Phân tích nghệ thuật đặc sắc trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Đề bài: Anh/chị hãy Phân tích nghệ thuật đặc sắc trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ.

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
 1. Mở bài
 2. Thân bài
 3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

Phân tích nghệ thuật đặc sắc trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
 

I. Dàn ý Phân tích nghệ thuật đặc sắc trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên


1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần phân tích


2. Thân bài

a. Nghệ thuật kể chuyện với kết cấu truyện giàu kịch tích, nhiều chi tiết lôi cuốn, cách dẫn dắt chuyện khéo léo, hợp lý, cách kể tả sinh động và hấp dẫn.
- Mở đầu câu chuyện bằng cảnh Tử Văn tắm rửa sạch sẽ, khấn vái rồi "châm lửa đốt đền. Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi lo sợ thay cho Tử Văn".
=> Gây sự tò mò, hàng loạt các câu hỏi được đặt ra như vì sao Tử Văn đốt đền, vì sao mọi người lại lo sợ,... khiến độc giả có hứng thú tiếp tục tìm hiểu sâu vào câu chuyện.

- Tạo ra các nút thắt cho câu chuyện, từ nhỏ đến lớn, rồi dẫn đến những cao trào mạnh mẽ, khiến độc giả hồi hộp trông ngóng cách Nguyễn Dữ gỡ nút thắt:
+ Ngô Tử Văn sau khi đốt đến thì bỗng "thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo, bụng run run rồi cả người nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét", sau đó bị tên tướng giặc họ Thôi đe dọa, thách thức.
+ Thổ thần đến mách nước cho Tử Văn biết về chuyện tên yêu quái đã kiện chằng ở Minh ti, để cho chàng chuẩn bị.
+ Nửa đêm bệnh của Tử Văn trở nặng rồi bị bắt xuống dưới Minh ti, đường đi liên tục hiện ra những quang cảnh hãi hùng, sống động, mở ra trong mắt người đọc những liên tưởng đặc sắc, thú vị về sự rùng rợn cõi âm bằng các chi tiết nhỏ như "...gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương. Hai bên cầu có đến mấy vạn quỷ Dạ Xoa đều mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác...".
+ Ngô Tử Văn ở điện Diêm Vương chàng bình tĩnh, khẳng khái trả lời và đối đáp một cách mạch lạc với cả Diêm Vương và tên tướng giặc họ Thôi, "lời rất cứng cỏi không chịu nhún nhường chút nào".
=> Nút thắt truyện dần được nới lỏng, Diêm Vương nổi lòng nghi về sự "thật thà" của hồn ma tên tướng giặc.
- Cởi bỏ nút thắt: Diêm Vương sai người tra xét rõ ngọn ngành, cho gọi Thổ Thần thật tới, cuối cùng câu chuyện được mở nút, mọi sự sáng tỏ, kẻ nào đáng tội phải chịu phạt, Tử Văn được tha bổng, cho sống lại.

b. Chi tiết hoang đường kỳ ảo được đan xen:
- Sự thông linh giữa ba cõi trần-tiên-ma, gây hứng thú sâu sắc cho người đọc. Các chi tiết hoang đường như cảnh rùng rợn ở cõi âm, sự xuất hiện của các nhân vật dưới điện Diêm Vương tăng thêm phần kịch tính, mở ra một không gian truyện mới lạ, hấp dẫn.
- Việc xây dựng các nhân vật kỳ ảo như hồn ma tên tướng giặc họ Thôi, Diêm Vương, Thổ công là ý tưởng của tác giả về sự liên kết chặt chẽ giữa các thế giới thực và ảo, mỗi nhân vật là đại diện cho một thế lực trong xã hội, không chỉ đúng với cõi trần gian và giữa ba cõi tiên, âm, dương cũng đều đúng.
- Sự xuất hiện của các nhân vật có mang yếu tố hoang đường kì ảo có ý nghĩa giáo dục con người rằng dù sống hay chết thì thế giới vẫn luôn có trật tự, thiện luôn thắng ác, con người dù ở cõi nào cũng phải hành xử đúng mực = > Tư tưởng răn đe và giáo dục mà Nguyễn Dữ muốn truyền tải cũng trở nên sâu sắc, ấn tượng hơn.

