loại tiêu biểu của dòng văn học dân gian Việt Nam. Mỗi câu chuyện cổ là kết quả của trí tưởng tượng dân gian xoay quanh số phận, cuộc đời của những nhân vật là đại diện tiêu biểu cho các hạng người trong xã hội. Một trong những câu chuyện cổ tích hay được bao thế hệ học sinh yêu thích là truyện cổ Tấm Cám.
Đầu tiên, có thể thấy, bằng cách xây dựng chân dung các nhân vật cũng như những xung đột, mâu thuẫn xảy ra giữa họ, truyện đã phản ánh một lát cắt của hiện thực trong xã hội. Cuộc sống luôn tồn tại cả thiện- ác, có tốt đẹp cũng có xấu xa. Trong Tấm Cám, Tấm là nhân vật đại diện cho cái thiện, cái tốt được mọi người yêu mến, bênh vực. Ngược lại, Cám là một kẻ ích kỷ, hẹp hòi, tham lam và tàn độc, bị mọi người ghét bỏ. Giữa Tấm và Cám là hai nhân vật đối nghịch đại diễn cho hai thái cực tốt xấu trong xã hội. Mâu thuẫn giữa Tấm và Cám xảy ra cũng là khi cuộc đấu tranh giữ cái ác và cái thiện bắt đầu. Ban đầu chỉ là những xung đột, tranh giành về vật chất và tinh thần khuôn khổ gia đình. Sự việc ngày càng phát triển, mâu thuẫn càng ngày càng đẩy lên cao khi mẹ con Cám quyết tâm giết Tấm. Đây không phải là mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân nữa mà còn là mâu thuẫn mang tính xã hội như vừa nói ở trên, xung đột giữa thiện- ác. Kết cục câu truyện Cám chết, Tấm có cuộc sống, hạnh phúc ấm êm bên vua cũng cho thấy được trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái ác luôn bị thua cuộc.
Trong câu chuyện, ta còn bắt gặp những chi tiết kì ảo, hoang đường, được thể hiện rõ nhất qua những lần biến hóa của Tấm: Tấm chết hóa thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi và quả thị thơm được bà lão bán nước mang về. Những chi tiết này không chỉ làm cho câu chuyện thêm phần thú vị, có sức hấp dẫn với người đọc mà qua đó còn thể hiện cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa cái thiện với cái ác. Dù hết lần này đến lần khác bị mẹ con Cám chèn ép, hủy diệt sự sống, Tấm vẫn không thôi từ bó khát khao sống, khát khao hạnh phúc của mình mà quyết đấu tranh tận cùng với mẹ con Cám, giành lại sự sống và hạnh phúc cho chính mình. Qua đó, tác giả dân gian đã bày tỏ rõ quan điểm: Trong bất kì xã hội nào, cũng không thể dung túng, tha thứ cho cái ác. Công lý sẽ thay phần chính nghĩa mà tiêu diệt cái ác, cái thiện lên ngôi và không bất kỳ thế lực nào có thể vùi dập được nó.
Hành động trả thù của Tấm thoạt tiên có vẻ lạnh lùng, tàn nhẫn, bởi người xưa có câu: "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại", nhưng xét trong hoàn cảnh và ý nghĩa câu chuyện ta thấy đây là một hành động hợp logic. Mẹ con Cám bị Tấm trừng trị và nhận cái chết đích đáng cũng là lúc thiện lành chiến thắng, cái ác bị tận diệt đến cùng. Kết cục ấy phù hợp với mong muốn, ước mơ của nhân dân về một xã hội công bằng, công lý, xã hội mà con người sống theo lẽ phải " Ở hiền gặp hành, ở ác gặp ác".
Ngoài những bức thông điệp đầy ý nghĩa, Tấm Cám còn thể hiện rõ những đặc trưng của truyện cổ tích được thể hiện qua đề tài, chủ đề, cốt truyện, các chi tiết kì ảo hoang đường đầy thú vị. Nghệ thuật tương phản đối lập được thể hiện qua hành động của nhân vật cùng lối kể chuyện tự nhiên, theo trình tự thời gian cũng góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho truyện. Trải qua hàng thế kỉ với sự phát triển muôn màu muôn sắc của văn học, Tấm Cám vẫn giữ cho mình vị trí quan trọng trong lòng bao thế hệ độc giả.
-------------------HẾT-------------------
Qua bài văn mẫu, các em nắm được ý nghĩa sâu xa của truyện cổ tích Tấm Cám, từ đó có cái nhìn sâu sắc về tác phẩm. Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm bài Phân tích cuộc đấu tranh thiện - ác trong Tấm Cám, Phân tích các hình thức biến hoá của Tấm trong truyện Tấm Cám, Bản chất mâu thuẫn và xung đột trong truyện Tấm Cám, Suy nghĩ về con đường để đi đến hạnh phúc trong cuộc sống từ truyện Tấm Cám.