Phân tích vẻ đẹp của hình tượng li khách trong bài thơ Tống biệt hành

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp của hình tượng li khách trong bài thơ Tống biệt hành

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
  1. Mở bài
  2. Thân bài
  3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

Phân tích vẻ đẹp của hình tượng li khách trong bài thơ Tống biệt hành
 

I. Dàn ý Phân tích vẻ đẹp của hình tượng li khách trong bài thơ Tống biệt hành


1. Mở bài

- Sơ lược về Thâm Tâm và phong cách sáng tác.
- Giới thiệu tác phẩm với hình tượng li khách.


2. Thân bài

a. Hình tượng li khách với vẻ đẹp hào hùng, khí thế, mạnh mẽ:
- Buổi tiễn đưa không ở bến sông, hay ga tàu làm tăng khí thế của người đi.
- "Chí lớn chưa về bàn tay không/Thì không bao giờ nói trở lại/Ba năm mẹ già cũng đừng mong": Người bước ra từ con đường nhỏ của quê hương, mang một lòng quyết tâm, một chí khí hùng dũng, hăng hái tột bậc của thời trai trẻ, nhất định phải làm nên công danh. giọng điệu cương quyết mạnh mẽ như thấy hình tượng của một tráng sĩ, một đấng nam nhi thời cổ đại lên đường lập công danh.
- Anh muốn lãng quên tất cả, để cho khỏi nặng lòng chinh nhân, "Mẹ thà coi như chiếc lá bay/Chị thà coi như là hạt bụi/Em thà coi như hơi rượu say". Quyết tâm dứt áo ra đi một cách mạnh mẽ, hào hùng, li khách dằn lòng để quên đi những người đang mong ngóng.

b. Hình tượng li khách với nỗi buồn biệt li:
- "Sao có tiếng sóng ở trong lòng?", thể hiện một nỗi buồn mênh mang, ngây ngất trong lòng li khách khi gặp cảnh biệt ly.
- Bóng chiều sa dẫu có không gợi buồn lãng mạn bằng những nét thắm, nét vàng vọt thì nó vẫn để lại trong tấm lòng người thanh niên trẻ một cái gì đó rất man mác, gợi buồn.
- Ánh hoàng hôn khiến con người ta có phần dợn sóng, dồn tụ nỗi nhớ quê hương ở trong lòng li khách. Có thể nói nét cổ điển trong chi tiết "ánh hoàng hôn" đã làm cho hình tượng người li khách vừa thêm phần trang trọng, cũng có phần lãng mạn cổ xưa, đẹp nhưng không phải là nỗi buồn bi lụy.
- Nỗi buồn mênh mang kéo dài trong lòng li khách, buồn từ "chiều hôm trước", rồi "buồn sáng hôm nay" đã được cái vẻ cứng rắn, mạnh mẽ cùng cái khí thế hùng tráng, trầm hùng bao bọc nên cái nỗi buồn của người đi nó cũng vơi đi nhiều, nhưng chẳng thể nào che giấu hết.
- "Ly khách ven trời nghe muốn khóc/Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm": Bóng hoàng hôn đã xa, quê hương gia đình cũng đã xa, chỉ còn lại mình li khách với cái bóng lặng lẽ âm thầm hứng từng cơn gió lạnh, nhuệ khí, lời thề ghê gớm, kiên quyết mấy cũng chẳng thể chống nổi cái buồn thương lúc này. Li khách chỉ muốn khóc lên giữa sự trống trải cô đơn và cái đích xa vời.


3. Kết bài

- Nêu cảm nhận:

 

II. Bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp của hình tượng li khách trong bài thơ Tống biệt hành

Thâm Tâm (1917-1950) là một nhà soạn kịch và nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử đã có những lúc thi đàn Việt Nam rơi vào cảnh khốn đốn, thế nhưng Thâm Tâm vẫn sáng tác đều trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ Mới. Ông có một giọng thơ đặc biệt, lúc nhẹ nhàng, sâu lắng, nhưng cũng có những lúc sôi sôi nổi hào khí, bi tráng kết hợp giữa chất liệu cổ điển và hiện đại làm nên một phong cách thơ chỉ có ở Thâm Tâm. Trong suốt cuộc đời cầm bút thì Tống biệt hành có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất, để khi nhắc về nó người ta vẫn mãi nhớ về một người nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho nền văn học cả dân tộc. Tác phẩm là một bài thơ xuất sắc, mà theo như Hoài Thanh nói: "nó đã làm sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ" bằng thể thơ thất ngôn hiện đại của ta, với "điệu thơ gấp, lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi gân guốc. Không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ". Hình tượng chính trong thơ là người li khách giã biệt gia đình lên đường ra chiến trận, với những vẻ đẹp trầm hùng, anh dũng, mang khí thế của thời đại, một thời đại in dấu đậm trong thi ca.

Có người đã không ngần ngại xếp Tống biệt hành vào hàng một trong những bài thơ tiền chiến hay nhất của thi đàn Việt Nam. Dẫu rằng đề tài biệt ly chưa bao giờ là mới mẻ trong thi ca, đặc biệt là trong thời kỳ thơ Mới phát triển mạnh mẽ, thế nhưng chủ yếu người ta vẫn thấy những cảnh biệt ly buồn bã, sướt mướt, chứ nào giờ chưa thấy cảnh biệt ly nào của li khách lại mạnh mẽ, uy hùng và đầy hào khí mãnh liệt như trong Tống biệt hành của Thâm Tâm cả.

"Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?"

Từ lâu nay, mỗi lần tiễn biệt dường như hình bóng con sông đã trở thành nơi giã từ kinh điển, người con gái đi lấy chồng cũng qua sông, người khách nhân từ giã quê hương cũng thường lấy việc qua sông qua đò làm điểm ngăn cách, thế nhưng hình tượng li khách trong Tống biệt hành không giã từ quê hương bằng việc qua sông, tác giả cũng chẳng tiễn bạn mình ở nơi bến nước. Thế nhưng kỳ lạ thay người đi vẫn nghe "Sao có tiếng sóng ở trong lòng?", có lẽ rằng hình tượng chia tay đã gắn bó quá sâu sắc với con sông quê hương và đi sau vào tiềm thức của người đi một các tự nhiên mất rồi. Điều ấy còn thể hiện một nỗi buồn mênh mang, ngây ngất trong lòng li khách khi gặp cảnh biệt li, nốt hôm nay nữa thôi là anh sẽ lên đường chiến đấu, rời xa quê hương, dù hào khí ngập trời, thì nỗi buồn vương vấn quê hương là điều khó tránh khỏi. Và dĩ nhiên rằng người buồn cảnh chẳng vui đâu bao giờ bóng chiều sa dẫu có không gợi buồn lãng mạn bằng những nét thắm, nét vàng vọt thì nó vẫn để lại trong tấm long người thanh niên trẻ một cái gì đó rất man mác, gợi buồn. Sao ta lại biết người buồn, bởi vì một câu "Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?", phải nói rằng hoàng hôn là cái kết thúc duy nhất có vẻ mỹ lệ ở trên đời, nhưng cũng lại là thứ khiến con người ta có phần dợn sóng, dồn tụ nỗi nhớ quê hương ở trong lòng, mặc dù người li khách vẫn chưa bước khỏi quê hương, xem như là buồn nhớ trước vậy. Có thể nói nét cổ điển trong chi tiết "ánh hoàng hôn" đã làm cho hình tượng người li khách vừa thêm phần trang trọng, cũng có phần lãng mạn cổ xưa, đẹp nhưng không phải là nỗi buồn bi lụy.

"Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí lớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong."

Cuối cùng người cũng phải bước ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, người bước ra từ con đường nhỏ của quê hương, mang một lòng quyết tâm, một chí khí hùng dũng, hăng hái tột bậc của thời trai trẻ, nhất định phải làm nên công danh, "Chí lớn chưa về bàn tay không/Thì không bao giờ nói trở lại". Câu thơ khiến ta ít nhiều liên tưởng đến hình tượng người lính ra đi trong câu thơ "Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" trong Đất nước của Nguyễn Đình Thi, chỉ khác rằng nó ít đi một phần lãng mạn, uyển chuyển mà lại cứng rắn, giọng điệu cương quyết mạnh mẽ như thấy hình tượng của một tráng sĩ, một đấng nam nhi thời cổ đại lên đường lập công danh nhiều hơn. Có lẽ người li khách phần nhiều là bước vào cuộc chiến và lý tưởng cao đẹp là đất nước hòa bình anh mới trở về, thế nên mốc định "Ba năm mẹ già cũng đừng mong" là một sự ước hẹn, cũng là niềm hy vọng hết 3 năm ấy li khách có thể quay về với quê hương, trả lại một đất nước thanh bình chăng?

"Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót (*).
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay..."