c. Xây dựng tuyến nhân vật thiện - ác tương phản đối lập nhau rõ ràng.
- Nhân vật Ngô Tử Văn tuy chỉ là người phàm nhưng dũng cảm có tấm lòng hành thiện trượng nghĩa, bình tĩnh trước mọi biến cố xảy đến, khi cần thưa chuyện thì nói năng mạch lạc, chứng cứ rõ ràng.
- Trái lại hồn ma tên tướng giặc làm việc ác, giả nhân giả nghĩa, nói dối trắng trợn, cuối cùng đành chịu đuối lý trước sự vạch trần mạnh mẽ, thẳng thắn của Ngô Tử Văn.
- Tính chất thiện-ác của nhân vật được bộc lộ một cách rõ ràng qua lời nói, hành động, cùng với nội tâm (Ngô Tử Văn), điều đó giúp độc giả có một cái nhìn đa chiều và khách quan hơn về các nhân vật.
 

3. Kết bài

Nêu cảm nhận.


II. Bài văn mẫu Phân tích nghệ thuật đặc sắc trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

1. Bài văn mẫu số 1:

Nguyễn Dữ là một trong những tác giả đáng chú ý của nền văn học trung đại Việt Nam, tuy số lượng sáng tác không nhiều, thế nhưng ông lại là người đã đưa làn gió mới vào văn học dân tộc, mở đường cho thể loại truyện truyền kỳ du nhập vào nền văn học phong phú của nước ta với tập Truyền kỳ mạn lục viết bằng chữ Hán, ra đời khoảng thế kỷ thứ XVI. Nội dung truyện chủ yếu hướng đến ý nghĩa giáo dục lối sống con người hành thiện tích đức, đấu tranh mạnh mẽ chống lại cái ác cái xấu xa, bất công trong xã hội. Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên là một trong số 20 truyện ngắn trích rút từ Truyền kỳ mạn lục, đây là truyện tiêu biểu và xuất sắc nhất thể hiện rõ ý đồ cũng như tư tưởng của tác giả. Làm nên thành công của truyện không chỉ nhờ vào phần nội dung có giá trị nhân văn sâu sắc mà còn nhờ vào những đặc sắc nghệ thuật được Nguyễn Dữ sử dụng một cách tinh tế và linh hoạt trong tác phẩm, nhấn mạnh và khắc sâu thêm ý nghĩa giáo dục, phê phán và khuyên răn của truyện.

