Đề bài: Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu
Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu
Mẹo Phương pháp phân tích bài thơ, đoạn thơ đạt điểm cao
1. Mở bài
Giới thiệu về bức tranh thiên nhiên trong bài thơ "Vội vàng" của Xuân Diệu.
2. Thân bài
- Thiên nhiên trong "Vội vàng" mang một vẻ đẹp tươi mới, căng tràn sức sống:
+ Vẻ đẹp ấy khiến nhà thơ có những ước muốn táo bạo, ngông cuồng để lưu giữ lại tất cả hương sắc mùa xuân.
+ Bức tranh mùa xuân hiện lên sinh động với đầy đủ âm thanh, ánh sáng, màu sắc.
+ Vạn vật giao hòa, kết đôi làm nên bức tranh thiên nhiên tràn đầy xuân tình.
+ Vẻ đẹp của mùa xuân được so sánh với "cặp môi gần" của người thiếu nữ thể hiện sự quyến rũ, hấp dẫn của thiên nhiên...(Còn tiếp)
>> Xem Dàn ý Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu đầy đủ tại đây.
Xuân Diệu thật xứng đáng khi được mệnh danh là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ. "Thơ Xuân Diệu mang một nguồn sống dạt dào chưa từng có ở chốn nước non lặng lẽ này" (Hoài Thanh). Thiên nhiên trong thơ ông là những bức tranh tràn đầy màu sắc được phác họa dưới nét vẽ tài hoa của người nghệ sĩ có cái nhìn tinh tế. Bằng cặp mắt "xanh non", "biếc rờn", tác giả đã phát hiện ra sự non tơ đầy sức sống của mùa xuân, đất trời và ông đã thể hiện những vẻ đẹp ấy qua bài thơ "Vội vàng".
Những ước muốn táo bạo mà chân thành là những ý tưởng đầu tiên về bức tranh thiên nhiên mùa xuân:
"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi"
Đó là bức tranh có nắng, có gió. Nắng của mùa xuân là cái nắng ấm áp, mang lại sự sinh sôi nảy nở cho vạn vật. Gió của mùa xuân là những làn gió nhè nhẹ tạo cảm giác mơn man, thích thú cho con người. Vì lẽ ấy mà Xuân Diệu muốn "tắt nắng", "buộc gió". "Tắt nắng" để màu vàng tươi của nắng không bị nhạt, "buộc gió" để hương sắc mùa xuân còn lưu lại với nhân gian. Các động từ "muốn", "tắt", "buộc" thể hiện một ước muốn táo bạo và có chút ngông cuồng của nhà thơ khi ông muốn tranh quyền của tạo hóa bởi con người bình thường không thể có được những khả năng ấy. Thể thơ ngũ ngôn cùng đại từ nhân xưng "tôi" đã giúp chủ thể trữ tình tự do bày tỏ dòng cảm xúc và lòng ham sống mãnh liệt của một trái tim yêu sôi nổi.
Bức tranh thiên nhiên ấy có những gì mà lại khiến "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (Hoài Thanh) của nền văn học Việt Nam có ước muốn táo tợn đến như vậy?
"Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Vẻ đẹp của thiên nhiên trong "Vội vàng" là vẻ đẹp căng tràn nhựa sống. Mùa xuân mang sự sống đến cho muôn loài để phá tan đi sự lạnh lẽo, trơ trọi của mùa đông. Có lẽ vạn vật đều mong được gặp lại mùa xuân để phô ra những gì tươi đẹp nhất. Chỉ bằng sự ngọt ngào, giao hòa của ong bướm trong "tuần tháng mật", sự sinh trưởng của hoa trên "đồng nội xanh rì", sự non tơ của chiếc lá "cành tơ phơ phất" và cả "khúc tình si" của yến anh mà Xuân Diệu đã đưa tất cả chúng ta về chốn hạ giới. Đâu phải chỉ nơi bồng lai tiên cảnh mới có những điều đó. Nhà thơ đã khẳng định ở chốn hạ giới cũng có thiên đường - một thiên đường hiện diện ngay trong cuộc sống của con người. Tất cả như đang được trưng bày trước đôi mắt của bạn đọc và con người là vị khách quý được tận hưởng bữa yến tiệc trần gian ấy qua điệp từ "Này đây". Mùa xuân khiến vạn vật có sức sống bao nhiêu thì nó cũng khiến cho tuổi trẻ cũng có sức sống bấy nhiêu. "Cành tơ" giúp chúng ta liên tưởng đến những chàng trai, cô gái trẻ đang sống hết mình với tuổi thanh xuân. Xuân Diệu là người có lòng yêu vồ vập, sôi nổi, đắm đuối. Chỉ có ông mới trông thấy "tuần tháng mật" của ong bướm và cũng chỉ có ông mới nghe được yến anh trao nhau "khúc tình si". Những cái chớp mắt của nhà thi sĩ có cảm nhận tinh tế đã phát hiện ra muôn vàn sự hấp dẫn diệu kì của bức tranh thiên nhiên mùa xuân. Cứ mỗi ngày xuân đến là bắt đầu một đoạn đời vui, mỗi ngày đều được thần Vui gõ cửa, cuộc sống có biết bao điều thú vị. Tại sao con người ta phải đi tìm những thứ ấy ở một nơi xa xôi nào đó mà không nhận ra, trân trọng vẻ đẹp của thế gian? Chưa bao giờ trong thơ ca mùa xuân lại hiện ra tươi đẹp đến thế.