Ừ thì giọng điệu cương quyết cứng rắn, chí khí ngút trời, thề thốt mạnh mẽ thế đấy nhưng thực tâm thì trong cảm nhận của tôi li khách có lẽ là một chàng trai còn rất trẻ, chí khí nam nhi có nhiều nhưng trong tâm hồn vẫn có những góc còn non yếu, dứt tình kiểu "Ba năm mẹ già cũng đừng mong" đó là nói cứng miệng thế thôi, chứ tế anh thương mẹ, thương gia đình, thương những chị gái như sen mùa hạ, thương cậu em trai còn vương mắt lệ để tiễn anh đi. Nhìn vào cấu tứ của bài thơ thì có vẻ li khách là con trai trưởng và là trụ cột trong một gia đình, sự kiên quyết rời bỏ quê hương đi làm chí lớn, đi chiến đấu để lại một gia đình bơ vơ, không ai gánh vác, li khách cũng nhọc lòng lo lắng lắm chứ, sao có thể dứt tình như lời thề thốt cứng rắn bên trên được. Thực tế rằng chẳng có người ra đi nào vui, chẳng qua là cố ra vẻ cứng rắn, mạnh mẽ để người ở lại được lòng yên tâm thế thôi, chứ như trong bài thơ này được cái khí thế hùng tráng, trầm hùng bao bọc nên cái nỗi buồn của người đi nó cũng vơi đi nhiều nhưng chẳng thể nào che giấu hết. Li khách đã buồn từ "chiều hôm trước", rồi "buồn sáng hôm nay", thậm chí lúc tiễn biệt người cũng thấy ánh hoàng hôn chất đầy trong đáy mắt, nhưng sự quyết tâm, lời thề lập chí nên trai đã không cho phép anh lùi bước, dù có buồn lâu hơn nữa người trai vẫn quyết tâm lên đường, dứt áo ra đi khỏi quê hương, đi chiến đấu hoặc có thể là một việc gì đó lớn lao không ai biết, nhưng tôi nghĩ rằng với cuộc đời lính của Thâm Tâm thì li khách nhiều khả năng là bước vào chiến trường với tâm thế của một tráng sĩ thời xưa.

"Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
Mây thu đầu núi, gió lên trăng (**)
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.
Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm"

Và người đã ra đi thực, ra đi trong một ngày thu, trong một chiều thu, toàn là những khung cảnh khiến người ta dễ xúc động, cả mây bay, gió lạnh khiến li khác chỉ muốn bật khóc. Đã quyết ra đi sao có thể mềm lòng được nữa, anh muốn lãng quên tất cả, để cho khỏi nặng lòng chinh nhân, "Mẹ thà coi như chiếc lá bay/Chị thà coi như là hạt bụi/Em thà coi như hơi rượu say". Nhịp thơ đoạn này trở nên dồn dập, gay gắt và chua chát hơn hẳn, vì chí làm trai mà li khách phải kìm nén nhiều quá, nhưng biết làm sao được. Bóng hoàng hôn đã xa, quê hương gia đình cũng đã xa, chỉ còn lại mình li khách với cái bóng lặng lẽ âm thầm hứng từng cơn gió lạnh, nhuệ khí, lời thề ghê gớm, kiên quyết mấy cũng chẳng thể chống nổi cái buồn thương lúc này. Li khách chỉ muốn khóc lên giữa sự trống trải cô đơn và cái đích xa vời, ngộ nhỡ một lần đi không trở lại? "Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm" cũng cứ thế mà nằm trong lòng li khách, anh muốn khóc nhưng không thể khóc, người nam nhi đi làm chí lớn thì biết trách ai bây giờ?

Đôi lúc tôi vẫn không thể hiểu bài thơ này của Thâm Tâm nó cứ có một cái gì đó lạ lùng và mịt mờ, hình tượng người li khách cũng vậy, cứ cho người ta cảm thấy rằng lúc đầu người ra đi rắn rỏi, nhuệ khí bao nhiêu, mạnh mẽ, kiên quyết bao nhiêu thì càng đào sâu vào ta lại mới biết được hóa ra đó chỉ là cái vẻ bề ngoài có phần hiếu thắng và xúc động, chứ thực tế người thanh niên trẻ này vẫn còn mang một tấm lòng mềm yếu, gắn bó tha thiết với quê hương và nhiều cảm xúc mâu thuẫn những ngày mới bước ra đi.

------------------HẾT-------------------

Tống biệt hành là bài thơ nổi tiếng của Thâm Tâm, bên cạnh bài Phân tích vẻ đẹp của hình tượng li khách trong bài thơ Tống biệt hành, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 11 khác như: Bình giảng bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm, Phân tích bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài), Phân tích bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm, Qua bài Thuật hoài, suy nghĩ về lí tưởng sống của thanh niên ngày nay

Để có những cảm nhận chân thực về hình tượng người li khách trong bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm, các em học sinh hãy cùng Phân tích bài thơ Tống biệt hành để thấy được vẻ đẹp của hình tượng li khách trong bài thơ Tống biệt hành mà chúng tôi giới thiệu bên dưới đây nhé.
Phân tích hình tượng Bê-li-cốp trong Người trong bao
Phân tích bài thơ Vọng nguyệt của Hồ Chí Minh
Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Dàn ý bình giảng bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm
Bình giảng bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm
Vẻ đẹp hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tỏ lòng

ĐỌC NHIỀU