Nét đặc sắc nghệ thuật đầu tiên và cũng là tiêu biểu nhất bao trùm toàn bộ tác phẩm ấy là nghệ thuật kể chuyện với kết cấu truyện giàu kịch tích, nhiều chi tiết lôi cuốn, cách dẫn dắt chuyện khéo léo, hợp lý, cách kể tả sinh động và hấp dẫn. Nguyễn Dữ đã mở đầu câu chuyện bằng cảnh Tử Văn tắm rửa sạch sẽ, khấn vái rồi "châm lửa đốt đền. Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi lo sợ thay cho Tử Văn...". Cách mở đầu đã gây cho độc giả nhiều sự tò mò, hàng loạt các câu hỏi được đặt ra như vì sao Tử Văn đốt đền, vì sao mọi người lại lo sợ,... khiến độc giả có hứng thú tiếp tục tìm hiểu sâu vào câu chuyện. Tiếp đến tác giả bắt đầu tạo ra các nút thắt cho câu chuyện, từ nhỏ đến lớn, rồi dẫn đến những cao trào mạnh mẽ, khiến độc giả hồi hộp trông ngóng cách Nguyễn Dữ gỡ nút thắt. Khởi nguồn từ việc chàng Ngô Tử Văn sau khi đốt đến thì bỗng "thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo, bụng run run rồi cả người nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét", sau đó trong cơn mê sảng thì gặp một kẻ đội mũ trụ, mặc áo giáp, lúc đầu thì giả vờ khuyên giả Tử Văn dựng lại đền, sau thấy chàng dửng dưng thì nổi giận buông lời đe dọa sẽ cho Tử Văn gánh hậu quả khôn lường. Dĩ nhiên rằng với một kẻ đê tiện như tên tướng giặc họ Thôi thì hắn sẽ trả thù Tử Văn bằng mọi cách, sau đó để mở dần đường giải quyết câu chuyện Nguyễn Dữ đã kể chuyện về vị Thổ thần đến mách nước cho Tử Văn biết về chuyện tên yêu quái đã kiện chằng ở Minh ti, để cho chàng chuẩn bị. Đồng thời lúc này đây, Thổ Thần cũng giãi bày nguyên cớ sự việc để cho Tử Văn có đường ăn nói kêu oan dưới Minh ti. Quả nhiên sau đó đến nửa đêm bệnh của Tử Văn trở nặng rồi bị bắt xuống dưới Minh ti, đường đi liên tục hiện ra những quang cảnh hãi hùng, sống động, mở ra trong mắt người đọc những liên tưởng đặc sắc, thú vị về sự rùng rợn cõi âm bằng các chi tiết nhỏ như "...gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương. Hai bên cầu có đến mấy vạn quỷ Dạ Xoa đều mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác...". Tuy nhiên Ngô Tử Văn là người chính trực, gan dạ chàng không vì thế mà nản lòng, đến nơi trước điện Diêm Vương chàng bình tĩnh, khẳng khái trả lời và đối đáp một cách mạch lạc với cả Diêm Vương và tên tướng giặc họ Thôi "lời rất cứng cỏi không chịu nhún nhường chút nào". Tại đây nút thắt truyện dần được nới lỏng, Diêm Vương là vị quan thông minh và chính trực thấy Tử Văn ngay thẳng, lời lẽ cương trực nên nổi lòng nghi về sự "thật thà" của hồn ma tên tướng giặc. Từ đó dẫn đến việc Diêm Vương sai người tra xét rõ ngọn ngành, cho gọi Thổ Thần thật tới, cuối cùng câu chuyện được mở nút, mọi sự sáng tỏ, kẻ nào đáng tội phải chịu phạt, Tử Văn được tha bổng, cho sống lại, cuối cùng nhận sự đền đáp là chức Phán sự đền Tản Viên, trở thành bậc tiên giả được người đời kính trọng, phúng viếng. Mở đầu truyện và xuyên suốt truyện là những nút thắt liên tục, căng thẳng và hồi hộp, kết truyện hợp lý, viên mãn khiến độc giả hài lòng và rút ra được nhiều bài học hay đó là nghệ thuật kể truyện đặc sắc mà Nguyễn Dữ đã vận dụng rất thành công.

Chi tiết nghệ thuật thứ hai không kém phần quan trọng ấy là những chi tiết hoang đường kì ảo được đan xen trong truyện bao gồm sự thông linh giữa ba cõi trần-tiên-ma, gây hứng thú sâu sắc cho người đọc. Các chi tiết hoang đường như cảnh rùng rợn ở cõi âm, sự xuất hiện của các nhân vật dưới điện Diêm Vương tăng thêm phần kịch tính, mở ra một không gian truyện mới lạ, hấp dẫn. Việc xây dựng các nhân vật kỳ ảo như hồn ma tên tướng giặc họ Thôi, Diêm Vương, Thổ công là ý tưởng của tác giả về sự liên kết chặt chẽ giữa các thế giới thực và ảo, mỗi nhân vật là đại diện cho một thế lực trong xã hội, không chỉ đúng với cõi trần gian và giữa ba cõi tiên, âm, dương cũng đều đúng. Khi mà tên tướng giặc họ Thôi là đại diện cho cái ác, dối trá, lúc sống thì làm quân xâm lược, khi chết lại làm yêu quái, tham lam, đút lót hối lộ, phá hoại sự yên bình của cả ba giới. Thổ thần là tiên, đại diện cho bên thiện, nhưng bị cái ác chèn ép, phải cần có sự hỗ trợ của Tử Văn để lấy lại công bằng cho mình. Còn Diêm Vương là đại diện cho người phán xử, quyền lực, có năng lực phân xét đúng sai, trả lại công bằng cho cho người lương thiện, và trừng phạt kẻ ác. Sự xuất hiện của các nhân vật có mang yếu tố hoang đường kì ảo không chỉ đem lại sức hấp dẫn cho tác phẩm mà còn có ý nghĩa giáo dục con người rằng dù sống hay chết thì thế giới vẫn luôn có trật tự, thiện luôn thắng ác, con người dù ở cõi nào cũng phải hành xử đúng mực, chết không phải là đã kết thúc. Từ đó ta thấy được rằng tư tưởng răn đe và giáo dục mà Nguyễn Dữ muốn truyền tải cũng trở nên sâu sắc, ấn tượng hơn.

Cuối cùng đặc sắc của truyện còn nằm ở việc xây dựng tuyến nhân vật thiện - ác tương phản đối lập nhau rõ ràng. Nhân vật Ngô Tử Văn tuy chỉ là người phàm nhưng dũng cảm có tấm lòng hành thiện trượng nghĩa, bình tĩnh trước mọi biến cố xảy đến, khi cần thưa chuyện thì nói năng mạch lạc, chứng cứ rõ ràng, không hề chịu lép vế trước tên giặc họ Thôi. Trái lại hồn ma tên tướng giặc thì có phép thuật, mạnh hơn Tử Văn, thế nhưng lại làm việc ác, giả nhân giả nghĩa, nói dối trắng trợn, cuối cùng đành chịu đuối lý trước sự vạch trần mạnh mẽ, thẳng thắn của Ngô Tử Văn. Đọc truyện ta có thể thấy tính chất thiện-ác của nhân vật được bộc lộ một cách rõ ràng qua lời nói, hành động, cùng với nội tâm (Ngô Tử Văn), điều đó giúp độc giả có một cái nhìn đa chiều và khách quan hơn về các nhân vật.

Thêm một chi tiết nữa về nghệ thuật kể chuyện, mà nói đúng ta là các vận dụng câu chữ, Nguyễn Dữ không kể chuyện bằng một lối duy nhất mà thay vào đó ông phát triển câu chuyện cả trên ba phương diện ấy là lời kể khách quan của người dẫn chuyện, tính chủ quan trong lời thoại của các nhân vật và cuối cùng là phần lời bình đưa ra các nhận xét đánh giá chung, để giúp người đọc hiểu hơn về tư tưởng, cốt truyện và nhân vật. Đó là một cách kể chuyện hay, tự nhiên, linh hoạt và hấp dẫn mà không phải tác phẩm nào cũng có được.

Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là một truyện truyền kỳ hay và đặc sắc, làm nên giá trị nhân văn, ý nghĩa giáo dục của câu chuyện không chỉ bởi nội dung tranh đấu giữa cái thiện và cái ác, mà còn nằm ở cả nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm, tô đậm, điển hình hóa từng nhân vật, phác họa rõ bối cảnh, làm nổi bật chủ đề và tư tưởng của tác giả, tác phẩm. Câu chuyện đã chứng minh được tính chất liên quan mật thiết giữa nội dung và nghệ thuật trong một tác phẩm văn học, một tác phẩm hay không chỉ cần nội dung tốt mà còn cần cả sự linh hoạt, khéo léo của nghệ thuật, giống như một món ăn tuyệt vời, không chỉ cần ngon mà còn cần đẹp mắt.

 

2. Bài văn mẫu số 2:

“Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên” là một tác phẩm nổi tiếng trong kho tàng văn học trung đại Việt Nam. Không chỉ đem đến nhiều bài học đạo đức giá trị, truyện còn hàm chứa những yếu tố nghệ thuật đặc sắc, được tác giả sử dụng vô cùng linh hoạt, tinh tế. Qua đó, nhấn mạnh thêm tính giáo dục gửi tới hậu thế. 

“Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên” lấy trong tập “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ, kể về câu chuyện của Ngô Tử Văn - một con người cương trực, thẳng thắn, dám đứng lên chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Chàng dũng cảm đốt đi ngôi đền bị hồn ma tên bại tướng phương Bắc chiếm giữ, mạnh mẽ tố cáo tội ác của hắn trước mặt Diêm Vương. Nhờ vậy mà công lí được thực thi, đời sống người dân cũng yên ổn trở lại. Ngô Tử Văn cũng trở thành quan Phán sự đền Tản Viên. Còn hồn ma tên bại tướng phải chịu hình phạt thích đáng.

Nhìn vào tác phẩm, ta có thể thấy ngay nghệ thuật kể chuyện tài tình của Nguyễn Dữ. Từ cách xây dựng tình huống, dẫn dắt và giải quyết vấn đề đều được tác giả sắp xếp vô cùng chỉn chu, khéo léo. Ngay từ những dòng đầu tiên, ta đã chứng kiến Ngô Tử Văn đốt đền. Hành động ấy vừa gây được sự tò mò cho độc giả, vừa kéo theo hàng loạt những sự kiện tiếp nối. Nào là nhân vật lâm bệnh, bị đưa xuống âm ti, tham gia vụ xét xử của Diêm Vương,... Rồi những nút thắt được gỡ. Ngô Tử Văn được minh oan, còn tên tướng giặc phải chịu hình phạt thích đáng. Từng sự việc xảy ra liên tiếp theo mạch logic càng tạo điều kiện tốt hơn cho độc giả khi tiếp cận tác phẩm. Từ đó, nhận ra những bài học đạo đức quý báu mà tác giả truyền tải. 

Không chỉ vậy, Nguyễn Dữ còn xây dựng cả những chi tiết hư cấu, kì ảo, làm rõ thêm cho đặc trưng của thể loại truyện truyền kì. Các nhân vật Ngô Tử Văn, tên bại tướng, Thổ công hay Diêm Vương chính là đại diện cho ba cõi trần - ma - tiên theo quan niệm của người xưa. Thế giới thực và ảo liên kết chặt chẽ với nhau, càng thể hiện rõ hơn quan niệm “ở hiền gặp lành” hay “ác giả ác báo”. Cái thiện lúc nào cũng sẽ chiến thắng cái ác. Trật tự xã hội sẽ luôn được duy trì, bảo vệ dù ở bất cứ nơi đâu. Đây chính là điều răn dạy mà tác giả muốn gửi gắm. Đồng thời, cũng là yếu tố khiến tác phẩm trở nên hấp dẫn và thú vị hơn. 

Bên cạnh đó, việc xây dựng hai tuyến nhân vật thiện - ác riêng biệt, tương phản nhau cũng góp phần làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Nếu như hồn ma tên bại tướng là đại diện của sự xấu xa, lộng hành thì Ngô Tử Văn chính là đại diện của công lí. Tính cách cương trực, thẳng thắn của nhân vật đã được tác giả giới thiệu ngay từ đầu. Vậy nên thái độ, hành động phía sau hoàn toàn trùng khớp với mô-típ nhân vật định sẵn. Các nhân vật khác như Thổ địa, Diêm Vương đại diện cho đấng thần linh, luôn hỗ trợ người tốt và phán xử kẻ xấu. Bản chất của họ cũng được bộc lộ vô cùng rõ ràng qua từng lời nói, cử chỉ. Từ đó, đem đến cái nhìn rõ nét hơn, giúp độc giả hiểu hơn về tác phẩm. 

Tựu chung lại, “Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên” đã thành công cả về nội dung và nghệ thuật. Đây không chỉ là bài học, sự răn dạy về cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác mà còn là minh chứng cho tài năng nghệ thuật cùng tư tưởng đạo đức của Nguyễn Dữ. Chính bởi vậy mà cho đến nay, truyện vẫn được đông đảo bạn đọc đón nhận và yêu thích. 

 

---------------------HẾT-----------------------

Việc Phân tích nghệ thuật đặc sắc trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên đã giúp các em tìm hiểu về những nét đặc sắc trong việc kết hợp giữa yếu tố tả thực và hoang đường kì ảo trong việc truyền tải nội dung tác phẩm. Bên cạnh đó, khi tìm hiểu về Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, các em không nên bỏ qua: Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Thuyết minh Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ, Cảm nhận về nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Chứng minh nhận định: Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là khát vọng chiến thắng của công lí và chính nghĩa.

Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố kì và ảo đã mang đến sức hấp dẫn đặc biệt cho tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên. Để thấy hết được những đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm, các em hãy cùng Phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, trong đó tập trung làm nổi bật nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên nhé.
Phân tích, đánh giá chủ đề, nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên
Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
Nói và nghe Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên
Soạn bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Ngữ văn lớp 10
Giới thiệu về Nguyễn Dữ, với Truyền kì mạn lục và Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
Chứng minh nhận định: Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là khát vọng chiến thắng của công lí và chính nghĩa

ĐỌC NHIỀU