Mùa xuân không còn là người thiếu nữ e thẹn, không còn là bóng dáng mỏng manh ẩn sau mùa đông tàn tạ nữa mà mùa xuân đã hiện hình cụ thể: "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần". Mùa xuân không chỉ là mùa xuân của đất trời mà nó đã thấm vào hồn người. Xuân Diệu đã phát hiện ra bao điều đẹp đẽ, đáng được trân trọng của cuộc sống ở trần gian. Hình ảnh so sánh tuyệt mĩ, mới mẻ thể hiện khát khao yêu đương cháy bỏng của ông hoàng thơ ca tình yêu. Ông quan niệm cái đẹp nằm ngay trong cuộc sống trần thế và lấy con người làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của thiên nhiên. "Cặp môi gần" của người thiếu nữ chứa đầy sự quyến rũ và lôi cuốn. Trong các nhà thơ chỉ có Xuân Diệu mới có được sự cảm nhận tinh tế đến như vậy. Thi sĩ đã nhìn thấy mùa xuân ở mức độ tươi trẻ, căng mọng nhất, ông đã sử dụng tất cả các giác quan để tận hưởng những gì mà mùa xuân đem lại.
Giữa bữa tiệc trần gian có âm thanh và ánh sáng, nhà thơ bỗng đặt mình trong trạng thái "sung sướng" nhưng cũng có chút "vội vàng", lo âu:
"Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân".
Tác giả chạy đua với thời gian, ông lo âu đến cuống cuồng về mùa xuân, thời gian sẽ trôi chảy. Dấu chấm đặt giữa dòng thơ như một tiếng nấc lên đột ngột, một sự thức tỉnh trong suy nghĩ. Đây là dấu hiệu đặt trong cảm quan về sự chia phôi, tàn phai, úa rụng. Ở giữa mùa xuân và tuổi trẻ nhưng nhà thơ đã nuối tiếc vẻ đẹp căng tràn ấy. Xuân Diệu không đợi mùa xuân qua đi mới bày tỏ lòng nhớ tiếc mà ông đã vội vàng nuối tiếc ngay khi mùa xuân đang tràn trề sự sống. Tác giả đang ngây ngất với mùa xuân như một vị chúa ở đời thì chợt nhận ra sự ngắn ngủi, mong manh như thứ thủy tinh tuy đẹp lung linh, rực rỡ nhưng lại dễ vỡ:
"Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời"
Phải là một người yêu sự sống đến tột độ thì nhà thơ mới có tâm trạng bâng khuâng, lo sợ thời gian trôi chảy.
Nói đến xuân là nói đến những gì tươi mới, nguyên vẹn, tinh khôi nhất. Nếu bạn đọc có thể bị lôi cuốn theo từng nét vẽ của bức tranh thiên nhiên mùa xuân thì cũng có thể dễ dàng nhận thấy sự tiếc nuối về độ xuân sắc, sự tàn phai của vẻ đẹp trong thơ ông. Dưới con mắt đa tình, ông quan niệm: "Tình không tuổi và xuân không ngày tháng" nhưng cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc nên thi sĩ "không chờ nắng hạ mới hoài xuân". Vẻ đẹp của mùa xuân không tồn tại mãi mãi và bước đi vô tình của thời gian sẽ khiến mọi vật trở nên tàn phai, úa rụng nên Xuân Diệu muốn níu giữ mùa xuân cũng là điều hợp lí. Với vẻ đẹp tươi nguyên, mơn mởn của mùa xuân, nhà thơ đã thể hiện niềm mong muốn đến cháy bỏng của mình. Ông muốn "ôm cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn", "muốn riết mây đưa và gió lượn", "muốn say cánh bướm với tình yêu", "muốn thâu trong một cái hôn nhiều" và muốn "cắn" vào xuân hồng tràn đầy sinh lực.
Nếu mùa xuân không thướt tha, quyến rũ như người thiếu nữ thì có lẽ Xuân Diệu đã không có ước muốn ngăn cản sự chảy trôi vô tình của thời gian.Tác giả không chỉ liệt kê cho bạn đọc những nhân tố làm nên bức tranh xuân sinh động mà ông còn thể hiện được cái hồn của cảnh vật. Mùa xuân - một thế giới thần tiên lạ kì với biết bao nhiêu hương sắc là chốn để Xuân Diệu gửi mình vào đó.
-----------------HẾT-----------------
Qua bài thơ Vội vàng, thi sĩ Xuân Diệu đã dựng lên bức tranh thiên nhiên tinh khôi, đẹp đẽ tràn đầy sự sống, qua từng lời thơ người đọc không chỉ đắm mình trong khung cảnh xuân sắc tuyệt vời ấy mà còn cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tha thiết của người thi sĩ. Khám phá những đặc sắc về nội dung và tư tưởng của bài thơ, các em không nên bỏ qua: Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu, Phân tích Vội vàng để làm sáng tỏ nhận định: "Thế nào là thơ? Đó không phải chỉ là một nghệ thuật, đó là sự giải thoát của lòng tôi", Phân tích Vội vàng để thấy quan niệm sống của Xuân Diệu, Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng.