Đề bài: Phân tích nỗi đau của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên
Phân tích nỗi đau của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên
1. Mở bài:
- Giới thiệu về đoạn trích
2. Thân bài:
a. Vị trí và nội dung:
- Từ câu 723 đến 756 thuộc phần Gia biến và lưu lạc.
- Sau khi Gặp Kim Trọng và đính ước cùng chàng, gia đình Kiều xảy ta gia biến
- Kiều buộc phải bán mình cứu cha và em
- Đêm trước ngày ra đi, Kiều trao lại mối duyên của mình cho Thuý Vân, nhờ Vân trả nghĩa của Kim Trọng.
- Đoạn trích thể hiện nỗi đau đớn, giằng xé trong lòng Kiều.
b. Nỗi đau của Kiều:
* Khi cậy nhờ em:
- Kiều cậy nhờ em trong sự cẩn trọng, đắn đo và hoang mang "Cậy em có chịu lời"
- Những hành động thể hiện sự kính trọng của Kiều "lạy, thưa": chứa đựng sự đau đớn của Kiều.
- Nàng ép buộc Vân phải nhận lời mình.
* Khi Kiều kể về mối duyên của mình:
- Nàng kể về mối duyên tình đẹp đẽ của mình trong niềm tiếc nuối.
- Nàng tâm sự cùng em khi phải lựa chọn chữ hiếu "Hiểu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai" nhưng món nợ tình với chàng Kim cũng khó trả hết.
- Nàng dằn vặt trong đau đớn khi đưa ra những lý lẽ trao duyên.
* Khi trao kỉ vật:
- Nàng trao những kỷ vật tình yêu trong niềm tiếc nuối
- Tâm trạng nàng giằng xé, vừa muốn trao đi, vừa muốn giữ lại nên nàng muốn kỷ vật ấy thành "của chung".
- Dự cảm của nàng về cái chết cũng như số phận của mình. Nàng xót xa tự nhận là "người bạc mệnh".
- Khi Vân nhận lời, Kiều không hề thanh thản mà còn xót xa và nặng nề hơn.
* Khi Kiều nghĩ về Kim Trọng:
- Nỗi đau kìm nén trong lòng bật ra một cách mãnh liệt, Kiều thổn thức trong đau đớn.
- Nàng bất lực và tuyệt vọng gọi tên của chàng "Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!/Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây".
- Tiếng nấc nghẹn đầy đau đớn của nàng khiến nàng gần như mê sảng trong nỗi đau vô bờ.
3. Kết bài
Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn trích
Tình yêu đầu bao giờ cũng là thứ tình cảm khó quên nhất, sâu đậm nhất trong lòng mỗi người. Thế nhưng với Thuý Kiều, đó lại là mối tình chứa đựng nhiều sự đau khổ khôn nguôi nhất, bởi nàng đã phải buộc lòng "trao duyên" của mình cho em gái, vì chữ hiếu, vì gia đình. Tất cả những nỗi đau đớn khôn xiết của nàng đều được thể hiện qua từng câu chữ trong đoạn trích Trao duyên.
Đoạn trích Trao duyên là trích đoạn từ câu 723 đến câu 756, thuộc phần Gia biến và lưu lạc trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Đây là câu chuyện xảy ra sau khi Kiều đi du xuân, gặp gỡ chàng trai hào hoa Kim Trọng và cùng chàng đính ước trong đêm trăng. Ngay sau đó, Kim Trọng phải về quê chịu tang chú thì gia đình Kiều gặp gia biến. Cha và em trai bị bắt vào ngục, vì để cứu cha và em, Kiều buộc phải bán mình làm vợ lẽ của Mã Giám Sinh với giá bốn trăm lạng vàng. Trước ngày ra đi, Kiều đã nhờ Thuý Vân ở lại và thay nàng trả nghĩa cho Kim Trọng. Trong đoạn trích này, Nguyễn Du đã tái hiện trọn vẹn những cảm xúc trong sâu thẳm trái tim của Kiều, đó là sự đau đớn, sự giằng xé vô cùng khi phải trao đi tình yêu đầu vô cùng sâu đậm.
Đêm trước ngày ra đi, Kiều lặng lẽ ngồi trong phòng tối, thầm nghĩ lại mọi chuyện của mình. Nàng đau xót cho bản thân mình, đau xót vì phụ tình Kim Trọng, đau xót cho mối tình vừa mới chớm đã phải lụi tàn của mình. Kiều khóc thương cho phận mình, duyên mình, tâm trạng nàng rối bời. Nàng luôn tự trách lòng rằng bản thân đã phụ Kim Trọng, tuy là vì chữ hiếu nhưng nàng thực sự có lỗi với chàng và chỉ còn một cách để cứu vãn đó là nhờ Thuý Vân giúp nàng trả nghĩa cho Kim Trọng thì nàng mới có thể yên lòng mà ra đi. Vừa đúng lúc ấy, Vân lại sang phòng Kiều, và Kiều đã mở lời với Vân trong sự e ngại, thận trọng và ngập ngừng rằng:
"Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa"
Những câu từ bật ra, người đọc có thể thấy ngay được sự ngập ngừng, sự thận trọng của Kiều. Nàng lựa chọn những từ ngữ khéo léo nhất, đắn đo nhất mà nói với Vân. Nàng "cậy" em mình. Từ "cậy" ấy mang một âm điệu nặng nề, một sự hoang mang đầy dằn vặt. Và tiếp theo sau là những hành động hết sức khó hiểu, khiến cho chúng ta vô cùng ngạc nhiên "Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa". Đây là những hành động thể hiện sự tôn kính hết mực với bề trên, ấy vậy mà nay, Kiều dùng với Vân - em gái của mình. Điều này chứng tỏ, chuyện mà Kiều muốn nhờ Vân đây là một chuyện đại sự, cực kì quan trọng với nàng. Những lời nói ấy thốt ra là chứa đựng bao nỗi băn khoăn, bao nỗi đau đớn và xót xa của Kiều dành cho mối tình của mình. Chắc hẳn, Kiều phải tuyệt vọng lắm muốn phải thốt lên những tiếng "cậy nhờ" như thế. Nói là "cậy" là "nhờ" nhưng ẩn chứa trong đó là sức mạnh ép buộc Vân phải nhận lời.
Tuy Kiều đã khéo léo đặt vấn đề với Vân bằng những câu từ hết sức tinh tế, nhưng ta vẫn cảm nhận được nỗi đau và sự tuyệt vọng trong từng câu chữ. Sau lời nói đầu, Kiều lại bộc bạch cùng em về câu chuyện tình yêu của mình:
"Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiểu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai"
Mỗi lời là một kỉ niệm về mối tình đầu đầy đẹp đẽ, trong sáng và vẹn nguyên của nàng. Lời ước hẹn vẫn còn nguyên đó , thế nhưng nay đành "đứt gánh giữa đường" vì "hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai". Lời tâm sự của Kiều cũng là lời thổn thức trong trái tim nàng, là nỗi đau đớn, dằn vặt trong tim nàng.
Vẫn biết rằng, chữ hiếu chữ tình thì khó bề trọn vẹn cả hai, thế nhưng, dứt đi mối tình đầu sâu đậm ất với nàng cũng là một nỗi đau giằng xé con tim. Nàng bán mình lấy tiền cứu cha và em, thế nhưng canh cánh trong lòng là tình yêu với Kim Trọng, mà "nợ tình" thì trả sao cho hết. Vậy nên, nàng van lơn em gái hãy thay mình trả món nợ tình này, vì nàng, vì tình ruột thịt. Mỗi câu Kiều nói ra đều như vết dao cắt vào tim nàng, đau đớn xót xa vô cùng. Bởi với nàng, chỉ cần trả nghĩa cho chàng Kim xong, thì nàng nguyện chết với cái chết thê thảm nhất.
Mỗi câu chữ mà Kiều trao duyên đều hết sức thông minh, hết sức chặt chẽ khiến cho Vân khó lòng mà từ chối. Thế nhưng, ẩn chứa trong đó là sự dãn vặt, đau đớn cho mỗi tinh của mình. Nàng trao duyên nên cũng đành lòng trao hết những kỉ vật tình yêu cho em gái:
"Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa."
Những lời ở trên, Kiều nói cho Vân nghe hết sức bình tĩnh, mọi sự đau khổ, dằn vặt, nàng cất giữ cho riêng mình thì ở đây, khi trao đi kỉ vật của tình yêu, Kiều bắt đầu thổn thức. Từng kỉ vật được trao đi là những kỉ vật mà nàng nâng niu, trân trọng, từng món từng món, nàng đều nhớ kĩ "chiếc thoa", "bức tờ mây", "mảnh hương nguyền", .... Kỉ vật trao hết là nàng đã tác thành cho Vân và Kim Trọng. Sau này, hai người sẽ nên duyên vợ chồng, nhưng những món kỉ vật này, hãy xem nó là "của chung". Nàng "trao duyên" đi rồi, kỉ vật cũng đã trao, thế nhưng mối duyên này, nàng không muốn lãng quên nó hoàn toàn. Trong lòng Kiều là giằng xé, là dằn vặt, bởi một bên nàng muốn tác thành cho hai người, một bên, nàng lại tiếc thương cho mối duyên tình sâu đậm của mình, không đành lòng mà dứt bỏ nó. Càng nói, Kiều càng đau xót cho số phận mình, nàng tự nhận mình là một kẻ "bạc mệnh", dự cảm về tương lai mịt mù của mình và ở đó, cái chết có lẽ là thứ mà nàng thấy được rõ ràng nhất.
Khi Vân và Kim Trọng nên duyên, Kiều nghĩ, có lẽ khi ấy, mình chỉ còn là một mảnh hồn vất vưởng, "hiu hiu" trong gió, nhưng vẫn một lòng mang nặng lời thề son sắt với Kim Trọng. Thật là mâu thuẫn, trong lòng nàng là đan xen của mọi cảm xúc. Trao duyên đi, Kiều chỉ mong được nhận lời, ấy vậy mà được Vân nhận lời thì Kiều lại chẳng hề nhẹ lòng mà thanh thản. Tâm trạng của nàng càng nặng nề hơn nữa, càng xót xa hơn nữa!
Có thể thấy rằng, những câu nói của Kiều là sự giằng xé, là tiếc nuối khi phải trao đi mối duyên của mình. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi xót xa, thương thân cho số phận bạc bẽo của mình, cho tương lai mờ mịt, không lối thoát của mình.
Nếu như lúc đầu, Kiều kìm nén mọi cảm xúc, cố gắng dùng những lời lẽ khéo léo nhất để Thuý Vân nhận lời mình. Nàng giấu hết thảy những đau xót bên trong thì đến khi Vân đi khỏi, Kiều mới bật ra tiếng khóc nghẹn lòng:
"Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân.
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy, hoa trôi lỡ làng".
Mối tình của nàng tưởng chừng là đẹp đẽ, là một mối duyên giữa trai tài gái sắc, thế mà giờ đây chỉ còn lại những "trâm gãy, bình tan", đau xót vô cùng. Duyên phận là thế, nhưng "phận bạc như vôi" thì cũng phải đành chấp nhận mối duyên đó phải "lỡ làng". Nàng hiểu tình yêu của chàng, hiểu tấm lòng của chàng, nhưng biết làm sao, giờ đây, nàng không còn sự lựa chọn nào khác, nàng buộc lòng phải "phụ chàng". Trong đau đớn, bất lực và tuyệt vọng, Kiều thốt lên nghẹn ngào:
"Ôi Kim lang, hỡi Kim Lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây"
Tiếng nấc nghẹn ấy của Kiều đã bộc lộ toàn bộ những cảm xúc trong lòng nàng khi đó. Tất cả là sự đau xót trong quằn quại. Nàng thốt lên tên chàng trong nỗi đau đớn khôn tận. Ta có thể thấy được có lẽ lúc đó Kiều đã khóc, khóc trong nghẹn ngào, đau khổ khi phải dứt đi mối duyên tình sâu đậm.
Đoạn trích khép lại trong nỗi đau quằn quại của Kiều, nỗi đau tột đỉnh khiến nàng chẳng thể kìm nén. Qua đó, người ta cũng thấy được sự nhân hậu và vị tha của một người con gái sẵn sàng hi sinh tất cả vì gia đình, vì người mình yêu.
Đoạn trích Trao duyên đã diễn tả hết sức chân thực những cảm xúc, nỗi đau của Kiều khi buộc phải trao đi mối duyên tình của mình. Từng lời nói, cử chỉ của Kiều đã lột tả được hết những rung động, cảm xúc trong sâu thẳm tâm hồn nàng. Đó là nỗi dằn vặt, giằng xé, niềm tiếc nuối và cả những giọt nước mắt nghẹn ngào nữa. Nguyễn Dũ đã vô cùng thành công khi trong việc sử dụng ngôn ngữ để diễn tả cảm xúc của Kiểu một cách chân thực nhất tới người độc chúng ta.
-----------------HẾT---------------
Có thể nói, Trao duyên là đoạn trích khiến người đọc bùi ngùi, thương cảm nhất cho số phận trớ trêu của Thúy Kiều. Bởi trong đó là bao đau đớn, tiếc thương, oan trái của Thuý Kiều. Một số các bài viết như Phân tích 18 câu thơ đầu đoạn trích Trao duyên, Thuyết minh về đoạn trích Trao duyên, Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên, Cảm nghĩ về đoạn thơ Trao duyên và phân tích Trao duyên sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn nữa về đoạn trích này!